23 sản phẩm sữa nhiễm độc
Hôm thứ hai báo chí trong nước đưa tin Cục Vệ sinh An tòan Thực phẩm vừa loan báo phát hiện thêm 3 sản phẩm sữa nhiễm melamine, nâng tổng số sản phẩm nhiễm độc tố này lên 23 mẫu. Các sản phẩm ấy đều do Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội sản xuất, gồm sữa chua, sữa bột gầy và sữa bột tòan phần.
Vào thứ sáu tuần trước theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 2 mẫu thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm khác của công ty này cũng nhiễm melamỉn.
Từ hồi trung tuần tháng chín sau khi tin hàng ngàn trẻ em Trung Quốc bị sạn thận do uống sữa có chứa melamin làm nhiều nước chấn động, Việt Nam cũng như thế giới bắt đầu xem xét các lọai sữa xuất xứ từ Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường của mình.
Các kết quả thanh tra và kiểm nghiệm đầu tiên của Việt Nam cho thấy một vài mặt hàng sữa như Pure Milk hiệu Yili dương tính với melamine. Mỗi ngày qua lại có thêm tin nhiễm melamine trong sữa họăc sản phẩm dùng sữa trong thành phần nguyên liệu; như sữa tiệt trùng, bánh qui, kẹo. Nhiều gia đình có trẻ em thường xuyên dùng sữa hồi hộp đón nghe xem có thêm mặt hàng nào chứa độc tố này.
Melamine là một loại độc chất có khả năng gây sạn thận, hoặc làm tổn hại bàng quang và cơ quan sinh sản.
Tuần cuối tháng chín, tin cà phê sữa Lựa Chọn Đỉnh nhiễm melamine làm những người lâu nay ưa chuộng sản phẩm này không vui. Cùng lúc, giới tiêu dùng lại lo lắng khi nghe công bố hai lọai bánh ngọt hiệu Đức Phát cũng nhiễm melamine vì dùng nguyên liệu sữa.
Việc kiểm tra tại nhiều công ty sản xuất sữa, sản phẩm sữa và cà phê tại những địa phương khác nhau đã tìm thấy hàng chục tấn sữa bột không rõ nguồn gốc, bị nghi là sữa trôi nổi xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là vì xưa nay sữa nguyên liệu vào Việt Nam qua cả ngả chính thức lẫn ngả không chính thức.
Vì vậy việc hòan tòan nắm rõ xuất xứ của các nguồn cung cấp lọai thực phẩm này trứơc đến nay gần như là điều không tưởng.
Nhiễm melamine cũng không chỉ thu hẹp trong một số sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc mà còn lan rộng đến vài mặt hàng sản xuất từ một số nước châu Á như Malaysia và Indonesia. Đó là trừơng hợp bánh quy hiệu Khong Guan, Khian Guan.

Điều này khiến nhiều cơ sở kinh doanh Việt Nam lo xa quyết định kiểm sóat những mặt hàng nguồn gốc Thái Lan, Singapore…, họăc yêu cầu nhà cung cấp thu hồi những sản phẩm chứa độc chất.
Các biện pháp ứng phó
Từ hạ tuần tháng chín vừa qua mọi sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc bị cấm nhập vào Việt Nam.
Đến nay chính quyền Việt Nam buộc mọi mặt hàng sữa bày bán trên thị trường phải có giấy kiểm nghiệm chứng minh không nhiễm melamine.
Hôm 26 tháng trứơc Thứ trưởng Bộ y tế Cao Minh Quang cho biết hiện Bộ đã xem xét tòan bộ việc cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho tất cả các nhãn hiệu sữa nhập chính thức vào Việt Nam lâu nay.
Hiện toàn Việt Nam có 4 trung tâm kiểm nghiệm đạt chuẩn, có khả năng định nghiệm hàm lượng melamine trong sữa hoặc thực phẩm. Đó là Trung tâm Xét nghiệm ATVSTP thuộc Viện Dinh dưỡng tại Hà Nội, và Trung tâm Kiểm nghịệm thụôc Sở Khoa học-Công nghệ; Viện Vệ sinh Y tế Công cộng; Trung tâm Kỹ thuật 3 TP HCM.
