Người Việt tại Nhật lại biểu tình chống Luật Hải Cảnh của Trung Quốc
2021.03.29
Người Việt Nam sinh sống tại Nhật, trong đó có nhiều khuôn mặt trẻ thuộc các thành phần du học sinh và thực tập sinh, đã cùng phong trào AntiChicom (phản đối Trung Cộng) tổ chức tuần hành và biểu tình hôm Chủ Nhật, 28 tháng 3, tại Osaka- thành phố cảng lớn của Nhật.
Anh Thư, kỹ sư 32 tuổi, thành viên trong ban tổ chức, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do sau cuộc biểu tình:
“Theo sự nhận thấy của em thì cuộc tuần hành hôm nay khá thành công mặc dù thời gian để bọn em lên kế hoạch và tổ chức không có nhiều ”.
Anh Thư cho biết cho dù thời tiết không thuận lợi và Osaka cũng đang là một tâm dịch COIVID-19 nhạy cảm tại Nhật, nhưng có khoảng 100 người từ nhiều nơi đã đến đồng hành. Họ tập trung tại công viên Utsubo vào lúc 13 giờ chiều, từ đó tuần hành hướng đến lãnh sự quán Trung Quốc. Xe cảnh sát Nhật dẫn đường đi trước.
Anh Thư kể tiếp cảnh làm anh cảm động nhất:
“Hôm nay thời tiết thì cũng có một chút mưa. Nhưng mà em thấy là điều đó không ngăn được những tiếng hô, tiếng đả đảo. Mặc dù lần này thì cảnh sát không cho sử dụng loa nhưng mà tiếng hô vẫn vang được khắp các đường phố Osaka, Nhật Bản. Em thấy đặc biệt điều mà rung động nhất là lúc đến lãnh sự quán Trung Quốc, những tiếng hô, em cũng hô lớn lắm, nó vang nhiều. Em nhớ có một khoảnh khắc lúc đó là có một anh cảnh sát Nhật cũng đưa tay cổ động hàm ý rằng phải hô lớn hơn nữa để mọi người hào hứng lên. Thì lúc đó ai cũng hô to với nhiệt huyết của tiếng lòng. Em nghĩ điều đó cho thấy là không chỉ có những người con Việt Nam mà ngay cả người Nhật cũng phản đối Luật Hải cảnh này của Trung Quốc”.
Quốc Hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh hôm 22 tháng 1 cho phép cảnh sát biển của Trung Quốc bắn vào các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Luật cũng cho phép lực lượng chức năng Trung Quốc được quyền phá hủy các cấu trúc do nước khác xây dựng, và cho phép lập các khu vực ngăn cấm việc qua lại của tàu thuyền các nước đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cấm.
Trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Osaka, đoàn biểu tình đã cử năm người tiến đến gần, họ hô những khẩu hiệu chống các hành vi gây hấn của Trung Quốc, sau đó đã gửi kháng thư vào hộp thư của lãnh sự quán.
Kháng thư ghi rõ, ba nhóm thuộc ban tổ chức là Hiệp hội Người Việt tại Nhật, Nhóm trẻ vì Nhân quyền và phong trào AntiChicom phản đối “hành động phá vỡ trật tự luật biển quốc tế bằng luật hải cảnh của Trung Quốc” dựa trên ba căn cứ: Thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Thứ hai, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp, và thứ ba, “luật hải cảnh mới đây chính là công cụ hậu thuẫn nhằm leo thang những hành xử vũ lực thô bạo”.
Từ Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS ở Singapore, quan ngại về tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư, tiếng Nhật gọi là Senkaku. Tháng trước, có hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh. Ông Hợp nói:
“Nó đưa luật hải cảnh này ra như thế là để nó tiến tới một bước là khẳng định chủ quyền vô lý và đơn phương của nó ở trên Biển Đông và cả Hoa Đông nữa. Và tới đây nó sẽ có tranh chấp ở Bắc cực và Nam cực. Không đơn giản là chỉ ở khu vực này đâu. Nên các nước người ta phản ứng là đúng. Trước hết là Nhật Bản họ phản ứng rất là mạnh. Thứ hai là Mỹ, rồi đến Việt Nam, rồi Philippines. Còn các nước khác thì chưa thấy nói gì. Thế nhưng mà về mặt luật pháp thì các nước như là Anh Quốc, Pháp và Đức đã có những phản ứng rất rõ là bộ luật này của Trung Quốc là không phù hợp”.
