Thừa nhận sách lý luận, chính trị thiếu thuyết phục nhưng không chịu thay đổi?
2020.05.04
Chỉ thị số 44-CT/TW do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành vào tháng 4 vừa qua ghi rõ công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong 15 năm qua “chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.”
Xác nhận thực tế sự việc vừa nêu, Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên công khai từ bỏ đảng cho rằng việc này rõ như ban ngày nên Ban bí thư đảng buộc phải thừa nhận.
“Từ xưa đến nay họ chỉ tuyên truyền một chiều, ít khi bị phản biện nhưng giờ có mạng xã hội, thông tin đa chiều, người ta có thể kiểm chứng được ngoài lý luận mà còn cả thực tiễn nên chuyện thiếu tính thuyết phục đã rõ, không cần phải bàn. Có cái họ thừa nhận hay không thừa nhận thì nó vẫn tồn tại.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phân tích rõ nguyên nhân vì sao sách lý luận, chính trị tại Việt Nam không phù hợp thực tiễn:
“Các tác phẩm lý luận từ thời đảng cộng sản cầm quyền đến nay đều 1 kiểu, chẳng có gì mới. Kiểu đó là chủ nghĩa xã hội vẫn là mùa xuân dân tộc, chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là vô địch muôn năm, có đảng mới có dân tộc, đảng là mùa xuân. Họ cứ loanh quanh những vấn đề đó không cập nhật gì mới. Học thuyết Marx-Lenin về chủ nghĩa xã hội người ta đã vứt vào sọt rác từ lâu, tất cả những trí thức chân chính ở Việt Nam đều biết điều đó.”
Vẫn theo ông Thành, vì nội dung không được đổi mới, cộng thêm việc thành lập Ban Lý luận gồm mười mấy người để chuyên đánh bóng những chuyện xưa cũ dẫn đến việc không ai muốn đọc những sách như vậy nữa.
“Chưa từng thấy một tác phẩm nào của Việt Nam, kể cả những nhà lý luận đích thực đến các ông lãnh tụ có thể nhìn nhận chủ nghĩ Marx dưới hiện thực thế giới bây giờ. Người ta vẫn nhai lại các luận điệu cũ có từ những năm 60 của thế kỷ trước nhằm mục đích lừa đảo mị dân chúng là những người không biết gì. Có thể người ta dẫn dụ vài câu hiện đại nhưng chỉ là dẫn dụ, nội hàm, nội dung vẫn là như thế, cũ rích từ xưa.”
Đồng quan điểm với nhà báo Phạm Thành, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng văn học so sánh Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng cho rằng sách chính trị Việt Nam thiếu thuyết phục là do thiếu cập nhật. Ông phân tích:
“Về mặt lý luận người ta thấy cần phải tương thích với thời đại ngày nay và phải thuyết phục được cả khoa học vì nếu coi Chủ nghĩa Marx-Lenin là một khoa học thì phải thuyết phục theo kiểu khoa học chứ không thể nói theo kiểu nói lấy được. Về thực tiễn chúng ta thấy từ năm 1991 tới giờ Liên Xô sụp đổ, hệ thống Xã hội chủ nghĩa không còn thì thực tiễn đó ở Việt Nam đi bên trong mô hình nếu như Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, Việt Nam là chủ nghĩa xã hội, kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải làm rõ những cái đó so với thực tiễn bây giờ rõ ràng có những mặt không phù hợp, lạc hậu.”
Cũng trong Chỉ thị 44, Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra một nguyên nhân khác khiến những sách lý luận, chính trị không hấp dẫn là do “Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận, chính trị.”
Không đồng tình với nhận xét vừa nêu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lập luận:
“Không phải những người viết sách không có trình độ, không biết thực tiễn nhưng họ chỉ viết thế thôi. Bởi vì có khi những người viết sách có thể họ cảm thấy điều đấy có thể có ý kiến, luận giải khác, hoặc quá trình làm những sách đó rất kỹ thì lại bị cắt gọt, biên tập.”
Ông cho rằng thực tế này cần được nhìn nhận vì có những tác phẩm lý luận, chính trị của Nhà xuất bản Tri Thức do Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng Biên tập rất hay và được biên tập, biên dịch kỹ lưỡng. Vì vậy, ông Phạm Xuân Nguyên cho rằng việc đổ trách nhiệm do thiếu nhân lực là không chính xác.
Bên cạnh việc thừa nhận những yếu kém về công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, Ban bí thư đảng cộng sản còn đưa ra khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, trong đó có sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, Ban bí thư có trách nhiệm kêu gọi, nhưng thực tế lại là vấn đề khác:
“Quyền của ông Thường trực ban bí thư nói với đảng viên thì đảng viên phải chấp hành tính chất của đảng, phải chấp hành tổ chức đảng và chấp hành lãnh đạo của đảng. Đấy là chuyện nội bộ của đảng. Còn thực tế nếu đáp ứng đúng món ăn tinh thần của người dân thì không cần nói người ta cũng sẽ tự tìm đến.”
Xác nhận thực tế này, một công an phường tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho hay chuyện thích đọc hay không thích đọc thì làm nghề phục vụ Đảng nên nếu Đảng nói anh phải làm theo vì đó là chỉ thị. Nhưng anh cho rằng để đọc mà có thể hiểu và nghiên cứu chắc dành cho cấp cao.
Vì vậy, dưới góc nhìn chuyên môn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa ra giải pháp sau:
“Viết sách lý luận chính trị là viết một cuốn sách mang tính khoa học. Nếu đề cao tính khoa học là viết phải có phân tích, chứng minh, tác giả phải có những luận điểm thì như vậy mới có tính thuyết phục cao, người ta thấy vấn đề và cách trình bày. Thời buổi tin học độc giả trong nước trình độ nâng cao rất nhiều. Ngay cả các cán bộ cũng vậy, nếu viết không thuyết phục sẽ rất khổ cho các cán bộ chính trị khi đi nói chuyện, phổ biến, tuyên truyền cuốn sách đó nếu nói đúng theo kiến thức của mình.”
Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam chi ra nhiều tiền ngân sách để thực hiện những bộ toàn tập về lãnh đạo, về đường lối chính trị của đảng lãnh đạo…; tuy nhiên lâu nay những tập sách đó dường như không thu hút được độc giả. Những tập sách dày như thế được cơ quan chức năng mua cũng bằng tiền Nhà nước rồi về để trong thư viện mà chẳng mấy ai đụng đến!