Điều trần về Việt Nam tại Uỷ hội nhân quyền Hạ viện Mỹ

Sáng thứ ba 15 tháng 5 tại toà nhà Cannon của Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ đã diễn ra buổi điều trần do Uỷ hội nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện tổ chức, với mục đích để Uỷ hội tham khảo ý kiến bộ ngoại giao Hoa Kỳ và một số nhân vật người gốc Việt hoạt động cho tự do nhân quyền ở Việt Nam.
Việt-Long, RFA
2012.05.15

RFA photo

Dân biểu Frank R.Wolf, đồng chủ tịch TLHRC


Sau đó Uỷ hội sẽ có những đề nghị đệ nạp Hạ viện và Thượng Viện Liên bang để có biện pháp bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo cho người Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hành pháp có hành động về vấn đề này.

Chủ  toạ buổi điều trần, cũng là đồng chủ tịch Uỷ Hội nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Liên bang Hoa Kỳ, dân biểu Frank Wolf, tuyên bố rằng những quyền lợi chung về an ninh và kinh tế đã khiến Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố nền bang giao trên nhiều lãnh vực, nhưng cùng lúc, chính quyền Việt Nam càng gia tăng đàn áp tôn giáo và nhân quyền ở trong nước.

Hà Nội dùng những luật lệ mơ hồ đề đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ và tôn giáo, đàn áp những luật gia bênh vực nhân quyền và những nhà báo công dân.

Uỷ hội mở cuộc điều trần hôm nay nhằm thu thập ý kiến từ nhữngviên chức, tổ chức có liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, tự do phát biểu ở Việt Nam, để trình bày với Quốc hội và tìm biện pháp sau này.

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael H. Posner
Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael H. Posner

Nhân chứng thuyết trình viên thứ nhất là Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Michael Posner.

Đàn áp tôn giáo, kiểm soát báo chí

Phụ tá Ngoại trưởng Posner tuyên bố nhân quyền tại Việt Nam đang bị suy thoái trầm trọng, gây quan ngại không ít cho chính phủ Hoa Kỳ. Ông đề cập đến những vấn đề gây khổ nhọc cho người dân Việt, gồm những hành động của Hà Nội như:

- Tiếp tục bắt giữ và giam nhốt nhiều người chỉ vì họ thực thi quyền tự do tôn giáo, tự do phát  biểu, như linh mục Nguyễn Văn Lý ,blogger Điếu cày Nguyễn Văn Hải, luật sư Lê Công Định. Bộ ngoại giao yêu cầu Việt Nam lập tức trả tự do cho những tu sĩ và nhà báo công dân đang gặp cảnh tương tự.

Tiếp tục hạn chế quyền tự do thông tin, tăng cường kiểm duyệt, ban hành những luật lệ quy định bó buộc nội dung các trang web và blog, khép chặt và kiểm soát các hoạt động internet,

- Sách nhiễu GHPGVNTN cũng như nhiều tín đồ Phật giáo Hoà hảo, Cao Đài không quy phục Giáo hội Nhà nước. Việc đăng ký của các giáo hội Tin Lành đã suy kém nhiều từ mấy năm nay. Nhà nước Việt Nam hứa đẩy mạnh việc đó, nhưng không làm; Nhà nước hứa cho dịch Kinh Thánh sang tiếng H’Mong, cũng không làm.

Phụ tá Ngoại trưởng Michael Posner cho biết bộ ngoại giao và toà đại sứ Mỹ tại Hà Nội thường xuyên nói chuyện và làm việc với chính quyền Hà Nội về những vấn đề này, có mở đối thoại về nhân quyền với Hà Nội .

Dân biểu chủ toạ hỏi kết quả cụ thể những việc làm đó, ông Posner cho biết bộ ngoại giao vẫn tiếp tục nêu những vấn đề ấy với Hà Nội, đã nói rõ với Hà Nội là Hoa Kỳ không thể hài lòng với tình trạng tự do nhân quyền như vậy.

Dân biểu Frank Wolf hỏi phụ tá ngoại trưởng Posner đánh giá tình trang nhân quyền ở Việt Nam ra sao, hạng A,B,C, hay D, ông Michael  Posner nói tình trạng đó phải đánh giá là KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC.

Dân biểu đồng Chủ tịch Uỷ Hội nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Liên bang Hoa Kỳ, chủ toạ buổi điều trần, hỏi nếu ông đề nghị toà đại sứ Mỹ tại Việt Nam mời một số người bất đồng chính kiến và thân nhân của những nhà dân chủ đang bị giam cầm đến một buổi tiếp tân tại toà Đại sứ nhân ngày lễ quốc khánh Hoa Kỳ  mùng 4 tháng 7 này, thì toà

Bà Ngô Mai Hương, vợ của TS Nguyễn Quốc Quân
Bà Ngô Mai Hương, vợ của TS Nguyễn Quốc Quân
đại sứ có làm được không. 

