Mục sư Vàng Chí Mình (phần 2): cộng đồng Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi quê nhà

Mục sư Vàng Chí Mình (phần 2): cộng đồng Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi quê nhà Một bản của người Mông ở Hà Giang
Reuters

Ở phần phỏng vấn số 1, Mục sư Vàng Chí Mình giải thích cho độc giả RFA vì sao người Mông ở Việt Nam ồ ạt theo đạo Tin Lành vào cuối những năm 1980s và đầu những năm 1990s. Theo Mục sư, đạo Tin Lành đã giúp người Mông biết cách vượt qua những hủ tục lạc hậu của xã hội truyền thống, giúp cộng đồng thực hành tiết kiệm và đời sống khá lên. Tôn giáo mới cũng giúp cho cộng đồng trở nên đoàn kết, xóa bỏ những bất hòa giữa các dòng họ do thờ những vị “thần” hay “ma” khác nhau, trong tín ngưỡng truyền thống. 

Trong điều kiện xã hội khó khăn, nghe truyền đạo qua đài radio và không có mục sư hướng dẫn, họ phải tự nhóm họp, tập trung với nhau nghe qua đài và băng cassettes. Khi họ tập trung lại với nhau như vậy, chính quyền địa phương bắt đầu đàn áp. Phần tiếp theo dưới đây, Mục sư Vàng Chí Mình kể về việc đàn áp ở Hà Giang quê ông khoảng ba mươi năm trước.  

1. Đạo Tin Lành làm người Mông đoàn kết, yêu thương nhau 

RFA: Theo Mục sư, ở giai đoạn cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, lý do nào khiến Nhà nước Việt Nam đàn áp người Mông theo đạo Tin Lành?

Mục sư Vàng Chí Mình: Ban đầu khi theo đạo Tin Lành tôi cũng không biết tại sao, chỉ thấy là Nhà nước đã đàn áp rất là kinh khủng. Sau này tôi nghiên cứu thêm thì tôi biết là có lý do lịch sử và lý do chính trị nữa. 

Tôi sau này được biết là có cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975, và Việt Nam thống nhất vào năm 1975. Tôi được biết là có người Mông ở bên Lào giúp CIA của Mỹ chống lại người Cộng sản ở Việt Nam. Năm 1989 khi đạo Tin Lành đến với người Mông Việt Nam thì chiến tranh mới kết thúc mười mấy năm thôi. 

Trước khi có đạo Tin Lành thì người Mông chỉ theo Thổ Ti. Khi theo tín ngưỡng Thổ Ti thì người Mông chỉ theo từng dòng họ chứ không tập trung lại với nhau. Giữa các dòng họ lại phát sinh mâu thuẫn, thù ghét nhau.

Nhưng khi người Mông theo đạo Tin Lành thì chúng tôi tập trung lại lớn hơn dòng họ. Cả làng chúng tôi tập hợp lại với nhau. Nhiều dòng họ bắt đầu tập trung lại và cử ra người đứng đầu để chăm lo việc đạo. Theo lời dạy của đạo Tin Lành chúng tôi thì tất cả chúng tôi là một gia đình. Hàng tuần chúng tôi nhóm họp với nhau. Trước đó theo tín ngưỡng Thổ Ti thì chúng tôi chỉ nhóm theo dòng họ, khi theo đạo Tin Lành thì cả làng chúng tôi nhóm họp với nhau như một nhà. Sự xung khắc giữa các dòng họ cũng không còn.

2. Chính quyền địa phương đàn áp

RFA: Khi các dòng họ xung khắc như vậy, chắc hẳn gây ra nhiều vấn đề xã hội, gây phiền phức cho chính quyền. Còn khi mọi người đoàn kết thì càng tốt cho chính quyền hơn. Vậy chính quyền phản ứng thế nào? 

Mục sư Vàng Chí Mình: Việc chúng tôi tập trung lại lớn hơn, thay vì chỉ tập trung theo dòng họ như trước đây, lại có thêm lãnh đạo tôn giáo, khiến cho Nhà nước lo sợ. Họ nghĩ chúng tôi mạnh lên thì sau này sẽ chống lại chính quyền. 

