Phụ nữ và HIV/AIDS
2010.03.09
Những con đường lây nhiễm
Một phúc trình đáng tin cậy cho biết 90% trong số 1,7 triệu phụ nữ nhiễm HIV ở châu lục này lại bị lây nhiễm từ chính chồng hay bạn tình lâu dài. Tại Việt nam, con số phụ nữ nhiễm HIV cũng đang tăng lên nhanh chóng và không còn giới hạn trong các đối tượng là gái mại dâm, tức là những người có hành vi gây lây nhiễm cao.Trong khi đó, sự kỳ thị người nhiễm HIV và vấn đề bất bình đẳng giới đã khiến phụ nữ nhiễm HIV ở Việt nam vẫn tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi.
Cuối năm ngoái, Quỹ phát triển vì phụ nữ của Liên Hiệp Quốc phối hợp với Mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS khu vực châu Á Thái bình dương cho ra mắt bộ phim tài liệu có tên “Diamonds”, tạm dịch “Những viên kim cương”, nói về những người phụ nữ châu Á đang mang trong mình vi rút HIV.
Một trong số những người được phỏng vấn trong cuốn phim này là Huỳnh Như Như Thanh Huyền, 30 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, điều phối viên các nhóm tự lực dành cho người nhiễm HIV/AIDS ở phía Nam. Câu chuyện của cô về con đường dẫn cô đến với HIV/AIDS và những gì mà cô đã trải qua cũng là câu chuyện của rất nhiều người phụ nữ khác tại Việt Nam đã nhiễm vi rút này.
Cha mẹ không ở gần với nhau nữa nên con cái thiếu tình yêu thương, không có sự dạy dỗ đầy đủ dẫn đến tâm lý mặc cảm, đua đòi. Ban ngày đi học, buổi tối làm ở vũ trường, rồi sử dụng ma tuý.
Huỳnh Như Như Thanh Huyền
Thanh Huyền nói, "Trước đây, do biến cố của gia đình, cha mẹ không ở gần với nhau nữa nên con cái thiếu tình yêu thương, không có sự dạy dỗ đầy đủ dẫn đến tâm lý mặc cảm, kèm theo gia đình khó khăn.
Một người con gái lớn lên đi học, tiếp xúc bạn bè rồi đua đòi dẫn đến chuyện vừa hành nghề, vừa đi học. Ban ngày đi học, buổi tối làm ở vũ trường, rồi sử dụng ma tuý."
Huyền bắt đầu sử dụng ma tuý từ năm 15 tuổi và có quan hệ tình dục với khách lần đầu tiên khi cô 16 tuổi. Do việc sử dụng ma tuý quá nhiều, Huyền đã bị đuổi khỏi vũ trường và đến làm việc ở một nhà hàng khác, nơi cô phải tiếp khách thường xuyên để có tiền trang trải cho việc mua thuốc chích. Lúc này cô cũng có người yêu, và người yêu cô cũng là một người nghiện ma tuý như cô.
Đến năm 2000 thì Huyền biết mình có thai. Nhưng chỉ đến khi thai nhi được 7 tháng tuổi cô mới phát hiện là mình bị nhiễm HIV sau khi được xét nghiệm máu vì cô phải nhập viện do thai có vấn đề và có nguy cơ sinh non. Huyền cho rằng mình đã nhiễm HIV qua con đường tình dục không an toàn.
Thế nhưng việc lây nhiễm HIV giờ đây ở Việt Nam không còn chỉ giới hạn trong số những người có hành vi dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao như mại dâm hay tiêm chích ma tuý như trường hợp của Huyền. Nó đã lan đến cả những người phụ nữ bình thường không tham gia vào các hành vi đó.
Theo ước tính của bộ Y tế, hiện cứ 3 người mang vi rút HIV thì có 1 là nữ. Theo các chuyên gia thì lý do là sự thụ động của người phụ nữ trong vấn đề quan hệ tình dục, nên họ càng có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV từ chồng, bạn tình, chưa kể các trường hợp bị lây nhiễm do bị cưỡng hiếp.
Chị Đào Phương Thanh, chủ nhiệm câu lạc bộ Hoa Sữa, một nhóm tự lực dành cho người nhiễm HIV ở Hà nội cho biết câu lạc bộ chị hiện có 54 người, trong đó có không ít người là phụ nữ, những người trước đó hoàn toàn không nghĩ rằng mình lại có nguy cơ nhiễm HIV, nhưng cuối cùng lại bị nhiễm căn bệnh này từ người chồng của mình.
Chị Phương Thanh cho biết, "Các bạn ấy bị lây 100% từ chồng, chồng chết thì đi kiểm tra phát hiện ra. Chồng thì có bạn sử dụng ma tuý, có bạn là lái xe, đi quan hệ linh tinh bên ngoài rồi về lây cho vợ."
