Khó hay dễ thực hiện chính sách “tinh giản biên chế”?

RFA
2023.06.05
Khó hay dễ thực hiện chính sách “tinh giản biên chế”? Đội ngũ tham gia phục vụ Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 (minh họa).
AFP PHOTO

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định tinh giản biên chế mà sẽ có hiệu lực từ 20/7/2023 và được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 4/6/2023.

Nên làm đến nơi đến chốn

Diện tinh giản biên chế theo Nghị định mới sẽ rộng hơn so với trước đây. Đơn cử như trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc… sẽ có thể bị tinh giản.

Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Việt Nam từ lâu đã có các quy định chính sách đối với các đối tượng tinh giản biên chế, liệu lần này có thành công hay không, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, nhận định với RFA hôm 5/6:

“Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để. Thậm chí những sáu tổ chức được gọi là chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Tổng liên đoàn lao động… nhà nước không nên trả lương nữa, mà phải chuyển về vai trò của Hiệp hội, tự tạo ra sức thu hút của mình, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì cộng đồng sẽ đóng góp để hiệp hội đó phát triển.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dù gần đây cũng đã có ý kiến chính thức yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội như vừa nêu phải rút dần việc chi trả lương từ khu vực nhà nước, nhưng GS.Võ cho rằng, chủ trương thì có, nhưng làm như thế nào là cả vấn đề lớn. Bởi vì, theo ông, tư duy bao cấp vẫn tiếp tục chế ngự rất sâu trong nhiều người, đặc biệt trong một số lãnh đạo cấp cao. Ông Võ nói tiếp:

“Tôi cho rằng cần đặt ra như một chương trình, có biện pháp, có cách thức làm một cách rất cụ thể, với những mục tiêu rất cụ thể thì mới có thể thành công được. Tất nhiên đến một lúc nào đó, Việt Nam buộc phải làm, chứ không thể để như thế này nữa, bởi vì chi thường xuyên trong ngân sách là cực kỳ lớn và ngân sách không chịu nổi.”

8d83c5a6-e60b-41d1-9a26-c75a953f2273.jpeg
Ảnh minh họa: Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP.

Và, cần tinh thần tự giác?

Tinh giản biên chế được chính quyền Việt Nam “bàn” đến từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020.

Tuy nhiên vào năm 2014 (chỉ ba năm thực hiện), Bộ Nội vụ lại công bố dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ với thời gian từ 2014 đến 2016. Theo Nghị định mà Bộ Nội vụ công bố, có khoảng 100 ngàn người sẽ bị ảnh hưởng, trong đó 80% sẽ nghỉ hưu sớm và 20% mất việc. Tổng kinh phí cho chính sách tinh giản biên chế được cho biết lúc bấy giờ trong khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ diễn ra đầu năm 2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương. Mặc dù đó chỉ là con số dự kiến vì sau đó các số liệu thống kê của Bộ Nội vụ chưa hoặc đã cập nhật nhưng không được truyền thông loan thì đến tháng 3 năm 2023, Bộ Nội vụ lại đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'.

Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ.
- Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Đề xuất này cũng nằm trong ‘Nghị định tinh giản biên chế’ vừa ban hành hôm 4/6/2023. Nói về “công cuộc” tinh giản biên chế của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho rằng:

“Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ. Một hệ thống quá nhiều người vận hành, ai cũng đói, cũng cố muốn rút ruột, thì hệ thống đó sớm muộn gì cũng sập. Về nguyên tắc, để tinh giản biên chế thì người ta bỏ bớt người không có khả năng, giữ lại người có khả năng xử lý công việc. Mà để biết ai có khả năng đảm trách công việc thì chỉ có cấp trên trực tiếp, tức sếp.”

Nhưng trong hệ thống của chính quyền hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người trên đưa người dưới vào để họ nhận tiền “bán ghế”, thì rất khó có chuyện người trên gợi ý người dưới nên tự nghỉ việc hay đuổi người dưới. Hoặc cũng theo lập luận của TS. Vũ, nếu người dưới không mắc những tội nghiêm trọng thì càng khó tinh giản.

Do đó, theo ông, một hệ thống bao che như vậy thì khó có khả năng “tự tinh giản biên chế”, thậm chí nó chống lại việc tinh giản biên chế vì biên chế càng ít thì cấp trên càng ít thu nhập từ “bán chỗ”. Ông Vũ nhận định thêm:

“Đó là chưa kể trong cơ quan chính quyền còn tồn tại một cơ quan đảng song hành mà việc loại bỏ biên chế một cá nhân thì ít nhiều phải có sự can thiệp của các cơ quan đảng bộ. Nói như vậy để thấy rằng trong chế độ hiện tại rất khó để mà tinh giản biên chế.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tinh giản biên chế chỉ diễn ra một khi Việt Nam có dân chủ và một đảng khác lên lãnh đạo, họ không có “dây mơ rễ má” gì nhiều với những người trong hệ thống cơ quan chính quyền và lúc này họ mới có thể mạnh tay thay đổi bộ máy cơ quan chính quyền bằng cách đưa những người kém ra và tuyển những người có khả năng vào.

Trước đó vào ngày 18/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 103.300 biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2026. Cụ thể, biên chế của các cơ quan ngang Bộ và Chính phủ nhưng không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 101.546 người. Biên chế của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 người. Biên chế của hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương là 686 người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
06/06/2023 10:57

Đừng có lo, đừng có lo.... cứ việc ăn no, ngủ kỹ... để cho đảng no... các đồng chí... các đồng chí... đảng " cụ Hồ " ta !

Đảng " cụ Hồ " ta nói thế thế... nhưng không làm như thế thế... thế mới là đảng " cụ Hồ " ta... vì bọn ta chính là đảng " cụ Hồ " ta...
tha hồ " biên chế " rồi biến chế... tham nhũng, tham ô, tham ăn hối lộ... thừa thắng dân ta, xông lên và nhảy xuống hố... vì " cụ Hồ " ta.