Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung - Mỹ: Ngày đầu

Đầu tuần này, tại Washington D.C, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã khai mạc Đối thoại Kinh tế - Chiến lược, kéo dài trong hai ngày.
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011.05.10
Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn phát biểu tại buổi Đối thoại Chiến lược-Kinh tế cấp cao tại thủ đô Washington DC hôm 09/5/2011. Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn phát biểu tại buổi Đối thoại Chiến lược-Kinh tế cấp cao tại thủ đô Washington DC hôm 09/5/2011.
AFP

Đây là vòng đối thoại thứ ba diễn ra trong hai năm qua, sau vòng đối thoại đầu tiên hồi tháng 7 năm 2009 và vòng đối thoại thứ hai cách đây một năm.
Trong ngày đối thoại đầu tiên, hai nước Trung - Mỹ đã đạt được những gì? Thông tín viên Ngọc Trân có bài viết sau đây:

Vẫn chưa có tuyên bố chung

Sau ngày đầu tiên trong hai ngày làm việc giữa hàng trăm viên chức Trung Quốc, với những người đồng nhiệm Hoa Kỳ, hiện vẫn chưa có một tuyên bố chung nào được hai bên đưa ra. Và theo như các viên chức đã tham gia các cuộc họp cho biết, vẫn chưa thấy triển vọng của các tuyên bố chung.
Trong hai vòng đối thoại trước đây, hai nước vẫn chưa đạt được một tuyên bố quan trọng nào. Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Kinh tế Chiến lược sáng thứ Hai vừa qua, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cho biết, thành công của lần đối thoại này còn tùy thuộc vào khả năng chuyển từ lời nói sang các hành động cụ thể, liên quan đến các vấn đề quan trọng đối với người dân hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết thêm, vòng đối thoại này có sự tham gia của các viên chức quân sự hai nước. Dẫn đầu phái đoàn quân sự Trung Quốc là ông Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.  
Cũng xin nhắc thêm, quan hệ quân sự song phương Trung - Mỹ đã bị phía Trung Quốc đình chỉ hơn một năm qua, do Hoa Kỳ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Quan hệ quân sự giữa hai nước chỉ giảm bớt căng thẳng sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, hồi đầu năm nay.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) bắt tay với Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Uỷ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đứng bên trái
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) bắt tay với Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Uỷ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đứng bên trái tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược-Kinh tế cấp cao tại thủ đô Washington DC hôm 09/5/2011.AFP
Phát biểu tại buổi khai mạc hôm qua, Bà Clinton cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về đối thoại quân sự giữa hai nước, giúp gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau, cũng như gia tăng sự minh bạch trong quân đội. Bà Clinton cho biết:
“Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và tôi thường nói chuyện về tầm quan trọng của sự tham gia giữa quân đội hai nước, thảo luận về các vấn đề quan trọng, giúp gia tăng tính minh bạch và sự hiểu biết. Vì vậy, tôi rất vui là lần đầu tiên, các quan chức cao cấp quân sự của cả hai bên sẽ tham gia đối thoại lần này. Họ sẽ tham gia cùng các đối tác dân sự để thảo luận cách thức, làm thế nào để chúng ta có thể giảm bớt những rủi ro nguy hiểm trong việc hiểu lầm và những tính toán sai lầm. Công việc của chúng ta thực sự bắt đầu với cam kết hiểu biết nhau tốt hơn, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, và cùng làm việc để tránh hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