Ông Posner trả lời sẽ nói chuyện với đại sứ David Shear và toà đại sứ sẽ làm được việc đó.

Việt kiều bị gán tội khủng bố

Phần điều trần tiếp theo là của bà Nguyễn Mai Hương,vợ tiến sĩ Nguyễn quốc Quân, người vừa bị bắt giam hôm 17 tháng tư khi trở về Việt Nam.

Bà cho biết ông Quân nói với bà là phải về Việt Nam để tìm hiểu và chia sẻ hoàn cảnh của những người bị giam nhốt vì thực hiện quyền tự do bày tỏ  ý kiến, nhưng đã bị bắt ngay khi xuống phi trường.

Ông gọi cho bà lần cuối là từ phi trường ngày hôm ấy, sau đó ông bị giam nhốt, bị gán tội khủng bố. Laptop của ông bị nói là chứa tài liệu phản động, nhưng thực ra trong đó chỉ là những bài vở giảng dạy của ông về vấn đề lãnh đạo.

Bà cho biết toà lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn đã giúp đỡ rất tích cực trong việc tiếp xúc với ông Quân, nhưng khi bà gởi nhờ đưa quần áo cho ông thay đổi thì nhân viên toà lãnh sự được trả lời là phải chờ kỳ thăm hàng tháng sắp tới vào cuối tháng 5 này.

Dân biểu Frank Wolf hỏi bà Mai Hương có ai ở bộ ngoại giao tiếp xúc với bà ở Mỹ không, bà trả lời không.  Dân biểu Wolf quay sang hỏi Phụ tá Ngoại trưởng Posner, ông Posner nói bộ ngoại giao sẽ tiếp xúc với bà Mai Hương ngay chiều nay.

Bà Mai Hương thình cầu hành pháp và lập pháp Mỹ cũng can thiệp cho những trường hợp như của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, luât gia Cù Huy Hà Vũ, cùng những trường hợp tương tự.

Đàn áp bằng bạo lực

Nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo Võ Văn Ái, người sáng lập và là Giám đốc cơ sở Quê Mẹ, tổ chức hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam, trình bày trước Uỷ hội về tình trạng đàn áp nhân quyền, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Ông nói GHPGVNTN bị cấm đoán tuyệt đối, Đại lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ bị quản chế ngặt nghèo vô thời hạn dù Ngài chỉ hoạt động ôn hoà cho quyền tự do tôn giáo.

Linh mục Nguyễn Văn Lý bị đưa vào trại giam trở lại. 177 tù nhân chính trị đang bị tù tội, Việt Nam luôn luôn nói với quốc tế là không có tù chính trị, nhưng tại trại tù Xuân Lộc tù nhân chính trị mặc áo tù có hai chữ C.T., tức là chính trị, để phân biệt với thường phạm.

Nhiều người hoạt động chính trị ôn hoà bị án nặng nề, trong đó phải kể tới doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức , luật sư Cù Huy Hà Vũ, các blogger của Công giáo bị ghép tội lật đổ, 16 tín đồ Hoà Hảo, các ông Đỗ Văn Thái, Nguyễn Hữu Cầu, ông Nguyễn Hữu Cầu đã viết 500 lá thư nói là ông vô  tội, nhưng không hề có trả lời, hiện đang rất suy yếu, mắt đã gần mù. Tù nhân ở Việt Nam phải bỏ tiền túi mua thực phẩm cho đủ sống.

Ông Võ Văn Ái cũng đề cập tới những vụ cưỡng chế đất đai, đuổi nhà đuổi đất  ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản.

Chính quyền đã sử dụng bạo lực tối đa. Việt Nam dùng những cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ để che đạy hay tìm thêm thời gian cho việc đàn áp nhân quyền. Ông đề nghị Quốc hội Mỹ đồng tình đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

LS Đỗ Phủ và ông Võ Văn Ái
LS Đỗ Phủ và ông Võ Văn Ái

Luật sư Đỗ Phủ của cơ sở truyền thông SBTN ở Hoa Kỳ điều trần về vấn đề chính quyền Hà Nội đàn áp giới truyền thông độc lập trong nước, cả những  hoạt  động trên những mạng giao tế xã hội như facebook, tweeter cũng bị cấm đoán.

