Cuộc chiến Việt Nam
Hội nghị lưu ý rằng ngày nay, mỗi khi đề cập đến Iraq và Afghanistan – vấn đề của hiện tại, người ta không khỏi liên tưởng đến cuộc chiến VN – vấn đề của quá khứ. Và việc so sánh cuộc chiến VN ngày trước với Iraq và Afghanistan ngày nay tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi. Hội nghị nêu lên câu hỏi là những bài học nào mà Iraq và Afghanistan rút tỉa được – và không học hỏi được – từ cuộc chiến VN?
Phiến quân ở Iraq có xu hướng cuồng tín so với quân nổi dậy tại Afghanistan.
TS Gilles Dorronsoro
Dù vấn đề có thể còn tranh cãi dài lâu, nhưng theo một số ý kiến của các diễn giả tại hội nghị, hầu như mọi người đều đồng ý một điểm là Hoa Kỳ tiến quân vào VN trước kia, và rồi Afghanistan, Iraq ngày nay, gặp khó khắn đáng kể tại những nơi mà Hoa Kỳ không am tường về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa.
Theo TS Gilles Dorronsoro thuộc Quỹ Carnegie Xúc tiến Hòa bình Thế giới thì nói chung việc so sánh cuộc chiến ở nước này với cuộc chiến ở nước khác là điều phải hết sức thận trọng.
Ông đưa ra thí dụ trường hợp Afghanistan và Iraq và nhận thấy phiến quân ở Iraq có xu hướng cuồng tín so với quân nổi dậy tại Afghanistan. Theo ông, phe Taliban ở Afghanistan ra sức khống chế trật tự xã hội ở đó, tìm cách chi phối và gây ảnh hưởng đối với bộ tộc, bộ lạc; hay nói cách khác, quân nổi dậy ở Afghanistan chiến đấu chủ yếu tại vùng nông thôn trong khi phiến quân ở Iraq thực hiện hoạt động phá hoại của họ tại các khu vực thành thị đông dân cư. TS Dorronsoro nhân tiện lưu ý rằng thường thì việc so sánh những cuộc chiến khác nhau dễ dẫn tới kết quả tiêu cực, nhất là không nên so sánh chung chung hay đi quá xa.

Trong khi đó, TS Mark Moyar, GS dạy về các vấn đề an ninh quốc gia tại Học viện Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chúng ta cần rút tỉa bài học VN dù muốn hay không, ra sức tìm ra bài học thật sự từ cuộc chiến VN để áp dụng cho Iraq và Afghanistan.
Qua bài nói chuyện tại hội nghị, GS Mark Moyar chú trọng tới vấn đề lãnh đạo, tới tài lãnh đạo mà theo ông là yếu tố chủ chốt ngăn chận quân thù một cách hữu hiệu. Giới lãnh đạo, theo GS Moyar, phải thật sự vì dân, bảo vệ nhân dân, xây dựng một nền cai trị hiệu quả, lo diệt thù cũng như tạo điều kiện cho người dân góp phần truy lùng phiến loạn. GS Mark Moyar nói thêm rằng một chính quyền tồi không chú trọng tới những yếu tố như vậy, và các quan chức địa phương lạm quyền chỉ khiến người dân gia nhập hàn ngũ phiến quân mà thôi.
Nguy hiểm Taliban
Nhìn vào Afghanistan, GS Mark Moyar nhận xét phiến quân Taliban hiện vẫn là lực lượng nguy hiểm, hầu như luôn trong thế công do khả năng của giới lãnh đạo phe này tỏ ra vượt trội hơn nhà cầm quyền Kabul. GS Mark Moyar cho rằng tình hình đó cũng phần nào giống như ở VN trước đây, khi phía VC chứng tỏ hoạt động chặt chẽ, hữu hiệu, có hệ thống... nhờ những cơ sở chủ yếu tại vùng nông thôn. Lúc ấy, theo GS Moyar, VC bề ngoài tỏ ra là người tốt dù sau 1975 sự việc có phần đổi thay. GS Mark Moyar nhân tiện cũng nhắc tới việc tướng Westmoreland thay đổi cái nhìn của ông khi ý thức được tầm quan trọng của dân chúng trong chiến cuộc VN, nhấn mạnh tới nhu cầu phải bảo về người dân. Cái nhìn đó khiến tình hình Miền Nam trở nên khả quan hơn sau 1968.
Các tướng lãnh Mỹ cũng ý thức được điều này, nhất là sau năm 2005, bắt đầu để cho người Iraq định đoạt vận mạng của họ, giao dần trọng trách cho người Iraq đương đầu với quân nổi dậy.
Phiến quân Taliban hiện vẫn là lực lượng nguy hiểm, hầu như luôn trong thế công do khả năng của giới lãnh đạo phe này tỏ ra vượt trội hơn nhà cầm quyền Kabul.
GS Mark Moyar
Ở Afghanistan, theo GS Mark Moyar, phe Taliban hiện vẫn là lực lượng nguy hiểm cho chính phủ Kabul và cả liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Lên tiếng tại hội nghị, TS Austin Long thuộc đại học Columbia, Hoa Kỳ, lưu ý rằng vấn đề tổ chức có liên hệ chặt chẽ tới hoạt động nổi dậy.
Theo ông thì hệ thống tổ chức có chặt chẽ hay không là lý do thành công hay thất bại của quân nổi dậy. GS Austin Long nhận xét rằng VC là lực lượng nổi dậy có tổ chức rất chặt chẽ, hoạt động có hệ thống, thường thành công trong những cuộc tấn công quyết tử.
TS Austin Long nhận thấy quân nổi dậy ở Iraq, nhất là ở các tỉnh, hoạt động rời rạc trong những năm 2003-2004, rồi được thay thế bằng lực lượng al-Qaeda có tổ chức chặt chẽ, hoạt động hiệu quả và nguy hiểm hơn nhiều. Trong khi đó, quân nổi dậy Taliban ở Afghanistan chứng tỏ ngày càng đáng ngại hơn.
TS Austin Long kể lại kinh nghiệm của ông khi làm việc cho Công ty RAND tại Afghanistan và Iraq, một phần công việc của ông là phỏng vấn những người bị giam giữ. Khi so sánh những cuộc phỏng vấn các tù binh, những tổ chức từ thiện mà công ty RAND thực hiện liên quan đến chiến tranh VN, thì TS Austin Long nhận thấy nhiều điểm tương đồng, đó là nguyên nhân chiến tranh chủ yếu không phải bắt nguồn từ những yếu tố như thành phần xã hội, tôn giáo, tinh thần dân tộc...mà thực chất phát xuất từ hoàn cảnh cụ thể như tình trạng thất nghiệp, khiếm dụng, mất sinh kế...
Chính phủ Hamid Karzai của Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn hiện trong thế yếu, tồn tại nhờ sự hiện diện của Hoa Kỳ.
TS Gerald Meyerle
Trong số những học giả hiện diện tại hội nghị có TS Gerald Meyerle, một chuyên gia nghiên cứu chiến lược. Theo TS Gerald Meyerle, điểm mà mọi người phải công nhận là phiến quân ở Afghanistan chứng tỏ nguy hiểm hơn quân nổi dậy ở Iraq.
Phiến quân Afghanistan cũng tựa như lực lượng Việt Minh, Việt Cộng ở VN hồi thời chiến vốn hoạt động hiệu quả, nguy hiểm, khống chế đều khắp các địa phương, xây dựng được những tổ chức chính trị chặt chẽ, xây dựng hữu hiệu từ sách lược chính trị đến chiến thuật quân sự. Phe Taliban ở Afghanistan nắm vững lề lối hoạt động, vận hành của các bộ tộc, của xu hướng chính trị địa phương, họ không cần những định chế công quyền, bộ máy cảnh sát, hệ thống công lý. Điều họ cần là giải quyết hữu hiệu những tranh chấp giữa dân làng, bộ tộc, thu hút hay không chế được người dân...

Chính phủ Afghanistan còn yếu
Trong khi đó, theo TS Gerald Meyerle, chính phủ Hamid Karzai của Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn hiện trong thế yếu, tồn tại nhờ sự hiện diện của Hoa Kỳ, của nguồn ngoại viện...những yếu tố mà TS Gerald Meyerle so sánh với chính quyền Miền Nam trước đây khiến sau cùng rồi Bắc Việt tiến chiếm Miền Nam.
Theo một diễn giả khác, cựu Đại tá John K. Wood, mặc dù cuộc chiến tại Afghanistan hiện giờ là loại chiến tranh không quy ước, mà ông tin là sẽ diễn tiến dai dẳng, nhưng nói chung công luận Mỹ có khuynh hướng dung thứ cho cuộc chiến Afghanistan, và cả Iraq, so với chiến tranh VN trước kia, khi Hoa Kỳ đi từ một quân đội tổng động viên cho VN tới quân đội tình nguyện cho Afghanistan hiện giờ.
Cuộc chiến có mang tính chính đáng hay không, theo Đại tá John Wood, sẽ mở đường cho sự ủng hộ của không những người dân Mỹ mà cả người dân Afghanistan. Và công luận sẽ tác động đáng kể đến sự thành bại của cuộc chiến như từng chứng tỏ tại VN ngày trước. Ông nhận xét thêm rằng thách thức mà chính phủ Kabul gặp phải hiện giờ cũng giống thách thức mà chính quyền Saigòn gặp phải trước kia. Câu hỏi được nêu lên là Hoa Kỳ hiện tín nhiệm chính quyền Hamid Karzai tới đâu? Theo Đại tá John Wood, mặc dù quân đội Miền Nam trước kia chiến đấu rất giỏi, xây dựng được lực lượng vững mạnh, nhưng nó bị soi mòn vì sự mất tín nhiệm ở giới cầm quyền khiến, sau cùng rồi, Mỹ rút quân.

TS Gordon Adams thuộc American University, viên chức cao cấp về ngân sách của Tòa Bạch Ốc, có cái nhìn đặc biệt về mặt kinh tế và định chế.
Theo TS Gordon thì cuộc thảo luận về bài học VN liên quan đến Iraq và Afghanistan đưa ông trở lại quá khứ của những năm sôi động thuộc thập niên 60, khi vào một buổi sáng, ông tỉnh giấc và nghe radio loan tin biểu tình quy mô liên quan cơ cấu ngân sách quốc gia. Rồi ông liên tưởng đến chiến cuộc VN, và nêu lên nghi vấn: Ngân sách mà Hoa Kỳ tài trợ cho cuộc chiến này chiếm bao nhiêu trong ngân sách quốc phòng Mỹ? Cách chi tiêu ra sao? Nguồn tài trợ lấy từ đâu? Làm sao hoàn trả? Nói chung việc Washington tài trợ cho chiến tranh VN ảnh hưởng tới kinh tế Hoa Kỳ như thế nào?
Rồi ông nghĩ đến hậu quả về định chế, đặc biệt là cái nhìn của Ngũ Giác Đài về tương lai của chính cơ quan này.
Theo tính toán của TS Gordon thì Hoa Kỳ tài trợ cho VN lên cao điểm trong giai đoạn từ 1964 tới 1970, chiếm từ 38% đến 43 % tổng ngân sách quốc phòng liên bang, giữa lúc mức chi tiêu ngân khố lên cao, khi tổng thống Johnson mở rộng chi tiêu về xã hội khiến ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ.
Và rồi hậu quả về mặt định chế cũng xảy đến, khiến Hoa Kỳ phải cắt giảm đáng kể những cơ quan quân sự. Kể từ đó, cuộc tranh cãi chính trị kéo dài về chính sách và ngân sách quốc phòng, về vai trò, vị thế quốc phòng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, về mối quan hệ Mỹ-Nga...
Theo TS Gordon thì ngày nay, bài học VN xem chừng như chưa được áp dụng hiệu quả cho vấn đề Iraq và Afghanistan. Hoa Kỳ, theo ông, chưa học được bài học này về các mặt chiến lược, huấn luyện hải ngoại, bình định, duy trì hòa bình, chống quân nổi dậy, chống khủng bố, tái thiết...
Trong khi đó, trong vài trường hợp, TS Gordon tin rằng bài học VN áp dụng cho Iraq và Afghanistan một cách lệch lạc, đó là gây áp lực lớn để chi thật cao cho chiến tranh Afghanistan và Iraq, khiến tạo nên hậu quả, thứ nhất, là làm suy yếu khả năng tác chiến của Hoa Kỳ tại hải ngoại. Thứ hai làm ảnh hưởng đến bộ máy phục hồi nỗ lực cắt giảm mức thâm hụt ngân sách Mỹ hiện giờ. Và tất cả điều đó đang ảnh hưởng nặng đến kinh tế Hoa Kỳ.
Theo dòng thời sự:
- Hoa Kỳ, ông Karzai và Afghanistan
- Chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan
- Bản phúc trình về Afghanistan
- Bất chấp đe dọa của Taliban hàng triệu cử tri Afghanistan đã đi bầu
- Chiến dịch "Mushtarak" ở Afghanistan
- Cuộc tổng tấn công Taliban ở Marjah
- Chính phủ Hà Lan sụp đổ vì vấn đề Afghanistan
- Tấn công Marjah là bước chiến thuật nhắm vào Kandahar