tôi rất vui là lần đầu tiên, các quan chức cao cấp quân sự của cả hai bên sẽ tham gia đối thoại lần này. Họ sẽ tham gia cùng các đối tác dân sự để thảo luận cách thức, làm thế nào để chúng ta có thể giảm bớt những rủi ro nguy hiểm trong việc hiểu lầm và những tính toán sai lầm.
Bà Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng, quan niệm về sự phát triển của Trung Quốc là mối đe dọa cho Hoa Kỳ, hay nhiều người Trung Quốc lo ngại, Mỹ tìm cách hạn chế sự phát triển của Trung Quốc, đây là những quan niệm không đúng, bởi sự phát triển mạnh mẽ của hai nước Trung - Mỹ sẽ có lợi cho nhau. Thế nhưng, vấn đề là làm thế nào để hai bên hiểu rõ những dự định, kế hoạch, khát vọng và lợi ích lẫn nhau, để cùng nhau đối phó với những thử thách, giúp giữ vững hòa bình và ổn định trên thế giới.
Bà Clinton nhấn mạnh:
“Trung Quốc và Hoa Kỳ phải đối mặt với hàng loạt thử thách chung trong khu vực và trên toàn cầu. Làm thế nào để hai nước chúng ta cùng làm việc với nhau, để đối phó với những thử thách này, sẽ giúp xác định hướng đi, không chỉ vì các mối quan hệ của chúng ta ở phía trước, mà còn vì hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trên thế giới trong tương lai. Cho dù đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoặc biến động ở Trung Đông, gần đây lịch sử đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa hai nền kinh tế của chúng ta và sự ổn định, an ninh toàn cầu. Và đó là trọng tâm của cuộc đối thoại của chúng ta. Vì vậy, chúng ta sẽ thảo luận sự cần thiết làm việc với nhau để giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu và bảo đảm tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc cho tương lai”.
Liên quan đến đối thoại kinh tế, ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cũng nói rằng, chỉ có hợp tác mới có thể giúp hai nước cùng phát triển, và chỉ có hợp tác mới có thể phát triển hiệu quả nhất. Ông Geithner cho biết:
Như Tổng thống Obama đã nói, không một quốc gia nào một mình có thể đáp ứng những thách thức trong thế kỷ 21, cũng không một nước nào bị cô lập có thể phát triển lợi ích một cách hiệu quả. Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc thể hiện một tầm nhìn như thế. Tiếng Anh là: có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu.
Ô.Timothy Geithner
“Ở Trung Quốc, thêm vào những cải cách đáng kể trong 30 năm qua, thử thách nằm trên nền tảng của một mô hình tăng trưởng mới, làm cho nhu cầu nội địa tăng với một tỷ giá linh hoạt, đáp ứng các tác động thị trường mở rộng hơn, một nền kinh tế thị trường, và một hệ thống tài chính đa dạng và phát triển hơn. Những cải cách cả hai nước phải theo đuổi để đáp ứng những thử thách khác biệt đó, thì không mâu thuẫn với nhau, và những thế mạnh về kinh tế của chúng ta chủ yếu bổ sung cho nhau. Và mỗi bên nhận ra rằng, khả năng làm việc với nhau rất quan trọng cho sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Như Tổng thống Obama đã nói, không một quốc gia nào một mình có thể đáp ứng những thách thức trong thế kỷ 21, cũng không một nước nào bị cô lập có thể phát triển lợi ích một cách hiệu quả. Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc thể hiện một tầm nhìn như thế. Tiếng Anh là: có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu. Có tiến triển trong hợp tác giữa hai nước và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục như thế”.