Tuy nhiên việc kiểm nghiệm melamine còn gặp hạn chế vì hệ thống lab kiểm nghiệm thực phẩm đến nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Báo chí trong nước cho biết có đến khỏang 500 mẫu sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa đựơc gửi xét nghiệm, tuy nhiên chỉ có khỏang nửa số này được xét, và trong nhiều ngày qua các trung tâm phân tích, kiểm nghiệm thuộc TP HCM chứng kiến cảnh xếp hàng dài chờ nộp mẫu sản phẩm để đựơc xét nghiệm.
Đôi khi cơ quan này kiểm nghiệm thì cho là có, mà cơ quan kia kiểm nghiệm thì cho là không có. Có hãng khi đem mẫu kiểm nghiệm thì chỗ này nói có melamine, còn chỗ kia thì lại nói là không có.
Bác sĩ Viện Pasteur Sài Gòn
Bộ Y tế Việt Nam do đó chấp nhận các kết quả kiểm nghiệm melamine từ nước ngòai. Ngòai ra trong nhiều trường hợp sự chính xác của kết quả kiểm nghiệm làm nhiều người phải thắc mắc. Một nữ bác sĩ phòng lab Viện Pasteur TP HCM giải thích:
"Đôi khi cơ quan này kiểm nghiệm thì cho là có, mà cơ quan kia kiểm nghiệm thì cho là không có. Tức là về nồng độ, cái hàm lượng melamine trong sản phẩm thấp hay là cao cỡ bao nhiêu. Hay là cái mẫu gửi [kiểm nghiệm] có thể gửi 2 lần khác nhau hay sao đó, mình không rõ. Có hãng khi đem mẫu kiểm nghiệm thì chỗ này nói có [melamine], còn chỗ kia thì lại nói là không có."
Đến đầu tháng này công tác kiểm nghiệm melamine mới được đẩy mạnh. 15 đòan thanh tra đột xuất về an tòan vệ sinh thực phẩm do Bộ y tế thành lập bắt đầu kiểm tra trên tòan quốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm phụ từ hôm thứ sáu vừa qua.
Với đại diện của Bộ y tế, Cục Quản lý Môi trường thuộc Bộ Công thương, Cục Cảnh sát Môi trường, và thanh tra Sở y tế địa phương, công tác kiểm tra melamine trong sữa được dư luận đánh giá là nghiêm túc.
Melamine được những cơ sở sản xuất sữa cho vào sản phẩm nhằm làm sữa có vẻ như giàu chất đạm hơn, đánh lừa kiểm nghiệm về nồng độ đạm của sữa, và làm sữa trông đặc hơn. Hóa chất này, một lọai phụ gia dùng trong công nghiệp nhựa, sản xuất các sản phẩm gia dụng, đồ nhựa, phân bón , thuốc trừ sâu… là một độc chất có khả năng gây sạn thận, hoặc làm tổn hại bàng quang và cơ quan sinh sản.
Có dư luận rằng sữa có hàm lượng melamine rất thấp được phép lưu hành tại một vài nứơc châu Âu. Điều này thực hư ra sao? Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA và Cơ quan An tòan Thực phẩm Châu Âu EFSA xác định rằng lượng melamine mà cơ thể con người có thể dung nạp được là vô cùng thấp. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Việt Nam, thì khẳng định melamine là một độc chất không được hiện diện trong thực phẩm.
Sự kiện sữa chứa độc tố được bày bán trên thị trường đã lâu mới bị phát hiện được xem là cảnh báo cho giới chức năng các nước. Công luận cho rằng thế giới cần tăng cường và nghiêm nhặt trong việc kiểm tra, cấp phép lưu hành, giám sát mọi lọai thực phẩm trên thị trường hầu tránh một vụ sữa nhiễm melamine tương tự về sau.