Sửa luật thu phí rác sinh hoạt theo kilogram có giúp giảm thiểu ô nhiễm?

RFA
2020.06.12
000_Hkg8296650 Ảnh minh họa. Một công nhân môi trường thu gom rác và các vật phẩm tái chế dọc theo kênh Tô Lịch, ở Hà Nội. Hình chụp ngày 18/2/13.
AFP

Sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo kg

Trong thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường cho biết Việt Nam hiện có đến 40% rác sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng để sử dụng loại tài nguyên này, phải đồng bộ từ phân loại rác từ đầu nguồn (hộ dân) và công nghệ xử lý rác không chôn lấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà nói thêm rằng tại Việt Nam, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ trả cả chi phí này.

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, Việt Nam sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như lâu nay. Kinh phí thu gom và xử lý rác sinh hoạt, sẽ được thu thông qua việc bán bao bì chứa chất thải, và phải bảo đảm ít nhất 20% chi phí cho công tác này.

Đài RFA ghi nhận qua các trang fanpage của báo giới chính thống, rất điều độc giả bày tỏ sự hoang mang lẫn thắc mắc về quy định mới thu phí rác thải sinh hoạt theo kg trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Không ít người lên tiếng rằng “Cái gì cũng thu mà môi trường ngày càng ô nhiễm!”.

Năm rồi đã thấy thông báo là năm nay sẽ thu tiền rác 60 ngàn đồng/tháng. Từ 30 ngàn lên 45 ngàn rồi lên 60 ngàn thì mình cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là điện, nước, gas…những mặt hàng thiết yếu sẽ tăng. Bây giờ họ đưa vô tiền rác nữa. Trong thuế môi trường, nước cũng vậy: hồi xưa có 10% và sau này cộng thêm 5% phí bảo vệ môi trường nữa, thành ra tổng cộng là 15%. Bây giờ có rất nhiều hình thức họ muốn tận dụng để thu tiền
-Chị Thuận

Ngay sau khi nhe được thông tin vừa nêu, chị Thuận ở Long An lên tiếng với RFA rằng chị và người dân trong xóm nơi chi cư ngụ sẽ không ngạc nhiên khi các loại thuế phí tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, thông tin phí rác thải sinh hoạt thu theo kg phần nào đó khiến cho chị và bà con xung quanh suy luận đó là một cách tận thu. Chị Thuận chia sẻ:

“Năm rồi đã thấy thông báo là năm nay sẽ thu tiền rác 60 ngàn đồng/tháng. Từ 30 ngàn lên 45 ngàn rồi lên 60 ngàn thì mình cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là điện, nước, gas…những mặt hàng thiết yếu sẽ tăng. Bây giờ họ đưa vô tiền rác nữa. Trong thuế môi trường, nước cũng vậy: hồi xưa có 10% và sau này cộng thêm 5% phí bảo vệ môi trường nữa, thành ra tổng cộng là 15%. Bây giờ có rất nhiều hình thức họ muốn tận dụng để thu tiền.”

Học theo mô hình của Nhật Bản?

Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 12/6, đăng tải một bài viết của bạn đọc Nguyễn Quốc Vương. Bài viết có nhan đề “Thu phí rác sinh hoạt theo kilogram, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối?”. Tác giả Nguyễn Quốc Vương trong bài viết cho biết rằng đã rất ngạc nhiên khi thấy thành phố rất sạch sẽ, ít rác trong thời gian sống ở Nhật. Qua tìm hiểu, tác giả nhận thấy để hạn chế rác thải ở xứ Mặt Trời Mọc, các cơ quan chức năng của Nhật cần đến nhiều biện pháp đồng bộ như hệ thống xử lý, thói quen sinh hoạt sạch sẽ, lành mạnh, tiết kiệm, chính sách thuế môi trường hợp lý...Nguyễn Quốc Vương cho biết thêm hiện một số địa phương ở Nhật đã thực hiện tính phí đổ rác theo kg, chẳng hạn như Kyoto. Và, việc tính phí có tác dụng làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.

Đài RFA liên lạc với chị Hương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nói về vấn đề rác thải sinh hoạt ở Nhật, chị Hương cho biết:

“Bên này muốn vứt rác thì mỗi thành phố có một loại túi rác riêng. Mình phải mua loại túi rác đó, phải nhét rác vào đó rồi mới được đi vứt. Mình không được để vào túi rác bình thường. Rác đốt được và rác không đốt được. Còn những rác nào mà tái chế được thì mình phải mang thẳng đến khu phân loại. Khu đấy để tái chế rác thì mình phải rửa sạch sẽ và mình mang đến để đấy.”

Chị Hương cho biết trong một tuần vứt rác 2 lần và trung bình một tháng chị tốn khoảng 150 Yên Nhật, (tương đương khỏang 30 ngàn VND) để mua 10 túi rác sử dụng. Ngoài số tiền mua túi rác thì tại thành phố nơi chị cư ngụ không phải đóng phí rác thải sinh hoạt. Bởi vì chi phí rác thải đã bao gồm trong tiền đóng thuế thị dân của thành phố cho phúc lợi xã hội, đường xá, cầu cống, môi trường…

Qua chia sẻ của chị Thuận ở Long An mỗi tháng trả phí rác thải là 60 ngàn đồng. Và chị Hương ở Nhật, tiêu tốn 30 ngàn đồng cho việc vứt rác. Trong khi thu nhập bình quân theo đầu người tại Việt Nam trong năm 2018 vào khoảng 58,5 triệu đồng (tương đương hơn 2.500 USD) và ở Nhật là khoảng xấp xỉ 4,4 triệu yên (tương đương hơn 40.500 USD), theo số liệu công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nếu một phép tính so sánh đơn giản được đưa ra thì có vẻ như người dân Nhật thu nhập cao gấp 16 lần thu nhập của người Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình ở Nhật chi cho rác thải hàng tháng bằng một nửa ở Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Biểu tỉnh phản đối công ty Formosa đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung ở Hà Nội hôm 1/5/2016.
Ảnh minh hoạ. Biểu tỉnh phản đối công ty Formosa đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung ở Hà Nội hôm 1/5/2016.
AFP
Hiệu quả hay không?

