Thực tế ngành ‘game’ và chơi ‘game’ trong mùa dịch tại Việt Nam
2020.03.19
Trong tình trạng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, nhiều tỉnh thành trong nước tiếp tục cho học sinh các cấp được nghỉ học do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều công ty và hãng xưởng cũng bắt đầu tiến hành cho nhân viên tạm nghỉ hoặc làm việc tại nhà để tránh lây lan dịch bệnh.
Anh Đạo, nhân viên phát triển hệ thống của một startup ở TP.HCM, cho biết:
“Hiện tại công ty của em có thông báo sẽ làm việc (tại nhà) từ bây giờ cho đến hết tháng 3, để cho mọi người hạn chế tiếp xúc nhau nhiều và hạn chế ảnh hưởng tới gia đình và người thân. Sau hết tháng 3 tùy theo nhà nước có chính sách như thế nào và công ty em sẽ áp dụng theo chính sách đó.”
Trong thời gian làm việc tại nhà, M. Đạo cho biết anh có chơi game online và để ý thấy được số lượng người truy cập chơi game cũng tăng hơn trước đây.
Số lượng truy cập chơi game tăng đáng kể
"Việc này cũng tự nhiên, trẻ em chơi nhiều hơn, bố mẹ cũng chơi nhiều hơn, thất nghiệp cũng chơi game nhiều hơn... vì ngoài chơi game ra, lượng người đọc sách hay học online khá ít.”-Anh N.N.T., quản lý của một startup game
Đạt, một nhà phát triển game tại Topebox, khi trả lời RFA qua Facebook cũng cho biết anh thấy số lượng người truy cập chơi game của công ty mình có tăng trong thời gian gần đây.
Khi trả lời email của RFA về thực trạng này, anh N.N.T., quản lý điều hảnh của một startup game Việt Nam cho ý kiến:
“Thực tế, số lượng người chơi game tăng khoảng 30%-50% ở Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh là có, doanh thu cũng tăng tương ứng. Việc này cũng tự nhiên, trẻ em chơi nhiều hơn, bố mẹ cũng chơi nhiều hơn, thất nghiệp cũng chơi game nhiều hơn... vì ngoài chơi game ra, lượng người đọc sách hay học online khá ít.”
Mới đây, theo thống kê từ trang App Annie, dịch vụ phân tích và dữ liệu thị trường ứng dụng, số liệu cho thấy trong 11 tuần đầu của năm 2019 và năm 2020, số lượng download ứng dụng game ở Việt Nam sau 2 tuần nghỉ Tết năm 2020 cao hơn trước Tết vào khoảng 40%; theo thường lệ, con số này sẽ giảm xuống đến gần mức của thời điểm trước Tết như số liệu năm 2019 cho thấy. Đây cũng là thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai ở Việt Nam.
Khi trả lời phỏng vấn với RFA, anh Tuấn, một quản lý vận hành tại một startup game khác, cũng cho biết về tình trạng này:
“Ở Việt Nam, số lượng người chơi có lên, nhất là giới trẻ hiện giờ vẫn tụ tập cà phê và chơi (game) nhóm với nhau nhiều lắm vì thời gian rảnh quá nhiều. Việc này (dịch bệnh) đối với giới trẻ không nghiêm trọng lắm. Thông thường số lượng người chơi game tác động bởi những mùa lễ, mùa hè, những ngày nghỉ học. Đợt này học sinh phải nghỉ dài hạn nên số lượng truy cập game cũng tăng cao.”
Cũng theo anh Tuấn, có nhiều loại game giải trí cho người chơi; không phải tất cả đều là game online trực tuyến, vì game offline cũng rất được ưa chuộng và phát triển trong ngành này.
Dù có nhiều công ty game đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong mùa dịch, nhưng theo anh N.N.T., hầu hết hoạt động của các công ty game đều tiến hành online, nên điều này không hề ảnh hưởng đến vận hành hằng ngày của công ty. Vì vậy, ngành game vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển tốt như trước khi bùng phát dịch mặc dù tiếp nhận số lượng người chơi tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Đạt, làm việc tại nhà trong thời gian bùng phát dịch thật sự không gặp khó khăn, trắc trở, vì công ty đã cung cấp đầy đủ công cụ trực tuyến để quản lý nhiệm vụ công việc hoặc những buổi họp với nhân viên.
Tác động của game tới học sinh nghỉ học dài hạn
Khi được hỏi về những tác động ngành game đối với học sinh đang được nghỉ dài hạn, trong mắt của một nhà làm game, anh Tuấn cũng nhận thấy mặt tiêu cực của việc chơi game quá đà, không tự chủ, có dấu hiệu nghiện có thể dẫn đến những hành vi bất thường, thái quá. Việc dành quá nhiều thời gian cho game cũng có thể làm giảm thời gian con em mình dành ra cho việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Còn theo anh N.M.D., quản lý mảng mobile game tại VNG, cho biết qua tin nhắn Facebook:
“Hằng ngày anh đều có giới hạn thời gian chơi game của con cho dù đi hay nghỉ học nên tác động cũng không thấy rõ, vì trong thời gian nghỉ này bé vẫn còn nhiều cái để chơi hơn là mobile game. Với lại anh có 2 bé nên chúng tự chơi với nhau, khác với những gia đình có 1 bé.”
Còn theo anh N.N.T., thời gian nghỉ dài hạn vì dịch bệnh chỉ là cái cớ để chơi nhiều hơn, vì anh không nghĩ vì dịch mà số lượng truy cập chơi game tăng. Tuy vậy, khi các hoạt động giải trí bên ngoại đang bị hạn chế, game đã trở thành hoạt động giải trí tốt nhất hiện tại.
Cùng quan điểm về tính chất giải trí của việc chơi game, anh Tuấn cho biết:
“Game cũng chỉ là một phương tiện giải trí thôi. Nếu mình dùng hợp lý và đúng lúc thì nó sẽ đạt hiệu quả. Con anh chơi những game dành cho trẻ em, như game giải đố toán học hay một số về ngôn ngữ. Nếu bé có thể vừa học vừa chơi thì sẽ không bị nhàm chán. Khi có giao tiếp trong game có thể giúp giải stress cho thời gian bị căng thẳng quá, rất hợp lý.”
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của anh N.N.T., khi phải nghỉ làm, nghỉ học ở nhà trong mùa dịch bệnh hiện nay, đó cũng là cơ hội để bố mẹ có thể dành thêm thời gian nhiều hơn để chơi, nói chuyện và tâm sự cùng con em mình. Nếu bố mẹ chỉ vủi đầu vào những việc khác như truy cập mạng xã hội, con cái từ đó sẽ chỉ tìm đến game để giải trí.