70 năm cuộc di cư 1954: người Công giáo ra đi rồi lại hướng về quê cũ!
2024.08.06
Sau trận chiến Điện Biên Phủ (05/7/1954) mà phần thắng thuộc về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người Pháp và Việt Minh đã ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai nửa với sông Bến Hải- vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời để hướng tới tổng tuyển cử hai năm sau đó.
Theo hiệp định này, bên cạnh việc hai bên tập kết quân đội ở hai vùng riêng biệt, dân cư giữa hai vùng cũng được tự do đi lại trong thời gian 300 ngày kể từ ngày ký hiệp định.
Vì quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung tại miền Nam nên có từ tám trăm ngàn người đến một triệu người dân, đa phần là dân Công giáo, đã ồ ạt di cư từ miền Bắc vào Nam trong khoảng thời gian này, mà phía Việt Minh mỉa mai gọi cuộc di cư này là “theo Chúa vào Nam” cho dù có khoảng một phần tư trong số họ không phải là tín đồ của đạo này.
Nhiều giáo dân Công giáo sau nhiều năm sinh sống ở miền Nam cũng như tiếp tục phải rời đất nước đến định cư tại một quốc gia khác như Hoa Kỳ suốt thời gian qua đã hướng về hay trở lại quê cũ.
Ra đi vì tự do tôn giáo
Kỹ sư Đỗ Như Điện sinh năm 1943 trong một gia đình Công giáo ở làng Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ông hiện là điều phối viên Phong Trào Giáo dân Hải ngoại ở California, Hoa Kỳ.
Ông Điện cho biết lúc còn ở Nam Định, khi Việt Minh về, đám trẻ con như ông không được học hành tử tế. Mấy chục trẻ em như ông chỉ có một cô giáo trẻ tuổi, người chỉ chép vài câu lên bảng bắt học sinh đọc đi đọc lại suốt cả tháng, và thời gian còn lại là dẫn lũ trẻ ra đồng để mò cua bắt ốc hay đánh chuột. Chính vì kiểu học này mà ông bị chậm học mấy năm sau khi vào Nam.
Phía Việt Minh cũng tìm cách ngăn cản bọn trẻ như ông tham dự các buổi lễ sớm vào sáng Chủ nhật. Họ lấy sân nhà thờ làm nơi sinh hoạt văn nghệ trong tối thứ bảy, và tổ chức chiếu phim vào đêm muộn. Bọn trẻ con thích xem phim nên cố thức để xem, và xem xong thì đã muộn và không thể dậy để đi lễ sớm cuối tuần.
Khi gia đình còn ở miền Bắc, bố ông là một ông giáo làng thường xuyên giúp việc cho linh mục và nhà thờ địa phương vùng Bùi Chu. Vùng Nam Định bị Việt Minh kiểm soát từ năm 1952, và gia đình ông hiểu chế độ cộng sản vô thần, do vậy, khi có cơ hội thoát khỏi sự cai trị của họ thì ngay lập tức nắm lấy.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về lý do gia đình ông phải rời bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” để đi vào một nơi chưa biết tương lai thế nào:
“Lý do rất rõ ràng, tức là không thể sống cùng cộng sản được. Gia đình tôi bị khủng bố tinh thần rất là nặng nề, từ việc họ dòm ngó, kiểm soát vật chất đến tinh thần, cản trở vấn đề đi nhà thờ, đi lễ, rồi thuế nông nghiệp, cải cách ruộng đất rồi đấu tố. Tất cả những cái đó tôi chứng kiến hết.”
Ông cho biết việc chạy trốn khỏi quê hương cũng không dễ dàng vì Việt Minh tìm cách ngăn cản. Ban đầu, vào tháng 8/1954, bố ông tổ chức cho 16 người trong nội tộc đi thuyền từ sông Ninh Cơ hướng ra biển nơi có tàu chiến của người Pháp đợi ở ngoài khơi. Tuy nhiên, thông tin về chuyến đi bị lộ và bố của ông bị Việt Minh bắt, tra tấn gẫy xương sườn và chỉ được thả về sau sáu tháng giam giữ.
Mãi đến tháng 3 năm sau, gia đình phải giả bộ đi ăn giỗ ở nơi xa thì mới có thể vượt qua tai mắt của chính quyền địa phương để lên Nam Định, rồi từ đó đi xe lửa ra Hải Phòng, nơi có tàu há mồm của người Pháp đưa họ ra ngoài khơi và từ đó họ được chuyển sang một tàu du lịch mà quân đội Hoa Kỳ thuê và vận hành để đưa người di cư vào Nam.
Ở Hải Phòng, gia đình ông phải sống tạm trong một bãi than trong thời gian một tháng để chờ đến lượt được lên tàu “há mồm,” người từng làm giám đốc Đài phát thanh Đáp lời Sông núi trong 6 năm chia sẻ.
Nhà báo Trần Phong Vũ, sinh năm 1932, cũng là người cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954. Ông cho biết nguyên nhân chính khiến gia đình ông phải ra đi là để bảo vệ niềm tin tôn giáo vì họ hiểu rằng người cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện và sẽ không cho họ thực hành niềm tin vốn đã ăn sâu vào người dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) từ hàng trăm năm trước.
Ông chia sẻ với RFA:
“Trong đạo chúng tôi đọc được thư chung của các giám mục gửi các giáo dân cảnh báo về một chủ nghĩa trong đó mọi người không thể nào mà có thể tự do để sống niềm tin của mình được
Cho nên các cụ chúng tôi cũng không có nề hà bỏ lại tất cả sản nghiệp, ra đi với hai bàn tay trắng dù biết rằng đến một cái phương trời xa lạ sẽ vất vả lắm, phải làm việc lo lắng lắm thì mới có thể lo cho con cái tiếp tục đi học.”
Ông cũng cho biết có nhiều người Công giáo không di cư vào Nam vì những người này “không có niềm tin tôn giáo mãnh liệt và họ ở lại bởi vì họ không thấy lý do chính đáng để ra đi cả.”
Ông Phạm Huy Cường, 85 tuổi, hiện đang sống ở Houston (tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) cho hay gia đình ông theo đạo Công giáo ở huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định). Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bố mẹ ông đã lên chiến khu theo Việt Minh nhưng sau một thời gian thì họ bỏ về làm giáo viên ở xứ đạo Bùi Chu (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Do hiểu rõ về Việt Minh và người cộng sản nên sau Hiệp định Geneva thì họ không lưỡng lự trong việc rời bỏ quê hương để đi tìm tự do, thứ sẽ không có khi người cộng sản cầm quyền.
Tuy nhiên, việc ra đi của họ cũng không dễ dàng. Gia đình đi trước còn hai anh em ông đi sau và phải nhờ ông bác ruột, một cán bộ địa phương, cấp cho một tờ giấy thông hành giả đi mua xe ở Hà Nội nên mới đi thoát được vùng do Việt Minh kiểm soát. Người bác này ở lại nhưng bị Việt Minh sát hại trong đợt cải cách ruộng đất năm 1956 cho dù có đóng góp cho chế độ.
Theo nhà báo Trần Phong Vũ, ngoài người Công giáo thì có khoảng vài trăm ngàn người không theo đạo này cũng di cư vào Nam ngay sau Hiệp định Geneva. Họ di cư không phải vì lý do tôn giáo. Họ là những trí thức, người tham gia bộ máy hành chính của chính quyền cũ, tư sản, người buôn bán, và cả những người đã bỏ chiến khu về- họ đều hiểu về Việt Minh và sự kìm kẹp tự do của chính phủ kháng chiến nên trốn chạy đàn áp mà họ dự đoán sẽ xảy ra khi miền Bắc rơi vào tay người cộng sản.
Đoàn người di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Geneva theo nhiều phương cách. Phần đông trong số họ là ra Hải Phòng để lên tàu há mồm đi vào Nam hoặc ra ngoài khơi và được chuyển sang tàu khác để Nam tiến.
Cũng có một số ít, là những người tham gia bộ máy hành chính của người Pháp, rời miền Bắc bằng phi cơ, như trường hợp của gia đình ông Phạm Huy Cường.
Cũng có nhiều người ở khu vực ven biển miền Bắc lên thuyền và đi dọc theo bờ biển vào Nam, theo nhà báo Trần Phong Vũ.
Ông Vũ Văn Lộc, người hiện đang sống ở California, rời Hà Nội ở tuổi 20, bốn tháng trước ngày ký Hiệp định Geneva để học sỹ quan ở Đà Lạt. Khi người dân miền Bắc di cư vào Nam và tới Sài Gòn bằng đường biển và hàng không, đơn vị tiểu đoàn bộ binh 530 độc lập của ông được giao nhiệm vụ đón tiếp và đưa họ về nơi ở tạm. Trong số này có nữ tài tử Kiều Trinh và danh ca Khánh Ly.
Ông nói về vai trò của Pháp và Hoa Kỳ trong việc đưa người Bắc di cư vào Nam thời kỳ đó:
“Anh Tây (Pháp) thì bỏ cuộc rồi, người Mỹ hết lòng viện trợ đủ mọi thứ cho cuộc di cư. Công của người Mỹ lo cho cuộc di cư từ Bắc vào Nam rất là lớn, vừa quan trọng về chính trị, yểm trợ để giữ được miền Nam về chính trị, về xã hội về đủ mọi thứ, trong đó có cả tình nghĩa nữa. Giúp cho một triệu người từ miền Bắc vào Nam định cư, công đó của người Mỹ rất là nhiều, người Pháp không làm nhiều trong vụ này.
Giúp đỡ để ổn định cuộc sống cho một triệu người đó là một công việc đáng ghi nhớ và cao quý.”
Cuộc sống nơi ở mới
Kỹ sư Đỗ Như Điện cho biết như nhiều người khác, gia đình ông bỏ lại hết sản nghiệp để trốn chạy khỏi miền Bắc và vào Nam với hai bàn tay trắng. Khi tới miền Nam, gia đình ông đến Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai) với ý định ở lại đây nhưng nơi đây không còn nhận thêm người di cư nữa nên cả nhà lại di chuyển xuống giáo xứ Kiên Long ở tỉnh Tây Ninh. Tại đây, mỗi gia đình từ Bắc vào được chính phủ cấp cho một căn nhà tranh vách đất cùng một mảnh đất để trồng khoai lang, sắn (mỳ) và nhiều nông sản khác.
Ông cho biết hai ba năm đầu cuộc sống rất vất vả nhưng thoải mái về mặt tinh thần. Ông cụ thân sinh vào rừng chặt tre về để cả nhà đan thành rổ rá rồi đem bán bên cạnh việc làm thuê bất cứ công việc gì người khác mướn. Ông cụ còn đi cắt tóc dạo để kiếm thêm thu nhập.
Hơn hai năm sau, đầu năm 1958, cả nhà lại chuyển về Long Khánh (Đồng Nai), mua được một mảnh đất nhỏ để làm nhà. Gia đình vào rừng khai hoang được hơn một mẫu đất để trồng chuối, bắp, đậu nành… Thời gian sau, người mẹ còn thu mua nông sản và bán lại cho chợ đầu mối.
Với sự cần cù vượt khó thì sau vài năm, họ cũng có được cuộc sống đầy đủ. Anh em ông được học đến đại học và ông trở thành một giáo sư trung học cho đến khi di cư sang Hoa Kỳ sau khi quân đội Bắc Việt chiếm được miền Nam năm 1975.
Nhà báo Trần Phong Vũ cho biết sau khi tới miền Nam, người di cư ban đầu được Tổng uỷ tị nạn trợ cấp 700 đồng tiền Đông Dương mỗi người, số tiền đủ sống trong hơn nửa năm giúp họ thời gian ban đầu khi chưa tìm được công việc để mưu sinh lâu dài.
Nhà báo kỳ cựu này cho hay người dân miền Bắc di cư được cưu mang bởi người dân miền Nam vốn phóng khoáng và xởi lởi, đặc tính của người dân ở miền đất đai trù phú. Người mới đến chịu khó cần cù trong khi người dân miền Nam hào hiệp giúp đỡ nên cuộc sống của người di cư nhanh chóng vượt qua khó khăn để hoà nhập xã hội mới, ông nói.
Ông Phạm Huy Cường cho biết ông học hết đệ ngũ ở miền Bắc và vào Nam ông tiếp tục lên lớp đệ tứ (tương đương lớp 8). Sau đó ông học lên cử nhân và làm giáo viên một thời gian rồi sang Đức học cao học về hoá học. Về nước, ông làm việc ở Khu kỹ nghệ An Hoà (Quảng Nam) và Khu chế xuất Tân Thuận Đông cho tới khi miền Nam thất thủ, ông lại đưa gia đình di cư sang Mỹ.
Nhiều người trẻ như ông di cư vào Nam được học hành tử tế và đóng góp trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam Cộng hoà sau này, ông cho hay.
Về sinh hoạt tôn giáo ở nơi đất mới, ông Đỗ Như Điện cho hay người Công giáo di cư từ miền Bắc liên kết với nhau theo tình đồng hương, do vậy, người từ cùng một xứ đạo ở miền Bắc thường sống tụ tập với nhau và lập lên những xứ đạo mới mang tên cũ như xứ đạo Bùi Chu, Phát Diệm, Vinh...
“Giai đoạn đầu thì họ có những khó khăn sau một thời gian ngắn thôi thì trở thành những giáo xứ mà những giáo xứ ấy đều là những nhóm người có cùng cái tình đồng đạo và tình đồng hương. Tụ tập thành những xóm đạo, tụi tôi có đời sống ở trong giáo xứ của các họ đạo gần như là lặp lại tất cả những sinh hoạt tôn giáo có từ quê hương ở ngoài Bắc đem vào miền Nam.
Từ giáo lý cho tới sinh hoạt nhà thờ, các linh mục rồi cách đọc kinh trong nhà thờ mang sắc thái giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Hoá… Gia đình tôi đã tham gia và đã sống trong những vùng như vậy.”
Ông cho biết với sự cần cù và tiết kiệm của người miền Bắc, dân Công giáo di cư vào Nam đã xây dựng các xứ đạo với cơ sở vật chất khang trang. Hầu như xứ đạo nào cũng có trường Công giáo, và xung quanh Sài Gòn có nhiều trường tư thục Công giáo nổi tiếng như trường Nguyễn Bá Tòng, trường Hưng Đạo, trường Đắc Lộ.
Ông Trịnh Tiến Tình, một người Công giáo ở giáo xứ Thượng Phúc (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) được cha mẹ đưa vào miền Nam đầu năm 1954, cho RFA biết người trong giáo xứ của ông vào Bình Dương tụ tập một nơi và lập nên giáo xứ mới nhưng vẫn giữ tên cũ.
Giúp đỡ cho giáo xứ nơi chôn nhau cắt rốn
Hai năm sau Hiệp định Geneva, tổng tuyển cử chung cho cả hai miền không diễn ra. Trong Nam là chính quyền Việt Nam Cộng hoà, còn ngoài Bắc, người cộng sản lập ra Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với ranh giới là sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.
Rồi sau đó, cuộc chiến tranh Việt Nam xảy ra giữa hai miền, miền Nam có sự tham dự của quân đội Hoa Kỳ cùng đồng minh trong khi miền Bắc có sự trợ giúp của phe cộng sản, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc.
Trong thời gian này, mối liên hệ giữa dân chúng ở hai miền gần như là không có, và người Công giáo di cư từ Bắc vào không nhận được bất cứ tin tức nào từ nơi họ đã ra đi.
Trong khoảng thời gian hai mươi năm kể từ khi rời miền Bắc di cư vào Nam tới khi chấm dứt nội chiến, người Công giáo phát triển kinh tế gia đình, chăm chú học tập và lao động ở vùng đất mới. Họ có cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ và cuộc sống tinh thần phong phú cho dù hai miền đang trong cuộc nội chiến tương tàn.
