Tật nghiện game on line

Vào khi số lượng học sinh trong nước sử dụng máy vi tính cho việc học tập càng ngày càng nhiều, thì một vấn đề hệ trọng không kém là tật nghiện game on line cũng tăng cao trong giới trẻ.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.07.12

Hậu quả

Ghiền chơi game on line không phải là thú vui nhất thời ngày một ngày hai mà hệ lụy của nó còn kéo dài và đáng ngại hơn, đó là sự sao lãng việc học, tự cô lập, tự vui một mình trong thế giới ảo, không có tiền lên mạng để chơi game thì lầm lì khó chịu.

Bà Thanh, có người cháu nghiện chơi game đến độ sanh tật ăn cắp tiền để đi chơi, nói về tình trạng ghiền chơi game on line trong giới học sinh hiện nay:

Nhiều lắm, coi như là nó nghiện chơi rồi đổ ra ăn cắp ăn trộm, rồi nó đi cắt dây điện để có vài chục ngàn để vô game thôi.

Bà Thanh

“Nhiều lắm, coi như là nó nghiện chơi rồi đổ ra ăn cắp ăn trộm, rồi nó đi cắt dây điện để có vài chục ngàn để vô game thôi. Ba cái trò chơi trực tuyến, thí dụ như game truyện Võ Lâm Truyền Kỳ của Trung Quốc, vào chơi game đó là phải sắm một cái kiếm phải là xịn hơn phe bên kia, chỉ đóng tiền vô trong game thôi, tiền ảo, để có những dụng cụ như vậy. Thật sự những trò chơi đó người lớn còn ghiền nữa huống gì con nít. Cái tác hại của nó rất là ghê gớm.”

Nguyên nhân

youth-and-online-game-220.jpg
Các em trai và gái đang chơi game tại một tiệm Internet ở Hà Nội. AFP Photo.
Thế thì đâu là nguyên nhân của chứng nghiện chơi game trên mạng nơi con trẻ? Bà Thanh trình bày tiếp:

“Nói chung ra là do sự quản lý của gia đình, của trường. Rãnh rỗi thì nó trốn học. Mà đa số cũng nói thẳng ra là những người chủ game là họ tham tiền nữa. Thường là quán mở tới mười giờ là người ta đóng, còn đằng này là nó cho mấy em chơi cả đêm luôn. Mấy người chủ Internet đó thí dụ như thấy trẻ trốn học , nó còn đeo phù hiệu trường, nếu mà ý thức đừng cho nó vô thì không có vấn đề. Đằng này nó nhét cặp vở trong bụng , nó vào thì vẫn cho nó chơi, miễn sao có tiền thôi. Thành thử ra cái đó là nguyên nhân đầu tiên, cái quản lý không rõ ràng tại những tiệm game chui.”

Vẫn theo bà, vấn đề trẻ nghiền chơi game nhiều phần còn do nơi tính chủ quan của người lớn, đến khi biết ra thì đã muộn và phải tìm cách đưa con đi cai:

“Cha mẹ mà coi như đi đâu cũng khoe con tui giỏi vi tính lắm mà thật sự đâu có biết là nó toàn chơi game, năm ba chục thì cứ cho, cứ nghĩ con mình đi ra để truy cập để làm bài này nọ. Có nhiều người rất bàng quan về chuyện này. Nhưng rồi có những số hiểu biết thì bắt đầu tìm trường cho con cai nghiện, vô đó thì người ta đưa trẻ vào sinh hoạt bình thường trở lại, nghĩa là vẫn cho chơi nhưng chơi có giờ thôi, trở lại qui luật sinh hoạt nề nếp...”

Cô Nga, giáo viên ở miền Trung, bổ túc vấn đề trên một khía cạnh khác:

Nói chung ra là do sự quản lý của gia đình, của trường. Rãnh rỗi thì nó trốn học. Mà đa số cũng nói thẳng ra là những người chủ game là họ tham tiền nữa.

