Bộ Chính trị muốn bảo vệ môi trường trong phát triển điện than, có dễ thực hiện?

Thanh Trúc
2020.02.24
2010-09-22T120000Z_1521844586_GM1E69M17CW01_RTRMADP_3_VIETNAM_960.jpeg Hình minh họa. Hình chụp hôm 22/9/2010 ở mỏ than Cẩm Phả, Quảng Ninh
Reuters

“Định Hướng  Phát Triển Năng Lượng Quốc Gia”  là nội dung Nghị Quyết vừa được Bộ Chính Trị ban hành trong khuôn khổ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Nhóm 10 nhiệm vụ và giải pháp cho định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã nêu bật chính sách sử dụng năng lượng sạch, chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Chính trị trong chiến lược của mình cũng nói đến việc tiếp thu ý kiến của xã hội dân sự trong vấn đề môi trường khi phát triển các dự án điện.

Nhận định về Nghị Quyết mới này, tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Viện Khoa Học Năng Lượng Việt Nam, cho rằng:

“Nghị Quyết mới của Bộ Chính Trị rất chú ý đến sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là chú ý đến môi trường mà trước đây chưa thể hiện ra”

Phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường là định hướng mới của Nghị Quyết, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm  Công Nghiệp và Môi Trường Việt Nam:

“Tôi nghĩ tư duy mới hiện nay chắc chắn là sẽ giảm năng lượng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường tỷ trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Tư duy đấy là đúng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế,  nhà nghiên cứu độc lập trong nước, cho rằng Nghị Quyết Bộ Chính Trị muốn có sự chuyển hướng, đặc biệt yêu cầu bảo vệ môi trường:

“Việt Nam cần phải chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng về sinh khối.  Tôi thấy định hướng đó phù hợp với sự phát triển của Liên Hiệp Quốc, muốn giảm khí thải và muốn đóng góp vào việc kiểm soát biến đổi khí

Ô nhiễm từ các nhà máy điện than

Những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy điện than đã thu hút sự chú ý của dư luận tại Việt Nam, nhất là sau một số những phản đối của người dân ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận từ hồi năm 2015 đến nay.

Từ lâu, giới khoa học gia và chuyên gia môi trường trong nước đồng ý với nhau rằng mức đô ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm không khí ở Việt Nam ngày càng tăng.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/10/2019: người dân che mũi khi đi trên đường phố đầy bụi ở Hà Nội
Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/10/2019: người dân che mũi khi đi trên đường phố đầy bụi ở Hà Nội
Reuters

Gần đây nhất, tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh những tháng cuối 2019 đầu 2020, ngoài nồng độ bụi trung bình trong không khí đã vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, các khoa học gia còn cho rằng một trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam đến từ các nhà máy điện chạy bằng than.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2019 lượng than đá bên ngoài nhập vào Việt Nam nội 5 tháng đầu năm đã tăng hơn 100% so với 2018. Tổng cộng số lượng than đá Việt Nam mua vào 5 tháng đầu 2019 là 17,20 triệu tấn, tăng 103% so với 5 tháng đầu 2018.

Tháng 6/2029 và tháng 7/2019  EVN - Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam thông báo lượng than đá nhập khẩu còn tăng mạnh hơn vì nhu cầu sử dụng trong ngành nhiệt điện than.

Theo EVN, tỷ trọng điện than ở Việt Nam hiện cao nhất hệ thống sản xuất điện trong nước, chiếm khoảng hơn 30% tổng sản lượng điện. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt hơn 53%.

Báo cáo thường niên IPI -The Environmental Performance Index do Mỹ thực hiện cho thấy Việt Nam nằm trong Top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á.

Báo chí trong nước trích dẫn lời phó giáo sư tiến sĩ Đinh Đức Trường, trưởng Khoa Môi Trường, Biến Đổi Khí Hậu và Đô Thị thuộc Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, là việc tiêu thụ than ở Việt Nam càng ngày càng tăng khiến ô nhiễm không khí tăng. Ông nói chất lượng không khí ở Việt Nam ngày càng thấp và càng tệ, Hà Nội từng bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội, ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại 240.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% GDP cả nước.

