Công ước ILO chống lao động cưỡng bức được phê chuẩn sẽ xóa bỏ hoàn toàn tệ trạng này ở Việt Nam? 

Thanh Trúc
2020.05.26
  Hình minh hoạ. Hai em gái kéo xe rơm cùng mẹ ở ngoại thành Hà Nội hôm 1/7/2001
AFP

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đọc tờ trình của Chủ tịch nước, đề nghị phê chuẩn Công Ước số 105 của ILO Tổ chức Lao Động Quốc Tế, bên cạnh 2 hiệp định với Liên Minh Châu Âu EU,  là Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư EVIPA.

Công Ước 105 xóa bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 3 công ước ILO mà  Việt Nam hứa thông qua hầu có được thỏa thuận mậu dịch tự do với Liên Minh Châu Âu. Công Ước số 98 về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, đã được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6/2019. Còn Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức theo thông tin đến năm 2023 Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua.

Theo lời phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc phê chuẩn Công ước 105 là phù hợp với chủ trương của nhà nước trong hội nhập quốc tế, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU (EVFTA), thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm quốc gia thành viên ILO.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tư Pháp, ông Hoàng Phước Hiệp, từng là thành viên đoàn đàm phán WTO Việt Nam, cũng là người chủ trương đề án Chính Phủ Điện Tử, khẳng định rằng mọi ký kết như vậy đều mang  tính pháp lý và tính ràng buộc:

“Lao động cưỡng bức trước đây là cũng có, nói thực như vậy, nhưng khoảng năm 2.000 trở lại đây thì Việt Nam đã cấm hết, đã loại bỏ hết rồi. Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán với EU. Tôi nghĩ rằng lần này quốc hội sẽ phê chuẩn để mà thực hiện. Về mặt pháp luật là như vậy”.

Việc phê chuẩn Công Ước 105 xóa bỏ cưỡng bức lao động cũng hợp lý đến thời điểm này, là nhận xét của nguyên thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Phước Hiệp:

Khi chúng ta vào WTO chẳng hạn, ở WTO thì không có cam kết về vấn đề lao động, hay khi đàm phán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì bắt đầu có vấn đề tác động. Đến khi có CPTPP Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương và đặc biệt khi mà có Hiệp Định FTA Việt Nam-EU, đã ký và đang còn chờ phê chuẩn, thì quốc hội phải thông qua thôi”.

Hình minh hoạ. Cậu bé kéo xe ở TP Hồ Chí Minh
Hình minh hoạ. Cậu bé kéo xe ở TP Hồ Chí Minh
AFP

Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nói không có vấn đề trong việc sửa soạn phê chuẩn Công Ước ILO số 105:

Việt Nam thì đâu đó cũng có những trường hợp cưỡng bức lao động bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động, nhất là bất bình đẳng với phụ nữ, trẻ em cũng như người yếu thế. Xóa bỏ cưỡng bức lao động phù hợp với nguyện vọng của cử tri nên tôi tin quốc hội sẽ đồng tình và chấp thuận thôi”.

Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động trong lãnh vực công nhân và quyền lao động, nêu câu hỏi rằng nếu phê chuẩn để thực hiện Công Ước 105 thì Việt Nam có tính tới những trường hợp gọi là tế nhị nhưng gần như bao hàm tính cách cưỡng bức lao động đang diễn ra lâu nay không:

Không biết Nhà Nước định nghĩa như thế nào nhưng theo tôi ở Việt Nam đang có 2 dạng lao động cưỡng bức. Thứ nhất là người ở tù bị bắt lao động một cách không tự nguyện. Thứ hai, có những nơi gọi là trường Giáo Dưỡng những người dưới tuổi vị  thành niên phạm tội. Chẳng hạn trường Giáo Dưỡng số 4 ở Long Thành, trường Giáo Dưỡng số 5 ở Long An, hay trường Giáo Dưỡng ở Hàm Tân, Bình Thuận, họ bắt những trẻ em dưới  tuổi vị thành niên ở đây phải lao động”

Nếu ký Công Ước 105 thì Việt Nam nên ngừng bắt tù nhân phải lao động cực khổ, ngừng bắt trẻ em dưới tuổi vị thành niên phải lao động theo mức khoán Nhà Nước đưa ra” .

