Phản hồi về kêu gọi hãy tin Chính phủ trong việc chống COVID-19
2020.02.19
Kêu gọi của Thủ tướng
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2 về phòng chống dịch coronavirus (COVID-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đánh giá cao tinh thần và quyết tâm của tập thể các bộ ngành từ trung ương đến địa phương trong việc phòng chống dịch COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh rằng “chống dịch như chống giặc nên mong muốn người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn hứa hẹn Chính phủ sẽ có các giải pháp để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Người tin, kẻ lo
Từ Sài Gòn, ông Khoa lên tiếng với RFA rằng ông nhìn nhận tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam trong lúc bị dịch bệnh COVID-19:
“Theo nhìn nhận khách quan thì tôi cho rằng việc phòng, chống COVID-19 của Việt Nam là làm tốt. Tôi theo dõi thường xuyên và sát sao lắm tại vì còn ảnh hưởng đến mấy đứa con nhỏ của tôi nữa. Nếu như đánh giá qua điểm thì tôi chắc chắn cho điểm Việt Nam phản ứng đối với dịch bệnh này trên trung bình.”
Thông báo mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam vào chiều ngày 19 tháng 2 cho biết 15 ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi.
Nói chung là không cần nêu suy nghĩ cá nhân mà nhìn trên mạng xã hội thì việc tin hay không tin, tôi nghĩ rằng là người dân không phải chỉ trong vấn đề này mà quá nhiều vấn đề người ta không tin vào khả năng của Chính phủ có thể kiểm soát được kinh tế cũng như vấn đề thiên tai, dịch họa
-Bà Đặng Bích Phượng
Ông Khoa cũng chia sẻ với RFA rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ông không chỉ thể hiện trách nhiệm của Chính phủ mà còn cho thấy sự nỗ lực và cố gắng của Chính quyền khi đất nước đang trong tình cảnh bị bệnh dịch nguy hiểm.
Trong khi đó, bà Đặng Bích Phượng, một cư dân Hà Nội theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nói rằng thật sự trong cộng đồng cũng không ít lo lắng và hoang mang. Bà Phượng lý giải:
“Nói chung là không cần nêu suy nghĩ cá nhân mà nhìn trên mạng xã hội thì việc tin hay không tin, tôi nghĩ rằng là người dân không phải chỉ trong vấn đề này mà quá nhiều vấn đề người ta không tin vào khả năng của Chính phủ có thể kiểm soát được kinh tế cũng như vấn đề thiên tai, dịch họa…”
Doanh nghiệp bị tác động
Về phía doanh nghiệp, mặc dù được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2, khen ngợi rằng nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm sáng tạo, không để công việc bị đình trệ; thế nhưng qua trao đổi với RFA thì một số doanh nghiệp cho biết công việc kinh doanh của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân kinh doanh mặt hàng linh kiện điện tử ở Sài Gòn, cho biết hiện tại công ty nơi bà làm việc đang đối mặt với viễn cảnh khó khăn nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc:
“Bên Trung Quốc bị dịch bệnh đã ngưng sản xuất mà nếu đặt hàng lại thì phải chờ bên đó hoạt động và công nhân đi làm lại…Do đó sắp tới dự kiến có thể bị thất thu do không nhập hàng về được. Hàng đặt ở Trung Quốc, Đài Loan hay Hong Kong, nói chung sản xuất hay quá cảnh qua các nước này thì không được và đa phần nhập đồ từ Trung Quốc về hết. Thành ra không biết dịch bệnh này kéo dài bao lâu? Đợi nhà máy bên Trung Quốc sản xuất lại và chờ thủ tục nhập hàng ở hải quan…thì trong khỏang thời gian đó có thể thất nghiệp.”
Kể từ khi Việt Nam công bố bịch COVID-19 vào cuối tháng 1/2020, Đài RFA ghi nhận lĩnh vực xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam bị nhiều thiệt hại vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất hai mặt hàng này của Việt Nam.
Truyền thông quốc nội cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1 năm 2020 xuống còn gần 650 triệu đô la Mỹ (USD), giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cho biết hàng trăm tấn tôm bị lùi thời hạn giao hàng theo thông báo của nhà nhập khẩu Trung Quốc, nên chi phí lưu kho của doanh nghiệp bị tăng lên.
Hồi ngày 11/2, Bộ Công thương Việt Nam chính thức thông báo hàng trăm xe trái cây bị ách tắc tại biên giới Việt-Trung do ảnh hưởng của COVID-19.
Một doanh nhân kinh doanh về phân bón và nông sản hữu cơ, ẩn danh, cho RFA biết người nông dân trồng cây ăn trái ở Việt Nam là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh COVID-19 này.
“Thật ra, chủ yếu nông dân bị ảnh hưởng nhiều chứ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bây giờ đại đa số đều là Trung Quốc núp bóng và doanh nghiệp đặt cọc cho nông dân đâu có bao nhiêu tiền nên cùng lắm mất số tiền cọc đó thôi. Còn nông dân nếu không bán được thì mất hết.”
Cơ quan chức năng cần nói và làm
Chúng tôi nêu một số giải pháp mà Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra như tìm các thị trường xuất khẩu nông thủy sản mới hay như kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng gia tăng tiêu thụ nội địa mặt hàng nông sản…Mặc dù vậy, vị doanh nhân không muốn nêu tên cho rằng không giải quyết được vấn đề:
“Hứa thật nhiều nhưng làm không được bao nhiêu. Bao nhiêu năm nay tổ chức đoàn đi tham quan mà đâu có giải quyết vấn đề. Lý ra việc đó phải làm từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến bây giờ xảy ra sự cố rồi mới cuống cuồng họp hành, làm này làm nọ. Nếu bây giờ tiến hành xúc tiến như thế thì cũng chỉ giải quyết vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai thôi. Còn những lô hàng đang bị ứ đọng thì bán được nhiêu bán, còn không thì làm phân bón hay đổ đi thôi.”
Hứa thật nhiều nhưng làm không được bao nhiêu. Bao nhiêu năm nay tổ chức đoàn đi tham quan mà đâu có giải quyết vấn đề. Lý ra việc đó phải làm từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến bây giờ xảy ra sự cố rồi mới cuống cuồng họp hành, làm này làm nọ. Nếu bây giờ tiến hành xúc tiến như thế thì cũng chỉ giải quyết vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai thôi. Còn những lô hàng đang bị ứ đọng thì bán được nhiêu bán, còn không thì làm phân bón hay đổ đi thôi
-Doanh nhân ẩn danh
Vị doanh nhân ẩn doanh còn nhấn mạnh nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm qua đã từng bị tình trạng ùn ứ và một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là doanh nghiệp nghiệp nhà nước đứng ra bao tiêu cho nông dân, thế nhưng Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thực hiện biện pháp này.
Những doanh nghiệp Đài RFA tiếp xúc đều khẳng định giải pháp cần thiết nhất mà Chính phủ phải áp dụng là giảm lãi suất đối với khối doanh nghiệp và thậm chí ưu đãi lãi suất 0% cho nông dân kể cả sau khi hết dịch bệnh COVID-19.
Giới chuyên gia kinh tế-tài chính, như Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng Việt Nam muốn duy trì sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thì Chính phủ cần đưa ra chính sách tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp.
Còn những người dân tỏ ra hài lòng với việc chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Việt Nam như ông Khoa ở Sài Gòn, cũng như hầu hết phụ huynh Đài RFA được dịp trò chuyện đều mong muốn có một sự phối hợp đồng bộ và nhất quán giữa Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và y tế công cộng học đường được tốt hơn, phản ứng nhanh hơn trong trường hợp có dịch bệnh bùng phát như dịch COVID-19.