Kiến nghị Quốc hội thực hiện Luật trưng cầu dân ý
2019.05.28
Một nhóm gồm 4 vị nhân sĩ trí thức vừa gửi kiến nghị kêu gọi Quốc hội cần bổ sung vào chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thảo luận về những vấn đề cấp bách của đất nước cũng như không thể chậm trễ hơn nữa trong việc thực hiện trưng cầu dân ý theo luật định.
Những câu hỏi của Tổng Bí thư
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 dài 14 phút đồng hồ vào ngày 16 tháng 5, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh các cột mốc quan trọng gồm năm 2030, là 100 năm thành lập Đảng Cộng sản (CSVN) hay đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và ông đưa ra nhiều câu hỏi gây chú ý đặc biệt đối với các cử tri là giới nhân sĩ trí thức bao gồm định hướng, hình dung Việt Nam như thế nào vào năm 2030, 2045; thời kỳ quá độ là thế nào; đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào; đổi mới chính trị có phải đổi mới chế độ chính trị không; vừa qua kinh tế thị trường phát triển đến thế được chưa, có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không, có lệch về phía nào không…?
Trước đó, truyền thông trong nước còn đăng tải thông tin về 3 cuộc họp do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, cũng nêu lên những câu hỏi lớn liên quan vận mệnh quốc gia và đời sống của toàn dân Việt Nam như “Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?” hay “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?”…
Quan trọng nhất thể chế chính trị này còn duy trì cái gọi là ‘Chủ nghĩa Marx-Lenin’, cái gọi là ‘Định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì mô hình Xô Viết hay mô hình Trung Quốc cũng đều dẫn tới sự bế tắc như hiện nay
-GS. Tương Lai
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt cho RFA biết một số nhân sĩ trí thức tại Việt Nam quan tâm đến những điều ông Nguyễn Phú Trọng vừa nêu. Theo họ những vấn đề đó có ý nghĩa lớn về lý luận cũng như về thực tiễn đối với sự tồn tại và phát triển đất nước. Những vấn đề như thế từng được đặt ra nhiều năm trước mà bản thân Giáo sư Tương Lai đã từng đề cập hồi năm 2009 hay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói đến trước đó. Giáo sư Tương Lai trình bày:
“Ông Võ Văn Kiệt mất năm 2008. Hai năm trước khi mất, ông đã nói rất rõ và tôi có trích trong Bản tham luận của tôi là ‘Cái gọi là ‘Định hướng xã hội chủ nghĩa’ thực ra là tư tưởng giáo điều bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước’. Thế thì bây giờ ông Trọng lại nêu lên như là một vấn đề gì mới mẻ, mà thực ra có gì mới đâu. Những điều người ta đề cập đến từ lâu mà chính bản thân ông Trọng gạt bỏ, thậm chí quy kết cho là chệch hướng, chống Đảng, phản động. Bây giờ duới sức ép của cuộc sống và sự bế tắc cho nên ông ta phải đặt những câu hỏi đó ra.”
Mặc dù vậy, Giáo sư Tương Lai cùng với ba vị nhân sĩ trí thức khác gồm ông Lê Công Giàu, ông Huỳnh Tấn Mẫm và ông Huỳnh Kim Báu ghi nhận chương trình nghị sự của phiên họp lần thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/05/19 không có nội dung quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng chính thức đặt lại nhằm định hướng cho sự phát triển đất nước.
Bốn vị nhân sĩ trí thức, trong tư cách của cử tri vào ngày ngày 23/05/19 công bố một Kiến nghị gửi Quốc hội.
Kiến nghị gửi Quốc hội
Điểm đầu tiên trong Kiến nghị gửi Quốc hội, bốn vị nhân sĩ trí thức đề nghị Quốc hội cần bổ sung vào chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 7 một mục quan trọng hàng đầu là thảo luận những vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài đến quốc kế dân sinh. Giáo sư Tương Lai giải thích về kiến nghị này:
“Nghĩa là vẫn đang là câu hỏi, không có gì rõ ràng và nếu không xác định cho rõ thì như bài trên Vietnamnet nói rằng ‘Đã đến lúc chấm dứt mô hình Xô Viết’, họ mượn khái niệm mô hình Xô Viết để giảm nhẹ bớt đi, nhưng thực ra là nói một mô hình của chế độ được bao cấp toàn trị về mặt chính trị, về mặt kinh tế, về mặt văn hóa. Cho nên không tách vấn đề quốc kế dân sinh, tức là không thể tách vấn đề đời sống ra khỏi vấn đề chính trị và cũng không thể tách vấn đề chính trị ra khỏi vấn đề kinh tế được. Nền tảng kinh tế như thế nào thì nó chi phối đời sống chính trị và ngược lại thể chế chính trị như thế nào thì nó chi phối mô hình kinh tế và nó kìm hãm sự phát triển của kinh tế. Chúng tôi nói vấn đề quốc kế dân sinh là nói khái niệm chung như vậy, chứ không phải chỉ nói đến đời sống của nhân dân mà thôi.”
