Sách về sự hình thành nền Cộng hòa ở Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt

2023.03.28
Sách về sự hình thành nền Cộng hòa ở Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt Lịch sử người Mỹ gốc Việt
Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo

Hai cuốn sách về lịch sử xây dựng nền Cộng hoà ở Việt Nam và quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, do một nhóm chuyên gia ở Hoa Kỳ biên soạn vừa được giới thiệu vào trung tuần tháng ba.

Tiến sỹ Vũ Tường, người đồng chủ biên hai cuốn sách này, nói với RFA rằng nhóm tác giả hy vọng các thế hệ sau sẽ được hiểu lịch sử một cách đúng đắn về vài trò của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) trong lịch sử đất nước.

“VNCH không phải xu hướng chính trị ngoại lai”

Cuốn sách đầu tiên có tên “Xây dựng một quốc gia cộng hoà ở Việt Nam từ năm 1920 - 1963” (“Building A Republican Nation In Vietnam, 1920-1963”) do Tiến sĩ - Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học của Đại học Oregon, và Tiến sĩ - Giáo sư Trần Nữ-Anh của Khoa Lịch sử Đại học Connecticut, làm chủ biên.

Tiến sĩ Trần Nữ-Anh chia sẻ với RFA rằng trong cuốn sách này, nhóm tác giả muốn chứng minh rằng VNCH được tạo nên bởi những xu hướng chính trị Việt Nam chứ không phải những xu hướng chính trị ngoại lai:

“Từ lâu rồi, nhiều nhà trí thức, học giả, ký giả Tây phương cho rằng chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, còn chế độ VNCH là một chế độ vong bản làm tay sai cho Hoa Kỳ.

Chúng tôi hoàn toàn phủ nhận lập luận ấy. Chúng tôi cho rằng chủ nghĩa Cộng hòa (republicanism) đã thịnh hành trong giới trí thức và các tổ chức cách mạng thời Pháp thuộc từ đầu thế kỷ 20.”

Tiến sỹ Trần Nữ-Anh lý giải, chủ nghĩa Cộng hòa tức là tư tưởng dân chủ, được ảnh hưởng bởi tư tưởng cách mạng Pháp và chủ nghĩa Tam Dân của nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên. Mãi đến đầu thập niên 30 chủ nghĩa Cộng sản mới xuất hiện ở Việt Nam, rồi từ từ lấn át chủ nghĩa Cộng hòa, đưa đến sự phân hóa giữa hai chủ nghĩa trong thời kháng chiến chống Pháp.

Sau Hiệp định Geneve, chủ nghĩa Cộng hòa trở thành nền tảng chính trị cho chính quyền VNCH ở miền Nam. Nói cách khác, chủ nghĩa Cộng hòa đã ảnh hưởng dân tộc Việt Nam không thua gì chủ nghĩa Cộng sản. Bà kết luận về cuốn sách này:

“Cuốn sách của chúng tôi rất có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam ở hải ngoại. Ôn lại quá khứ chúng ta sẽ thấy rằng lịch sử chính trị Việt Nam có nhiều khuynh hướng đa dạng, nhiều đảng phái đoàn thể, chứ không có thuần nhất và đơn điệu.

Càng tìm hiểu về diễn tiến của chủ nghĩa Cộng hòa, chúng ta sẽ càng tự hào rằng dân tộc ta có truyền thống tư tưởng dân chủ từ lâu. Vậy chúng ta nên cố gắng phát huy truyền thống ấy và củng cố nền dân chủ ở hải ngoại. Đấy chính là ý nghĩa của cuốn sách.” 