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, 3 loại ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than vận hành lâu nay với hiệu suất khử bụi than hay xỉ than rất kém trong lúc tác hại thì rất cao:

“Thứ nhất là ô nhiễm do bụi bay ra từ trong ống khói, gọi là tro bay. Thứ hai là đốt than không hết, nó rơi xuống gọi là xỉ than. Trong xỉ than thường nó có một số kim loại nặng còn tồn tạ mà chưa khử được. Cái bãi xỉ than ấy bị gió thổi ra, gây nên bụi xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyện này là có”.

”Người ta sợ không chỉ do bụi nhiều mà sợ là trong khí sinh ra đó có SO2 tạo thành Acid Sulfuric, mưa a xít, rơi xuống ảnh hưởng đến mùa màng, hoa màu, tức là sản lượng cây cối, hoa màu bị kém đi. Mưa a xít còn ăn mòn các công trình xây dựng”

” Loại thứ ba là CO2, thán khí, là khí nhà kính, tác động đến biến dổi khí hậu”

Với những lo ngại về tác hại về môi trường trong dự án điện than, có địa phương tại Việt Nam gần đây đã từ chối chấp nhận việc xây dựng điện than. Năm 2019, chính quyền tỉnh Long An kiên quyết không chấp nhận các dự án nhiệt điện than cho dù Nhà Nước đã chấp thuận cũng như phê duyệt quy hoạch phát triển.

Có dễ thực hiện?

Với câu hỏi Việt Nam có đẩy mạnh được việc thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính như một trong 10 nhiệm vụ mà Bộ Chính Trị nêu ra trong Nghị Quyết hay không, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghiệp Và Môi Trường Việt Nam, khẳng định giảm phát khí thải là điều Việt Nam phải thực hiện vì đã cam kết trong COP21 Hội Nghị Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu:

“Trong COP21 thì Việt Nam đã cam kết giảm 8% phát thải khí nhà kính nếu để Việt Nam tự đầu tư, còn nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% tổng phát thải nhà kính”

“Sau khi cam kết xong thì Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, các ngành địa phương xây dựng kế hoạch để mà đạt được chỉ tiêu đấy. Trên Bộ Chính Trị đưa ra là thì dụ đến năm 2030 là 15% , rồi 2045 là 25 đến 30% thì tôi nghĩ cũng nằm trong xu hướng chung thôi vì Việt Nam cam kết với quốc tế rồi, và hiện đang lên kế hoạch để thực hiện”

Đoạn cuối của Nghị Quyết thay cho phần kết luận, Bộ Chính Trị nhắc lại rằng Chiến Lược Phát Triển Năng Lượng Quốc Gia, trong đó có định hướng bảo vệ môi trường, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà Nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng.

Hình minh họa. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận (hình chụp hôm 23/4/2019)
Hình minh họa. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận (hình chụp hôm 23/4/2019)
AFP

Phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ nhận xét:

“Từ trước đến nay Bộ Chính Trị chưa có Nghị Quyết nào riêng về phát triển năng lượng cả. Nghị Quyết này chỉ có gọi là mới thôi chứ còn cách điều hành, cơ chế điều hành đều thế cả, bao giờ cũng đảng lãnh đạo, chính phủ điều hành vân vân… “

“Tuy nhiên lần này thì có một Nghị Quyết riêng về năng lượng lại nhấn mạnh thêm vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội. Trong lãnh vực năng lượng thế là cũng đã phát huy nhiều rồi”

Nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh đưa ra một cái nhìn khác. Ông nói rằng kế hoạch hay định hướng phát triển năng lượng cho Việt Nam trong những ngày tới khó có thể thành công nếu thiếu tiếng nói của các xã hội dân sự, chưa kể sự đồng lòng của toàn dân. Ông nhấn mạnh đây là khuynh hướng chung:

“Cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, thí dụ các hiệp hội về năng lượng, các hiệp hội về bảo vệ môi trường. Cần phải phối hợp với nhau để làm sao giúp ngành điện được kiểm soát chặt chẽ, giúp ngành khai thác than được kiểm soát chặc chẽ hơn. Phải phấn đầu để từng bước giảm mức đô ô nhiễm như Nghị Quyết đề ra. Tôi nghĩ đây là một yêu cầu cao. Toàn dân, đặc biệt các ngành sản xuất, tiêu dùng điện, phải có nỗ lực thực hiện”.

