Sự ra đi của ông Trọng ảnh hưởng đến tương lai chính trị Việt Nam như thế nào?
2024.07.18
Thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung điều trị bệnh và Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ Chính trị phân công thay quyền ông Trọng điều hành công việc của Đảng CSVN được đưa ra cùng với đồn đoán là ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước. Như vậy ngay cả khi lúc này ông Trọng vẫn còn sống, ông đã rời khỏi quyền lực thực tế. Sự “ra đi” về mặt quyền lực của ông Trọng giữa nhiệm kì của đại hội 13 sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính trị Việt Nam trong tương lai? Các chuyên gia, các nhà quan sát trong nước và quốc tế chia sẻ với RFA về vấn đề này.
Ảnh hưởng của di sản “trường hợp đặc biệt”, không về hưu
Lãnh tụ cộng sản Cu Ba là Phidel Castro từng nói “cách mạng không bao giờ nghỉ hưu”, và bản thân Phidel cũng không nghỉ hưu, làm tổng bí thư đến chết. Đối với Giáo sư Zachary Abuza, ông Trọng sẽ được ghi nhớ vì nhiều điều. Trong đó, điều đầu tiên ông Trọng sẽ được ghi nhớ là nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba chưa từng có của ông đã phá vỡ quy tắc hai nhiệm kỳ được thiết lập từ thời kỳ Đổi mới 1986. Và theo hầu hết các nhà phân tích, quyết định không về hưu sau nhiệm kỳ 2 của ông Trọng là quyết định ảnh hưởng lớn đến chính trị Việt Nam về sau.
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị Việt Nam ở Hà Nội, nhận định rằng quyết định không về hưu sau khi hết hai nhiệm kỳ của ông Trọng gắn liền với nhiều thất bại khác của ông Trọng, trong đó, thất bại lớn nhất là không tìm được người kế vị ở thời điểm đó. Ông nói:
“Đấy là một di sản rất dở của ông ấy. Ông ấy đã ngồi xổm lên Điều lệ Đảng. Đó là điểm mà tôi nói là tham quyền cố vị.
Ông ấy đã thất bại hoàn toàn trong việc chọn người kế vị, một việc quan trọng của mọi chế độ. Mọi chế độ đều cần có cơ chế chọn người kế vị giỏi, một cách minh bạch để việc kế vị diễn ra tốt đẹp. Đáng tiếc là ông ấy đã thất bại.
Đến bây giờ, ông ấy già yếu, mà sự ra đi về mặt quyền lực của ông không được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Thì chắc chắn nó dẫn đến hậu quả là sự tiến triển của nền chính trị Việt Nam sắp tới.
Bây giờ chắc chắn là kỷ nguyên của ông Nguyễn Phú Trọng đã qua, kỷ nguyên của ông Tô Lâm bắt đầu. Chúng ta khó lòng mà nhìn thấy trước được là kỷ nguyên mới này sẽ đi tiếp như thế nào.”
Tiến sỹ Nguyễn Quang A đặt ra hai giả thuyết. Một là nhìn về những gì ông Tô Lâm làm trong quá khứ thì sẽ thấy đáng lo ngại nhiều hơn. Vì Bộ Công an thời ông Tô Lâm làm bộ trưởng đã bắt nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự, soạn thảo nhiều bộ luật có tính bảo thủ cho Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng thứ hai, thấp hơn, là khi đã nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, ông Tô Lâm có thể thực hiện một số cải cách. Các cải cách này có thể xảy ra với sự đấu tranh, đòi hỏi của người dân, sức ép của tình hình quốc tế, đội ngũ cố vấn thân cận của ông Tô Lâm cũng như do nhiều yếu tố khác.
Ông Tô Lâm kế thừa quyền lực
Theo GS. Carlyle Thayer, quyết định hôm 18/7 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho Chủ tịch nước Tô Lâm cho đến khi sức khỏe ông Trọng bình phục là theo đúng quy định mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương đã cam kết. Do đó, sẽ không có sự gián đoạn lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Vị giáo sư ở ĐH UNSW Canberra nhận xét rằng quyết định giao quyền lực cho Tô Lâm làm người tạm quyền thay ông Trọng là một quyết định thận trọng vì nó mang lại khoảng thời gian gần 18 tháng để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là thời gian cần thiết cho một quá trình xây dựng sự đồng thuận có trật tự về ban lãnh đạo mới, cũng như chính sách kinh tế - xã hội và đối ngoại trong nước giai đoạn 2026-2030.
