Thủ tướng giải quyết kiện tụng dân sự?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.11.24
Căn nhà Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở số 24 Điện Biên Phủ Hà Nội Căn nhà Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở số 24 Điện Biên Phủ Hà Nội
Photos: Cù Huy Huy Xuân Đức/danluan

Vụ tranh chấp quyền thừa kế nhà trong gia đình tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, mà cao điểm là lệnh cắt đất ngày 24 tháng Mười vừa qua theo chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào khi ông Cù Huy Hà Vũ không có mặt ở Hà Nội, liệu có phải là vụ kiện tụng dân sự bình thường hay ẩn đằng sau một động lực chính trị.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là người từng tự ra ứng cử chức bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin năm 2006, tiếp đó tự ứng cử vào quốc hội năm 2007. Năm 2009, ông Cù Huy Hà Vũ đứng đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép Trung Quốc khai thác bô xít ở Tây Nguyên và đến năm 2010 ông lại kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cấm dân đi khiếu kiện đông người.

Một việc làm vi hiến

Năm 2010, ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị kêu án 7 năm tù tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Ngày 7 tháng Tư năm 2014, ông đến đất Mỹ sau khi được đưa từ trại giam Nam Hà là nơi mà ông đã thụ án 3 năm 6 tháng, thẳng ra phi trường để bay qua Hoa Kỳ.

Hôm 24 tháng Mười vừa qua, tại Hà Nội, một lực lượng chức năng gồm công an, dân phòng, xe cứu hòa và xe của Phòng Môi Trường đến bao vây khu nhà số 24 Điện Biên Phủ nơi có hộ gia đình ông Cù Huy Hà Vũ và hộ gia đình bà Thu, mẹ kế của ông Cù Huy Hà Vũ. Lực lượng chức năng đã căng dây và ngăn ra một diện tích 50,6 mét vuông đất để giao cho bà Thu cùng với 2 người con của bà.

Tưởng cần nhắc trước đó một ngày, chính quyền địa phương đã gởi giấy báo sẽ cưỡng chế đất ngày 24 tháng Mười cho anh Cù Huy Xuân Đức là con trai của ông Cù Huy Hà Vũ đang ở trong căn nhà 24 Điện Biên Phủ đó.

Một khi mà đã thủ tướng lấy đất của nhà nọ đưa cho nhà kia, coi như là giải quyết tranh chấp thì đấy là vi hiến. Thủ tướng không thể lấy đất của nhà này để chia cho nhà khác mà lại dùng cả công an cả chính quyền địa phương

Luật sư Dương Hà

Việc bà Trần Thị Thu đòi chia thêm đất trong khu nhà 24 Điện Biên Phủ, mà ông Cù Huy Hà Vũ là một trong những người thừa kế chính thức, thực sự xảy ra từ lâu với trình tự và nội dung giống những hộ gia đình khác. Tuy nhiên theo luật sư Dương Hà , vợ tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, chuyện chừng như không còn thuộc về lãnh vực dân sự nữa mà là ý đồ chính trị nhắm vào chồng bà vì có sự can thiệp của thủ tướng:

Hai văn bản về việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị chia đất nhà ông Cù Huy Hà Vũ
Hai văn bản về việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị chia đất nhà ông Cù Huy Hà Vũ

Cá nhân tôi không cho rằng đấy là vụ tranh chấp bình thường như các gia đình khác, người ta gọi là tranh chấp dân sự. Bởi nếu là vụ tranh chấp dân sự thì những người có tranh chấp phải tự giải quyết với nhau. Nếu họ không tự giải quyết được với nhau, không đi đến một thỏa thuận với nhau, thì hai bên có thể đưa vụ việc ra nhờ tòa án giải quyết.

Chứ còn một khi mà đã thủ tướng lấy đất của nhà nọ đưa cho nhà kia, coi như là giải quyết tranh chấp thì đấy là vi hiến. Thủ tướng không thể lấy đất của nhà này để chia cho nhà khác mà lại dùng cả công an cả chính quyền địa phương, rồi xe của công ty môi trường rồi xe cứu hỏa đến bao quanh nhà rồi đập phá xây đất như thế. Tôi thấy hoàn toàn không có luật pháp nào của Việt Nam mà qui định thủ tướng có quyền làm những việc đó. Tôi khẳng định đấy là sự trả thù đối với ông Cù Huy Hà Vũ đối với chồng tôi trong vấn đề lấy đất mà chồng tôi sử dụng hợp pháp từ bao nhiêu năm cho đến bây giờ. Đây rõ ràng là một động cơ về chính trị.

Vẫn theo lời luật sư Dương Hà, vẫn biết chuyện tranh chấp đất ở bên nhà rất phức tạp, nhờ pháp luật thì mất nhiều thời gian, tuy nhiên phải nói lên trường hợp nhà ông Cù Huy Hà Vũ bị cưỡng chế một phần đất là vì :

Nếu không làm sáng tỏ, anh em bà con mà không nhìn thấy được sự sắp đặt của họ theo hướng đưa dư luận về vấn đề tranh chấp gia đình thì tôi nghĩ nó rất có hại cho phong trào đấu tranh dân chủ bởi vì những người đang hoặc sẽ đi theo con đường đúng đắn để đưa Việt Nam đến dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ thì người ta sẽ rất là ngại rằng sau này gia đình người ta có bị mất đất không, có bị đối xử như ông Vũ hay không. Đấy là vấn đề mà cá nhân tôi rất trăn trở.

Sáng sớm ngày 24/10/2014, công an và các lực lượng khác của chính quyền phá tường rào nhà và cho xây tường chia đất
Sáng sớm ngày 24/10/2014, công an và các lực lượng khác của chính quyền phá tường rào nhà và cho xây tường chia đất

Thủ tướng giải quyết tranh gia đình người dân?

Từ Hà Nội, luật sư Vương Thị Thanh, am hiểu vấn đề tranh chấp trong gia đình tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, khẳng định đây là một vụ tranh chấp dân sự mà nếu chính quyền không hòa giải được thì bắt buộc phải đưa ra khởi kiện ở tòa án chứ không thể tiến hành cưỡng chế khi đối tượng tranh chấp không có mặt tại chỗ:

Và phán quyết của tòa án là phán quyết buộc các bên phải thi hành. Ở đây thì tôi được gia đình cho biết thông báo của chính quyền đến rất là muộn. Thứ hai là sau đó lại thực hiện cái việc cưỡng chế, tiến trình cưỡng chế đấy cũng không tuân thủ qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam khi cưỡng chế. Tôi thấy rằng điều ấy không chỉnh chu về mặt pháp lý, có rất nhiều cái gây bức xúc cho người bị thực hiện cưỡng chế bởi vì đây chưa có bản án.

Tôi thấy việc cưỡng chế cần phải có mặt thứ nhất là người đương phải ra tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên hiện nay ông Cù Huy Hà Vũ lại không có mặt ở Việt Nam, vì thế việc làm này tôi thấy không theo qui định của pháp luật. Quan điểm của tôi khi nhìn nhận vấn đề thì tôi đánh giá là như vậy.

Ở đây khi mà việc tranh chấp trong một gia đình của công dân VN với nhau mà lại lên đến cấp thủ tướng ra lệnh rồi sau đấy là ủy ban nhân dân cấp quận ra một quyết định là phải thi hành cái quyết định của thủ tướng. Như vậy thì nó nằm ra ngoài khuôn khổ của pháp luật Việt Nam rồi

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, việc tranh chấp tài sản trong gia đình tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ phải được tòa án thụ lý thì mới đúng trình tự pháp luật:

Theo luật Việt Nam khi mà trong gia đình có sự tranh chấp về tài sản thì theo thủ tục người có yêu cầu đòi hỏi tài sản phải làm đơn nộp ra tòa để tòa án thụ lý. Khi tòa án thụ lý thì phải mời bên bị khiếu kiện ra để hai bên tiến hành từng bước một. Thứ nhất là hòa giải với nhau từ hai đến ba lần. Hòa giải không được thì tòa tiến hành lập biên bản hòa giải không thành, tiếp theo là việc xét xử sẽ theo phán quyết của tòa án.

Thế nhưng ở đây khi mà việc tranh chấp trong một gia đình của công dân Việt Nam với nhau mà lại lên đến cấp thủ tướng ra lệnh rồi sau đấy là ủy ban nhân dân cấp quận ra một quyết định là phải thi hành cái quyết định của thủ tướng. Như vậy thì nó nằm ra ngoài khuôn khổ của pháp luật Việt Nam rồi. Pháp luật Việt Nam không cho phép bất kỳ một vị quan chức trong cơ quan hành chính nào được phép thực thi hay giải quyết một vụ khiếu nại dân sự cả. Việc tranh chấp như vậy tự nó đã mang yếu tố chính trị trong này chứ không còn đơn thuần là một vấn đề pháp lý nữa.

Các cấp chính quyền cần xem xét lại việc xử lý trường hợp tranh chấp trong gia đình tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định. Theo ông, cả hai vợ chồng đều là những người hiểu biết về luật pháp mà còn bị chính quyền đối xử bất chấp pháp luật như vậy thì rõ ràng những vị luật sư khác ở trong nước mà nếu chẳng may có hành động hay quan điểm không được lòng quan chức lãnh đạo thì số phận của những người ấy cũng không có gì khá hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.