Trong Kiến nghị gửi Quốc hội, bốn vị nhân sĩ trí thức nêu rõ với kiến nghị trên, để làm nền tảng vững chắc cho những kiến giải của Quốc hội sau này về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước và cuộc sống của mọi người dân, họ kiến nghị cần có trưng cầu ý dân về các vấn đề thiết yếu, chẳng hạn như vấn đề mà ông Nguyễn Phú Trọng nhắc tới về “đổi mới chính trị có phải đổi mới chế độ chính trị không?” hoặc “có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?”. Ông Lê Công Giàu khẳng định về lý do đưa ra kiến nghị cần phải trưng cầu dân ý:
“Những nội dung ông Tổng Bí thư đề ra rất quan trọng cho đất nước. Tuy nhiên nếu chỉ bàn luận trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng thì cần nhưng chưa đủ, mà bước thứ hai là phải đưa ra cho Quốc hội thảo luận. Bước thứ ba nữa là Quốc hội thảo luận những vấn đề đó xong thì cần phải đưa ra trưng cầu dân ý. Luật trưng cầu dân ý đã có rồi nhưng chưa bao giờ thực hiện. Nhân dịp ông Tổng Bí thư đặt ra vấn đề như thế thì Quốc hội bàn rồi đưa ra trưng cầu dân ý luôn thì rất tốt vì liên quan tới đường lối phát triển đất nước thì phải trưng cầu dân ý.”
Thêm một kiến nghị được bốn vị nhân sĩ trí thức đưa ra là Đại biểu Quốc hội cần thay đổi cách tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội mà lâu nay vẫn tiến hành. Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh rằng người dân có quyền đến dự cuộc gặp mặt cử tri ở bất cứ nơi nào họ muốn và Đại biểu Quốc hội có thể nghe được tiếng nói trung thực, thẳng thắn của dân chứ không phải là những lời ca tụng hay phê bình của cử tri đã được chính quyền địa phương lựa chọn và gợi ý và cơ quan Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở làm nhiệm vụ giới thiệu và chủ trì.
Ông Lê Công Giàu chia sẻ trong trường hợp Đại biểu Quốc hội tiếp xúc và thật lòng lắng nghe tiếng nói của cử tri thì ông sẽ góp ý rằng:
Những nội dung ông Tổng Bí thư đề ra rất quan trọng cho đất nước. Tuy nhiên nếu chỉ bàn luận trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng thì cần nhưng chưa đủ, mà bước thứ hai là phải đưa ra cho Quốc hội thảo luận. Bước thứ ba nữa là Quốc hội thảo luận những vấn đề đó xong thì cần phải đưa ra trưng cầu dân ý. Luật trưng cầu dân ý đã có rồi nhưng chưa bao giờ thực hiện. Nhân dịp ông Tổng Bí thư đặt ra vấn đề như thế thì Quốc hội bàn rồi đưa ra trưng cầu dân ý luôn thì rất tốt vì liên quan tới đường lối phát triển đất nước thì phải trưng cầu dân ý
-Ông Lê Công Giàu
“Tính từ năm 1975 thì sau bốn mươi mấy năm, còn trước đó lâu hơn nữa kể từ ngày Đảng thành lập thì thể chế chính trị này cho người ta thấy việc phát triển đất nước rất chậm. Hiện nay GDP của Việt Nam chỉ có hơn Lào và Campuchia thôi và càng ngày càng đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp, ví dụ như tham nhũng. Chính thể chế này tạo ra tham nhũng. Thể chế này không thể chống tham nhũng mà phải sửa thể chế thì mới chống tham nhũng được. Do đó chúng tôi suy nghĩ cần phải có thay đổi về thể chế.”
Còn ý kiến của Giáo sư Tương Lai là:
“Quan trọng nhất thể chế chính trị này còn duy trì cái gọi là ‘Chủ nghĩa Marx-Lenin’, cái gọi là ‘Định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì mô hình Xô Viết hay mô hình Trung Quốc cũng đều dẫn tới sự bế tắc như hiện nay.”
Bốn vị nhân sĩ trí thức gửi kiến nghị đến Quốc hội lần này cũng từng cùng với các nhân sĩ trí thức ở Việt Nam trong 2 thập niên qua nhiều lần gửi thư ngỏ và kiến nghị đến Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên quan các vấn đề trọng yếu như sửa Hiến pháp, kêu gọi không khai thác bauxite Tây Nguyên hay mới nhất là kêu gọi cảnh giác đối với Trung Quốc trước sự im lặng của Nhà nước liên quan thông tin ông Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh.