Báo cáo Tự do Tôn giáo 2020: quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng ở Việt Nam vẫn chưa được thực sự tôn trọng
2020.04.28
Vào ngày 28 tháng 4, Ủy hội Hoa Kỳ Tự do Tôn giáo Quốc tế có buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo Tự do Tôn Giáo Quốc tế Thường niên năm 2020 phản ánh những diễn tiến tôn giáo tín ngưỡng trong năm qua ở các nước trên thế giới. Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Tony Perkins, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cùng các chuyên gia và các ủy viên. Ông Perkins cho biết sẽ ban hành báo cáo này vào ngày 1 tháng 5 cùng với các khuyến nghị đến Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa kỳ.
Bản báo cáo đề cập đến những tiến bộ quan trọng mang lại sự thay đổi tích cực ở các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến việc một số quốc gia ban hành đạo luật và quy định gây tranh cãi nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số, trong đó có Việt Nam.
Trong bản báo cáo, mặc dù Việt Nam không nằm trong số các nước cần quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern – CPCs), tiến sĩ Tenzin Dorjee, Ủy viên Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay tình hình tự do tôn giáo ở Việt nam vẫn chưa thật sư thay đổi, vì vậy Ủy hội sẽ tiếp tục đến nước này để đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đàn áp tôn giáo:
“Với Việt Nam, theo như chúng tôi được biết, tình hình vẫn chưa thay đổi. Do đó chúng tôi sẽ đến nước này một lần nữa để giải quyết vấn đề và cách chính quyền bạo hành, bắt giữ những người theo đạo Cao Đài và các nhóm tôn giáo khác. Vì vậy, tình hình ở Việt Nam còn rất thảm khốc. Vì Việt Nam chưa được chỉ định là một quốc gia đặc biệt đáng quan ngại, nhưng chúng tôi sẽ khuyến nghị điều đó để có thể gây sức ảnh hưởng ngoại giao đến chính quyền Việt Nam nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực và cung cấp quyền tự do tôn giáo cho người dân của họ.”
Cùng ngày, Hòa thượng Thích Không Tánh cho RFA biết chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, một cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị nhà nước Việt Nam cưỡng chế, phá đập và san bằng từ mấy năm nay. Ông cùng các hòa thượng khác có đề nghị được đền bù thỏa đáng, nhưng vẫn chưa được chính quyền đáp ứng và cũng không cấp giấy tờ liên quan:
“Riêng về Phật Giáo chúng tôi thì đã có nhiều chùa bị ủi sập, không tôn trọng và bị lấy đất đai, đừng nói chi đến đạo Tin Lành tại gia hoặc có những sinh hoạt ở vùng cao nguyên và vùng xa xôi hẻo lánh. Phải nói rằng là tôi được biết qua nhiều mục sư, thân hữu trong hội đồng Thiên Tôn của tôi, họ khiếu nại nhiều lắm. Nhiều vị mục sư bị bắt bớ, đánh đập, không cho cử hành lễ tôn giáo của mình. Nhiều gia đình đồng bào sắc tộc ở cao nguyên cũng không được tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tôi thuộc Phật Giáo, nhưng có một số vị bên Tin Lành họ cho biết rằng nhà nước này rất kỳ thị quý bà con đồng bào Tin Lành ở Tây Nguyên.”
Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những người như ông không được hưởng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vì muốn được hưởng ưu đãi của nhà nước, các tổ chức tôn giáo phải chịu làm theo lệnh của Đảng, nhà nước hoặc có nguy cơ bị đàn áp:
“Họ cho rằng những việc gọi là không theo nhà nước, chẳng hạn như chúng tôi có những kiến nghị, đề nghị về vấn đề tự do tôn giáo thật sự thì họ còn cho là phản động, họ cho rằng phải đi vào khuôn khổ, tôn giáo ở nước nào cũng phải chấp hành theo luật pháp của họ. Họ nói rằng là có tự do tôn giáo, bảo đảm rằng là nhà nước này là có tự do tôn giáo, nói là vậy nhưng sự thật là nếu đã tự do tôn giáo, tín ngưỡng thật sự thì làm gì có chuyện phải đi đăng ký, lên xuống, việc gì cũng phải khai báo; nếu được nhà nước cho phép thì mới được sinh hoạt, như vậy là tự do tôn giáo kiểu Cộng sản.”
