Việt Nam, 65 năm sau…(phần 1)

Việt Nam đang tổ chức kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9.
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010.09.02
000_Hkg3969113-305.jpg Biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Quốc Khánh và CMT8 tại Hà Nội hôm 02/9/2010
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự hào rằng Cách mạng tháng Tám năm 1945“là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước” của dân tộc, rằng “đảng đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, giành được độc lập, tự do, giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột”.

Nhân dịp này, chúng ta hãy nhìn lại 65 năm qua, người dân miền Bắc nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, được hưởng những gì từ thành quả cách mạng đó? Dân Việt Nam có thật sự được hưởng tự do, có được những quyền căn bản của con người như những người dân trên thế giới mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho họ hay không?

Nhân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập

Cách nay 65 năm, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam, đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mở đầu bản Tuyên ngôn này, Hồ Chí Minh đã nói: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tôi chưa nói đến điều là ý kiến phản biện không được quyền công bố công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ.

TS Nguyễn Quang A


Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: ‘người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi’. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Sau 65 năm kể từ khi Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm về quyền tự do, bình đẳng trong Tuyên ngôn Độc lập, các quyền tự do này bao gồm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do lập hội, biểu tình...thế nhưng trên thực tế, Việt Nam đã có bao giờ được hưởng những quyền đó chưa?

Nguyên thủ quốc gia cũng không có “tự do ngôn luận”!

Hkg3965892-200.jpg
Công nhân đang lắp đặt áp phích chào mừng Quốc Khánh hôm 31/8/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Công nhân đang lắp đặt áp phích chào mừng Quốc Khánh hôm 31/8/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Trong các quyền tự do mà ông Hồ nhắc đến trong Tuyên ngôn Độc lập, trước hết chúng ta hãy xét đến quyền tự do ngôn luận, tức là quyền được nói, cũng như được bày tỏ ý kiến một cách công khai. Quyền tự do ngôn luận không những được ông Hồ khẳng định cách đây 65 năm, mà hiến pháp Việt Nam điều 69 cũng đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận...”, tức là người dân có quyền bày tỏ ý kiến một cách công khai.

Mặc dù hiến pháp Việt Nam đã quy định quyền công khai bày tỏ ý kiến, thế nhưng hồi tháng 7 năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đã ra quyết định số 97, phủ nhận quyền này. Khoản 2, điều 2 của quyết định này đã quy định rằng: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.

Quyết định 97 của chính phủ đã bóp chết quyền tự do ngôn luận, dẫn đến kết quả là một viện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phát Triển, gọi tắt là IDS, đã quyết định tự giải thể. TS Nguyễn Quang A Viện trưởng IDS cho biết: “Tôi chưa nói đến điều là ý kiến phản biện không được quyền công bố công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ”.

từ xưa đến giờ thì các cấp lãnh đạo có trả lời ai bao giờ đâu, đến thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn không được hồi âm thì chúng tôi làm sao mà có hồi âm được.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh


Ngoài những bằng chứng cho thấy chính quyền luôn sử dụng nhiều phương cách để ngăn cản, hạn chế không cho công dân tự do trình bày thông tin, ý kiến của họ, còn có những dấu hiệu khác chỉ ra rằng, ngay cả những cá nhân lãnh đạo Đảng và chính quyền cũng không được phép bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Bởi đi kèm vi phạm “kỷ luật phát ngôn” sẽ là nhắc nhở, cảnh cáo, hoặc khai trừ Đảng, cách chức, nên hệ quả tất nhiên là những cá nhân lãnh đạo Đảng và chính quyền không có hoặc không còn kỹ năng diễn đạt. Hình ảnh các nguyên thủ luôn phải cầm giấy đọc từng ý trong những bài phát biểu được soạn sẵn trước công chúng và trước thiên hạ vừa là bằng chứng của quá trình thiếu vắng “tự do ngôn luận”, vừa làm hoen ố thể diện quốc gia.  

“Cho chúng tôi được nói”

Các quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị bóp nghẹt, không những bằng cách “không được phép nói” mà có nói cũng không được những người có trách nhiệm lắng nghe. Ngay cả tiếng nói của tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật được xem là “khai quốc công thần”, cũng không được lãnh đạo nhà nước quan tâm.

Hkg3965894-250.jpg
xe gắn máy chạy dưới cờ và băng rôn chào mừng Quốc Khánh lần 65 tại Hà Nội hôm 31/8/2010. AFP photo/Hoang Dinh nam
xe gắn máy chạy dưới cờ và băng rôn chào mừng Quốc Khánh lần 65 tại Hà Nội hôm 31/8/2010. AFP photo/Hoang Dinh nam
Vài năm trước, ông Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần gửi thư kiến nghị đến các cấp lãnh đạo, phản đối chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình để xây Nhà Quốc hội. Ý kiến này của ông Giáp chẳng những không được giới lãnh đạo quan tâm mà thư kiến nghị của ông còn bị Ban tuyên giáo Trung ương Đảng cấm phổ biến. Các kiến nghị của ông Giáp sau đó liên quan đến hiện tình đất nước như vụ Tổng cục II, hay kiến nghị gần đây nhất, phản đối chính phủ cho Trung Quốc khai thác bauxite ở các tỉnh Tây Nguyên, cũng đã không được những người có trách nhiệm lắng nghe.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một cán bộ lão thành cách mạng nay đã ngoài 90 tuổi, nguyên đại sứ tại Trung Quốc, cũng đã từng gửi kiến nghị lên các cấp lãnh đạo nhà nước, cho biết như sau: “…từ xưa đến giờ thì các cấp lãnh đạo có trả lời ai bao giờ đâu, đến thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn không được hồi âm thì chúng tôi làm sao mà có hồi âm được”.

Nhạc sĩ Tô Hải, một blogger ngoài 80 tuổi, người đã từng đi theo đảng từ khi tóc còn xanh cho tới bạc đầu, với tư cách là một nhân chứng sống, ông Tô Hải đã có những bài viết liên quan đến những điều mà ông đã chứng kiến kể từ khi Cách mạng Tháng Tám, đăng trên nhật ký cá nhân của ông. Thế nhưng ông đã bị xách nhiễu, khi đúng ngày Quốc khánh 2-9 năm ngoái, nhà ông đã bị cắt đường truyền Internet liên tục hai tháng, điều mà ông và nhiều blogger khác cho rằng, chính quyền muốn “bịt miệng” ông.

Ông Tô Hải cho biết: “Nói tóm lại là bị bịt mồm hoàn toàn từ nay trở đi. Nếu có muốn, thì đi ra ngoài quán cafe internet mà viết, nhưng mà ra đó thì tức là mắc mưu rồi, đâm đầu vào rọ ngay”.

Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội ‘nháy nháy’, là tội yêu nước nữa.

Ông Tô Hải


Ông Tô Hải mong muốn chính phủ Việt Nam để cho người dân được tự do cất tiếng nói, nói lên những suy nghĩ của mình: “Tôi thì tôi hy vọng, tôi mong rằng làm sao tất cả mọi người hãy thúc đẩy nhà cầm quyền hôm nay có nhiều hành động và ứng xử có tiến bộ. Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội ‘nháy nháy’, là tội yêu nước nữa. Để cho chúng tôi được sống trong một xã hội tự do như là mọi xã hội tự do khác, kể cả xã hội tự do thấp kém nhất là xã hội tự do Campuchia hiện nay mà các ông cũng không cho”.

Sáu mươi lăm năm kể từ khi đảng lãnh đạo nhân dân làm một cuộc cách mạng đánh đuổi thực dân phong kiến, cũng như khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định các quyền tự do của người dân, ngoài quyền tự do ngôn luận đã bị mất, các quyền khác như tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo…của người dân ra sao? Mời quý vị đón xem bài tới.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.