Hội Nghị lần thứ năm về biển Đông tại CSIS ở Washington

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.07.22
Từ trái tiến sĩ Trần Trường Thuỷ, tiến sĩ Wu Shicun, cố vấn cấp cao Châu Á Bonie Glasser, tiến sĩ Scott Kennedy và  ký giả BBC Bill Hayton tại CSIS ngày 21 tháng 7, 2015 Từ trái tiến sĩ Trần Trường Thuỷ, tiến sĩ Wu Shicun, cố vấn cấp cao Châu Á Bonie Glasser, tiến sĩ Scott Kennedy và ký giả BBC Bill Hayton tại CSIS ngày 21 tháng 7, 2015
RFA

Hội Nghị về biển Nam Trung Hoa, diễn ra hôm thứ Ba tại CSIS Trung Tâm Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế ở Washington, sau khi Trung Quốc tiếp tục kế hoạch đắp đảo và lấn biển trong lúc các nước lân bang cũng như Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh giữ nguyên trạng khu vực đồng thời tôn trọng Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển.

Đây là hội nghị lần thứ năm về biển Nam Trung Hoa, Việt Nam gọi là biển Đông, nơi Trung Quốc vạch đường lưỡi bò 9 khúc để giành phần lớn chủ quyền, có Hoàng Sa đã bị Hoa Lục chiếm giữ, có Trường Sa với nhiều đảo đã bị Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.

Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông

Trung Quốc làm cho tình hình biển Nam Trung Hoa trở nên căng thẳng khi trong mấy tháng qua ráo riết cho bồi đắp cũng như xây dựng trên các bãi đá mà một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, từng khẳng định chủ quyền của mình.

Đây là đề tài bao trùm, được trình bày nhằm làm mạnh thêm chứng cứ hoặc chống đỡ cho việc làm của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa. Đó là các thuyết trình viên đến từ nhiều nơi như ký giả Bill Hayton đài BBC, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về Châu Á trong Trung Tâm Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS, tiến sĩ Wu Shicun chủ nhiệm Học Viện Quốc Gia Về Biển Nam Trung Hoa, tiến Sĩ Trần Trường Thủy giám đốc điều hành Cơ Quan Nghiên Cứu Biển Đông của Việt Nam, tiến sĩ Jay Batongbacal giám đốc Học Viện Hàng Hải Và Luật Biển của Philippines, tiến sĩ Sienho Yee Viện Công Pháp Quốc Tế đại học Vũ Hán của Trung Quốc, tiến sĩ Phạm Lan Dung trưởng khoa Luật Quốc Tế Học viện Ngoại Giao Việt Nam.

Theo nhận định của cá nhân tôi thì tôi thấy các lập luận của các học giả Trung Quốc về mặt Luật Quốc Tế vẫn còn chưa được chặt chẽ lắm và đôi khi có thể là họ, không biết vô tình hay cố tình, cũng đưa vào đấy những yếu tố mà nó cũng chưa thật là chính xác lắm

Tiến sĩ Phạm Lan Dung

Trong vài phút trả lời đài Á Châu Tự Do, tiến sĩ Phạm Lan Dung nhận định:

Cái mà tôi nhận xét là nếu trước kia Trung Quốc không đề cập nhiều đến những khía cạnh pháp lý trong các lập luận của mình thì gần đây trong các hội thảo, trong các trao đổi học thuật thì các học giả Trung Quốc đã bắt đầu tập trung hơn về những khía cạnh của Luật Quốc Tế và Luật Biển Quốc Tế. Đấy cũng là điểm tích cực khi họ quan tâm những vấn đề về luật, tuy nhiên theo nhận định của cá nhân tôi thì tôi thấy các lập luận của các học giả Trung Quốc về mặt Luật Quốc Tế vẫn còn chưa được chặt chẽ lắm và đôi khi có thể là họ, không biết vô tình hay cố tình, cũng đưa vào đấy những yếu tố mà nó cũng chưa thật là chính xác lắm.