Luật sư Anurima Bhargava, Ủy viên USCIRF, khi trả lời phỏng vấn của RFA tại buổi họp báo trực tuyến cho rằng qua những chuyến đi thăm dò ở Việt Nam, cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt buộc các tổ chức tôn giáo đăng ký và liên tục thông báo về các hoạt động tôn giáo. Vì lý do đó, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế đã có đề nghị cho những nhóm, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam có quyền tự do thực hành tín ngưỡng của họ:
“Chúng tôi ủng hộ, đề nghị cho những nhóm tôn giáo có thể thực hiện việc thờ phụng một cách tự do mà không phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của chính phủ. Điều mà chúng tôi chứng kiến xảy ra khá nhiều ở Việt Nam là có một số tổ chức tôn giáo đã được chấp thuận cho các thành viên của họ được thờ phượng, nhưng cũng có những nhóm tôn giáo khác không thể thực hiện điều đó; đó là những mối quan tâm của chúng tôi.
Chúng tôi cũng được biết trong tiến trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, có nhiều cơ sở tôn giáo có giá trị lịch sử, là trung tâm thờ phượng của các cộng đồng địa phương đã và đang bị đe dọa phá hủy, san bằng. Chắc chắn rằng chúng tôi muốn khuyến nghị và gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng những cơ sở, địa điểm thờ phượng đó sẽ không bị phá hủy.”
Ngoài ra, bà Anurima Bhargava cho biết Ủy hội cũng sẽ khuyến nghị việc trả tự do đối với các tù nhân lương tâm bị bắt bớ do đức tin của họ. Ủy hội cũng nhận thấy những hành động chính quyền đã làm nhằm gây áp lực, quấy rối với các cá nhân lên tiếng ủng hộ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện các nỗ lực khác để đảm bảo người dân trong nước có thể tự do tín ngưỡng, thờ phượng theo tôn giáo của họ.
Về việc luật pháp Việt Nam cho phép chính phủ có thể vô hiệu hóa quyền tự do tôn giáo với lý do liên quan đến an ninh quốc gia, ông Johnnie Moore, một Ủy viên khác có mặt tại buổi họp báo trực tuyến cho biết đây hiện vẫn là một vấn đề có tính chất phức tạp:
“Vấn đề giữa an ninh quốc gia và tự do tôn giáo cần sự hợp tác rất lớn từ các cộng đồng quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn tận dụng các cơ hội để nhấn mạnh rằng đây không phải là một việc có thể dễ dàng thực hiện khi làm việc với các chuyên gia nghiên cứu, luật sư nhân quyền và các học giả trên kháp thế giới và các cộng đồng tôn giáo. Các chính phủ cần bảo vệ an ninh quốc gia của họ nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng.”
Theo báo cáo của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ vào năm 2019, Hiến pháp Việt Nam cho phép công dân có quyền tín ngưỡng theo bất kỳ tôn giáo nào và tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, điều 14 trong Hiến pháp ủy quyền cho chính phủ với lý do vì an ninh quốc gia và trật tự an ninh xã hội có thể đàn áp nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.
Cũng vấn đề liên quan, vào đầu tháng 4, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đã soạn thảo bức thư chung để gửi đến Thủ tướng Việt Nam với đề nghị phục hồi quyền công dân của hàng chục nghìn người Hmong và người sắc tộc Tây Nguyên bị tước hộ khẩu và chứng minh nhân dân sau khi họ từ chối làm theo lệnh bỏ đạo Tin Lành. Đồng thời, bức thư cũng đề nghị chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Một trong những người tham gia ký tên có bà TS Katrina Lantos Swett, cựu Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và đương kim Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền Tom Lantos.