Tam giác lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong quan hệ Việt Mỹ

RFA
2023.09.18
Tam giác lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong quan hệ Việt Mỹ Hoa Kỳ - Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" hôm 10/9/2023
AFP

Ở phần trước, RFA đã phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng về bản tuyên bố chung Việt Nam Hoa Kỳ nhân hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và bối cảnh chính trị quốc tế của động thái này. Quan hệ Việt Mỹ thương bị phủ bóng bởi nỗi lo Mỹ sẽ “bỏ rơi” Việt Nam nếu nước này tiến lại gần Mỹ hơn trong khi láng giềng Trung Quốc khổng lồ phía bắc có thể gây những áp lực lớn hơn nếu Mỹ rời khỏi khu vực. Để giải đáp cho độc giả RFA về vấn đề nêu trên, ở phần này, GS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với RFA về ba lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong các quyết định của Mỹ đối với các vấn đề ngoại giao.  

RFA: Giáo sư từng viết trong cuốn sách “Strategic Asia 2014–15: U.S. Alliances and Partnerships at the Center of Global Power” (tạm dịch “Á châu chiến lược 2014-2015: Các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở trung tâm quyền lực toàn cầu”) của Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia rằng muốn tăng cường hợp tác an ninh, hai nước Việt Mỹ cần xây dựng lòng tin lẫn nhau. Mỹ cần cho Việt Nam thấy rằng Mỹ không có lợi ích chiến lược trong việc phá hoại chế độ hiện tại. Đồng thời, Việt Nam phải hiểu rằng việc thiếu tiến bộ về nhân quyền là trở ngại lớn để thắt chặt quan hệ song phương. Xin Giáo sư giải thích về vấn đề này. 

Nguyễn Mạnh Hùng: Về niềm tin chiến lược thì Mỹ là nước lớn nên không cần lắm. Nhưng Việt Nam vì phải cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ nên niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều. Bởi vì nếu Việt Nam theo Mỹ mà Mỹ lại bỏ mình thì chết với Trung Quốc. Do đó Việt Nam phải nghi ngờ, phải đặt ra khả năng Mỹ làm chuyện đó. Trong quyển sách của ông Đinh Quang Anh Thái mới đây, (RFA chú thích: quyển sách “ Nguyễn Mạnh Hùng Khoảnh Khắc Nhìn Lại”, Người Việt xuất bản, 2023) tôi có nhắc lại chuyện ngày xưa ông Hồng Hà có hỏi tôi là “đi với Mỹ thì Mỹ có bỏ mình không”, tôi có nói là “Mỹ bỏ thì cũng là do lợi ích, mà không bỏ cũng là do lợi ích”. Tóm lại đối với Việt Nam, niềm tin chiến lược rất quan trọng, quan trọng hơn với phía Mỹ. 

Vì thế, chuyến đi của Biden rất quan trọng vì nó giúp cho niềm tin chiến lược tăng thêm nhiều. Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Phú Trọng nói đây chỉ là khởi đầu, còn phải chờ thi hành nữa. Việc hai nước nâng cấp quan hệ chỉ là khởi điểm, điều quan trọng là sau đó phải có hành động, phải tiến lên. 

Bây giờ trở lại vấn đề tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, như tôi viết trong quyển sách năm 2015, đối với Mỹ, nước Mỹ có ba quyền lợi: quyền lợi về chiến lược, quyền lợi về kinh tế và quyền lợi về giá trị. Khi quyền lợi chiến lược lớn lên thì quyền lợi về giá trị như nhân quyền, tự do sẽ giảm đi, ví dụ trường hợp Saudi Arabia trong nhiều năm. Lợi ích về chiến lược của Saudi Arabia rất lớn nên lợi ích về nhân quyền bé đi. Với trường hợp Việt Nam, trước đây khi lợi ích về chiến lược, kinh tế với Việt Nam còn nhỏ thì lợi ích về giá trị lớn lên. Lúc đó Mỹ nói nhiều về vấn đề nhân quyền. Nhưng bây giờ thì dần dần Mỹ lờ dần vấn đề đó đi. Tại sao như thế? Vì nền ngoại giao của Mỹ dựa trên ba lợi ích đó. 

Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền có giảm do lợi ích chiến lược và kinh tế tăng đi nữa thì sẽ không bao giờ bỏ được, bởi vì có quyền lợi của định chế. Ví dụ bên hành pháp thì ở Bộ Ngoại giao Mỹ từ thời ông Tổng thống Carter đã có một văn phòng chuyên về vấn đề human rights (nhân quyền), tự do tôn giáo. Sau này, bên lập pháp thì Quốc hội Mỹ còn lập ra Ủy ban Tự do Tôn giáo. Các cơ quan này có quyền lợi về định chế của họ. Việc của họ là phải làm việc đó, mỗi năm phải báo cáo về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo. Để làm những việc đó thì các cơ quan này sẽ đặt áp lực lên các cơ quan đại sứ Mỹ ở nước ngoài. Các đại sứ để báo cáo tốt thì phải làm thật. Tóm lại là luôn luôn có vấn đề nhân quyền mà Việt Nam phải “manage”, tức là phải xử lý vấn đề nhân quyền với Mỹ để họ làm những việc khác cho mình. Tôi thấy hiện nay Mỹ không phản đối nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ Việt Nam chắc chắn sẽ có những hành động đáp ứng để ông Biden đi về vui vẻ và hai bên có thể cộng tác nhiều hơn. 

Nhưng dẫu sao thì vấn đề giá trị sẽ không trở thành vấn đề lớn như vấn đề chiến lược và kinh tế. Trước đây Đông Nam Á rất phàn nàn Mỹ, ví dụ như trong hội nghị Shangri-La mới đây chẳng hạn, Trung Quốc nói rất nhiều về cộng tác kinh tế. Trung Quốc còn có chương trình Vành đai Con đường. Mặc dù chương trình này hay bị nói là một cái bẫy nợ, nhưng các vị chính trị gia thì chỉ nhìn vào lợi ích. Họ cần tiền để xây dựng hạ tầng, nên họ cứ làm rồi tính sau. Họ nghĩ là tương lai sẽ tránh được bẫy nợ Trung Quốc. Còn phía Mỹ thì ông Austin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ toàn nói về vấn đề chiến lược, đồng minh. Những vấn đề đó không hấp dẫn Đông Nam Á. Thành ra lần này ông Biden mang theo cả một gói kinh tế sang Việt Nam. Thông điệp của Mỹ là “chúng tôi đã trở lại”. Vấn đề ở đây là kinh tế. 

RFA. Xin Giáo sư cho biết tại sao hệ thống chính trị Mỹ lại cần quan sát các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Có phải vì sự phát triển nhân quyền trên toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ? 

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Có. Đúng vậy. 

RFA. Xin Giáo sư giải thích. Tại sao họ phải có đến hai cơ quan khác nhau của hai nhánh quyền lực độc lập là hành pháp và lập pháp cùng phụ trách vấn đề nhân quyền trên toàn cầu?  

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Các cơ quan đó mới lập ra gần đây nhưng thực ra có nguồn gốc từ thuở khai quốc của nước Mỹ. Khi mới lập quốc, người Mỹ cho rằng họ khác châu Âu: chúng tôi từ châu Âu sang đây, lập một quốc gia quan trọng và tiến bộ hơn, chúng tôi dân chủ, nhân quyền. Hồi đó người Mỹ thường nói mình là “city on the hill”, thành phố ở trên đồi cao, sáng, còn xung quanh ở bên dưới vẫn đang nằm trong bóng tối. Giá trị nhân quyền đã có ngay từ thời “nguyên thủy” của nước Mỹ, nằm trong DNA của người Mỹ. Trong cuộc chiến tranh Lạnh thì đối với Mỹ đó là cuộc va chạm giữa “dân chủ” và “cộng sản”. Như vậy họ coi đó là cuộc đấu về giá trị. Sau này có những tổng thống như ông Carter, mặc dù ông yếu về chiến lược nhưng rất thành thật, rất mạnh về niềm tin nhân quyền. Nên dưới thời Carter thì Bộ Ngoại giao mới bắt đầu có cơ quan phụ trách về nhân quyền. Từ kì thủy người Mỹ đã quan tâm vấn đề giá trị nhân quyền, sau này có lại một tổng thống chính thức thúc đẩy nó, và sau này thêm cả vấn đề tự do tôn giáo. 

Sự phát triển đó là nhờ sự thúc đẩy của xã hội dân sự Mỹ. Các hội đoàn xã hội ở Mỹ thúc đẩy chính phủ Mỹ quan tâm đến các vấn đề giá trị đó. 

Mỹ lúc bấy giờ có ảnh hưởng toàn thế giới. Những giá trị này là giá trị Mỹ. Do đó, nếu ai muốn đồng ý với Mỹ thì cũng phải quan tâm đến các giá trị đó. Quyền lợi về giá trị này không bao giờ mất đi được, dù có thể tăng giảm từng giai đoạn. Nhân quyền như tôi đã nói là một trong ba quyền lợi quốc gia của Mỹ: chiến lược, kinh tế, giá trị. Khi nào bang giao tốt, quyền lợi chiến lược tăng lên thì quyền lợi giá trị giảm đi. Ai thông minh thì phải biết xử lý vấn đề đó. 

RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, GS Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với RFA về những hàm ý chiến lược đối với Việt Nam khi chúng ta nhìn quan hệ Việt Mỹ từ tam giác lợi ích “chiến lược, kinh tế, giá trị”. 

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.