Xét nghiệm COVID-19 toàn thành phố: Cần thiết hay lại thêm sai lầm?

Diễm Thi, RFA
2021.08.23
Xét nghiệm COVID-19 toàn thành phố: Cần thiết hay lại thêm sai lầm? Một nhân viên y tế dán tên người được xét nghiệm vào ống xét nghiệm. Ảnh chụp tại Hà Nội, tháng 1 năm 2021.
REUTERS

Hôm 22 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi công điện đến lãnh đạo bốn tỉnh thành gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ, thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng được Thủ tướng nhấn mạnh là yếu tố then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19.

Thứ hai, về mặt đạo đức. Không loại trừ trường hợp vu cho người ta dương tính để bắt người ta cách ly. Bắt những người đối kháng trong xã hội, các đối thủ chính trị vào khu cách ly rồi tìm cách triệt tiêu họ. Đó mới là cái đáng nói. Cộng sản có thể làm mọi chuyện nhưng rất kín võ, không ai biết.- Một chuyên gia y tế ở Hà Nội

TS.BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc Tế EXSON ở TPHCM cho rằng, không ai đi xét nghiệm cả thành phố gần 10 triệu dân để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược. Ông phân tích với RFA vào tối 23 tháng 8:

“Không phải chỉ tốn kém chi phí mà tốn kém chi phí một cách vô ích. Nếu người ta xét nghiệm để tìm bệnh hoặc biết tỷ lệ bệnh của thành phố thì có thể làm xét nghiệm ngẫu nhiên, chọn lựa những nhóm đại diện, với số cỡ mẫu đủ độ tin cậy, chỉ bằng 1% thôi. Đây là phương pháp cả thế giới người ta làm, là một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng.

Không ai đem hết dân của một thành phố ra mà xét nghiệm cả. Giả dụ hôm nay xét nghiệm 10 người thì có ba người dương tính, bảy người âm tính. Ngày mai trong bảy người âm tính có thể có thêm một người dương tính, mốt thêm một người nữa thì chuyện xét nghiệm nó trở thành vô nghĩa.”

Một chuyên gia y tế ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho bản thân và gia đình, nói với RFA vào sáng 23 tháng 8 về chủ trương xét nghiệm toàn thành phố tìm F0 của Thủ tướng Việt Nam:

“Thứ nhất là tốn kém. Giả sử người ta dương tính thì sao? Nếu cách ly, cô lập thì hiện nay đã cách ly, đã cô lập và cấm ra đường rồi. Nghĩa là người lành mang trùng bệnh thì vẫn ở nhà, bệnh nặng thì vô bệnh viện, nặng nữa thì thở máy.

Thứ hai, về mặt đạo đức. Không loại trừ trường hợp vu cho người ta dương tính để bắt người ta cách ly. Bắt những người đối kháng trong xã hội, các đối thủ chính trị vào khu cách ly rồi tìm cách triệt tiêu họ. Đó mới là cái đáng nói. Cộng sản có thể làm mọi chuyện nhưng rất kín võ, không ai biết. Chết do COVID làm gì có giám định pháp y. Chỉ cho vào bao rồi đem thiêu, thậm chí gia đình không được biết.

Thêm vào đó, việc xét nghiệm bắt buộc toàn thành phố như hiện nay là một hình thức vi phạm nhân quyền. Trước đây họ đưa giấy yêu cầu mình đến điểm xét nghiệm. Bây giờ họ cho nhân viên y tế đi xe máy đến tận nhà xét nghiệm. Kết quả cho biết sau. Họ đọc sao mình biết vậy, chưa kể về mặt kỹ thuật có dương tính giả nữa.”

000_9LB2XQ.jpg
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 8 năm 2021. AFP

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn, phải ‘chống dịch như chống giặc’ bằng cách lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bệnh để kêu gọi, vận động, giải thích, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở đó, cách ly người với người, nhà với nhà, xã/phường với xã/phường, người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch. 

Cách chống dịch của Việt Nam bị coi là phiên bản của Vũ Hán, Trung Quốc, từ việc xét nghiệm đến việc cách ly.

Khi biến thể Delta bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán vào đầu tháng 8 vừa qua, giới chức thành phố này cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ dân trong thành phố và áp lệnh phong tỏa. Để bảo vệ thủ đô, tất cả các tuyến đường hàng không, xe buýt và các tuyến đi lại từ Bắc Kinh đến các vùng có dịch bị cắt. Tất cả khách du lịch cũng đã bị cấm vào thủ đô và giới chức chỉ cho phép những du khách “thiết yếu” có kết quả xét nghiệm âm tính được vào.

Đến ngày 8 tháng 8, Phó bí thư thành uỷ Vũ Hán tuyên bố đã hoàn thành việc xét nghiệm cho hơn 11 triệu cư dân tại 2.800 điểm lấy mẫu trên toàn thành phố. Một đội quân gồm 28.000 nhân viên y tế đã được huy động để thực hiện xét nghiệm.

Hôm 15 tháng 8, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch 2716 về việc triển khai công tác xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, muốn kiểm soát được dịch bệnh thì phải biết được F0. Muốn biết được F0 phải xét nghiệm. Muốn xét nghiệm phải thực hiện chiến lược mới.

Liệu có ai đó muốn TP.HCM sẽ bị chìm vào dịch bệnh mãi hay không? Liệu có ai đó muốn TP.HCM cứ bị phong tỏa mãi hay không? Liệu có ai đó muốn người dân thành phố này phải kiệt quệ, phải quì xuống van xin họ miếng ăn để sống sót hay không? Liệu có ai đó muốn thành phố này phải bất ổn, đến mức người dân phải vùng lên, giống như năm 1945, phá kho thóc, và từ đó, lật đổ chính quyền? Hay đơn giản, chỉ vì lợi lộc từ những đồng tiền thuế của dân bỏ ra cho xét nghiệm, mà họ bất chấp tất cả? - Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Ngay khi văn bản 2716 được ban hành, Bác sĩ Võ Xuân Sơn không tin văn bản ấy là thật. Ông không tin những người tư vấn, những người ra quyết định lại có thể quyết định xét nghiệm toàn thành phố như vậy. Ông nhắn gửi vài điều đến giới lãnh đạo thành phố qua Facebook cá nhân, RFA đã xin trích đăng lại:

“Thưa các vị lãnh đạo TP.HCM,

Thưa các vị đức cao trọng vọng trong cái ban tư vấn cho TP.HCM,

Tôi không tin là các vị lại không hiểu điều mà người ta, các nhà khoa học, nói ra rả suốt. Nếu văn bản này là thật, thì khả năng cao là có những người đang ngồi ở vị trí tư vấn hay lãnh đạo của thành phố này nhắm tới một mục đích nào đó, không phải mục đích chống dịch.

Liệu có ai đó muốn TP.HCM sẽ bị chìm vào dịch bệnh mãi hay không? Liệu có ai đó muốn TP.HCM cứ bị phong tỏa mãi hay không? Liệu có ai đó muốn người dân thành phố này phải kiệt quệ, phải quì xuống van xin họ miếng ăn để sống sót hay không? Liệu có ai đó muốn thành phố này phải bất ổn, đến mức người dân phải vùng lên, giống như năm 1945, phá kho thóc, và từ đó, lật đổ chính quyền?

Hay đơn giản, chỉ vì lợi lộc từ những đồng tiền thuế của dân bỏ ra cho xét nghiệm, mà họ bất chấp tất cả?”

Hôm 22 tháng 8, trước giờ siết chặt giãn cách, người dân TP.HCM đổ ra nhiều tuyến đường mua nhu yếu phẩm, thuốc uống khiến một số tuyến đường lưu thông đông như ngày thường. Dư luận cho rằng, cách chống dịch của lãnh đạo thành phố quá yếu kém, ‘xì lỗ nào bịt lỗ đó’ chứ không có một phương án khoa học cụ thể nào.

Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 23 tháng 8, cả nước có gần 8.700 người tử vong vì COVID-19, Trong đó, TP.HCM có hơn 7.000 ca.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.