Tác động thủy điện Lào trên dòng chính Mekong: hại nhiều hơn lợi
2019.01.10
Công trình thủy điện Pắc Lay trong loạt 11 đập thủy điện mà Lào đã và sẽ xây dựng cần bảo đảm dòng chảy chính của sông Mê Kông vì nếu không thì cuộc sống và sinh kế của hơn 12 triệu dân tại Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng.
Đó là cảnh báo được Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam đưa ra tại cuộc hội thảo tham vấn quốc gia về dự án thủy điện Pắc Lay của Lào trên dòng chính sông Mê Kông ngày 7 tháng Giêng vừa qua.
Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư trong số 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, sẽ được xây dựng ở Bắc Lào cách Đồng Bằng Sông Cửu Long 1.615 kilômét, dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn tất năm 2029.
Tại buổi hội thảo, đại diện Ủy Ban Sông Mê Kông nói rằng báo cáo và đánh giá về tác động kinh tế xã hội do phía đầu tư cung cấp cho thấy khoảng 25 triệu cư dân dọc hành lang sông Mê Kông có khả năng chịu tác động tích lũy xuyên biên giới, trong đó hơn 12 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ trung bình nhưng thời gian tác động thì dài hạn.
Ông Lê Đức Trung, chánh văn phòng thường trực Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam, cho biết hội thảo tham vấn của Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam nhằm góp ý cho báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ủy Ban Sông Mê Kông Quốc Tế liên quan đến dự án thủy điện Pắc Lay nói riêng và các dự án thủy điện trên dòng chính Mê Kông nói chung. Việt Nam sẽ đề xuất ý kiến, ông nói tiếp, với Lào cũng như với Ủy Ban Sông Mê Kông Quốc Tế về công trình thủy điện Pắc Lay này.
Campuchia và Lào đất đai vẫn còn rất lớn, để phát triển nông nghiệp thì họ sẽ dùng lưu lượng nước rất lớn, đặc biệt những dòng chảy kiệt để phục vụ cho nông nghiệp, khi đó mới là nguy cơ thật sự của Việt Nam.
-Thạc sĩ Hồ Long Phi
Vẫn theo lời ông, kết quả nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam và Ủy Ban Sông Mê Kông Quốc Tế cũng như các tổ chức liên quan trên thế giới đều rất đáng quan tâm.
Một chuyên gia về nước, thạc sĩ Hồ Long Phi, phó ban điều phối chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận định tác động tích cực, tức những lợi ích trước mắt, từ những hồ những đập thủy điện là điều không thể phủ nhận:
Theo nguyên lý mà nói thì giòng chảy mùa kiệt (mùa khô) sẽ được duy trì tốt bởi vì thủy điện luôn luôn phải xả nước, nó phát điện cả mùa mưa lẫn mùa khô. Thậm chí dòng chảy mùa kiệt, theo lý thuyết mà nói, nếu không phải những năm cưc đoan thì thậm chí còn có thể cải thiện được so với hiện nay. Dòng chảy mùa lũ ngược lại sẽ được điều tiết bớt đi, trử nước trong hồ có nghĩa là lũ sẽ bớt cực đoan đi.
Tuy nhiên tác động tiêu cực về lâu về dài, đặc biệt đối với vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, là vấn đề cần lưu ý:
Tất cả những điều vừa nói chỉ trên sách vở thôi, khi nghiên cứu vào những năm đặc biệt, thí dụ đặc biệt hạn hay lũ đặc biệt lớn thì lúc đó thủy điện sẽ đóng vai trò tiêu cực nhiều hơn. Trong biến đổi khí hậu mà bối cảnh khiến thời tiết cũng như diễn biến thủy văn trở nên cực đoan hơn thì khó có thể nói trước điều gì.
Vấn đề thứ ba là mức độ ảnh hưởng, khó có thể nói được ảnh hưởng của nó đối với sinh kế sẽ diễn ra như thế nào, người ta phải thích nghi từng bước để vượt qua, cái đó cũng khó đánh giá được.
