Một đảng viên lão thành từ bỏ đảng cộng sản

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2016.02.03
maxresdefault-620 GS TS Nguyễn Đình Cống
Ảnh chụp từ youtube

Một đảng viên cộng sản cao niên, giáo sư Nguyễn Đình Cống, công khai lên tiếng từ bỏ đảng. Ông yêu cầu xóa tên ông trong danh sách kể từ ngày 3 tháng 2 năm nay. Đây cũng là ngày đảng cộng sản Việt Nam mừng ngày ra đời.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống từng có nhiều bài góp ý cho đảng. Ông kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lê nin mà theo ông không còn phù hợp.

Trong cuộc nói chuyện với Gia Minh, trước hết ông cho biết quyết định từ bỏ đảng cộng sản được ấp ủ từ lâu, nhưng kỳ đại hội 12 vừa qua với những diễn tiến không đáp ứng yêu cầu như ‘giọt nước tràn ly’ để dứt khoát với đảng mà ông từng hơn 30 năm tham gia.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Đúng là Đại hội 12 là ‘giọt nước tràn ly’. Có những mong ước không đạt được; tại vì Đại hội 12 là một đại hội rất mất dân chủ và thế lực bảo thủ vẫn còn rất mạnh. Tôi hy vọng sẽ có một số người trong 1510 đại biểu đi dự có hiểu biết, có đấu tranh, có trao đổi. Nhưng rồi tất cả đều bị im lặng hết; như thế chứng tỏ rằng lực lượng của đảng không còn không mong gì được. Những đại biểu đến đó toàn như sợ quá hay người ta bị áp lực gì đó ghê quá mà không thấy có con người nào nói lên được tiếng nói của nhân dân là yêu cầu phải có những thay đổi về đường lối, về thể chế.

Nói là Bộ Chính trị nhưng thực ra cũng chỉ ông Trọng và một vài người thôi áp đặt và mọi người đều răm rắp theo. Ngay như quyết định 244 là một quyết định phản điều lệ, mất dân chủ. Tôi tưởng đưa ra đại hội sẽ có người phản đối nhưng không: tất cả đều im phăng phắc và thi hành. Thành ra tôi thấy không trông mong gì được.

Gia Minh: Trước khi đại hội toàn quốc họp thì có đại hội cơ sở, vậy họ không đưa ra ý kiến gì cho đại hội hay sao?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Không. Mấy khóa trước tôi có dự nhưng gần đây tôi không dự nữa. Từ năm 75 tuổi trở đi tôi không sinh hoạt nữa. Tuy vẫn có tên trong đảng nhưng tôi không đi dự đại hội, không làm gì nữa cả. Về đại hội ở các cấp dưới, tôi cũng từng có viết một số bài góp ý kiến. Nhưng đại hội cấp dưới lại bị cấp trên cũ chỉ đạo, thao túng. Nghĩa là đại hội bị mất quyền. Như trong mấy cuộc họp trung ương khóa 13, 14, tôi có viết bài cho rằng những cuộc họp như thế là sự tiếm quyền: tiếm quyền của đại hội, tiếm quyền của quốc hội, làm những việc không đúng lý, không đúng luật pháp. Đại hội cấp dưới bị cấp trên khống chế thì làm sao có thể nói được. Ví dụ đại hội cấp huyện bị cấp tỉnh khống chế, đại hội cấp tỉnh bị trung ương khống chế. Trung ương là tổ chức cũ thì không có gì mới được cả; như thế không dân chủ, không khoa học.

Gia Minh: Sau khi tái đắc cử chức tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trả lời báo giới rằng ‘dân chủ tập trung’ (của đảng cộng sản Việt Nam) dân chủ hơn của phương Tây, ông thấy sao về điều đó?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Ông ấy nói thế là sự ngụy biện. Trước đây tôi có viết một bài vạch ra sự ngụy biện, dối trá trong công tác tuyên truyền. Ông ta nói thì kệ, người nào ít hiểu biết tin ông; nhưng những người có hiểu biết, có theo dõi biết việc nói rằng ‘đảng cộng sản rất dân chủ’ nói lâu lắm rồi. Từ thời ông Phạm Văn Đồng đã nghe câu ‘dân chủ của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là dân chủ gấp trăm, vạn lần dân chủ các nước phương Tây’. Nhưng ông ta nói để cho những người theo ông ta tin chứ làm sao những người dân có hiểu biết; đặc biệt những trí thức làm sao có thể tin được.

Gia Minh: Trong số hơn 4 triệu đảng viên hiện nay có những người cũng có hiểu biết, có bằng cấp rất cao nhưng vì sao không có những tiếng nói mạnh mẽ về những điều bị cho là ‘không phải’ như thế?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Họ sợ, phần lớn sợ. Anh có đọc tiếp một bài đăng trên trang Ba Sàm ‘Các vị còn chờ gì nữa?’. Bài này nhân dịp ông Cống tuyên bố ( bỏ đảng) thì tác giả bài viết có phân tích vài điểm: quan trọng là dân Việt Nam sợ, sợ kỷ luật đảng, sợ bà con chung quanh người ta xì xào. Tôi làm được như thế cũng là thắng nỗi sợ; chứ trong gia đình tôi, bà con, anh em, bạn bè … đều ngăn cản tôi làm chuyện đó. Không ai muốn, người ta sợ ảnh hưởng đến người ta: người đang làm sợ ảnh hưởng đến công việc, sợ ảnh hưởng đến con cái… Sợ kinh lắm! Và người ta chỉ muốn cho yên thân thôi!

Dân trí của Việt Nam vẫn còn thấp và như bài của ông Công Ngô Dụng trên Ba Sàm nhận xét rằng trí thức của Việt Nam phần lớn ‘hèn’, thấy việc sai trái không dám phân tích, phê phán; thấy việc đúng nhưng nếu ảnh hưởng đến mình thì không dám làm.

Gia Minh: Cám ơn GS dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.