Việt Nam vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc: Cơ hội và thách thức

Thanh Trúc, RFA
2019.06.11
000_1GS5VT Một buổi họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh chụp hôm 22 tháng 5 năm 2019.
AFP

Việt Nam lại bước vào cánh cửa Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ số áp đảo 192/193 phiếu thuận theo kết quả được công bố tối 7 tháng Sáu vừa qua.

Đây là lần thứ nhì Việt Nam trúng cử vị trí thành viên không thường trực của trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Năm 2007, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vị trí ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 với 183/190 phiếu bầu.

Trước đó, trả lời phỏng vấn với Thông Tấn Xã Việt Nam, trưởng phái đoàn Đại Diện Thường Trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc là đại sứ Đặng Đình Quí cho biết Việt Nam là nước duy nhất thuộc nhóm các quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An sau khi được sự đề bạt của 54 nước còn lại.

Giáo sư Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, chuyên ngành Quan Hệ Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, nhận định về việc Việt Nam lại được bầu vào Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc:

Đây là một biểu hiện rất rõ về uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế bởi số phiếu tuyệt đối 192/193. Điều đó cũng không phải là ngẫu nhiên vì đây là lần thứ hai rồi, đó là một trong những thành công của Việt Nam trong con mắt của bạn bè thế giới.

Từ Sài Gòn, ông Bùi Văn, trước là giảng viên chương trình Fulbright, hiện phụ trách kênh truyền hình FBNC chuyên về kinh tế và tài chính, cho rằng trở lại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là một lần nữa nâng cao tầm cỡ của Việt Nam trên trường quốc tế:

Tính về dân số thì mình đứng thứ 14 hoặc 15, về qui mô kinh tế của mình thì đang tăng trưởng. So với hai ba chục năm trước đây mình đã bị thế giới và cả Liên Hiệp Quốc cấm vận, nhiều nước xa cách và nhiều nước không biết đến Việt Nam. Đến giờ họ bỏ phiếu cho Việt Nam như vậy thì mình đã trở thành một đối tác có tầm cỡ và đáng tin cậy.

Thực ra thì phải trúng cử thôi vì đâu có nước nào chạy đua cùng mình tới đích , là nhận định của ông Đặng Xương Hùng, cựu quan chức ngoại giao đã ly khai và xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ:

Có thể nói cái này thì ngoại giao Việt Nam làm rất tố, nhất là họ tích cực, họ chi nhiều tiền và bỏ công sức vận động các nước, tận dụng tất cả những yếu tố trong quan hệ song phương với các nước rồi những sự có đi có lại trong việc bầu bán bầu ở Liên Hiệp Quốc.

Đây là một biểu hiện rất rõ về uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế bởi số phiếu tuyệt đối 192/193. Điều đó cũng không phải là ngẫu nhiên vì đây là lần thứ hai rồi, đó là một trong những thành công của Việt Nam trong con mắt của bạn bè thế giới. - GS. Phạm Quang Minh

Cũng phải nói vai trò ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng được Việt Nam làm rất tốt. Việt Nam từng chen chân vào những vị trí trong Liên Hiệp Quốc để nâng cao vai trò và hình ảnh mình lên đối với quốc tế.

Ý nghĩa của việc bước vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, theo ông Đặng Xương Hùng, sẽ buộc Việt Nam thay vì né tránh hay luồn lách trước những vấn đề như nhân quyền hay tự do tôn giáo chẳng hạn, sẽ nhận rõ hơn về sức ép cũng như đòi hỏi của quốc tế đối với những vấn đề của nước mình.

Đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giáo sư kinh tế Đại Học Laval ở Quebec, Canada, nắm giữ một vị trí trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, dù không thường trực và không lâu dài, giúp Việt Nam nhận thức rõ hơn và dấn thân nhiều hơn vào một bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển phức tạp:

Sự đóng góp của Việt Nam vào an ninh và hòa bình của thế giới là một chuyện tốt. Nhưng trong những năm tới đây chiến tranh vũ trang sẽ không có nhưng chiến tranh kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra. Trong trường hợp đó thì Hội Đồng Bảo An không có một vai trò gì hết, tranh chấp quốc tế sẽ là tranh chấp kinh tế, thế và Việt Nam sẽ đứng giữa hai con đường, con đường lệ thuộc Trung Quốc ngày  một nhiều hơn hoặc tháo gỡ nó bằng cách xích gần với Mỹ quốc và Tây Âu.

Đối với tiến sĩ Đinh Xuân Quân, cựu nhân viên Quĩ Phát Triển Liên Hiệp Quốc, từng sang các nước đang phát triển như Afghanistan hay Việt Nam trong lãnh vực cải cách hành chính, việc trúng cử lần thứ hai vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đặt Việt Nam trước những trách nhiệm và thách thức:

Trách nhiệm nhiều hơn thì thách thức nhiều hơn. Làm thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì có rất nhiều trách nhiệm mà nhất là về luật lệ trong đó có vấn đề nhân quyền, ngồi trên cái ghế Hội Đồng Bảo An thì được chú ý nhiều hơn.

