Báo chí góp phần xây dựng cơ đồ của Đảng hay của đất nước?
2021.06.21
“Chúng ta tự hào và khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.”
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu tại Lễ kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2021.
Một đất nước với thể chế độc đảng cộng sản toàn trị như Việt Nam, báo chí bị kiểm duyệt toàn bộ thông tin thì liệu những lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói có chính xác?
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 21/6, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Việt trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể nói:
“Ông (Thủ tướng Phạm Minh Chính) nói như thế rất là đúng với danh nghĩa là một trong những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì báo ở Việt Nam gọi là báo của Đảng, bởi vì có sáu bảy trăm cơ quan báo chí nhưng chỉ có một ban biên tập duy nhất là Ban Tư tưởng của Đảng Cộng sản. Nhiệm vụ của nó người ta nói rất rõ ràng là làm nhiệm vụ tuyên truyền. Ở Việt Nam thì người dân cũng không dị ứng lắm với từ tuyên truyền, người ta cứ tưởng tuyên truyền là cái chuyện rất hay ho. Trong khi cả thế giới khi người ta nói đến tuyên truyền là người ta đã thấy phát tởm rồi. Ở Việt Nam tình thế nó cụ thể như thế, nên ông Chính nói như vậy là đúng, chỉ trừ một cái ông nói cho đất nước, thì phải hiểu là cho Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tôi cho rằng câu này của ông Chính rất sai, vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ coi báo chí là công cụ để nhằm phục vụ cho chế độ độc đảng toàn trị mà thôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của Nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam cũng đã một lần nữa khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc 10 năm tại Tạp Chí Cộng Sản, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 21/6 cũng cho rằng ‘cơ đồ’ mà ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tức là chế độ độc đảng toàn trị duy trì được đến hôm nay là có đóng góp lớn của báo chí Nhà nước:
“Đầu tiên mình phải hiểu cái ‘cơ đồ’ mà ngày hôm nay ông thủ tướng nói, tức là chế độ độc đảng toàn trị của Đảng Cộng sản duy trì được đến hôm nay là có đóng góp lớn của báo chí. Ổng nói như vậy về khía cạnh báo chí thì rất đúng, vì thực chất báo của Nhà nước Việt Nam thì tôi không gọi là báo mà gọi là tờ tuyên truyền cỡ lớn và người viết là những tuyên truyền viên... chứ nhà báo thì phải có tự do thì mới gọi là nhà báo, nói lên được sự thật thì mới gọi là nhà báo, còn không thì chỉ là tuyên truyền viên cho đảng và Nhà nước.”
Cũng tại Lễ kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng báo chí đã phản ánh nguyện vọng, những việc hài lòng, không hài lòng của người dân với Chính phủ để Chính phủ có những điều chỉnh thích hợp. Ông Chính cũng cho rằng báo chí đã phản ánh quan điểm, hành động của chính phủ trong điều hành và xây dựng nền hành pháp...
Không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của báo chí nhà nước Việt Nam trong việc cung cấp thông tin cho người dân. Nhưng trên thực tế, chỉ những thông tin không trái với tư tưởng của Đảng Cộng sản, hay những thông tin không làm mất uy tín của Nhà nước mới được phép đăng tải. Những tờ báo hay nhà báo chân chính vượt rào đều bị chính quyền Hà Nội trừng trị bằng những biện pháp khắc nghiệt.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình TPHCM - HTV, khi trả lời RFA hôm 21/6 từ Sài Gòn, nhận định dưới một góc nhìn khác:
“Trước hết tôi cho rằng phải phân biệt giữa thông tin và truyền thông. Tức là thông tin là món hàng còn truyền thông là phương tiện, nói nôm na ngày xưa tòa soạn đưa thông tin đến bạn đọc bằng xe đạp, còn ngày nay bằng phi thuyền bay vào vũ trụ... Do đó phải nhìn nhận nội dung bài báo, phương tiện truyền tải ngày xưa lạc hậu và bây giờ thì rất tân tiến. Như vậy mục đích của thông truyền thông là chuyển hàng, chuyển thông tin nhanh kịp thời với phẩm chất tốt...Đối tượng của món hàng này là độc giả và Nhà nước.”
Với độc giả, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng món hàng thông tin là để giúp người dân nhìn nhận đánh giá và có những quyết định cá nhân khi đọc thông tin đó. Còn cũng món hàng như vậy, đối với nhà nước khi thông qua tin tức là để nhìn nhận, đánh giá, chỉnh sửa mọi quyết sách nhằm để phục vụ cho người dân. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Vì vậy tôi cho rằng, cơ đồ của một quốc gia là phải do và chỉ do nhà nước chịu trách nhiệm, báo chí chỉ làm đúng bổn phận của mình. Do đó tôi nghĩ ông Phạm Minh Chính không hiểu đúng vai trò của báo chí, mà dường như ông ta đồng nghĩa báo chí với tuyên truyền. Tôi cho rằng đó là một sai lầm căn bản khi nói về lĩnh vực báo chí, tức là thông tin và truyền thông. Chính vì ông Chính đồng hóa báo chí với tuyên truyền, nên ổng mới cho rằng báo chí góp phần quan trọng, trong việc xây dựng cơ đồ như ngày nay. Tôi cho rằng câu này của ông Chính rất sai, vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ coi báo chí là công cụ để nhằm phục vụ cho chế độ độc đảng toàn trị mà thôi.”
Về quản lý báo chí thì gần đây chính quyền siết lại, từ năm 2019 có Luật Anh Ninh Mạng là bắt đầu siết lại, nhưng thông tin do người dân đóng góp thì rất lớn.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, đã công bố phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020; theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia, được đánh giá là không có tự do báo chí.
Theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, dù có cởi mở hơn, nhưng việc kiểm soát báo chí tại Việt Nam vẫn ngày càng siết chặt:
“Về kiểm soát báo chí thì không hề bớt đi. Còn về xu hướng thông tin trên mạng, tức là người dân được viết lên tiếng nói của mình thì cái đó mới đúng tính chất báo chí, nó phản ánh sự thật, người dân là người cung cấp thông tin. Cho nên xã hội cũng cởi mở hơn nhờ internet, mặc dù chính quyền vẫn kiểm duyệt, vẫn có luật an ninh mạng. Còn về quản lý báo chí thì gần đây chính quyền siết lại, từ năm 2019 có Luật Anh Ninh Mạng là bắt đầu siết lại, nhưng thông tin do người dân đóng góp thì rất lớn.”
Không chỉ báo Đảng, báo chí tại Việt Nam nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí.