Giáo viên lo ngại về mức lương theo quy định mới của Bộ Giáo dục

RFA
2020.06.30
275a2567-f598-4e07-9405-403c31d20974 Ảnh minh họa. Hình ảnh cô và trò ngày khai giảng năm học mới tại 1 trường học ở Hà Nội.
AFP

Quy định mới về mức lương của giáo viên

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục-Đào tạo vào ngày 16/6/2020.

Báo mạng Giáo dục Việt Nam liên tục đăng tải các ý kiến của các giáo viên và giới viên chức trong ngành giáo dục, kể từ khi dự thảo Thông tư mới được công bố.

Đài RFA ghi nhận những điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư mà những người làm việc trong ngành giáo dục phản ánh là mức lương của giáo viên được thay đổi, tính theo xếp hạng; tựu trung là dựa vào bằng cấp mà không theo vị trí việc làm.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục-Đào tạo nêu rõ là bậc lương mới theo quy định trong dự thảo Thông tư sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung dành cho viên chức nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề, bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khỏang cách giữa người mới và người làm việc lâu năm trong ngành.

Đơn cử, tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên được quy định nâng lên như giáo viên mầm non phải có bằng Cao đẳng Sư phạm và giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông phải có bằng Đại học Sư phạm hoặc tương đương.

Theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7 kết hợp với việc xếp lương theo vị trí việc làm thì giáo viên sẽ nhận lương theo tiêu chuẩn được xếp cùng mức lương khởi điểm như nhau, cùng ngạch và bậc lương.

Bộ Giáo dục-Đào tạo cho rằng với cách thức tính lương mới sẽ tạo công bằng cho giáo viên được đào tạo đúng chuẩn và vị trí việc làm.

Thời gian gần đây có vụ thăng hạng và giữ hạng của giáo viên, công nhân viên chức. Người nào có bằng đại học rồi thì phải đi học để giữ hạng, không bị tuột hạng xuống hạng II, hạng III. Còn thăng hạng thì những người chưa có bằng đại học phải học thêm để thăng hạng và phải học lấy bằng đại học (chuyên ngành) đó thì mới được tiếp tục cho dạy nữa. Ví dụ như bằng tiếng Anh, những giáo viên môn khác thì phải có bằng A2, còn giáo viên môn Anh văn thì phải có bằng B2
-Cô Duẩn

Theo quy định trong dự thảo Thông tư giáo viên được xếp 4 hạng. Và các hệ số lương được nâng lên. Chẳng hạn trước đây hệ số lương của hạng I là 4,4 thì được tăng đến 6,78.

Cô Duẩn, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Đồng Tháp cho biết cô cùng với một số giáo viên đồng nghiệp đã đọc qua dự thảo Thông tư quy định về tiền lương thay đổi. Mặc dù thật sư chưa hiểu rõ hết được nội dung trong dự thảo Thông tư, thế nhưng tại trường học nơi cô Duẩn làm việc đã áp dụng biện pháp buộc giáo viên đi học và tốt nghiệp một số chứng chỉ theo yêu cầu của Sở Giáo dục. Cô Duẩn chia sẻ với RFA:

“Thời gian gần đây có vụ thăng hạng và giữ hạng của giáo viên, công nhân viên chức. Người nào có bằng đại học rồi thì phải đi học để giữ hạng, không bị tuột hạng xuống hạng II, hạng III. Còn thăng hạng thì những người chưa có bằng đại học phải học thêm để thăng hạng và phải học lấy bằng đại học (chuyên ngành) đó thì mới được tiếp tục cho dạy nữa. Ví dụ như bằng tiếng Anh, những giáo viên môn khác thì phải có bằng A2, còn giáo viên môn Anh văn thì phải có bằng B2.”

Cô Duẩn xác nhận với RFA rằng việc đi học những kiến thức mới trong chuyên ngành tiếng Anh, mà theo cô được biết là theo tiêu chuẩn của Châu Âu, thì rõ ràng rất hữu ích trong công tác giảng dạy.

“Hồi xưa mấy bài đọc thì nói đến đi du lịch, đi chơi ở miền quê…Còn bây giờ mấy bài đọc nói về vũ trụ…Giáo viên không đi học thì không biết cách dạy học trò mấy bài đọc hiểu đó như thế nào. Còn bài viết thì bây giờ phải hướng dẫn cho học trò cách viết theo chuẩn để đi thi biết cách làm theo chuẩn quy định. Do đó, giáo viên phải đi học thì mới biết bài viết theo chuẩn như thế nào và bài đọc thì phải đọc như thế nào chứ không phải học xong rồi để chơi.”

