Điều gì ảnh hưởng đến cán cân công lý của Việt Nam?

Cát Linh, RFA
2017.11.08
Dinh La Thang Nguyên Bí thư TP. HCM, Ủy viên Trung ương Đảng Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương sau khi bị kỷ luật do những sai phạm trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009-2011.
AFP

Hình thức xử phạt khác biệt đối với đối tượng vi phạm pháp luật là cán bộ và đối tượng vi phạm pháp luật là người dân được một vị đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật chiều 6 tháng 11.

Sự khác biệt này thể hiện qua một số vụ án trong nước từng gây bất bình rất lớn trong dư luận. Câu hỏi được mọi người đặt ra là phải chăng cán cân công lý trong pháp luật Việt Nam không có sự công bằng?

Nghịch lý

"Người dân vi phạm nhẹ hay nặng thì đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ. Tại sao có những nghịch lý cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại, vẫn còn kéo dài mãi?”

Đó là câu hỏi chất vấn của nữ đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên được cho là đã làm nóng phiên thảo luận chiều ngày 6 tháng 11 tại quốc hội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Sài Gòn, nói với RFA rằng pháp luật Việt Nam luôn thừa nhận mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, nhưng ông thêm rằng:

Thực tế vẫn có những cái không đảm bảo được điều đó.”

Ở đây có vai trò rất lớn của tổ chức Đảng Cộng sản. Theo Hiến pháp, Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất. Đồng thời, 1 số tổ chức Đảng tham sự, can thiệp quá sâu trong từng vụ việc một. Những người làm công tác tố tụng như điều tra viên, công tố viên, hoặc Thẩm phán là những Đảng viên. Theo nguyên tắc của Đảng là phải chấp hành pháp luật và những nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của Đảng. LS Nguyễn Văn Hậu

Vẫn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, đặt tiêu chuẩn công bằng cho tất cả người dân luôn được luật pháp Việt Nam đề cao. Nhưng thực tế ông vẫn thấy có sự phân biệt “ở một chừng mực nào đó’ và rõ nhất là ở hai đối tượng, đó là Đảng viên và người dân.

“Giữa người là Đảng viên của đảng cầm quyền, là Đảng Cộng sản và đại đa số quần chúng còn lại. Ví dụ trong lĩnh vực về hình sự chẳng hạn. Nếu một Đảng viên vi phạm pháp luật thì thông thường cơ quan Đảng sẽ xử lý họ trước như khai trừ chẳng hạn. Mặc dù có những dấu hiệu phạm tội, nhưng người Đảng viên đó theo qui định của pháp luật vẫn chưa phải là một tội phạm hoàn toàn.”

Một chi tiết khác của sự nghịch lý được luật sư Đặng Đình Mạnh nhắc đến, đó là lời phát biểu của thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP.HCM tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, liên quan đến chỉ thị 15.

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”

Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. - LS Đặng Đình Mạnh

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từng xác nhận có nghe về nội dung của chỉ thị 15 này đúng như những gì thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu.

“Khi muốn truy tố, tạm giam, xử lý xét xử một Đảng viên thì phải báo cho cấp quản lý người đó biết để xử lý Đảng viên, cụ thể là đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc khai trừ Đảng thì lúc đó mới có thể tiến hành các thủ tục được.”

Năng lực thẩm phán

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cũng nhìn nhận rằng theo Hiến pháp 2013 qui định, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng ông không nghĩ là có sự nghịch lý trong hệ thống pháp luật việt Nam như vị đại biểu Minh Hiền đã đề cập. Ông cho rằng đại biểu Phạm Thị Minh Hiền muốn nói đến những người cầm cân nảy mực đã không thực thi đúng pháp luật.

“Tôi cho rằng các đại biểu hôm qua đã phát biểu ở hội trường, là pháp luật đã nghiêm nhưng người cầm cân nảy mực đã thực thi không đúng khi xử vấn đề cụ thể, như vì sao xử người này nhẹ, người kia nặng, hoặc cách nhìn của họ không đúng với những quy định của pháp luật.”

Đặc biệt, những người cầm cân nảy mực ở đây, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, chính là các vị thẩm phán.