Về Công Ước 87,  qui định Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức, mà chưa được thông qua, đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông cho hay Luật thành lập hội đã được bàn thảo từ tháng 11/2019:

Cái này là xu hướng mở cửa cho các hiệp hội ra đời, nhưng điều kiện nó phức tạp trong vấn đề thành lập. Việt Nam không nghiêm cấm lập hội, cũng không khuyến khích việc lập hội tràn lan. Có những hiệp hội hoạt động tốt nhưng cũng có những hội gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà Nước, cho nên quốc hội cũng mang ra thảo luận nhưng chưa thông qua”.

“Thực tế khi điều kiện chín muồi, theo hướng là tránh tình trạng lạm dụng hoạt động của hội để gây khó khăn phúc tạp, thì  được cho thành lập cũng tạo nền tảng vững chắc hơn trong hoạt động xã hội hóa theo nghĩa là thực hiện được quyền và lợi ích của công dân”.

Hình minh hoạ. Cao uỷ Thương mại của EU Cecilia Malmstrom ký EVFTA với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ở Hà Nội hôm 30/6/2019
Hình minh hoạ. Cao uỷ Thương mại của EU Cecilia Malmstrom ký EVFTA với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ở Hà Nội hôm 30/6/2019
AFP

Đằng nào cũng tới lúc Việt Nam phải phê chuẩn luôn cả Công Ước 87, là nhận định của nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, thế nhưng điểm lấn cấn, bất ưng ở Công Ước 87 trong mắt Việt Nam chính là ý nghĩa “công đoàn độc lập”  mà được nói trại ra thành “hiệp hội”:

Bởi vì Công Ước 87 đề cập điều rất quan trọng là tự do lập hội. Thực chất ở các nước phương Tây và các nước tư bản thì tự do lập hội có nghĩa  là tự do thành lập công đoàn độc lập . Nhưng Nhà Nước Việt Nam có thể vì sợ công nhân hoang mang nên không dám đề cập đến cái gọi là thành lập công đoàn độc lập”.

“Nói một cách rõ ràng thì phải nhấn mạnh đó là các tổ chức công đoàn độc lập được tự do thành lập chứ không phải là lập một cái hội. Nhà Nước phải hướng dẫn cụ thể và có văn bản đàng hoàng chứ không thể nói chung chung vậy”.

Được biết từ tháng 2/2020 Nghị Viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua 2   Hiệp định EVFTA và  EVIPA.  EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU.

Đối với EVFTA, tờ trình của Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU đưa EVFTA vào thực thi trong thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của HIệp định cũng như quy định pháp luận của mỗi bên.

Theo lời nguyên thứ trưởng tư pháp Hoàng Phước Hiệp, một thời trong đoàn đàm phán WTO Việt Nam trước kia, Việt Nam đang bước những bước tích cực, mở rộng hơn cánh cửa quan hệ kinh doanh với EU:

Mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã hợp tác nhiều với EU nhưng cơ sở pháp lý sẽ mở rộng hơn. Đây cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp, đối với các thương gia Việt Nam”.

“Đặc biệt EU là một đối tác đòi hỏi qui chuẩn, qui tắc, yêu cầu sản phẩm rất cao. Thực ra tiềm năng của EU rất lớn nhưng trong thực tế họ đầu tư vào Việt Nam cũng rất hạn chế”.

Đó là vì khung pháp luật giữa EU và Việt Nam chưa được sâu sát, giáo sư Hoàng Phước Hiệp giải thích tiếp, thế nhưng khi Việt Nam sẵn sàng  phê chuẩn để thực hiện những nôi qui bắt buộc thì môi trường pháp lý lành mạnh giữa hai bên đã hoàn tất.

Đúng là cả 3 Công Ước được nói đến ở đây đều có tính ràng buộc, là xác định của giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử Đại Học Maine, Hoa Kỳ.

Ông cũng ghi nhận thời gian và công sức Việt Nam bỏ ra để đàm phán vào EVFTA và EVIPA, vì thế Hà Nội phải cố gắng thực thi nghiêm chỉnh các công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO.

Tuy nhiên vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức và rèn luyện nhân sự, Việt Nam khó có thể một sớm một chiều thi hành thông suốt được. Đây là một quá trình cần thời gian và sự quyết tâm của các cấp ở Việt Nam cũng như sự thúc đẩy của lao động trong nước và sự yểm trợ của bên ngoài, giáo sư Ngô Vĩnh Long kết luận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.