Ảnh minh họa: Một buổi học tại một trường tiểu học ở Sài Gòn.
Ảnh minh họa: Một buổi học tại một trường tiểu học ở Sài Gòn.
Courtesy hochiminhcity.gov.vn
Tiêu chuẩn cao và mức lương tăng…Nhưng!

Tuy nhiên, cô Duẩn cũng than phiền về bất cập trong việc nâng cao kiến thức trong chuyên ngành tiếng Anh bởi do không áp dụng vào thực tiễn cho học sinh ở vùng nông thôn, dẫn đến kết quả là các em học sinh đâm ra chán học vì nội dung cao, quá sức của các em.

Một số giáo viên góp ý trên Báo mạng Giáo dục Việt Nam và cả cô Duẩn cùng một vài giáo viên Đài RFA tiếp xúc đều bày tỏ mức lương tăng lên theo quy định về bằng cấp và xếp hạng thì thực chất giáo viên không dễ gì đạt được ở mức cao.

Sơ lược qua quy định ở cấp tiểu học, giáo viên được xếp hạng I, hưởng lương theo hệ số từ 4,4 đến 6,78 thì phải có bằng thạc sĩ trở lên, có trình độ ngoại ngữ bậc 3, có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải đáp ứng những công việc khác bao gồm tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vào tối ngày 30/6 lên tiếng với RFA về tệ trạng bằng cấp ở Việt Nam trong nhiều năm qua:

“Tôi công nhận thật sự là cái vấn đề bằng cấp ở Việt Nam rất nặng nề và người ta có thể hợp pháp hóa những bằng cấp đó bằng việc mua bán bằng cấp giả rất phổ biến, rồi mua bán chứng chỉ để tăng hạng thì nhiều như cơm bữa. Chúng ta đã từng chứng kiến cả lãnh đạo cấp cao cũng chả có bằng cấp chính quy nào cả. Ngay ông Chủ tịch nước còn dùng bằng tại chức cơ mà. Thế thì theo tôi để trả lương cho giáo viên mà chỉ theo bằng cấp thôi là không phù hợp. Thứ hai, trước kia trả lương còn tính theo thâm niên, giáo viên cứ mỗi một năm thâm niên thì được tính thêm 1% theo hệ số lương đang có. Điều này cũng có cái hay cái dở. Những người càng già thì lương càng cao. Chưa biết giải pháp của Bộ sẽ thế nào, nhưng thu nhập của giáo viên sẽ giảm đến 1/3 nếu bỏ thâm niên.”

Tôi công nhận thật sự là cái vấn đề bằng cấp ở Việt Nam rất nặng nề và người ta có thể hợp pháp hóa những bằng cấp đó bằng việc mua bán bằng cấp giả rất phổ biến, rồi mua bán chứng chỉ để tăng hạng thì nhiều như cơm bữa. Chúng ta đã từng chứng kiến cả lãnh đạo cấp cao cũng chả có bằng cấp chính quy nào cả. Ngay ông Chủ tịch nước còn dùng bằng tại chức cơ mà. Thế thì theo tôi để trả lương cho giáo viên mà chỉ theo bằng cấp thôi tlà không phù hợp
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Theo Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì mức lương của giáo viên được tính cơ bản là 1,6 triệu VND x hệ số lương. Phụ cấp ưu đãi là 30% lương. Đóng bảo hiểm xã hội là 10,5% lương. Không còn phụ cấp thâm niên. Mức lương thực của giáo viên nhận được là:

Lương + phụ cấp ưu đãi- đóng bảo hiểm xã hội

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng về cách thức tính lương giáo viên mà ông cho là hợp lý:

“Quan điểm của tôi thì lương trả theo hiệu quả của việc lợi và hại, nghĩa là nên chọn dựa vào hiệu quả của dạy học. Những người nào dạy có chất lượng, dạy tốt, thu hút được học sinh thì nên có chế độ nào đó để lương được khá hơn. Đồng thời cũng kết hợp với các biện pháp cũ và mới gộp lại. Tóm lại, theo tôi là nên áp dụng nhiều biện pháp, chứ không nên độc quyền một biện pháp nào cả.”

Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của các giáo viên mà Đài RFA được dịp trao đổi cũng đồng tình cho rằng Bộ Giáo dục-Đào tạo cần cân nhắc việc trả lương theo năng lực của mỗi giáo viên, chứ không thể chỉ căn cứ theo như trong dự thảo Thông tư vì những tiêu chuẩn quy định đó thật sự xa rời thực tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.