Nhân quyền: nên giải quyết bằng áp lực ngoại giao

Cũng như những lần đối thoại Trung - Mỹ trước đây, nhân quyền ở Trung Quốc luôn là vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm. Các viên chức Hoa Kỳ cho biết, mối quan ngại về việc chính phủ Trung Quốc đàn áp, giam giữ các nhà bất đồng chính kiến, các luật sư và những người ủng hộ nhân quyền sẽ được nêu ra trong các cuộc họp ở vòng đối thoại này.
Ngọai Trưởng Hillary Clinton
Ngọai Trưởng Hillary Clinton tại phiên họp Mỹ-Trung Đối thoại Kinh tế - Chiến lược hôm 09/5/2011 tại Washington, DC. AFP photo
AFP photo
Ngay buổi họp đầu tiên hồi sáng thứ Hai vừa qua, ông Joseph Biden, Phó Tổng thống Mỹ, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các viên chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Ông Biden đã phát biểu như sau: "Chúng tôi có những bất đồng mạnh mẽ về lĩnh vực nhân quyền. Chúng tôi ghi nhận mối quan tâm của chúng tôi về các vụ đàn áp gần đây ở Trung Quốc, gồm các cuộc tấn công, bắt giữ và làm biến mất các nhà báo, luật sư, các blogger và các họa sĩ. Tôi nhận thấy rằng một số người ở Trung Quốc xem sự vận động của chúng tôi về nhân quyền như một sự xâm phạm và không biết họ còn nghĩ đến điều gì nữa. Nhưng Tổng thống Obama, Ngoại trưởng và tôi tin tưởng mạnh mẽ, rằng bảo vệ quyền tự do căn bản như các cam kết quốc tế của Trung Quốc, cũng như trong hiến pháp Trung Quốc, là cách tốt nhất để thúc đẩy sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của bất kỳ xã hội nào".
Tổng thống Obama, Ngoại trưởng và tôi tin tưởng mạnh mẽ, rằng bảo vệ quyền tự do căn bản như các cam kết quốc tế của Trung Quốc, cũng như trong hiến pháp Trung Quốc, là cách tốt nhất để thúc đẩy sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của bất kỳ xã hội nào
Ô.Joseph Biden
Cũng trong ngày đầu tiên, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng phản đối về vấn đề đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, những người đã bị chính phủ Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, và bị làm cho biến mất trong vài tháng gần đây. Bà Clinton cho biết:
“Chúng tôi đã nói rõ ràng, cả công khai lẫn riêng tư, mối quan ngại của chúng tôi về nhân quyền. Chúng tôi lo lắng về những tác động chính trị trong nước của chúng tôi và tác động về chính trị và sự ổn định ở Trung Quốc và trong khu vực. Chúng tôi xem các báo cáo về người dân, gồm những luật sư nhân quyền, các nhà văn, họa sĩ, và nhiều người khác, bị giam giữ hoặc bị biến mất. Và chúng tôi biết suốt chiều dài lịch sử, xã hội vận hành theo hướng tôn trọng nhân quyền sẽ được thịnh vượng, ổn định, và thành công hơn. Chắc chắn, điều đó đã chứng minh qua thời gian, nhưng đặc biệt trong những tháng vừa qua”.
Đáp lại phát biểu của các viên chức chính phủ Mỹ, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng, vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc có nhiều tiến bộ. Ông Đới Bỉnh Quốc đã nói:
“Tôi hoan nghênh nhiều người bạn Mỹ đến thăm Trung Quốc, để thấy và để tự cảm nhận tình bạn của người Trung Quốc và tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Mỹ. Các bạn cũng có thể tìm hiểu trực tiếp những tiến bộ to lớn của Trung Quốc đã đạt được trên các mặt trận khác nhau, gồm cả vấn đề nhân quyền và nhận biết một nước Trung Quốc thực sự như thế nào
Ô.Đới Bỉnh Quốc
“Tôi hoan nghênh nhiều người bạn Mỹ đến thăm Trung Quốc, để thấy và để tự cảm nhận tình bạn của người Trung Quốc và tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Mỹ. Các bạn cũng có thể tìm hiểu trực tiếp những tiến bộ to lớn của Trung Quốc đã đạt được trên các mặt trận khác nhau, gồm cả vấn đề nhân quyền và nhận biết một nước Trung Quốc thực sự như thế nào”
Cũng xin nhắc thêm, cuối tháng 4 vừa qua, tại Bắc Kinh, hai nước Trung - Mỹ đã tổ chức các buổi họp về Đối thoại Nhân quyền lần thứ 20, giữa lúc Trung Quốc gia tăng đàn áp những người tranh đấu ôn hòa. Như những lần trước, lần đối thoại này đã không mang lại kết quả như nhiều người mong đợi. Ông Nicholas Bequelin, một nhà nghiên cứu lâu năm về nhân quyền, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết:
"Nếu câu hỏi là, liệu tình hình nhân quyền có được cải thiện ở Trung Quốc hoặc số phận của các tù nhân chính trị, hay những người bảo vệ nhân quyền có được cải thiện hay không, thì câu trả lời là không. Những cuộc thảo luận như thế này hoàn toàn không có tác dụng gì cả. Vấn đề không nằm trong những cuộc họp này, nó nằm trong thực tế là, không có ý chí chính trị thực sự để hỗ trợ các cuộc đối thoại bằng các áp lực ngoại giao".
Các phiên họp ngày hôm nay sẽ kết thúc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược vòng thứ ba, giữa hai nước Trung – Mỹ. Liệu các cuộc họp hôm nay có mang lại tuyên bố chung quan trọng nào cho hai nước hay không?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.