Quan chức trong “sạch”, tài sản có “sạch”?
2019.09.26
Dự thảo Luật Phòng Chống Tham Nhũng sửa đổi đang được mang ra thảo luận tại Việt Nam với nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Mở rộng đối tượng kê khai – có biến
Được biết theo qui định Luật Phòng Chống Tham Nhũng hiện hành, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ cấp Phó Phòng Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện và tương đương trở lên. Điều này có nghĩa một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản Nhà Nước hoặc người trực tiếp liên hệ cũng như giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân … đều có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.
Nay Dự thảo Luật Phòng Chống Tham Nhũng sửa đổi lại có thêm qui định là ngoài các đối tượng phải kê khai theo Luật hiện hành, cần thiết nên mở rộng kê khai lần đầu đối với mọi cán bộ, công chức trong chính phủ.
Trong lúc tin được loan đi trên các kênh truyền thông và gợi sự chú ý từ mọi giới, thì một viên chức chính phủ là tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, lại cho rằng sẽ là “động trời” nếu Nhà Nước yêu cầu tất cả cán bộ công khai nhà đất của gia đình kèm theo giải trình về nguồn gốc của tài sản đó.
Ông Đặng Hùng Võ nói “động trời” có nghĩa là nó động đến tất cả mọi đối tượng, từ ông Thủ tướng, từ ông Chủ tịch nước, từ ông Tổng bí thư cho đến các cấp cán bộ phó trưởng phòng ở dưới, phàm đã là giàu có thì đều dính đến dính đến việc cướp đoạt đất đai công thổ quốc gia tài sản đất đai, mua rẻ bán đắt. Động trời là cái chỗ ấy.
-Nhà báo Phạm Thành
Phản ứng của dư luận có sự đồng tình ít nhiều với phát ngôn của ông Đặng Hùng Võ kèm theo đó là những lời chỉ trích gay gắt về từ “động trời” mà ông sử dụng.
Nguồn cơn bắt đầu từ Luật Đất Đai năm não năm nào trong Hiến Pháp Việt Nam, là nhận định của nhà báo Phạm Thành, phóng viên lâu năm Đài Truyền Hình Việt Nam ở Hà Nội:
Hiến Pháp về Luật Đất Đai qui định rằng đất đai là công thổ quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà Nước, người dân về bản chất chỉ được Nhà Nước cho mượn đất để sử dụng, ông chủ đất đích thực là ông Nhà Nước. Ở Việt Nam đất đai là một thứ tài nguyên để tham ô, tham nhũng theo phương thức dùng áp lực của chính quyền để thu hồi đất mà từ trước đến nay đã giao cho dân sử dụng.
Và nếu bắt tất cả cán bộ đảng viên phải công khai nhà đất rồi phải giải trình nguồn gốc nữa thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, là nhận định tiếp của nhà báo Phạm Thành:
Đất đai là mảnh đất béo bở nhất bên cạnh những nguồn khác, nhiều năm nay tất cả các quan chức từ lớn đến bé đều quan tâm đến vấn đề cướp đoạt tài nguyên đất đai của đất nước để làm giàu riêng. Vì vậy bây giờ muốm bạch hóa các điều này ra thì đương nhiên không có quan chức nào không dính vào. Không có quan chức nào có tiền tỷ mà lại không dính vào việc cướp đoạt tài nguyên đất đai của đất nước. Ông Đặng Hùng Võ nói “động trời” có nghĩa là nó động đến tất cả mọi đối tượng, từ ông Thủ tướng, từ ông Chủ tịch nước, từ ông Tổng bí thư cho đến các cấp cán bộ phó trưởng phòng ở dưới, phàm đã là giàu có thì đều dính đến dính đến việc cướp đoạt đất đai công thổ quốc gia tài sản đất đai, mua rẻ bán đắt. Động trời là cái chỗ ấy.
Luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, cũng là thành viên Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, nhận xét về ngôn từ “động trời” của ông Đặng Hùng Võ:
Ông Đặng Hùng Võ làm về môi trường và về đất đai, ông biết các quan chức được hưởng lợi từ vấn đề đất đai rất nhiều, thành ra bây giờ phải khai trình nguồn gốc tài sản có được như thế nào thì đối với chính bản thân ông Đặng Hùng Võ đã là chuyện cực kỳ khó khăn như các quan chức nhà nước. Thành ra ông kêu lên một tán thán từ động trời như thế tôi nghĩ cả người dân đều hiểu ông cũng lo ngại cho chính ông, và các quan chức chắc chắn cũng đồng ý với ông ấy rằng bây giờ mà phải kê khai theo kiểu như thế là cả một điều bứt dây động rừng.
Tài sản “thật” không có để kê khai
Phóng viên kỳ cựu Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV, ông Lê Phú Khải, nói ông không ngạc nhiên về Dự thảo Luật Phòng Chống Tham Nhũng sửa đổi qua đó mở rộng đối tượng kê khai tài sản đất đai đối với tất cả cán bộ viên chức:
Bản thân ông Đặng Hùng Võ đó có bao nhiêu của ông có khai không hay là ông nói động trời động đất đề làm màu làm mè thôi. Đặng Hùng Võ nói cho vui thôi chứ những người có nhà có đất người ta có đứng tên đâu, người ta cho họ hàng con cháu đúng tên. Ví dụ như căn hộ tôi đang ở tại Phú Mỹ Hưng đây, khi tôi mua thì có phải ông chủ bán cho tôi đâu mà là cái bà ô xin tận Bến Tre lên bán cho tôi. Bà bảo ông chủ cho bà đứng tên năm mười căn hộ như này, chủ tin nên để cho bà bán. Thế thì ông chủ nào đó, ông giám đốc nào đó, ông quan lớn nào đó dấu tên dấu của người ta có kê khai đâu.