Giáo sư Zachary Abuza chia sẻ với RFA rằng ông hy vọng việc ông Tô Lâm cầm quyền sẽ chấm dứt đấu đá chính trị nội bộ trong 17 tháng tới cho đến khi Đại hội Đảng lần thứ 14 được tổ chức. Ông cho rằng Chủ tịch Tô Lâm sẽ giữ chức quyền Tổng Bí thư. Ông ấy đã thay thế Trọng, người đã vắng mặt các cuộc họp quan trọng và trông rất yếu đuối khi xuất hiện trước công chúng.
Mặc dù Việt Nam tự hào về khả năng lãnh đạo tập thể và đã tách biệt các chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư, nhưng nhiều khả năng là ông Lâm sẽ nắm giữ cả hai. Bản thân ông Trọng đã làm từ năm 2018-2021 sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Điều đó cũng hợp lý, theo nhận xét của vị chuyên gia về Việt Nam ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ.
_______________________
Bộ Chính Trị “phá lệ” thông báo tình hình sức khỏe Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng?
TBT Nguyễn Phú Trọng "đang điều trị tích cực", CTN Tô Lâm thay mặt điều hành các cơ quan Đảng
Bộ Chính Trị “phá lệ” thông báo tình hình sức khỏe Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng?
Vụ Ciputra: khơi lại trách nhiệm người đứng đầu của ông Nguyễn Phú Trọng?
Lần ‘ẩn-hiện” mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng và những đồn đoán liên quan!
Đời sau sẽ nhớ gì về ông Nguyễn Phú Trọng?
____________________________
Hướng đến đại hội 14
Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng Ban Chấp hành Trung ương sẽ triệu tập để phê chuẩn vai trò lãnh đạo của ông Tô Lâm. Ông Tô Lâm sẽ đảm nhận vai trò Tổng Bí thư trong việc lập kế hoạch cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, trong đó có việc sửa đổi Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng và các văn bản chính sách quan trọng khác. Ngoài ra, ông Lâm sẽ giám sát công việc của tiểu ban nhân sự, chịu trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt các ứng cử viên tranh cử vào Ủy ban Trung ương mới và “tứ trụ” lãnh đạo. Đồng thời, trên cương vị Chủ tịch nước, Tô Lâm sẽ tiếp tục đại diện cho Việt Nam gặp gỡ các đối tác tại các diễn đàn quốc tế hoặc trong các chuyến thăm trao đổi tại Việt Nam.
Đồng quan điểm với GS Carlyle Thayer, Giáo sư Zachary Abuza cũng nhận xét rằng nếu ông Lâm được bổ nhiệm làm quyền Tổng Bí thư trong 17 tháng tới, ông sẽ có cơ hội rất vững chắc để trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14, mặc dù ông sẽ cần phải yêu cầu miễn trừ tuổi tác.
Tuy vậy, theo GS Zachary, các nhà quan sát phải cân nhắc rằng BCH Trung ương, vốn có quyền lực hơn nhiều so với BCH Trung ương bên Trung Quốc, có thể muốn làm trong sạch lĩnh vực này và bầu ra một bộ Chính trị và tổng bí thư hoàn toàn mới. Ông chia sẻ rằng ông có cảm giác BCH Trung ương Đảng không hài lòng với sự bất ổn chính trị do tham vọng của ông Tô Lâm gây ra. Những cái tên như Lương Cường đã được đưa ra như một ứng cử viên dù yếu hơn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng lúc này chẳng có ai có thể thách thức được vị thế số một của ông Tô Lâm trước cơ hội tiếp nhận chiếc ghế tổng bí thư, đồng thời, sẽ sớm tiếp nhận hợp nhất với chức vụ chủ tịch nước mà ông ấy đang nắm giữ. Thu giang sơn về một mối dưới bàn tay của lực lượng công an, tuy vậy, theo LS Đặng Đình Mạnh, người ta “khó mà cho rằng điều ấy sẽ giúp mở ra thời kỳ ổn định chính trị mới dưới họng súng. Trái lại, hệ thống quyền lực chính trị Việt Nam ở thượng tầng sẽ vẫn tiếp tục bất ổn trong tương lai gần.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích, vì lẽ, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tự đặt ra ngoại lệ “trường hợp đặc biệt” để duy trì quyền lực cá nhân của mình trong nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba vào đầu năm 2021, đã chẳng khác gì việc mở chiếc hộp “Pandora” đầy tai ác khi ông ấy tùy tiện dẫm đạp lên điều lệ đảng. Điều đó gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về sự khủng hoảng niềm tin, tôn trọng điều lệ đảng đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng trước cơ hội thay đổi nhân sự theo cách không cần tuân thủ điều lệ đảng nữa. Ông Tô Lâm sẽ sớm nắm giữ chiếc ghế tổng bí thư theo cách ấy. “Xứ sở này, còn trả giá đến mức nào nữa trước khi đến hồi thái lai…?” - Luật sư Đặng Đình Mạnh đặt câu hỏi.