Nhân quyền tại Việt Nam theo nhận định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
2010.03.12
Trong phần tổng kết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bản phúc trình đề cập đến mọi khía cạnh từ chính trị, luật pháp, cho đến lao động, xã hội. Tuy nhiên vấn đề tự do tín ngưởng, tự do báo chí, quyền bày tỏ ý kiến, và thông tin được nhiều người lưu tâm nhất.
Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với Phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Michael Posner về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và một số quốc gia khác.
Đàn áp dân chủ
Hôm thứ Năm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phổ biến bản phúc trình thường niên về nhân quyền trên toàn thế giới, tại thủ đô Washington.
Vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực tự do báo chí, về quyền tự do phát biểu ý kiến một cách công khai của người dân, hàng loạt những sự đàn áp, bắt bớ đối với các nhà hoạt động chính trị.
Ô. Michael Posner
Đối với Việt Nam, bản phúc trình thể hiện những tuyên bố mới đây của nhiều viên chức Hoa Kỳ, cho thấy tình hình nhân quyền tại nước này hiện vẫn còn là vấn đề đáng ngại.
Bản phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong năm qua chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, nhắm vào những nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Bộ máy công quyền đã giam giữ nhiều nhà hoạt động chính trị và kết án những người đã bị bắt từ năm 2008. Số liệu của Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 60 tù nhân chính trị vào cuối năm 2009, trong đó có các luật sư, những nhà đấu tranh dân chủ, các bloggers, nhưng một số quan sát viên còn cho rằng trên thực tế con số này lên đến hàng trăm người.
Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam gia tăng nỗ lực đàn áp tự do báo chí. Sau sự việc xét xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi trẻ do các nhà báo này đã phanh phui vụ tham nhũng lớn của các quan chức của Bộ Giao thông Vận tải, tiếp đến là nhà báo Huy Đức của Báo Saigon Tiếp thị bị buộc thôi việc vì đăng những thông tin “nhạy cảm” về chính trị trên trang blog của ông.
Trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Michael Posner nêu lên những quan tâm về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ông cho biết:
“Vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực tự do báo chí, về quyền tự do phát biểu ý kiến một cách công khai của người dân, hàng loạt những sự đàn áp, bắt bớ đối với các nhà hoạt động chính trị đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Mặc dù Internet được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam, đa số người dân có thể truy cập được Internet thì chính phủ Việt Nam bắt chước theo kiểu của Trung Quốc tìm mọi cách để kiểm duyệt các nội dung phổ biến trên mạng, gây khó khăn để người dân không thể truy cập được những thông tin mà chính phủ không muốn họ biết.Và cũng còn những tù nhân bị giam giữ quá lâu mà chúng tôi thấy cần phải tiếp tục theo dõi các trường hợp này.”
Phúc trình về Nhân quyền của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu rõ trong khi số lượng bloggers tại Việt Nam gia tăng, thì bộ máy kiểm duyệt cũng như hệ thống an ninh cũng đồng thời ra sức ngăn chận mọi lời chỉ trích chính phủ xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng, liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông mà phía Trung Quốc cho là lãnh thổ của họ hay vấn đề chính phủ Việt Nam cho phép Trung Quốc khai thác bauxit ở khu vực Tây Nguyên.
Blogger Bùi Thanh Hiếu, dưới tên Người buôn gió và blogger Như Quỳnh tức Mẹ Nấm đã bị bắt giữ vì những bài viết phổ biến trên blog. Blogger Mẹ Nấm đã loan báo trên website của cô rằng để được trả tự do cô bị buộc phải từ bỏ việc post bài lên blog của mình. Nhà báo Phạm Đoan Trang cũng bị bắt giữ 10 ngày vì có liên quan đến hai bloggers này.
Không tự do tôn giáo
Liên quan đến lĩnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam mà chúng tôi thấy cần phải tiếp tục quan tâm, cụ thể như việc gần đây chính quyền đàn áp các tăng sinh và giải tán Tu viện Bát Nhã.