Về tầm quan trọng và cần thiết về Hội Nghị Thường Niên Biển Nam Trung Hoa mà Trung Tâm Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS đứng ra tổ chức, cố vấn hành đầu của Trung Tâm, bà Bonnie Glaser:

Rằng hội nghị thật hữu ích trong nghĩa là những người tham dự bỏ công tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt trưng bày những hình ảnh chụp được bằng vệ tính, để công bố cho mọi người thấy điều gì đang xảy ra, từ đó cùng nhau thảo luận để tìm kiếm giải pháp, đưa ra những đề nghị làm thế nào giảm bớt tình trạng căng thẳng. Cần nói không phải tất cả mọi ý kiến đều đến từ phía các chính phủ mà điểm chính là các học giả cũng có vai trò và tiếng nói nhất định của họ.

Một chiến lược thử thách mới của Trung Quốc

Hội nghị có cái hay là mời gọi được mọi giới từ mọi phía, bà Bonnie Glaser nói tiếp, một số là đại diện của phía tranh giành chủ quyền, một số khác không nằm trong diện đòi chủ quyền nhưng có sự quan tâm sâu sắc đến tình hình an ninh và ổn định trên biển Nam Trung Hoa.

Nhắc lại ngôn từ “game changer” mà thuyết trình viên Việt Nam, tiến sĩ Trần Trường Thủy, viện đến trong bài nói chuyện của ông, cố vấn cao cấp Bonnie Glaser của CSIS nói rằng bà hiểu và đồng ý rằng tiến sĩ Trần Trường Thủy đã sử dụng rất đúng ngôn từ đó để bàn đến hành động bành trướng biển đảo của Trung Quốc, tạo một mối thử thách mới nhưng cốt lõi và căn bản đối với sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

Việt Nam phải thực hiện, dù không muốn ra mặt chống lại Trung Quốc, nhưng phải có một bước pháp lý cụ thể như mọi người mong đợi và đó là điều Việt Nam cần phải quyết định dứt khoát

Theo bà Bonnie Glaser của CSIS

Vẫn theo lời bà, điều Việt Nam phải thực hiện, dù không muốn ra mặt chống lại Trung Quốc, nhưng phải có một bước pháp lý cụ thể như mọi người mong đợi và đó là điều Việt Nam cần phải quyết định dứt khoát.

Ngỏ lời với Đài Á Châu Tự Do sau khi đã kết thúc phần nói chuyện của mình, tiến sĩ Trần Trường Thủy, giám đốc điều hành Cơ Quan Nghiên Cứu Biển Đông của Việt Nam:

Tôi nghĩ nó rất quan trọng ở góc độ là tiếp tục đưa được vấn đề Biển Đông để cho thế giới quan tâm mà nhất là phia Mỹ, và qua đấy có thể anh hưởng đến công luận nói chung, ảnh hưởng đến giới nghiên cứu cũng như giới hoạch định chính sách, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính sách của các nước và thực tế qua đấy gởi tín hiệu đến các bên liên quan, nhất là Trung Quốc, phải có hoạt động phủ hợp với lợi ích của cộng đồng quốc tề nói chung.

Hội nghị thường niên lần năm về biển Nam Trung Hoa kéo dài từ sáng đến chiều, có phần diễn văn đúc kết với những lời khuyến cáo nghiêm khắc từ các học giả hoặc chính khách Mỹ như giáo sư John Norton Moore giám đốc Trung Tâm Luật Và Chính Sách Biển thuộc phân khoa Luật đại học Luật Virginia, dân biểu Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban chuyên trách biển và cũng là chủ tịch ủy ban quân vụ trong hạ viện Hoa Kỳ.

Vào giờ trưa trong các diễn giả có mặt ông Daniel Russel Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương. Trả lời một học giả đến từ Trung Quốc ông Daniel Russel khẳng định rằng Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong tranh chấp này, tuy nhiên sự không ngã về bên nào ấy chỉ có ý nghĩa đứng giữa trước các bên tranh chấp, tuyệt nhiên không phải là đứng hẳn bên ngoài nhìn sự tranh chấp diễn ra.

Ông Daniel Russel cho biết Hoa Kỳ mong muốn các tranh cãi phải được giải quyết bằng các giải pháp ngoại giao và dựa trên luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ không chấp nhận bất cứ sự hăm dọa hay cưỡng ép nào giữa một nước này đối với nước khác.

Ông Daniel Russel cũng nhắc lại việc bồi đắp các đảo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành là hành động trái phép ở Biển Đông và điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc tiến hành việc bồi đắp, xây dựng này với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Thanh Trúc tường trình từ Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.