Thêm tiếng nói đối lập bị đưa vào viện tâm thần – chiêu trò ‘trả thù’ của chính quyền Việt Nam
2021.03.22
Ngày 22 tháng 3 Công an Thành phố Hà Nội mới cho người thân của ông Trịnh Bá Phương biết ông bị chuyển vào viện tâm thần. Trước đó, vào ngày 19 tháng 3, vợ ông Phương là bà Đỗ Thị Thu đến trại giam để thăm chồng, mới được cán bộ trại tạm giam tiết lộ chồng bà đã bị bị chuyển trại từ hai, ba tuần trước rồi, nhưng lúc đó trại giam không cho biết họ đã chuyển ông Phương đi đâu.
Khi nghe báo tin chồng bị chuyển đến Viện Tâm Thần, bà Thu chất vấn và biết được lý do:
“Em gặp anh Nguyễn Thế Bắc, họ chỉ thông báo bằng mồm rằng đã trích xuất chồng em đi tới Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 vào hôm 1 tháng 3. Em bảo là 'Lý do tại sao các anh lại chuyển chồng em đi', thì các anh ấy nói rằng là 'chồng em chống đối, không hợp tác giống như là không chịu trả lời những câu hỏi của anh ấy (điều tra viên - PV) cho nên họ đưa đi”.
Bà Thu cũng cho biết, tháng 9 năm 2020, gia đình đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập để hỏi về tiền sử của gia đình có ai bị tâm thần hay không vì ông Phương "không nhìn điều tra viên và cũng không trả lời những câu hỏi của điều tra viên".
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị bắt tạm giam từ ngày 24/6/2020 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, sau khi ông và gia đình đưa tin về vụ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm đầu năm 2020. Sau khi ông và người mẹ là Cấn Thị Thêu cùng em trai Trịnh Bá Tư và dân oan Nguyễn Thị Tâm bị bắt, ông đã từ chối không nói gì với cán bộ trại giam và có chuyển tin cho vợ rằng ông sẽ giữ quyền im lặng.
Nhà đấu tranh, cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Thanh Nghiên khẳng định rằng việc đưa ông Trịnh Bá Phương vào trại tâm thần là một sự gia tăng hành vi trả thù từ phía điều tra viên khi người bất đồng chính kiến tiếp tục can trường và công an không cưỡng chế được ông Phương khai theo ý mình.
“Tôi có thể khẳng định rằng đây là một biện pháp trả thù chứ không còn là âm mưu nữa, một hành động rất cụ thể ở phía Nhà nước Cộng sản Việt Nam đối với những người hoạt động nhân quyền. Vì sao tôi khẳng định như thế? Bởi vì thứ nhất là tôi cũng là một trong người bạn của Phương và gia đình Phương cũng như những người bạn của Phương đều khẳng định rằng Phương là một người khỏe mạnh về tinh thần và tâm thần. Không có vấn đề gì về cái gọi là tâm thần cả mà phải bị đưa vào trại tâm thần. Điều thứ hai nữa là đây không phải trường hợp đầu tiên. Chúng ta có thể nhớ lại hai trường hợp cụ thể của blogger Lê Anh Hùng và của nhà văn Phạm Thành”.
Nhà hoạt động Lê Anh Hùng, một blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), bị bắt ngày 5/7/2018 và bị tạm giam để điều tra vì cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước'. Vào tháng 4 năm 2019, ông bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Sau đó có tin ông không chịu uống thuốc tâm thần của bệnh viện, nên ông đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình đã thuật lại thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào tháng 7/2020: “Anh Lê Anh Hùng bị nhân viên bệnh viện ép cho uống thuốc, nhưng anh Lê Anh Hùng nghĩ mình không bị bệnh nên phản kháng. Khi anh Hùng phản kháng lại thì bị đánh, sau đó bị trói và bị tiêm thuốc”.
Cho đến nay, gần ba năm sau khi bị bắt, vụ của blogger Lê Anh Hùng vẫn chưa được xét xử.
Nhà văn Phạm Thành bị công an Hà Nội chuyển vào Viện pháp y Tâm thần Trung ương hôm 25/11/2020, sau sáu tháng ở tại trại tạm giam. Ông là tác giả của một số cuốn sách chỉ trích mạnh mẽ hệ thống chính trị hiện nay và cả tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như ‘Cò Hồn Xã Nghĩa’ hay ‘Thế thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo’. Nhà văn Phạm Thành bị bắt ngày 21 tháng 5 cùng năm vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.
Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên nhận định rằng trong cả ba trường hợp của blogger Lê Anh Hùng, nhà văn Phạm Thành và nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương, gia đình không được thông báo cho đến khi họ đi tiếp tế, hỏi ra thì mới được phía công an trại giam cho biết và thừa nhận là đã đưa những người này bị chuyển đến viện tâm thần. Bà Phạm Thanh Nghiên nói chính quyền Việt Nam đã học chiêu trò này từ công sản Liên Xô:
“Nếu mà bạn theo dõi các diễn biến xảy ra ở bên Nga Xô nhiều năm trước thì đây là một cách làm của Stalin, của mật vụ Nga vẫn cứ làm đối với những nhân vật đối kháng, đối với những người tranh đấu cho tự do, nhân quyền, dân chủ bằng cách là đưa họ vào các trại tâm thần, gọi là “điều trị” (chúng ta cho phải cho vào ngoặc kép), để cho những người này bị hủy hoại về thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt là hủy hoại trí tuệ của những người mà họ cho rằng là chống họ. Đây là một điều rất nguy hiểm và rất đáng lo ngại”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương cho rằng thân chủ của mình đang thực hiện quyền "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” mà Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 có hiệu lực đầu năm 2018 quy định: "Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội độc lập Lê Trọng Hùng thì lập luận trên trang Facebook cá nhân: “Việc đưa Phương vào bệnh viện tâm thần đã vi phạm hàng loạt các điều trong hiến pháp trong đó có điều 20 bảo vệ nhân phẩm, danh dự và điều 31 quyền được xét xử công bằng”!
Giới đấu tranh cho nhân quyền và gia đình đã khẩn cấp lên mạng xã hội Facebook thông tin ông Trịnh Bá Phương bị chuyển vào viện tâm thần. Họ cho biết họ cũng đã liên hệ với một số nơi như các tổ chức nhân quyền và đại sứ quán các nước tự do để thông báo về trường hợp mới nhất này.