Bản thân chị Thanh bị lây nhiễm HIV do bị kim tiêm có nhiễm vi rút HIV đâm khi đang chăm sóc cho em trai bị nhiễm vi rút này.
Bị kỳ thị từ ngoài xã hội …
Đối với đa số những người như Huyền hay chị Thanh bị
nhiễm HIV vào khoảng thời gian từ 2000 đến 2004 đều gặp rất nhiều khó khăn
trong cuộc sống do thiếu kiến thức về căn bệnh, do sự kỳ thị trong cộng đồng.
Huyền cho biết: "HIV/AIDS lúc đó thường đồng nghĩa với đầu lâu xương chéo, là chết. Lúc đó cũng không có nhiều thông tin về bệnh, thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, và đặc biệt là không có hoạt động của các nhóm tự lực dành cho người có HIV/AIDS."
Và vì thế họ chịu nhiều thiệt thòi, mặc cảm, kỳ thị.
Không ít người muốn tìm đến cái chết vì cho rằng nhiễm HIV là chấm hết cuộc đời.
Chị Thanh nhớ lại: "Tâm lý lúc đó mình rất là sốc, đi đường thì đâm cả vào ô tô, về thì giấu mọi người, 15 ngày không ra khỏi nhà. Tâm lý lúc đấy không hiểu làm sao mình sống nổi, bác hàng xóm phải bóp mồm đổ nước cháo cho uống. Lúc đấy mình nghĩ chết đi sướng hơn là sống."
Đối với Huyền, khi biết mình bị nhiễm HIV, cô tin chắc
thai nhi cũng đã nhiễm vi rút này. Vì thế cô đã nghĩ đến việc phá đi cái thai
hơn 7 tháng của mình. Cô tìm đến phòng sản tư nhưng bị từ chối vì cái thai đã quá
lớn.
Cái nguyên nhân sâu sắc nhất vẫn là sự thiếu hiểu biết của gia đình và sự trọng nam khinh nữ. Ở gia đình cũng vậy, nam giới thì dễ dàng được chấp nhận hơn phụ nữ.
Huỳnh Như Như Thanh Huyền
Trong suốt thời gian nằm viện, Huyền còn bị các y tá lờ cô đi, không thèm hỏi han cô, thậm chí để cô mặc một bộ đồ bệnh viện bẩn thỉu trong nhiều ngày.
3 năm sau khi sinh con Huyền vẫn sống tách biệt với xung quanh. Cô cũng không dám đưa con đi xét nghiệm máu vì đoán chắc con đã bị nhiễm và không muốn nhìn thấy kết quả.
Nhưng cuối cùng, sau một thời gian, cả chị Thanh và Huyền đều đã vượt qua những mặc cảm ban đầu và hòa nhập lại với cộng đồng. Phần lớn là nhờ những yêu thương, chia sẻ của bạn bè và gia đình. Thêm vào đó là những tiến bộ trong công tác truyền thông của Việt nam kể từ sau năm 2003, sự ra đời của luật phòng chống HIV AIDS vào năm 2007, sự xuất hiện của nhiều các dự án do nước ngoài tài trợ nhằm giúp giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV ở Việt nam, và đặc biệt là sự có mặt của hàng loạt các nhóm tự lực dành cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bản thân chị Thanh đã lập nhóm Hoa Sữa vào ngày 8 tháng 8 năm 2004, một trong những nhóm tự lực của người có HIV/AIDS đầu tiên ở Hà nội. Nhóm của chị tích cực tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng để nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh thế kỷ.
Chị Thanh nói: "Có nhiều hoạt động lắm,
tư vấn cho người nhiễm HIV qua điện thoại hoặc tại nơi mình làm việc. Mình hỗ
trợ chăm sóc bệnh nhân AIDS ở nội thành Hà nội hoặc bệnh viện Đống đa nếu họ
không có gia đình hoặc bị bỏ rơi, hoặc các cháu bị HIV bị bỏ rơi ở bệnh viện.
Rồi bọn mình đi làm truyền thông chống kỳ thị HIV/AIDS. Chiều thứ bảy thì xách thùng đi nhặt những bơm kim tiêm bẩn ở các điểm nóng để giảm nguy cơ người dân dẫm phải."
Sau khi tham gia một lớp tập huấn tự chăm sóc tại nhà dành cho người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2004, tức là 3 năm sau khi biết mình có HIV, Huyền cũng đã tích cực trở lại với nhiều họat động xã hội, và được chọn là điều phối viên các nhóm tự lực dành cho người nhiễm HIV/AIDS ở phía Nam.
… đến trong gia đình
Tuy nhiên cho đến giờ những người phụ nữ dám tự vượt
qua số phận và công khai mình là người nhiễm HIV như Huyền hay chị Thanh không
phải là nhiều, bởi trong xã hội, và ngay cả trong gia đình, sự kỳ thị dành cho
phụ nữ nhiễm HIV còn rất nặng nề.
Huyền cho rằng, "Cái nguyên nhân sâu sắc nhất vẫn là sự thiếu hiểu biết của gia đình và sự trọng nam khinh nữ. Ở gia đình cũng vậy, nam giới thì dễ dàng được chấp nhận hơn phụ nữ.
Đôi khi có một số phụ nữ phát hiện ra mình bị nhiễm HIV nhưng gia đình chồng họ lại quy tội cho họ là do chính người con dâu đem bệnh lây truyền cho con trai họ. Do người con gái lăng loàn hay có hành vi không đứng đắn mới bị lây nhiễm HIV, hoặc do sử dụng ma tuý mới bị nhiễm HIV. Nói chung người phụ nữ Việt nam khi bị nhiễm HIV thì bị quy rất nhiều tội lỗi."
Sự thiếu hiểu biết và quan điểm trọng nam khinh nữ đôi khi dẫn đến những hậu quả nặng nề cho người phụ nữ. Làm công tác tuyên truyền nhiều năm, Huyền cho biết cô đã gặp trường hợp một gia đình sau khi biết con trai nhiễm HIV và lây cho con dâu, đã kiên quyết bắt người con trai phải bỏ vợ của mình.
Nguy hiểm hơn nữa là họ còn đi tìm một người con gái
khác không nhiễm HIV cho con trai mình để cố tìm một cháu trai nối dõi. Cuối
cùng cô và các đồng nghiệp đã thuyết phục được gia đình này tử bỏ ý định đó,
nhưng theo cô câu chuyện này vẫn xảy ra ở các vùng nông thôn. Huyền nói thêm, "Hiện tại ở
các thành phố Hồ Chí minh và các thành phố lớn không xảy ra các trường hợp này
nữa, nhưng ở các vùng sâu vùng xa thì xảy ra trường hợp này rất nhiều."
Mình càng phổ biến kiến thức cho người khác thì càng nhiều người dân trong cộng đồng hiểu được thông tin, có thông tin hiểu được chính xác mới phòng ngừa HIV cho bản thân mình.
Huỳnh Như Như Thanh Huyền
Thêm vào đó Việt nam hiện cũng phải đối mặt với những trường hợp phụ nữ nhiễm HIV sinh con. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt nam có khoảng 5,000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe do mặc cảm tự kỳ thị.
Trong chương trình hành động quốc gia phòng chống HIV AIDS, chính phủ Việt nam dự kiến sẽ khống chế tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con xuống dưới 10% và khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV xuống dưới 0,25% vào năm nay.
Còn đối với những người như chị Thanh hay Huyền, họ
tin tưởng rằng các hoạt động truyền thồng tích cực mà họ tham gia sẽ góp phần
mang lại tự tin cho những người phụ nữ nhiễm HIV khác và sẽ dần làm mất đi sự kỳ
thị trong cộng đồng.
Theo Huyền, "Thực sự nhiễm HIV không có gì là xấu và không có ảnh hưởng tới ai và mình càng phổ biến kiến thức cho người khác thì càng nhiều người dân trong cộng đồng hiểu được thông tin, có thông tin hiểu được chính xác, phòng ngừa HIV cho bản thân mình."
Huyền giờ đây đã kết hôn với một người cũng nhiễm HIV và họ đang sống rất hạnh phúc. Con trai cô đã xét nghiệm âm tính với HIV. Cô tin rằng HIV đã cho cô cơ hội để làm lại cuộc đời và trở thành người có ích cho xã hội.
Và như bà Naoko Kawana, Chủ tịch mạng lưới những người sống chung với HIV/ AIDS khu vực Châu Á thái bình dương đã nói, những người như Huyền và chị Thanh chính là những viên kim cương được tạo nên dưới những sức ép vô vàn đang trở nên sáng chói, mạnh mẽ và quý giá.
Tạp chí phụ nữ xin được chân thành cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ của Mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS khu vực châu Á thái bình dương, Quỹ phát triển vì phụ nữ của Liên hiệp quốc.
Theo dòng thời sự:
- PEPFAR tổ chức hội thảo phòng ngừa bệnh AIDS tại TPHCM
- Trẻ em bị lây nhiễm HIV ở VN cần được bảo vệ, săn sóc
- Hoa Kỳ công bố chương trình khẩn cấp cứu trợ HIV/AIDS
- LHQ công bố những nguyên tắc mới về điều trị HIV/AIDS
- Đã có tới 25 triệu người chết vì HVI/AIDS
- Trẻ nhiễm HIV bị kỳ thị trong ngày đầu đi học
- Hơn 50 triệu phụ nữ Á Châu có nguy cơ nhiễm HIV