Ô. Michael Posner
Mặc dù phía Mỹ nhận định Việt Nam hiện có giảm bớt những biện pháp hạn chế đối với tôn giáo để chứng tỏ nỗ lực hòa hoãn với Tòa Thánh Vatican, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lưu ý rằng chính phủ Hà Nội vẫn tiếp tục ngăn chận những Giáo Hội Phật Giáo, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, hay Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo truyền thống và một số Giáo Hội Thiên Chúa Giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Bản phúc trình cũng đề cập tới hành động đàn áp mới đây đối với tín đồ Phật Giáo ở Tu viện Bát Nhã. Hàng trăm tăng sinh Bát Nhã bị các nhóm côn đồ hành hung trước sự chứng kiến của Công an sắc phục và thường phục.
Về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, ông Michael Posner nhận định như sau:
“Còn một loạt những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam mà chúng tôi thấy cần phải tiếp tục quan tâm, cụ thể như việc gần đây chính quyền đàn áp các tăng sinh và giải tán Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng. Ở một cấp độ nào đó Hoa Kỳ đã trao đổi thắng thắn với chính phủ Việt Nam, đề nghị phải để cho các nhà thờ, tu viện được tự do hoạt động hơn nữa.”
Ông Posner cũng nói thêm Hoa Kỳ hiện đang xem xét đề nghị đưa Việt Nam trở vào danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo, và quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Cũng liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo, theo ông Leonard Leo, Chủ tịch Ủy Ban của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế thì Việt Nam đang bước thụt lùi về nhân quyền và tự do tôn giáo, và hiện đã tới lúc để chính phủ Obama thực hiện hành động mà ông gọi là “có ý nghĩa”.
Ngoài Việt Nam, Bản phúc trình về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đề cập đến hành động đàn áp nhân quyền ở các quốc gia khác.
Bản phúc trình nêu rõ chính sách đàn áp của Trung Quốc đối với người sắc tộc Uighui ở Tân Cuơng, việc kiểm soát chặt chẽ người dân ở Tây Tạng. Về tôn giáo, Bắc Kinh tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công, và các Giáo Hội Thiên Chúa giáo tự do.
Tình hình nhân quyền tồi tệ ở Bắc Hàn cũng được đề cập tới, cụ thể nước này vẫn còn thực hiện nhiều vụ hành quyết mà không qua xét xử, áp dụng các biện pháp tra tấn, ngược đãi đối với tù nhân, và cưỡng bách phá thai.
Tại Miến Điện, tập đoàn quân nhân cầm quyền vẫn duy trì đàn áp chính trị đối với Đảng Đối lập Liên Minh Toàn Quốc đấu tranh cho Dân chủ, và tiếp tục giam giữ lãnh tụ của đảng này là bà Aung San Suu Kyi, và ngược đãi các sắc tộc thiểu số.
Tình hình nhân quyền cũng
không khả quan hơn tại những nước vốn được lưu tâm về thành tích nhân quyền,
như Afghanistan, Pakistan, Iran, Cuba, kể cả Liên bang Nga – tại các quốc gia
này các quyền tự do cơ bản của người dân không được tôn trọng và bảo vệ.
Theo dòng thời sự:
- LS. Lê Thị Công Nhân lại vừa bị bắt trở lại
- LS Lê Thị Công Nhân trả lời phỏng vấn RFA ngay sau khi ra tù
- Blogger “Mẹ Nấm” bị từ chối cấp hộ chiếu
- Tình hình Đồng Chiêm một tháng sau
- Đồng Chiêm: chuyến đi không thành
- Đi thăm Giáo xứ Đồng Chiêm, 3 tu sinh bị công an đánh
- Dư luận về việc đàn áp giáo dân ở Đồng Chiêm
- Ban tôn giáo chính phủ làm gì cho Đồng Chiêm