Đồng chủ biên cuốn sách này, tiến sỹ Vũ Tường cho biết Chủ nghĩa Cộng hoà đã có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20 với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Các nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Thái Học, cho đến các nhà hoạt động văn hoá như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, và nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là những người cổ võ cho những khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa Cộng hoà. Họ có công rất lớn trong việc đưa tư tưởng Cộng hoà vào Việt Nam và xây dựng một nền tảng văn hoá và căn cước mới cho dân tộc - rất lâu trước khi chủ nghĩa Cộng sản đến Việt Nam vào đầu thập niên 30. Cho đến năm 1945, những người Cộng sản thực ra chỉ là một thiểu số nhỏ trong phong trào giành độc lập và chấn hưng dân tộc, và cũng là thiểu số cực đoan nhất, có xu hướng bạo lực nhất:

“Sách của chúng tôi cho thấy những nhà hoạt động Cộng hoà khác với Cộng sản thế nào và tinh thần ái quốc của họ mạnh mẽ ra sao. Sách cho thấy VNCH thừa kế tinh thần Cộng hoà đã có từ rất lâu trước khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam, cho thấy từ chính trị đến văn hoá giáo dục của nền Đệ nhất Cộng hoà đều hun đúc tinh thần quốc gia hình thành trong cuộc tranh đấu giành độc lập và chống lại Cộng sản.”

Lịch sử hình thành cộng đồng gốc Việt

Cuốn sách thứ hai là “Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt - Lịch sử cộng đồng và ký ức” (“Toward A Framework For Vietnamese American Studies”) do Tiến sĩ - Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ - Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ - Giáo sư Vũ Tường chủ biên.

Nói về cuốn sách này, Tiến sĩ Alex-Thai Dinh Vo cho biết đây là một nguồn tài liệu tuyệt vời để thiết kế các khóa học đại học về người Mỹ gốc Việt, hoặc làm tài liệu tham khảo cho các lớp sau đại học về ngành Hoa Kỳ học, Dân tộc học, Người Mỹ gốc Á, Lịch sử Việt Nam hiện đại, Chiến tranh Việt Nam, Người tỵ nạn, và Người di cư.

Cũng theo tiến sỹ Alex- Thai Dinh Vo, lịch sử và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không thể được xem như một thực thể cô lập mà ngược lại là một sự nối liền trong lịch sử Việt Nam và lịch sử Hoa Kỳ. Có nghĩa, để nói lên lịch sử Việt Nam thì không thể không nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt (và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung), từ những biến cố và chính sách đưa đẩy người Việt phải bỏ nước ra đi cho đến những nỗ lực bởi những người hiện đang sống ở nước ngoài nhằm giúp cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có khía cạnh kiều hối cũng như các nỗ lực vận động cho một Việt Nam tự do và dân chủ hơn. Với lịch sử Hoa Kỳ, cộng đồng Việt tuy có thể là một trong những cộng đồng trẻ nhất nhưng cũng là một trong những cộng đồng có nhiều đóng góp làm cho đất nước này phát triển và phong phú hơn.

Tiến sỹ Alex- Thai Dinh Vo cho rằng tuy đã gần 50 năm sau sự đổi đời bắt đầu từ sự biến cố 30 tháng Tư 1975, nhưng lịch sử Việt Nam của thế kỷ 20, lịch sử cuộc chiến Nam-Bắc, và lịch sử của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại vẫn chưa thật sự được nghiên cứu, hiểu rõ, và viết lại một cách tường tận và công bằng nhất có thể, bởi lịch sử được viết, ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ, đa số đều bị chi phối bởi thế lực chính trị của những người thắng cuộc và người có quyền lực.

Bởi thế, lịch sử về người Mỹ gốc Việt được viết ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ đa phần dựa trên những luận điểm đầy phiến diện và lệch lạc; rằng những người bỏ nước ra đi là những kẻ phản quốc, những con rối của đế quốc Mỹ, không có lập trường và lý tưởng, cũng như chính kiến và sự tự chủ, thành ra không có tính chính danh. Với những luận điểm ấy, các vấn đề về lịch sử và con người Việt Nam, trong đó có người Mỹ gốc việt, chỉ đơn thuần là các chủ thể (object) đa phần là để phân tích và phê phán Hoa Kỳ và những chính sách của Hoa Kỳ.