“Chính là người thẩm phán. Do có nhiều vấn đề như trình độ năng lực không nhận thức hết. Thứ hai là họ hiểu pháp luật không đầy đủ. Ba là họ thiên vị về 1 vấn đề nào đó đã thực thi không đúng.”

Người dân cả nước vẫn chưa quên vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết tội tử được minh oan sau 10 năm đã phải ngồi tù. Khi Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị khởi tố, bắt giam những người cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn tự tin khẳng định với báo giới rằng: "Tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta", “Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án… và “Tôi không ân hận”.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm từng có một bài viết nêu lên nhận định cá nhân của ông về điều này:

“Không biết phải dùng lời lẽ, từ ngữ thế nào đây để bình luận về suy nghĩ trên của người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho quyền hạn quan trọng là thẩm phán của Toà án Nhân dân Tối cao để xét xử, ra quyết định nhằm xác định rõ kẻ có tội và người vô tội; qua đó thể hiện được sự thiêng liêng của công lý, sự công minh của pháp luật cũng như xây dựng niềm tin của người dân.

Không thể đổ lỗi cho cơ chế, luật pháp. Việc xử án oan sai trước tiên vẫn thuộc trách nhiệm của những thẩm phán xét xử phúc thẩm.”

Không thể đổ lỗi cho cơ chế, luật pháp. Việc xử án oan sai trước tiên vẫn thuộc trách nhiệm của những thẩm phán xét xử phúc thẩm. LS Bùi Quang Nghiêm

Vai trò của Đảng

Cũng trong phiên thảo luận ngày 6 tháng 11, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền còn đưa ra câu hỏi.

“Phải chăng ngay từ đầu tính nghiêm minh sự minh bạch đã không được xem trọng trong công tác xây dựng pháp luật? Phải chăng lỗ hổng pháp lý, tính kỷ cương, kỷ luật trong thực thi quyền hành đạo đức của 1 bộ phận cán bộ trong cơ quan tư pháp đang bị xem nhẹ?”

Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng ông không nghĩ rằng có một lổ hổng đang tồn tại trong nền pháp lý Việt Nam, mà đó là điều ông gọi là “sự méo mó của pháp luật.”

“Tôi không nghĩ đó là một lổ hỏng của pháp luật đâu. Tôi nghĩ đó là một sự méo mó của pháp luật. Lỗ hổng là sự thiếu sót của pháp luật. Đối với pháp luật Việt Nam thì thiếu sót nhiều lắm. Vấn đề là nó được vận hành, áp dụng 1 cách méo mó, không đảm bảo những nguyên tắc ban đầu của nó.”

Nếu luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng việc thực thi pháp luật kém hiệu của lực lượng thẩm phán đã dẫn đến những kết quả bất công của các phiên xử, thì với quan điểm của luật sư Đặng Đình Mạnh, có một sự ảnh hưởng khác lớn hơn, quan trọng hơn chiếm vị trí rất quan trọng trong toàn hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là Đảng Cộng sản.

“Ở đây có vai trò rất lớn của tổ chức Đảng Cộng sản. Theo Hiến pháp, Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất. Đồng thời, 1 số tổ chức Đảng tham sự, can thiệp quá sâu trong từng vụ việc một. Những người làm công tác tố tụng như điều tra viên, công tố viên, hoặc Thẩm phán là những Đảng viên. Theo nguyên tắc của Đảng là phải chấp hành pháp luật và những nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của Đảng.”

Luật sư Mạnh cho rằng, chính điều này làm mất đi tính công bằng trong sự vận dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, công tố, hoặc là của cơ quan xét xử, toà án. Và cuối cùng dẫn đến sự mất công bằng giữa người dân bình thường và người đảng viên.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho chúng tôi biết ông tin rằng, Bộ Luật Hình sự sửa đổi được thực thi vào ngày 1 tháng 1 năm 2018 sắp đến sẽ là cơ sở pháp lý và là câu trả lời thoả đáng nhất cho câu hỏi của nữ đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ông cho biết theo bộ luật mới, dù người dân hay quan chức cấp cao khi vi phạm pháp luật đều phải chịu những chế tài pháp luật như nhau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.