Năm 1975, người cộng sản thống nhất đất nước thống nhất và đây là cơ hội để nhiều người di cư tìm về quê cũ hoặc liên lạc với người thân hay đồng hương ở miền Bắc cho dù có nhiều người không bao giờ thực hiện điều này cho tới ngày hôm nay như trường hợp của ông Phạm Huy Cường, người hiện đang sống ở Houston (tiểu bang Texas, Hoa Kỳ).
Ông Cường cho biết trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc, người bác ruột bị đấu tố thành địa chủ và bị sát hại bởi “toà án nhân dân” cho dù ông là người tham gia kháng chiến chống Pháp và làm cán bộ địa phương trong nhiều năm. Chính vì việc người thân bị chính quyền cộng sản giết hại nên ông và gia đình ở Mỹ không bao giờ có ý định trở về Việt Nam vì sợ bị hãm hại, và họ cũng hoàn toàn mất liên lạc với quê hương cũ ở miền Bắc.
Nhiều người di cư từ Bắc vào Nam theo Hiệp định Geneva, và sau năm 1975, họ lại rời Việt Nam để trốn chạy cộng sản. Hoặc là họ đi ngay trong dịp miền Nam thất thủ, hoặc là kẹt ở lại và tìm cách vượt biên trên những con thuyền con tàu công suất nhỏ. Họ được cứu vớt và đưa vào trại tị nạn, sau đó được định cư ở nước thứ ba như Hoa Kỳ, Úc, Canada…
Khác với những trường hợp như của ông Cường, nhiều người di cư từ Bắc vào Nam theo Hiệp định Geneva và rời quê hương sau năm 1975, tìm cách liên lạc với quê cũ, hoặc quay về thăm.
Ông Triệu Tiến Tình, hiện đã hơn 70 tuổi và đang sống ở Houston (tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) cho hay năm 2004 ông đã trở về thăm quê ở giáo họ Thượng Phúc, nơi còn họ hàng thân thích đang sinh sống. Cùng nhiều người đồng hương ở Houston cũng như ở các nơi khác của Hoa Kỳ và quốc gia khác, ông có đóng góp tiền để xây dựng nhà thờ họ với chi phí hơn 5 tỷ đồng. Ông cho biết ông sẽ về Thái Bình trong tháng năm năm tới để tham dự lễ khánh thành công trình này.
Không chỉ đóng góp cho quê hương Thái Bình, ông Tình còn tham gia một số chương trình thiện nguyện ở một số xứ đạo miền Nam, như chương trình trợ giúp nạn nhân HIV hay thu thập thi hài và mai táng cho hài nhi…
Ông Đỗ Như Điện cho hay ông rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ năm 1975, nhưng nhiều người trong gia đình và bạn bè ông còn ở lại Việt Nam. Những người còn ở lại đã quay trở về quê hương cũ để giúp đỡ xứ đạo trong việc xây dựng nhà thờ vì thời chiến tranh nghèo khó, các xứ đạo ở miền Bắc không có khả năng bảo tồn, tu bổ hay xây mới các công trình phục vụ tôn giáo.
“Gia đình tôi rồi bao nhiêu người ở quê hương tôi từ miền Nam quay trở lại miền Bắc để giúp xây dựng xứ đạo bởi vì sau hai mươi năm, miền Bắc rất nghèo, rất thiếu thốn. Nhà thờ, nhà thánh chỗ thì mục nát, chỗ thì bị biến thành nhà kho.”
Ở California, ông và nhiều người khác cũng trợ giúp quê hương cũ bằng cách trực tiếp đóng góp tiền bạc, hoặc tiếp đón các chức sắc tôn giáo từ Việt Nam qua và tổ chức các buổi quyên góp để xây dựng xứ đạo Bùi Chu hiện giờ ở Nam Định. Các giáo xứ khác cũng có các hoạt động tương tự, đặc biệt là người từ Giáo phận Vinh.
Ông cho hay, nhờ sự giúp đỡ tiền bạc của đồng hương ở hải ngoại, nhiều xứ đạo ở miền Bắc hiện giờ đã có cơ sở vật chất khang trang, nhà thờ mới to và đẹp, thậm chí còn đẹp hơn nhà thờ của người gốc Việt ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho việc hành lễ của người Công giáo cũng rất hiện đại và hoành tráng.