Bà Thanh

“Internet hay game hay mạng ở Việt Nam thì mới cập nhật nhiều vài năm nay thôi. Cái gì mới thì con nít nó ham mà vào chơi thì ghiền rồi không gỡ ra được. Bảo rằng trẻ quá rãnh rổi thì không có vì bây giờ học thì chương trình phổ thông rất là nặng. Tôi nghĩ là do giáo dục của cha mẹ thôi. Tại sao gọi là nghiện mà cả con nhà nghèo cũng nghiện. Nhà nghèo không có tiền mua máy tính thì chạy ra tiệm thì mình đâu có biết nó làm gì đâu. Thấy trẻ đánh máy tính nhanh cứ nghĩ là chắc nó học ghê gớm lắm nhưng thực ra là nó lên mạng nó chơi game on line giỏi thì nó đánh cũng giỏi như vậy. Thứ hai nữa nhiều bố mẹ đâu có biết tin học là gì đâu, thấy như vậy cứ nghĩ. Do giáo dục thôi, về tâm lý thì tuổi trẻ rất là tò mò cho nên cái gì mới thì nó cập nhật. Ở địa vị giáo viên trong trường, ở địa vị là bậc cha mẹ thì nên có môi trường giáo dục như thế nào để con mình tiếp cận một cách lành mạnh nhất không để bị nghiện như vậy. Nhưng mà khó lắm ở đây nó tràn lan hết, không có luật gì cả, thích như thế nào là kệ như thế đó, thích chơi như thế nào là kệ như vậy chứ không có một sự ngăn cấm nào một qui định nào. Bây giờ mà nói là quản thì rất là khó.”

Quan tâm của gia đình

Thực tế thì không riêng Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, không chỉ trẻ em mà cả người lớn tuổi cũng bị cuốn hút vào những trò chơi ảo, gọi là bắn game, rất sôi động và rất lý thú trên máy vi tính.

Bác sĩ tâm lý học Lê Phương Thúy, đang hành nghề tại California, phân tích:

“Dùng chữ nghiện rất là đúng vì, ghiền, nghiện chơi game on line thì về phương diện tâm lý tôi không ngạc nhiên. Căn bản của chứng ghiền, chứng nghiện là nó thể hiện một cái nhu cầu, một cái sự thèm khát của mỗi con người. Bây giờ đi thẳng vào trường hợp Việt Nam, tại sao các em mê chơi game trên Internet như vậy, cái thứ nhất phải công nhận nó rất là thú vị, cái thứ nhì nó tạo ra một cuộc tranh tài, một sự thi đua cạnh tranh mà rất phù hợp với tinh thần của tuổi trẻ . Cái thứ ba nữa là nó thuận tiện nhiều cái lắm. Chẳng hạn các em có thể ngồi nhà với cái máy vi tính, các em có thể trá hình. Thời gian đầu bố mẹ cứ tưởng các em lo học. Mà cũng danh chính ngôn thuận nữa bởi vì các em cần dùng computer, cần phát triển khả năng xài máy vi tính để mà có thể tiến triển trong việc học. Đó là lối thoát cho các bạn trẻ không có phương tiện đi ra ngoài, mà nó lại tương đối lành mạnh tại cha mẹ thường sợ con nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện thuốc lá . Chứ còn khi nghiện máy vi tính ba mẹ thường là khuyến khích cho đến khi cái sự sử dụng máy vi tính và những trò chơi bán game đi đến một việc quan trọng nhất là sao lãng cả việc học.”

Thấy trẻ đánh máy tính nhanh cứ nghĩ là chắc nó học ghê gớm lắm nhưng thực ra là nó lên mạng nó chơi game on line giỏi thì nó đánh cũng giỏi như vậy.

Bà Thanh

Bác sĩ tâm lý Lê Phương Thúy khẳng định sự quan tâm và kiểm soát của cha mẹ đối với giờ giấc và thói quen sử dụng máy vi tính của con trẻ ngay từ đầu là yếu tố cần thiết để tránh hậu quả của tật nghiện chơi game trên không gian ảo:

“Phải giải quyết như thế nào thì tôi nghĩ là vẫn trở về với gia đìnnh. Phải nhận thấy rằng đối với những gia đình, giàu nghèo không thành vấn đề, mà gia đình nào cha mẹ quan tâm tới các con ...”

Báo chí trong nước đưa tin là nhiều bậc cha mẹ, đau lòng vì con mê mãi chơi game đến bỏ cả học hành, rồi thì sức khỏe sa sút do thức khuya để bắn game giờ này qua giờ khác, buộc lòng phải đưa con vào lớp cai nghiện game của Trung Tâm Thanh Thiếu Niên Miền Nam.

Đã có nhiều trường hợp khiến phụ huynh đau đầu không ít khi bị đứa con ghiền chơi game tạo áp lực như đỗ lì, nằm vạ, la khóc, tuyệt thực.

Ngoài những lớp cai nghiện game, các trẻ ghiền cũng có thể vào trung đoàn 88 của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 7 ở Đồng Nai để được rèn luyện nhân cách trong môi trường kỹ luật của quân đội, hầu có thể tự mình ý thức mà rời bỏ thói mê chơi game nguy hiểm này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.