Trung Quốc vào ngày 7 tháng 3 đã điều hơn 200 tàu dân quân biển ra Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa. Lý do Bắc Kinh đưa ra là các tàu của họ đến trú ẩn trong điều kiện thời tiết xấu. Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với thực thể này. Philippines lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu dân quân biển đi ngay. Hôm 25 tháng 3, Manila cho biết đã điều thêm tàu chiến đến tuần tra ở khu vực này. Đến ngày 27 tháng 3, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thông báo sẽ điều máy bay quân sự ra giám sát.
Nhật và Indonesia vào ngày 28 tháng 3 ra tuyên bố phản đối bất cứ mọi hành động nào của Trung Quốc làm gây căng thẳng tại Biển Đông. Vào ngày 29 tháng 3, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhắc lại quan điểm sát cánh với đồng minh Philippines.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bày tỏ sự lo ngại của các nhà quan sát tình hình Biển Đông trước những diễn biến mới nhất:
“Philippines họ không để yên. HHôm qua và hôm nay họ đã cử khá nhiều máy bay phản lực chiến đấu bay quần đảo xung quanh phía trên của 200 tàu đó. Thì họ phản ứng rất tích cực. Nếu cần là họ bắn. Và nếu mà họ phải bắn thì nó sẽ như thế này: về mặt pháp lý thì nước Mỹ là nước đầu tiên coi dân binh của Trung Quốc là lực lượng vũ trang. Tới đây các nước xung quanh, trong đó có Philippines, và có thể cả Việt Nam nữa, sẽ coi lực lượng dân binh đó là lực lượng vũ trang Trung Quốc. Lúc đó thì người ta sẽ áp dụng tất cả những biện pháp để chống trả những đám dân binh, gọi là maritime militia, như là chống lại lực lượng vũ trang. Tức là phải sử dụng súng. Đây là một điểm không những học giả, mà các giới chính sách họ phải chú ý.
Tình hình căng thẳng tăng rất là nhiều trong vòng 10 ngày, tăng rất mạnh ở cái chỗ, nếu mà xem về phản ứng của Việt Nam thì đây là lần đầu tiên Việt Nam có một phản đối rất rõ ràng, yêu cầu phía Trung Quốc phải rút tất cả tàu đó về và không để tái diễn. Hôm thứ 5, cách đây mấy bữa thì trong cuộc họp báo thường lệ hàng tuần thì Bộ Ngoại giao Việt Nam người ta có phản đối như vậy. Và phản đối này là mạnh nhất từ xưa đến này”.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội 13 hôm 28 tháng 3 nói, tình hình Biển Đông vẫn có những diễn biến căng thẳng “phức tạp”; đang đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và Việt Nam cần có nhận thức và tư duy mới về quốc phòng.
Người Việt tại nhiều nơi trên thế giới bày tỏ phẫn nộ về những hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ Osaka hôm Chủ Nhật 28 tháng 3, Anh Thư cho rằng, nếu có cơ hội, thì người dân trong nước cũng đã biểu tình lên án những hành vi xâm phạm của Trung Quốc:
“Em sống ở đây cũng sáu năm. Những buổi tuần hành phản đối Trung Quốc hay là những buổi đồng hành cùng thiên Đan viện Thiên An hoặc là vấn đề Vườn rau Lộc Hưng, hay là mới nhất là năm ngoái về người dân Đồng Tâm thì bọn em đều thể hiện tiếng lòng của mình. Em thấy mình thay đổi nhiều nhất là trong suy nghĩ, không phải chỉ riêng em. Nhưng những buổi như vậy thì sẽ kéo theo rất nhiều bạn trẻ tthì họ cũng nhận thấy là bên này, như thế này thế kia, mà ở nhà mình coi tivi thấy nó khác quá sao mọi người lại phản đối như vậy? Nhờ đó người ta cũng nhận biết được là có nhiều điểm đúng, nhiều điều sai thì người ta cũng tìm hiểu thêm. Thì càng ngày càng có nhiều bạn trẻ đã đồng hành cùng bọn em”.
Anh Thư nói, người trẻ trong nước chưa có được quyền bày tỏ lòng yêu nước nhưng ở đây, các bạn trẻ sẽ tiếp tục xuống đường để thể hiện tiếng nói của họ trước bá quyền Trung Quốc.