Độc quyền truyền thông: Chính quyền sẽ phải trả giá!

Diễm Thi, RFA
2020.07.07
000_1QQ0T7.jpg Một người dân đọc báo "Hà Nội Mới" trên tường tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.
AFP

Thông tin một chiều

Mãi đến ngày 7 tháng 7 năm 2020, truyền thông trong nước mới loan tin về quyết định ký hôm 9 tháng 6 năm 2020 của Chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh. Quyết định này xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Công nghệ EPI. Lý do được nêu ra là do công ty đã “đưa thông tin sai sự thật” tại bài viết “Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang nhận tội nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, nộp lại tiền chênh lệch” đăng trên ứng dụng đọc báo (Báo mới) gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo Bộ Công an.

Thông tin này khiến người làm báo thắc mắc, tại sao một cơ quan truyền thông có thể bất cẩn khi loan tin mà không kiểm chứng với nhiều nguồn khác nhau. Tuy vậy, những người thông thạo tình hình báo chí tại Việt Nam đều biết rằng hệ thống truyền thông ở Việt Nam độc quyền nên thông tin thường chỉ một chiều. Thực tế cho thấy có những tin tức được tung ra từ cơ quan chức năng rồi tất cả các phương tiện truyền thông loan đi. Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng cộng sản định hướng tư tưởng và được cho là tổng biên tập của hệ thống truyền thông.

Có thể ví dụ trường hợp Đồng Tâm: Vào sáng sớm ngày 9 tháng 1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm tấn công, trấn áp, bắt giữ và thậm chí bắn chết người. Một ngày sau đó, trong thông báo đầu tiên trên cổng thông tin Bộ Công An, cơ quan này nói dân Đồng Tâm tấn công lực lượng chức năng khi đang xây tường rào sân bay Miếu Môn.

Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. -  Nhà báo Phạm Đoan Trang

Đến ngày 12 tháng 1, cơ quan chức năng lại thông tin rằng dân Đồng Tâm phá tường rào sân bay Miếu Môn, sau đó chạy vào thôn Hoành.

Tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14 tháng 1, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, trong nửa tiếng trấn áp, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 30 người, thu 8 lựu đạn tại hiện trường, 38 chai bom xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa. Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác.

Lúc bấy giờ, Nhà báo Phạm Đoan Trang nêu nhận định với RFA rằng, công an tổ chức họp báo, cung cấp tin chính thống mà chẳng có gì cả, tất cả mang màu sắc bịa đặt, có dấu hiệu dựng chuyện, dựng vụ án lên và thậm chí là tội vu khống, nhất là vu khống cho người đã mất. Cô nói thêm:

“Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. Trong việc tuyên truyền thì nhất thiết phải bịt miệng các bên liên quan để mình được nói."

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với hai đài Quốc gia, 64 đài địa phương, năm kênh truyền hình.

Tuy con số các cơ quan truyền thông nhiều như thế nhưng đều nằm dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo trung ương.

Blogger Điếu Cày lên tiếng về truyền thông một chiều:

“Đối với truyền thông của nhà cầm quyền thì họ dẫn dắt dư luận và thông tin theo hướng một chiều. Tức là những thông tin đưa ra chỉ là một phần sự thật. Ví dụ vụ Đồng Tâm thì Bộ Công an nó ‘giành’ hết mọi quyền thông tin. Kể cả báo chí của nhà nước cũng không được đăng. Cho nên khi báo chí đăng thì đều dẫn từ Bộ Công an.

Đó là những hình thức thông tin làm cho người dân hoàn toàn không biết sự thật ở trong vụ Đồng Tâm nó như thế nào. Nhiều người dân Việt Nam mà chỉ xem truyền thông của nhà nước thì họ hiểu sai về tất cả những thực tế.”

Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng, việc chế tài các cơ quan nhà nước trong việc đưa thông tin bất nhất hầu như không thể. Ngay cả cách họ làm ra luật để quản lý đất nước cũng bất nhất. Ông nêu thống kê của Ban Dân nguyện Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 10 năm 2018 rằng, mỗi ngày trung bình các cơ quan nhà nước ban hành hơn 23 văn bản trái luật. Thành ra việc công an phát biểu không giống nhau trong một sự việc thì cũng không ai phạt họ được.

Bất lợi cho cả dân lẫn chính quyền

Một chiếc loa tuyên truyền ở Hà Hội năm 2011.
Một chiếc loa tuyên truyền ở Hà Hội năm 2011.
AFP

Chuyện báo chí độc quyền đưa những thông tin theo định hướng không những thiệt thòi cho người dân, bởi họ không được tiếp cận những thông tin khách quan, nhiều chiều mà còn bất lợi cho cả nhà nước.

Nhà báo Nguyễn An Dân nhận xét rằng, việc không có nguồn tin độc lập hay điều tra độc lập gây bất lợi cho dân thì đó là chuyện không cần bàn cãi nữa. Có điều nó cũng gây bất lợi cho chính quyền, bởi chính những cán bộ cũng có thể bị oan, theo kiểu cá to làm oan cho cá bé. Ông phân tích những điểm bất lợi cho cả hai phía:

“Nó bất lợi cho người dân ở chỗ người dân không được tiếp cận những thông tin mà có thể dùng để vận dụng thực tế cho cuộc sống của họ. Nếu thông tin không đúng thì khi vận dụng thực tế nó sẽ không đúng. Mà cái gì không đúng thì nó sẽ gậy hại.

Còn về phía chính quyền thì cũng có những thiệt hại. Lâu nay họ sử dụng thông tin một chiều nhưng bây giờ họ nhận ra chính thông tin một chiều đó cũng có hại. Thứ nhất là về đối ngoại, các chính quyền các nước có dã tâm với Việt Nam có thể lợi dụng bộ máy thông tin một chiều ở Việt Nam. Thứ hai là đối nội thì như ở Việt Nam chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo, có ‘đảng nhỏ’ trong ‘đảng to’. Các phe phái ‘đảng nhỏ’ họ dùng truyền thông một chiều họ đánh nhau.”

Sáng 4 tháng 2 năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin -Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Canh Tý 2020. Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm, khách quan, trung thực, bình tĩnh, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Nói chung nhà cầm quyền cộng sản họ tìm mọi cách lừa dối để họ cai trị. Những hình thức lừa dối như vậy khi bị phơi bày thì người dân mất niềm tin vào nhà cầm quyền. Đấy là cái giá họ phải trả. - Blogger Điếu Cày

Tuy nói là khách quan nhưng rất nhiều lần báo chí trong nước đưa tin rồi lại lấy xuống, hoặc sửa đổi nội dung. Gần đây là vụ phát biểu của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về vụ “cột điện ở Mỹ biết đi sẽ về Việt Nam”.

Blogger Điếu Cày nhận định về uy tín của chính phủ Việt Nam về thông tin một chiều:

“Phía chính quyền sẽ phải trả giá cho việc đưa những thông tin không đúng sự thật. Họ dùng truyền thông xây dựng những nhân vật thần tượng để họ bấu víu vào, làm cứu cánh cho họ thì truyền thông tự do hạ bệ những thần tượng đó.

Nói chung nhà cầm quyền cộng sản họ tìm mọi cách lừa dối để họ cai trị. Những hình thức lừa dối như vậy khi bị phơi bày thì người dân mất niềm tin vào nhà cầm quyền. Đấy là cái giá họ phải trả.”

Hiện ở Việt Nam có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan của cả bốn loại hình báo chí (trong đó, có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo), sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.