Với con số trên hai triệu người, người Mỹ gốc Việt là nhóm người tỵ nạn lớn nhất được tái định cư trong lịch sử Hoa Kỳ. Họ đang đóng góp nhiều vào sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế ở Hoa Kỳ và kể cả ở Việt Nam. Tiến sỹ Alex-Thai Dinh Vo nói:

“Bởi những lý do đó nên chúng tôi làm nên tập sách này, một nỗ lực tiên phong trong việc xây dựng một cách tiếp cận tổng thể để nghiên cứu, giảng dạy, và học hỏi về cộng đồng năng động này. Đây cũng là quyển sách đầu tiên làm cầu nối giữa học thuật về ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại với học thuật về người Mỹ gốc Việt (ngành Chủng tộc học).”

Chia sẻ cặn kẽ hơn về nội dung cuốn sách này, Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo cho biết cách tiếp cận của nhóm tác giả là lần theo lịch sử của cộng đồng này từ xã hội sôi động và nền văn hóa phong phú của miền Nam Việt Nam tự do (tức trước năm 1975).

Điển hình, các chương từ một đến bốn, bàn sâu về các hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và cộng hòa, mạng lưới xã hội dân sự, xu hướng văn học và tri thức, và sự tinh tế về văn hóa và nghệ thuật đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trong thời Việt Nam Cộng hòa (1955-1975), nhiều năm trước khi người Việt định cự tại Hoa Kỳ. Hiểu được nền tảng lịch sử, xã hội, và văn hoá này giúp chúng ta hiểu vì sao người Mỹ gốc Việt, dù hiện đang sống ở một xứ sở khác, nhưng luôn tâm niệm và nỗ lực cho việc đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam cũng như việc duy trì những di sản từ thời VNCH.

Từ chương năm đến chín, đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống và sự hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, bao gồm các chủ đề như quan hệ với các chủng tộc khác, hoạt động kinh doanh của phụ nữ, và đời sống chính trị với các hoạt động ở địa phương, trên phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia. Chương bảy với tựa “Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt: Tiến Hóa Từ Cơ Sở, 1981–2020,” chú trọng vào vấn đề vận động chính trị của người Mỹ gốc Việt.

Chương 10 đến 14 tìm hiểu cách thức sáng tạo ra và lưu truyền trí nhớ và bản sắc tập thể trong cộng đồng. Chương 12, tựa “Ký ức về Chiến tranh và Di cư: Lập bản đồ các đường viền ký ức người Việt hải ngoại,” cho ta thấy một tổng quan về cách thức và lý do tại sao người Mỹ gốc Việt và các đối tác của họ ở cộng đồng hải ngoại nhớ đến hai sự kiện quan trọng trong tiếng Việt đương đại lịch sử: chiến tranh và di cư. Chương cho thấy sự đa dạng và phức tạp của ký ức người tị nạn cũng như ý nghĩa của nó. Chương 14, tựa “Việc lưu giữ và sản xuất kiến thức của người di cư: Lịch sử truyền khẩu và đóng góp lưu trữ,” cung cấp tổng quan về những nỗ lực cộng đồng hiện tại và những thách thức và thành công họ đã phải đối mặt khi làm việc với các tổ chức lưu trữ, trường đại học và thư viện.

Tiến sỹ Vũ Tường hy vọng qua hai quyển sách vừa được giới thiệu, người đọc sẽ có cách nhìn mới, đúng đắn hơn về lịch sử Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam, và về người Mỹ gốc Việt, sẽ được nhìn nhận rộng rãi và giảng dạy trong nhà trường:

“Chúng tôi mong rằng thế hệ trẻ người Mỹ, dù gốc Việt hay không, sẽ không phải học những bài giảng sai trái rằng những người Cộng sản là đại diện duy nhất cho phong trào ái quốc giành độc lập cho Việt Nam, rằng con đường Cộng sản là con đường tất yếu và đúng đắn nhất để Việt Nam có thể giành được độc lập, rằng VNCH là một sản phẩm của chủ nghĩa chống cộng của Mỹ và là một chế độ do ngoại bang áp đặt, rằng chiến tranh Việt Nam là giữa “Đế quốc Mỹ” và nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản đại diện, rằng cộng đồng người Việt tự do là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Việt Nam, rằng lịch sử của họ chỉ bắt đầu từ năm 1975.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

HỒ TẬP CHƯƠNG
29/03/2023 20:25

Đặng Chí Hùng (Danlambao)
Thưa các bạn, là một người trẻ tuổi, chưa một lần được biết đến ngôi trường của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cũng chưa từng được sống dưới chế độ tự do non trẻ đó, tuy nhiên qua nhiều sách báo, tài liệu và nhân chứng sống, cộng với những suy nghĩ của mình, tôi nhận thấy một điều đó là một chế độ, một nhà nước khác hẳn với những lời tuyên truyền của cộng sản.

Có một câu hỏi làm tôi day dứt gần 10 năm trời khiến tôi phải tự mình đi tìm câu trả lời cho nó đó là: “Tại sao một chế độ thối nát, được quy chụp là Ngụy quân, ngụy quyền lại được người dân thương nhớ, tiếc nuối?”. Và cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó trong bài này đó là “Việt Nam Cộng Hòa chỉ là nạn nhân của một chính sách ngậm máu phun người của đảng cộng sản Việt Nam”. Vì sao tôi nói vậy? Vì không có một chế độ xấu xa nào mà hàng triệu công dân của nó ở Hải ngoại lẫn những người vẫn còn ở lại trong nước đã từng sống trong chế độ đó và thân nhân họ, thậm chí những người miền Bắc có tư duy đều thương tiếc. Con người ta có một tâm lý chung đó là luôn muốn quên đi cái dĩ vãng xấu xa, không tốt đẹp. Vậy khi hàng triệu người dù cho phải ly tán vẫn nhớ về nó thì đó không thể là điều xấu xa. Đó chính là câu trả lời chính xác nhất.

Người Việt Berlin
30/03/2023 05:40

Sinh viên VN qua Âu châu du học sau 75 thường thắc mắc, tại sao dân Âu châu, t.d. dân Đức gọi chiến tranh VN là "chiến tranh ủy nhiệm" (Stellvertreterkrieg) chứ không phải chiến tranh "chống Mỹ cứu nước" như họ được học sử trong nhà trường XHCN.

Thực chất là trong thời "Chiến tranh lạnh", Nga Mỹ kình nhau, Nga muốn bành truớng khối CS, Mỹ muốn ngăn chặn, Nga không dám trực tiếp gây chiến với Mỹ, bèn cấp vũ khí và "ủy nhiệm" (sai khiến) các nước đàn em như Bắc Việt đánh Mỹ thay cho Nga. Bây giờ du học sinh VN mới biết sự thật là như thế. Hóa ra Bắc Việt chẳng qua chỉ là lính đánh thuê cho Nga để bành trướng khối CS khiến phe Mỹ và quân đội VNCH bắt buộc phải tự vệ, chặn đà tiến của CS. Về sau Mỹ thấy bị thiệt hại chiến tranh nhiều quá, bèn đổi chiến lược là hy sinh (bỏ rơi) VNCH, kết thân với Trung Cộng, giúp Trung Cộng mạnh lên để chống lại LX.

Bây giờ TQ mạnh lên rồi, lại có hại cho Mỹ và thế giới. Nga đang bị Tây phương cấm vận, rất cần TQ giúp đỡ. Như vậy, nếu TQ đánh VN, Nga sẽ không bán vũ khí cho VN chống lại TQ, Nga sẽ bỏ rơi VN (giống như Mỹ bỏ rơi VNCH).

Anonymous
30/03/2023 12:45

Người CSVN thường tuyên truyền rằng Nga đã giúp Hà Nội vũ khí để giành độc lập dân tộc. Không đúng !

Trong quá khứ Nga đã xâm chiếm rất nhiều nước làm chư hầu (Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan). Những nước này đã đòi độc lập biết bao năm mà Nga không trả thì Nga lấy tư cách gì mà nói giúp CSVN giành độc lập ?

Nga viện trợ Hà Nội vũ khí với chiêu bài "giành độc lập dân tộc" nhưng thực ra không phải vậy mà là để bành trướng khối CS Liên Xô ở vùng Đông Nam Á. Trước nhất là thôn tính miền Nam giành quyền lãnh đạo, biến toàn nước VN thành nước CS. Cho nên sau 75, toàn cõi VN đã biến thành CS.