Điều cuối cùng, cái dòng chính ở đây là cái lưu lượng cơ bản, khi không có diễn biến cực đoan gì hết thì nó chính là lưu lượng bình thường bảo đảm cho cuộc sống như trước nay vẫn vậy. Campuchia và Lào đất đai vẫn còn rất lớn, để phát triển nông nghiệp thì họ sẽ dùng lưu lượng nước rất lớn, đặc biệt những dòng chảy kiệt để phục vụ cho nông nghiệp, khi đó mới là nguy cơ thật sự của Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, có cùng quan điểm với Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam rằng công trình thủy điện Pắc Lay không nên nói riêng lẻ mà phải được tính trong một chuỗi tác động từ một loạt các đập, thực tế là 4 trong số 11 cái đã, đang và sẽ được xây dựng ở Lào:
Một cái thì tác động một phần nào đó nhưng nhiều cái sẽ tác động cộng hưởng. Đáng lo nhất là những đập đó sẽ cắt giòng sông Mê Kông thành những đoạn hồ, lúc đó không còn một dòng sông nữa mà là một chuỗi hồ liên tiếp nhau, hồ này phụ thuộc vào nước của hồ trên đó.
Những đập thủy điện như vậy sẽ cắt đi tính liên tục của dòng sông, hậu quả là dòng chảy, sinh thái và đặc điểm thủy văn cũng bị thay đổi:
Những thay đổi này thường là xấu nhiều hơn tốt, phù sa bị giữ lại trên các hồ chứa, những loài cá di cư không có điều kiện di chuyển từ hạ nguồn lên thượng nguồn nó đẻ trứng, rồi cá con từ thượng nguồn trôi về hạ nguồn, tính đa dạng sinh học ít nhất của loài cá bị thay đổi.
Còn về mặt thủy văn người ta nói những đập thủy điện đó giữ nước trong mùa lũ và xả nước trong mùa khô. Về mặt lý thuyết thì như vậy tuy nhiên đối với những năm cực đoan thì điều này không hoàn toàn như vậy. Những yếu tố bất ổn về sự vận hành của thủy điện càng lúc càng bộc lộ rõ, đặc biệt ở Việt Nam thì người ta đã chứng kiến những cái đó, sự phát triển của thủy điện đã trở nên bất thường rồi.
Kết luận cho thấy 11 con đập này sẽ tạo ra những tác động rất nghiêm trọng.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Trở lại với buổi hội thảo tham vấn quốc gia về dự án thủy điện Pắc Lay bên Lào, các chuyên gia đã tường trình kết quả nghiên cứu tác động của thủy điện Pắc Lay đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long như hệ thống giòng chảy, tình trạng ngập mặn, sự thay đổi phù sa bùn cát, ảnh hường xấu trong việc nuôi trồng thủy sản. Liệu những ý kiến này có tạo thay đổi đáng kể nào không? Thạc sĩ Hồ Long Phi:
Đàm phán về nguồn nước xuyên biên giới cho tới nay chưa hề có một kết quả nào tích cực bởi các nước đều bảo lưu quyền lợi kinh tế của mình. Việt Nam cũng không có thế mạnh nào hoặc một cái đòn bẫy để mà hỗ trợ cho việc thương lượng. Tôi nghĩ muốn hay không muốn thì thủy điện của Lào cũng sẽ được tiến hành.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn:
Trong nước đã có nhiều cuộc hội thảo về những đập thủy điện trên dòng chính, kể cả việc chính phủ Việt Nam đã bỏ ra 4 triệu rưỡi đô la để thực hiện nghiên cứu và đánh giá những tác động của 11 con đập trên thượng nguồn đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Kết luận cho thấy 11 con đập này sẽ tạo ra những tác động rất nghiêm trọng.
Cần nhắc lại theo một điều khoản trong Hiệp Định Mê Kông từ năm 1957, chỉ cần 1 trong 4 quốc gia ở hạ nguồn Mê Kông như Thái Lan, Lào, Kampuchia, Việt Nam mà không đồng ý với những dự án thủy điện trên thượng nguồn thì đều có quyền phủ quyết.
Tuy nhiên Hiệp Định Mê Kông năm 1995 đã loại bỏ điều khoản bắt buộc này. Theo các chuyên gia tài nguyên và môi trường, đây là một bước lùi của quyết định chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên dòng Mê Kông vốn là nguồn sống chung cần thiết của khu vực và Đồng Bằng Sông Cửu Long tính đến lúc này.