Việt Nam trước lời hứa của Trung Quốc không áp dụng Luật Hải Cảnh đối với Philippines?

Thanh Trúc
2021.02.20
Việt Nam trước lời hứa của Trung Quốc không áp dụng Luật Hải Cảnh đối với Philippines? Tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam (không có trong hình) gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014
Reuters

Sau khi Philippines gởi công hàm phản đối Luật Hải Cảnh được Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông qua hôm 22/1/2021, cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc quyền nổ súng vào tàu nước ngoài lai vãng trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, vào ngày 16/2 Trung Quốc tuyên bố không áp dụng luật này đối với Philippines.

Tin được đại sứ Philippines ở Trung Quốc, ông Chito Sta Romania, loan báo trong buổi họp báo hôm 16/2 tại Manila. Ông nói rằng ông được phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao và cả Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết rằng Luật Hải Cảnh này không nhắm vào Philippines hay bất cứ một đất nước nào khác.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 cũng nói rằng luật mới được thông qua của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Tại Việt Nam ngày 29/1, phát biểu liên quan đến Luật Hải Cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí rằng “Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”.

Chủ tịch Trung Quốc từng hứa với Tổng thống Mỹ sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa nhưng thực tế có như vậy không. Trung Quốc ít khi giữ lời hứa  với nhiều quốc gia và thậm chí cả với Việt Nam. - Thạc sĩ luật Hoàng Việt

Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Luật Hoàng Việt, lời hứa không dùng Luật Hải Cảnh với Philippines có 2 hàm ý gần  xa liên quan tới Việt Nam mà Trung Quốc muốn gián tiếp bày tỏ:

Trung Quốc đang tìm cách như là muốn cô lập Việt Nam. Quan hệ Việt Nam Trung Quốc những năm gần đây càng xa rời nhau. Cụ thể tháng 10/2020 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đi thăm 5 nước ASEAN không  có Việt Nam. Đầu 2021 ông Vương Nghị đi tiếp 4 quốc gia ASEAN nhưng cũng không có Việt Nam. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất mà ông Vương Nghị không tới”

“Hàm ý thứ hai, lời nói của Trung Quốc có tin được hay không. Chủ tịch Trung Quốc từng hứa với Tổng thống Mỹ sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa nhưng thực tế có như vậy không. Trung Quốc ít khi giữ lời hứa  với nhiều quốc gia và thậm chí cả với Việt Nam. Chính vì vậy Philippines có tin được vào lời  hứa không áp dụng Luật Hải Cảnh mà Trung Quốc hứa hay không”.

Thạc sĩ Hoàng Việt nói Việt Nam cần trình bày quan điểm một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn thay vì cứ phát biểu chung chung như vậy. Với Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc thì Việt Nam phải làm gì để bảo vệ ngư dân, là câu hỏi mà thạc sĩ Hoàng Việt nêu ra:

Về mặt lý thuyết Việt Nam vẫn nói cần nâng cao năng lực Cảnh Sát Biển để chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc. Thực sự Hải Cảnh Trung Quốc là lực lượng bán quân sự mà vũ trang còn mạnh hơn cả hải quân của một số quốc gia khác. Vì vậy rất khó có thể dùng lực lượng Cảnh Sát Biển nếu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đàn áp ngư dân Việt Nam cũng như các tàu thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam”.

Một nhà quan sát tình hình Biển Đông khác, nhà báo Đỗ Thông Minh đang sinh sống tại Nhật Bản, cho rằng giả sử Trung Quốc cũng hứa với Việt Nam y như đã hứa với Philippines thì cũng đừng lấy đó làm mừng vì:

“Trong quá khứ nhiều tàu cá Việt Nam đã bị Trung Quốc bắn (hoặc đâm chìm). Khi Trung Quốc đưa ra Luật Hải Cảnh coi như là chính thức hóa chuyện có thể đụng độ. Quan hệ Philippines-Trung Quốc là mối quan hệ tế nhị, Tổng thống Duterte có thái độ khó khăn với Mỹ nhưng mềm mỏng với Trung Quốc, hai bên lại có thỏa thuận khai thác cá chung quanh quần đảo Hoàng Nhan  (Scaborough)”

“Nhưng mọi lời nói có tính chất ngoại giao thì chỉ có giá trị nhất thời. Khi tình hình thay đổi hoặc khi có trường hợp ngoài dự tính thì có những chuyện không ngờ tới được. Trung Quốc nói gì thì nói chứ không có gì thực sự bảo đảm về lâu về dài hết”.

Theo nguồn từ Kyodo News, Nhật Bản không loại trừ khả năng cho sử dụng vũ khí tại vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku sau khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

2014-05-30T120000Z_348283023_GM1EA5U13JS01_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA.JPG
Hình minh hoạ. Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014. Reuters

Nhà báo Đỗ Thông Minh xác nhận tin được cục trưởng Cục Cảnh Sát Biển Nhật Bản loan báo ngày 18/2 vừa qua mà theo ông có thể khiến Việt Nam tự tin hơn trong việc đối phó với Hải Cảnh Trung Quốc:

Quần đảo này Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở phía Nam Okinawa cách bờ biển Phúc Kiến của Trung Quốc khoảng 300Km.  Đôi khi có tình trạng căng thẳng nhưng chưa bao giờ có đụng độ. Mới đây Nhật Bản thông báo Trung Quốc cho lệnh nổ súng thì ngược lại Nhật Bản cũng có quyền nổ súng”

“Chuyện Nhật và Việt Nam hỗ trợ nhau trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền thủ tướng thì ông đi Việt Nam liền và hứa hẹn giúp cho Việt Nam từ vấn đề Cảnh Sát Biển. Hiện tại tàu Cảnh Sát Biển của Nhật có lẽ Việt Nam dùng nhiều nhất.Thứ nhì là những ca nô của Mỹ nhưng nhỏ hơn, còn Nhật thì đưa cho Việt Nam tàu lớn hơn cả cũ và mới”. 

Việt Nam vẫn có thể khởi kiện Trung Quốc như Philippines trong tình thế cam go thường xuyên do Bắc Kinh tiếp tục gây ra trong hải phận Việt Nam, là lời nhà nghiên cứu Hoàng Việt: 

“Theo tôi cũng như một số các chuyên gia thì Việt Nam vẫn có thể sử dụng biện pháp hòa bình, đó là đưa vấn đề ra trước một Tòa Án Quốc Tế, cụ thể là Tòa Trọng Tài Quốc Tế như Philippines đã làm năm 2013 và được phán quyết năm 2016. Ngoài ra nếu Việt Nam đưa vấn đề  này ra Tòa thì để xem Tòa giải quyết là Hải Cảnh Trung Quốc có thẩm quyền trên khu vực biển của Việt Nam hay không”.

Chắc chắn Tòa Quốc Tế sẽ giải quyết như đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines, Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh. Giải quyết được tới đâu thì Việt Nam sẽ nương theo mối quan hệ đang tăng trưởng tới đó với Mỹ, Nhật, Australia vân vân để các nước này giúp đưa phán quyết của Tòa vào áp dụng thực tế. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.