Để bảo vệ môi trường, Nhà Nước có thực sự ghi nhận vai trò không thể thiếu của các tổ chức xã hội dân sự, phản ảnh qua ý kiến chuyên gia hay người dân, cụ thể liên quan đến tác hại của ô nhiễm không khí chẳng hạn?

Câu trả lời của chuyên gia khoa học và môi trường, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, là không:

“Tôi đọc các bài viết về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đều thiếu, tại sao họ không mở những cuộc họp? Ai muốn đến họp về ô nhiễm môi trường xin mời, họ có mời đâu? Ông Nguyễn Xuân Phúc có bảo ông rất muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học nhưng làm thế nào góp ý được. Suốt ngày thấy ông trên TV, ngày nào cũng đi bao nhiêu nơi, tối nào cũng nói. Các vấn đề khoa học cần giải quyết như tôi mà trình bày thì mất cả ngày, ai nghe.”

Theo tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Viện Khoa Học Năng Lượng Việt Nam, quan trọng và đúng nằm ở cái cách lấy ý kiến người dân một cách thận trọng hay chỉ sơ sài cho có:

“Do cách lấy ý kiến thôi, chứ còn trong khi xây dựng thì có cái gọi là đánh giá tác động môi trường. Bản đánh giá tác động môi trường đấy phải hỏi ý kiến cộng đồng người dân, nhưng mà cách lấy ý kiến của cộng đồng ấy không thích hợp. Ví dụ người ta hỏi qua Hội Phụ Nữ hay tổ chức xã hội nào đó. Những tổ chức đó không phản ánh được đầy đủ, người dân trực tiếp lại không được có ý kiến”

“Cho nên tôi nghĩ đấy là cách thức lấy ý kiến của cộng đồng, chứ còn đánh giá tác động thường là phải có. Trong qui định là phải có nhưng  làm có đúng thế không, cách lấy có đúng không? Chứ còn bảo không có ý kiến thì không phải đâu, phải thông qua chính quyền địa phương, nhưng thường là chính quyền địa phương không lấy được đầy đủ, cách lấy không tốt cho nên không thể hiện được ý kiến toàn diện của người dân.

Được hỏi tương lai của những dự án nhiệt điện than sẽ như thế nào khi mà Việt Nam tiếp tục cho nhập thêm nhiều khối lượng than đá từ bên ngoài, trong lúc dư luận ở nhiều địa phương tiếp tục chống đối việc xây dựng thêm các nhà máy điện chạy bằng than, Phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết những dự án đã xây dựng xong rồi và những dự án đang xây dựng dở thì vẫn cho tiếp tục với điều kiện chủ đầu tư, chủ dự án phải cam kết bảo vệ môi trường:

“Những biện pháp bảo vệ môi trường của Việt Nam ngày càng khắt khe. Thế còn những dự án, đã nằm trong qui hoạch nhưng chưa triển khai, thì bị hạn chế không cho đầu tư tiếp nữa”

“Đã có qui định là những nhà máy nhiệt điện than được chính phủ đưa vào danh sách giám sát đặc biệt cho nên bị kiểm ra rất thường xuyên.”

Vẫn theo lời ông Phùng Chí Sỹ, các nhà máy nhiệt điện than bây giờ phải đầu tư, lắp ráp hệ thống quan trắc tự động khí thải, nước thải, phải truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường để theo dõi. Nếu có vấn đề bất thường như khí thải vượt tiêu chẩn hay vượt qui chuẩn, ông nói tiếp, nhà máy nhiệt điện than đó sẽ bị ngưng hoạt động.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.