Vẫn theo tiến sĩ Đinh Xuân Quân thì khi là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sắp tới có cơ hội đấu tranh thêm cho quyền lợi tại Biển Đông:

Việt Nam sẽ có dịp tranh đấu nhiều hơn cho Biển Đông. Đây là cơ hội tốt vì hồi 2008 Việt Nam chưa làm được gì nhiều, Việt Nam còn khá là nhút nhát về những vấn đề quốc tế.  Từ 2008 tới bây giờ Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều, chiếm được cảm tình của các nước nhiều hơn. Nội vấn đề người ta bầu cho mình thêm 20 phiếu là rất nhiều. Việt Nam bây giờ càng ngày càng mạnh mẽ  hơn, dám nói nhiều hơn, cố gắng xây dựng giữa ASEAN cái lập trường bảo vệ của Việt Nam tại Biển Đông.

Ông Đinh Xuân Quân thừa nhận khi làm ở Việt Nam ông nhận thấy Việt Nam rất cô đơn, một mình  đối chọi với Trung Quốc, bây giờ Việt Nam có rất nhiều bạn. Càng mở ra ngoài nhiều thì càng có nhiều bạn, bây giờ người ta sẽ thấy không phải Trung Quốc ăn hiếp Việt Nam dễ dàng như hồi 2008 đâu.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông không tin rằng vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam lên tiếng với Trung Quốc, một ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, để có thể làm dịu đi tình hình Biển Đông.

Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn  và được lắng nghe nhiều hơn khi ngồi vào chiếc ghế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm tới. Đấy mới là cơ hội mà Việt Nam phải tận dụng để tranh thủ sự đồng lòng của các thành viên ASEAN cũng như các quốc gia bạn ASEAN, ông nhấn mạnh.

Mặt khác tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhấn mạnh tới những khía cạnh tích cực khác trong tư cách ủy viên, dù không thường trực, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc:

Tuy Hội Đồng Bảo An có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, nhưng dẫu sao cũng có tiếng nói nhất định của  phía Việt Nam.

Thứ hai Việt Nam có thể nhân cơ hội này để chứng tỏ mình có những đóng góp tích cực vào những công việc của thế giới bằng cách nêu ra những sáng kiến gì đó hầu giải quyết những vấn đề lớn của quốc tế.

Một điểm nữa tôi nghĩ cũng tốt, cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước trên trường thế giới. Nếu  lời nói đi đôi với việc làm thì hay, còn nếu thực tế tình hình trong nước không được như mình nói thì đó sẽ là con dao hai lưỡi nên cẩn trọng.

Ông Bùi Văn cũng thừa nhận cơ hội thì rõ ràng là có, còn thách thức là Việt Nam cần đủ tự tin và khôn ngoan để giải quyết, ông Bùi Văn phân tích tiếp:

Thế còn trong Hội Đồng Bảo An có 5 ông to nhất thương trực trong đó thì Nga Trung một bên, Pháp, Anh, Mỹ một bên. Nhất là trong biến chuyển gần đây thì Trung Quốc và Nga tiến lại gần nhau hơn, chắc là có những lúc Việt Nam phải tỏ rõ cái vị trí là mình sẽ phải nghiêng về phía bên nào. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ không muốn tỏ ra cái chuyện đó.

Xây dựng cần thiết và có thể nói lên bằng cả tấm lòng của mình là Việt Nam ơi thay đổi đi, không phải chuyện bảo an cho thế giới mà là bảo an cho những người dân đang mất đất, đang mất nhà và đang sống trong cái mà ta xưa gọi là “sự phồn vinh giả tạo”... GS. Nguyễn Mạnh Hùng

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có đề xuất là Việt Nam cần nhìn lại cũng như cải thiện những vấn đề nội tại của mình:

Xây dựng cần thiết và có thể nói lên bằng cả tấm lòng của mình là Việt Nam ơi thay đổi đi, không phải chuyện bảo an cho thế giới mà là bảo an cho những người dân đang mất đất, đang mất nhà và đang sống trong cái mà ta xưa gọi là “ sự phồn vinh giả tạo”...

Là thanh viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì đương nhiên và trên nguyên tắc Việt Nam phải tôn trọng nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, là ý kiến sau cùng của giáo sư Phạm Quang Minh chuyên khoa quan hệ quốc tế Đại Học Quốc Gia Hà Nội:

Nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc là tôn trọng Luật Pháp Quốc Tế. Trong những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. là phải phấn đấu vì mục đích gọi là hòa bình, bởi vì đối với Liên Hiệp Quốc thì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và ổn định là quan trọng nhất mà bất  kỳ một ai, Việt Nam, Trung Quốc, Nga hay Mỹ đều không thể bỏ quên hay lơ là cái mục tiêu đó.  phải tôn trọng.

Và đừng quên là chiếc ghế chủ tịch luân phiên ASEAN cũng đang chở đón Việt Nam trong năm 2020, giáo sư Phạm Quang Minh nhắc nhở tiếp, vì thế Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần ở cả Liên Hiệp Quốc và ASEAN:

Đúng là sang năm 2020 Việt Nam có nhiệm vụ kép, trách nhiệm của Việt Nam nặng nề hơn. Vừa là ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vừa là chủ tịch ASEAN. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho Việt Nam thể hiện năng lực và trách nhiệm của mình. Không thể nói khi làm chủ tịch mình sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Biển Đông luôn luôn, đã, đang và vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm trong ngoại giao của Việt Nam.

Tóm lại, theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Phạm Quang Minh, quan trọng nhất là Việt Nam phải rất khéo léo trong nhiệm vụ kép của mình, để cùng các quốc gia khác bảo đảm và duy trì hòa bình, tuyệt đối không để xảy ra xung đột dù là Biển Đông hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.