Nhà nước lo sợ và quy chúng tôi là “đạo chia rẽ”, “đạo trái phép”, “đạo của Mỹ”. Họ nghĩ là Mỹ đã nằm trong cộng đồng người Mông, làm cho người Mông theo đạo Tin Lành nhiều như vậy. 

Họ điều tra xem có phải do Mỹ truyền đạo sang hay không. Nhưng chúng tôi đã giải thích rõ là chúng tôi nghe truyền đạo qua đài raido Nguồn Sống. Chính quyền cũng hiểu điều đó nhưng họ vẫn sợ chúng tôi tập trung lại.  

RFA: Khi chính quyền sợ người Mông tập trung lại nghe giảng đạo thì họ đã làm gì? Đồng bào phản ứng ra sao?

Mục sư Vàng Chí Mình: Đầu tiên, chính quyền địa phương tìm cách chia rẽ chúng tôi, làm cho chúng tôi không còn tập trung với nhau được nữa. Hàng tuần công an và biên phòng đến từng nhà nơi chúng tôi tập trung nghe đạo để ngăn cấm chúng tôi. 

Người Mông không tập trung nghe giảng đạo ở nhà được thì rủ nhau đi làm nương và nghe giảng đạo trên nương. Chúng tôi nghĩ ra một cách gọi là đi làm “đổi công”, chia nhau thành từng nhóm, mỗi ngày cùng nhau làm nương cho một nhà. Ví dụ hôm nay thì cùng nhau làm trên đám ruộng của người này, hôm sau thì cùng làm trên đám nương của nhà khác. 

Chúng tôi ghi âm lời giảng trên Radio Nguồn Sống vào băng cassette. Cứ đến buổi trưa, khi nghỉ trưa ăn cơm thì chúng tôi tập hợp lại để bật băng cassette nghe giảng đạo. 

RFA: “Đổi công” như Mục sư nói là một cách làm nông nghiệp rất hiệu quả ở nhiều nơi, nếu một cộng đồng biết cách đoàn kết và tổ chức được với nhau. Nhưng đi làm nương thì mọi người nghe giảng đạo như thế nào?

Mục sư Vàng Chí Mình: Đúng vậy. Chỉ cần một tuần thì nhà nào cũng được làm nương rất hiệu quả. Ai cũng có cái ăn, người trước đó rất nghèo thì cũng giàu hơn. Thành ra chúng tôi vừa nghe được giảng Tin Lành trên nương vừa làm ăn hiệu quả hơn. Cứ chia rẽ giữa các dòng họ như trước thì không thể làm “đổi công” được.

RFA: Chính quyền hồi đó lại phản ứng thế nào với cách “đổi công” của mọi người? 

Mục sư Vàng Chí Mình: Một thời gian lâu sau thì chính quyền phát hiện ra chúng tôi không còn nhóm lại nghe giảng đạo trong bản làng mà ở ngoài nương. Họ lại đi theo chúng tôi ra nương. Chính quyền không cho các gia đình cùng làm nương chung với nhau. Ban đầu họ chỉ cho hai đến ba nhà được tập hợp lại để “đổi công” ở trên rẫy thôi, không cho cả làng “đổi công” nữa. Họ làm đủ mọi cách để chúng tôi không nhóm với nhau được.

Chúng tôi thấy không thể “đổi công” cả làng được vào ban ngày thì chúng tôi chuyển sang nghe đạo vào ban đêm. Sau 12 giờ đêm, trẻ em ngủ hết rồi, chúng tôi để trẻ em ngủ ở nhà, còn người lớn thì tất cả rủ nhau vào rẫy, hoặc vào rừng sâu, hoặc lên núi cao, bắt đầu nhóm với nhau nghe giảng đạo vào lúc 3 hoặc 4 giờ sáng. Đến 5 giờ sáng thì phải về đến bản để đi làm nương rồi. 

Chính quyền khi phát hiện ra chúng tôi nhóm lại ban đêm trên rẫy, trong rừng nghe giảng đạo thì họ lại tiếp tục ngăn cấm cả ngày lẫn đêm. Họ không theo chúng tôi vào rừng được thì họ dùng những người Mông không theo đạo Tin Lành để phá chúng tôi. Họ cho những người Mông không theo Tin Lành thả trâu thả bò vào phá nương, ăn hết ngô, lúa chúng tôi trồng trên rẫy. Chúng tôi rơi vào tình cảnh không còn gì ăn vì người cùng dân tộc mình lại đi phá mình.

3. Không bỏ đạo, bị trục xuất khỏi bản làng

RFA: Kết quả cuối cùng là gì?

Mục sư Vàng Chí Mình: Sau đó chính quyền địa phương tịch thu hết hộ khẩu, chứng minh thư, tịch thu trâu bò, thu hết nhà cửa, và đuổi chúng tôi ra khỏi bản. Chính quyền có đóng dấu hẳn hoi. Họ nói “Chúng mày theo đạo của Mỹ thì đi mà ở với Mỹ, còn đây là đất của Bác Hồ. Con cháu Bác Hồ mới được ở đây. Nói các anh không nghe thì đuổi ra khỏi bản làng.”

RFA: Bị đuổi ra khỏi bản làng thì mọi người đi đâu về đâu?

Mục sư Vàng Chí Mình: Lúc đó gia đình nào cũng nhận một tờ giấy đuổi ra khỏi nhà, khỏi bản. Bị đuổi khỏi nhà, khỏi bản thì chúng tôi không biết đi đâu. Một số ban đêm chui rừng qua bên Lào Cai. Tôi và những gia đình ở gần biên giới Trung Quốc, không chạy thẳng sang Lào Cai được thì chúng tôi mò sang Trung Quốc thuê xe để chạy sang Lào Cai. Nửa đêm, chúng tôi thuê thuyền thì vượt qua một con suối ở gần cửa khẩu Lào Cai - Trung Quốc để vào Lào Cai.  

RFA: Lúc đó là năm nào?

Mục sư Vàng Chí Mình: Năm 1995. Năm chúng tôi bị đuổi khỏi quê hương của mình ở xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang để chạy sang Lào Cai là năm 1995. Trên đường chạy, bố tôi bị gãy xương vai và xương sườn rồi mất ở Lào Cai. Chúng tôi chôn bố ở Lào Cai rồi chạy sang Điện Biên. Ban đầu, tôi định chạy sang Lào nhưng không biết đường đi.  

Chúng tôi thuê xe từ Lào Cai để chạy sang Điện Biên Phủ. Phải đi mất hai tháng thì cả bản làng chúng tôi mới sang hết được Điện Biên Phủ. 

Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần này, Mục sư kể cho độc giả cách chính quyền địa phương phản ứng khi phát hiện ra đồng bào Mông theo đạo Tin Lành. Cách phản ứng của chính quyền địa phương dựa trên những nỗi sợ hãi vô lí. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ cho độc giả biết việc chính quyền địa phương khi đó trục xuất người Mông theo đạo Tin Lành khỏi bản làng đã gây cho đồng bào những nỗi khổ nạn lâu dài như thế nào. Đó cũng có thể là một cách chính quyền địa phương đẩy hết “vấn đề” ra khỏi địa phương mình để tránh “trách nhiệm”. Cách đàn áp này gây cho đồng bào những nỗi khổ nạn lâu dài, và gây ra những vấn đề xã hội - chính trị lớn hơn ở địa phương khác. Nhìn từ góc độ quản trị quốc gia, như Mục sư Vàng Chí Mình kể ở các phần tiếp theo, việc trục xuất đồng bào Mông theo đạo Tin Lành khỏi địa phương đã làm cho một vấn đề nhỏ ở địa phương trở thành một vấn đề lớn ở quy mô quốc gia, và cuối cùng, phát triển thành một vấn đề quốc tế. 

Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6, phần cuối

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.