Chính quyền kiểm soát chặt chẽ trên 550 tờ báo ngày và tạp chí, được coi la báo chí lề phải, trong khi đàn áp các blogger và các nhà báo công dân.

Ông nhắc đến chiến dịch 150 ngàn chữ ký nạp lên toà Bạch Ốc để đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam.

Ông kể trường hợp của nhạc sĩ Việt Khang đã bị bắt giam chỉ vì sáng tác nhạc kêu gọi lực lượng công an thể hiện lòng nhân ái với đồng bào Việt Nam của họ. Hà Nội còn kiểm soát mọi liên lạc internet, kể cả liên lạc điện thoại, buộc người sử dụng phải tiết lộ căn cước khi mua thẻ sim và chỉ được dùng một số thẻ nhất định.

Luật sư Đỗ Phủ cũng yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ nói chuyện với Việt Nam để huỷ bỏ luật lệ Việt Nam buộc những công dân Hoa Kỳ   phải làm nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi về nước,  hay cả ở ngoại quốc, ví dụ như làm nghĩa vụ quân sự, vì Hà Nội vẫn đương nhiên coi người Việt hải ngoại như vẫn là công dân Việt Nam.

Ông Đỗ Phủ cho rằng công khai hoá vấn đề nhân quyền tại Việt Nam như Tổng thống Obama nhắc đến ông Điếu Cày trong ngày báo chí thế giới vừa qua là điều rất tốt.

Tuy nhiên LS Đỗ Phủ cũng cho rằng hành pháp Hoa Kỳ cả hai nhiệm kỳ vừa qua đều không đủ mạnh mẽ khi bảo vệ cho tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Ông ca ngợi việc toà đại sứ sẽ mời những thân nhân và những người tranh đấu ở Việt Nam đến vào dịp 4 tháng 7 này.

2 triệu chữ ký, điện thoại

Dân biểu Frank Wolf hỏi bà Mai Hương có muốn đi thăm chồng, và SBTN/TV có sẵn sàng làm phóng sự về buổi tiếp tân tại toà đại sứ Mỹ ở Hà Nội với gia đình những người tranh đấu đang bị giam nhốt hay không, Bà Mai Hương và ông Đỗ Phủ đều trả lời đó là điều mong muốn của họ.

Dân biểu Frank Wolf nói ông sẽ tìm cách để nhân viên toà đại sứ đón bà Mai Hương ở phi trường và lo cho việc bà được thăm chồng, là Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân.

Vị dân biểu cũng nói với luật sư Đỗ Phủ, ông sẽ can thiệp để SBTN tường trình truyền hình cuộc tiếp tân tại toà đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào ngày quốc khánh Hoa Kỳ mùng 4 tháng 7 sắp tới.

Dân biểu Wolf cũng nói với LS Đỗ Phủ là ông sẽ nói chuyện với công ty Google để công ty này trao đổi với ông Đỗ Phủ về công việc của  Google tại Việt Nam.

TS Robert George, Uỷ viên USCIRF
TS Robert George, Uỷ viên USCIRS

Tiến sĩ Robert George, Uỷ viên của Uỷ hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo toàn thế giới, điều trần sau cùng. Ông mạnh mẽ lên án tình trạng xâm phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, mạnh mẽ đề nghị Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, là điều có lợi cho cả chính quyền lẫn người dân Việt Nam.

Ông nói khi Việt Nam ở danh sách này từ năm 2004 đến 2006, Việt Nam đã tỏ ra tiến bộ nhiều về tự do tôn giáo, nhưng vừa ra khỏi danh sách là lại vi phạm tiếp tục.

Dân biểu Frank Wolf hỏi LS Đỗ Phủ hiện có bao nhiêu người Việt ở Hoa Kỳ. Được trả lời là 2 triệu người, dân biểu Wolf hỏi liệu có quy tụ đủ 2 triệu chữ ký, 2 triệu cú điện thoại cho nghị sĩ, dân biểu Quốc hội để yêu cầu đưa Việt Nam vào danh sách CPC hay không,  LS Đỗ Phủ nói có thể được, và sẽ cố gắng thực hiện.

Quan điểm của USCIRF

Sau buổi điều trần, chúng tôi phỏng vấn tiến sĩ Scott Flipse,Uỷ viên Uỷ hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trên thế giới.

Mời quý vị nghe trong phần âm thanh, và đón xem toàn bộ phóng sự truyền hình rút gọn buổi điều trần về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Uỷ ban nhân quyền hạ viện Hoa Kỳ.

TS Scott Flipse, Uỷ viên USCIRS- Ảnh RFA
TS Scott Flipse, Uỷ viên USCIRS- Ảnh RFA

 



Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.