Công tác cứu trợ: những scandals và chuyện ăn chặn không dứt

RFA
2020.11.12
2020-10-26T102704Z_387165981_RC2AQJ9K9SIK_RTRMADP_3_ASIA-STORM-VIETNAM Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt được cứu trợ lương thực tại làng Mỹ Thượng Lộc, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2020.
REUTERS/Thanh Huệ

Nữ ca sĩ Phương Thanh vào ngày 12/11 đã có buổi làm việc với Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên quan phát ngôn của cô trên tài khoản Facebook bị cho là xúc phạm người dân Quảng Ngãi khi nữ ca sĩ này đi làm từ thiện tại các tỉnh miền Trung.

Theo tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, tại buổi gặp gỡ, ca sĩ Phương Thanh không nói rõ phát ngôn trên tài khoản cá nhân Facebook là đúng hay sai mà cho rằng chỉ phản ánh thực trạng “mặt trái của từ thiện” và không có mục đích xúc phạm người dân Quảng Ngãi hay Quảng Nam.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua điều tra, ca sĩ Phương Thanh chưa hề đến Quảng Ngãi làm từ thiện, nhưng lại có nội dung phản ánh phát ngôn trên trang Facebook cá nhân được cho đã xúc phạm, gây mất uy tín người dân Quảng Ngãi và đã vi phạm pháp luật theo Nghị định 15 của Chính phủ.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên cũng vướng nhiều ồn ào liên quan tới công tác cứu trợ miền Trung của cô năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng nữ ca sĩ có thể vi phạm luật pháp Việt Nam theo Nghị định 64/2008, khi làm từ thiện không thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam…

Tuy nhiên, các quan chức lãnh đạo Việt Nam sau đó khi trả lời báo chí chính thống đều cho biết hành động của ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, có chăng cô ca sĩ nên bàn giao cho một tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn vì số tiền huy động được quá lớn.

Theo thông tin được nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ, chỉ trong 2 tuần kêu gọi, đã có 150 tỷ đồng được gửi đến tài khoản của cô để đi cứu trợ đồng bào miền Trung.

Trao đổi với RFA tối 12/11, Nhà hoạt động xã hội, blogger Nguyễn Lân Thắng, từng tham gia cứu trợ người dân tại vũng lũ Quảng Bình cuối tháng 10 vừa qua lý giải vì sao người dân lại tin tưởng gửi tiền đến nữ ca sĩ Thủy Tiên:

“Từ trước đến giờ thường công tác cứu trợ do Hội chữ thập đỏ hoặc do ban ngành, đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc phát động, nhưng trong rất nhiều năm người dân cũng biết, cũng chứng kiến nhiều lần cái trách nhiệm cũng như công tác cứu trợ phía Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ rất kém. Có những năm chính những cán bộ phụ trách trong Mặt trận Tổ quốc hay bên Chữ thập đỏ dính vào chuyện tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, khi những hoạt động thiện nguyện do các cá nhân hoặc các tổ chức tôn giáo phát động thường được người dân quan tâm, ủng hộ hơn.”

Vẫn theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chính vì khối dư luận quần chúng chuyển hướng sang các hoạt động của các hội nhóm phi nhà nước, nên phía nhà nước mới có phát biểu, cũng như chỉ đạo sao cho việc cứu trợ có thể tập trung vào các ban ngành, đoàn thể thuộc phía nhà nước.

Đồng quan điểm nêu trên, cô Nguyễn Thị Hòa, ở quận Phú Nhuận, cũng gửi tiền cứu trợ đến tài khoản nữ ca sĩ Thủy Tiên trình bày, xin trích nguyên văn:“Ca sĩ, nghệ sĩ mà có tâm, có trách nhiệm, không cắt xén bớt tiền người khác đóng góp là được rồi. Cỡ hai chục năm trước cô cùng bạn bè cũng từng đem mì và tiền đi cứu trợ người dân bị lũ. Tới nơi thì ủy ban phường đó kêu mọi người ngồi chờ để kêu dân tới. Phát một hồi toàn thấy những người quần áo thẳng thớn đã nhận trước đó đang vòng lại nhận tiếp, nên nhóm cô quyết định dừng phát, nói muốn đi thẳng tới nhà dân phát. Lúc này người bên phường mới nói phải đưa tiền mướn xuồng để chở đi. Tới từng nhà thì thấy ai cũng đang co ro ngồi trên tủ. Từ lần đó cô và bạn cô có kinh nghiệm. Như ca sĩ Thủy Tiên cô thấy trên Facebook tới tận nhà dân nên cô ủng hộ, còn đưa tiền cho mấy ông phường, xã, nhà nước chắc khó tới tay dân.”

Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16 tháng 10 năm 2020.
Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16 tháng 10 năm 2020.
AFP

Tệ nạn tại các cấp chính quyền trong việc cứu trợ như cô Hòa nêu ra thực tế đến nay vẫn còn.

Cụ thể, Ban cán sự thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đến thu lại toàn bộ 414 triệu đồng của 69 hộ nhận được cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên vào ngày 28/10. Nguyên nhân được nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.

Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân.

Do đó, với góc nhìn của một người dân, cô Nguyễn Thị Hòa đưa ra đề xuất, cũng xin trích nguyên văn: “Năm nào báo chí cũng có tin ông này, ông kia ăn chặn, hoặc như kinh nghiệm của cô đó. Nên nhà nước mình phải quản lý, ra luật chặt chẽ hơn, còn những người ăn chặn như vậy khi phát hiện phải xử mạnh tay để nêu gương. Còn nhà nước vẫn phải hỗ trợ là chuyện đương nhiên, nhưng mà nhiều tầng lớp bộ máy, xuống tới nơi sợ cũng trễ, nên cứ để người dân giúp đỡ lẫn nhau bằng cách thức của họ nếu không phạm pháp, đừng gây khó dễ cho người ta. Đối với mấy người mất nhà, mất cửa tại thiên tai thì mình có cho bao nhiêu cũng không đủ với họ đâu.”

Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn 1 Trà Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, người nhận được 40 triệu từ cô ca sĩ Thủy Tiên cho biết:

“Ca sĩ Thủy Tiên, vài đoàn đến cho nước sạch, gạo, mì tôm, có đoàn tới cho chút tiền hoặc 300 (ngàn đồng) mỗi phong bì, cho lương khô, đồ, các thứ khác, cả chăn cho những người già. Nói chung em thì hoàn cảnh cũng cực khổ mà nhà tan nát hết rồi. Em ở giữa làng mà các đoàn không biết nên mỗi lần đoàn nào về thì em chạy theo cầu cứu, kêu van để cho em một chút tiền để em sửa lại căn nhà để ở.”

Còn theo anh Phan Quốc Vũ ở thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chỉ cần được hỗ trợ thì từ nhà nước hay tư nhân đều đáng quý:

“Họ cho được từng nào thì người dân hưởng chứ bên chỗ mạnh thường quân, cá nhân, tập thể hoặc bên chỗ Ủy ban Mặt trận tổ quốc ủng hộ thì em không biết. Người dân đen họ không biết, cho họ là họ chỉ biết mừng thôi, cho họ ăn uống, cái này cái nọ, ủng hộ của cải vật chất thì họ không ý kiến.”

Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân thắng cho rằng tâm lý chung việc quản lý xã hội của chính phủ Hà Nội từ trước đến nay là nhà nước ôm đồm quá nhiều việc trong sự quản lý của họ, không riêng từ thiện mà rất còn nhiều việc khác. Ông Thắng cho rằng với tư duy đó thì chính phủ đang bóp siết hoạt động dân sự rất bình thường của người dân:

“Tôi đã chứng kiến, tôi đã trực tiếp đi cũng có rất nhiều lần thiện nguyện bị ngăn trở, bị hạch sách, nói chung rất nhiều. Những kinh nghiệm đó cho tôi thấy nếu như nhà nước không thay đổi thì những tồn tại trong công tác thiện nguyện vẫn còn và đến một lúc nào đó thì người dân cũng thấy bức xúc và những bất đồng xã hội sẽ làm cho hố sâu ngăn cách giữa nhà nước và công dân ngày càng tăng lên. Chắc chắn điều đó sẽ gây ra bất ổn chính trị, xã hội lớn hơn nữa.”

Người dân Việt với truyền thống tương thân tương ái, luôn hướng về miền Trung mỗi khi eo đất nối dọc 2 miền Nam – Bắc phải hứng chịu nhiều thiệt hại về cả người và của do bão lũ đổ về hàng năm.

Tuy nhiên, những bất cập xung quanh chuyện cứu trợ vẫn luôn là đề tài tranh cãi từ trước đến nay và được nhận định sẽ còn tiếp diễn nếu chính phủ Hà Nội không nghiên cứu cẩn thận và có biện pháp cứng rắn trong chuyện này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.