Một trong những trường hợp chiếm hữu đất đai tài sản khác mà nhà báo Lê Phú Khải cho rằng không bao giờ có thể kê khai chứ chưa nói chuyện làm rõ:
Tôi lấy ví dụ những cái nhà lớn nhất ở Sài Gòn này, toàn Viện Kiểm Sát với Tòa Án vào mua thôi, toàn là người nhà của họ vào đây mua những cái nhà một lúc ba mươi mấy tỷ. Thế tôi hỏi từ Cải Cách Ruộng Đất tới giờ cán bộ làm gì mà có 35 tới 40 tỷ để mua một căn nhà nếu không ăn cắp rồi đưa cho vợ con gia đình vào mua. Đảng cộng sản đưa ra công khai nhà đất này kia chỉ là trò lừa dân mà thôi, bà con anh em họ đứng tên hết rồi, kê khai cái gì mà cũng chẳng ai kê khai cả. Đó là trò hề.
Theo tin thì có hai đại biểu quốc hội, bà Lê Thị Thủy ở Hải Dương và bà Nguyễn Thị Lệ Trinh ở Bến Tre, đều cho rằng việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập như Dự thảo Luật sửa đổi là cần thiết.
Đảng cộng sản đưa ra công khai nhà đất này kia chỉ là trò lừa dân mà thôi, bà con anh em họ đứng tên hết rồi, kê khai cái gì mà cũng chẳng ai kê khai cả. Đó là trò hề.
-Nhà báo Lê Phú Khải
Riêng bà đại biểu Nguyễn Thị Lệ Trinh còn bổ sung rằng mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu với tài sản thu nhập tăng thêm khi được đề bạt hay bổ nhiệm.
Đó là quan điểm của giới dân cử, còn những người trong giới truyền thông hay luật pháp suy nghĩ như thế nào? Luật Phòng Chống Tham Nhũng trước giờ có được thực thi một cách nghiêm chỉnh và minh bạch hay không, là câu hỏi và cũng là câu trả lời của nhà báo Phạm Thành:
Không minh bạch không nghiêm chỉnh, tham nhũng bây giờ lại đứng ra chống tham nhũng, không có cơ chế chống tham nhũng thì làm sao chống được. Xã hội Việt Nam bây giờ phàm những vụ tham nhũng đều là đảng viên, đó là một thực tế, càng có chức có quyền thì tham nhũng càng lớn. Nói Nhà Nước cũng có việc kiểm soát cái giàu có của cán bộ đảng viên thì tôi khẳng định luôn nó không đi tới tận cùng của vấn đề được. Ai khai thế nào là cứ khai thôi, không có tác dụng gì đâu. Đặng Hùng Võ cũng là một quan chức đã giúp cho các quan cộng sản ăn đất, như vụ Eco Park ở Hưng Yên, không có Đặng Hùng Võ làm sao người ta chiếm được hàng ngàn hectares đất của dân Hưng Yên, có bàn tay của ông Đặng Hùng Võ đấy.
Đứng về phía những người đưa tin, nhà báo Lê Phú Khải nói Chính phủ và quốc hội Việt Nam có quyền ban hành hoặc sửa đổi Luật Phòng Chống Tham Nhũng vào khi điều này đã trở thanh một vấn đề lớn của đất nước. Thế nhưng, vẫn theo lời ông, quan trọng là ai xứng đáng xét xử ai, chưa kể người phanh phui những vụ tham ô nhũng lạm trong bộ máy công quyền lại là những người dễ bị hại nhất:
Tôi có anh bạn là anh Kim Quốc Hoa, tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, chính anh là người khui vụ tham nhũng thì bị bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn bắt phạt 700 triệu VND. Bây giờ ông Trương Minh Tuấn đương ở tù vì ông là người tham nhũng nhất. Trước khi ở tù thì ông ấy đánh Kim Quốc Hoa vì Kim Quốc Hoa chống tiêu cực.
Tham nhũng nhất thì lại đi khui người khác, cũng như ông Truyền (Trần Văn Truyền-PV) tổng thanh tra Nhà Nước, có bao nhiêu nhà thì tổng thanh tra cái gì, kể cả Đặng Hùng Võ nữa, chả có gì động trời cả. Vụ Thủ Thiêm đấy, ăn cướp như thế, 20 năm trời dân đi kiện có ai xử đâu.
Được hỏi Nhà Nước có thể dựa trên việc công khai tài sản của cán bộ đảng viên để thẩm định hay đánh giá đạo đức cũa họ không, luật sư Đặng Trọng Dũng thận trọng cho rằng đây là việc không đơn giản:
Đặc biệt vấn đề chống tham nhũng thì cách làm của nhà nước là không cần đến nơi đến chốn. Thành ra suy nghĩ của tôi về chống tham nhũng thể hiện qua việc kê khai tài sản rồi cũng chẳng đi đến đâu hết.
Bao năm qua, luật sư Đặng Trọng Dũng nói tiếp, Việt Nam lẽ ra phải nhìn vào Singapore, Indonesia, Hàn Quốc… là những nước bạn trong khu vực tương đối có hành động chống tham nhũng rất tốt:
Thế nhưng chúng ta có học hỏi gì đâu, chúng ta muốn chống theo kiểu Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng. Cách chống tham nhũng đó không có một cái International Standard (tiêu chuẩn quốc tế-pv) hoặc những cái chuẩn chống tham nhũng cần phải có ở Việt Nam.