Tác giả Nguyễn Quốc Vương của bài báo đăng trên Vietnamnet, hôm 12/6, lại cho rằng ở Việt Nam không thể thực hiện thu phí rác thải theo kg giống Nhật với lập luận tại Việt Nam, ai sẽ giám sát chuyện cân đo, ai sẽ giám sát phân loại, cũng như có tính đến phương án vì dân không muốn mất tiền nên sẽ vứt rác lung tung thay vì đổ tử tế không?

Tác giả Nguyễn Quốc Vương còn đưa ra hai nguyên nhân để xác định rằng việc thu phí rác thải theo kg nhằm mục đích nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân tại Việt Nam là không được hiệu quả. Nguyên nhân thứ nhất, nếu không nghiên cứu kỹ thì chỉ làm phần bề ngoài mà phần kỹ thuật phía sau không hề học được. Thứ hai nữa là dùng tiểu xảo du nhập kỹ thuật nước ngoài nhưng lái đi để trục lợi (chẳng hạn như tham nhũng chính sách), tạo điều kiện hoặc kẽ hở cho người thực thi trục lợi, móc túi dân.

Cô Cao Vĩnh Thịnh, thuộc nhóm Green Tree, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động bảo vệ môi trường và cây xanh, vào tối ngày 12/6 cho RFA biết cô đồng quan điểm việc thu phí rác thải theo kg có thể sẽ dẫn đến những hậu quả như tạo điều kiện cho cán bộ và cơ quan quản lý trục lợi, tham nhũng. Cao Vĩnh Thịnh khẳng định:

“Việt Nam không phải nhìn các nước xa xôi mà chỉ cần nhìn ngay sang nước bạn láng giềng Trung Quốc. Trung Quốc đã có phần mềm công nghệ để phân loại rác thải tại nguồn. Và khi có một hệ thống phân loại rác thải tại nguồn và họ sử dụng các công nghệ AI để có thể phân biệt đâu là rác thải nguy hại, rác thải rắn, rác thải phân hủy, tái sử dụng…Các cá nhân người dân sống trong cộng đồng đấy bị ràng buộc với một chế tài cụ thể, ví dụ như vất rác sai quy cách, sai vị trí thì họ sẽ bị phạt. Đó mới là chế tài được người dân công nhận và hưởng ứng.”

Đại diện của nhóm Green Tree lưu ý rằng bao nhiêu năm qua Việt Nam vẫn mãi lay hoay mà vẫn chưa làm được tốt việc phân loại rác thải và xử lý rác thải một cách hiệu quả. Và điều trớ trêu là trách nhiệm đó thuộc các cơ quan quản lý nhà nước thì lại đổ thừa cho nhận thức của người dân trong vấn đề rác thải sinh hoạt.

Thực tiễn thế nào?

Bà Thanh Nguyễn, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xử lý rác thải, cho RFA biết chương trình thực hiện phân loại rác thải đã được Nhà nước thực hiện hơn 1 năm qua. Công ty của bà Thanh Nguyễn cùng hỗ trợ cho chương trình ở một số địa phương và người dân hưởng ứng rất tích cực. Thế nhưng, bà Thanh Nguyễn nhận định chương trình này không đạt kết quả, bởi do mỗi khi xe thu gom rác xuất hiện thì nhân viên vệ sinh lại đổ dồn vào chung với nhau nên người dân rất nản lòng. Bà Thanh Nguyễn nhìn nhận tình trạng thực tế về xử lý rác thải ở Việt Nam vẫn gặp trở ngại nghiêm trọng:

“Trở ngại lớn nhất trong việc xử lý rác là Việt Nam chưa có những bãi xử lý rác thực sự đúng như bãi xử lý rác đúng nghĩa. Tức là ví dụ như các bãi rác ở khắp tỉnh/thành có những bãi chôn lấp rác nhưng lại không có bãi để xử lý rác triệt để. Xử lý rác triệt để để rác không còn tồn đọng trong môi trường nữa. Tại Việt Nam chưa có bãi xử lý rác cuối cùng nào triệt để và hiệu quả, cho nên lượng rác tồn đọng còn rất là nhiều.”

Tôi nghĩ rằng chính Bộ Tài nguyên-Môi trường đã tiếp tay cho việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Nói một cách đơn giản là vấn đề ô nhiễm Formosa là một vấn đề rất lớn tại Việt Nam thì mười mươi người dân biết Formosa đang có những hành vi xả thải rất nguy hại, nhất là chất xỉ thải mà vừa rồi đã có tổ chức những hội thảo, bảo rằng xỉ thải rất nguy hiểm, không được san lấp. Thế mà, Bộ tài nguyên-Môi trường trả lời rằng chất xỉ thải của nhiệt điện hay từ nhà máy Formosa sẽ không gây nguy hại môi trường. Rõ ràng là họ rất trắng trợn
-Phạm Minh Vũ

Cả cô Cao Vĩnh Thịnh và bà giám đốc Thanh Nguyễn có cùng kết luận rằng nếu như Việt Nam không có cơ chế và hệ thống thay đổi để giải quyết vấn đề phân loại rác trong xã hội và xử lý rác thải hiệu quả triệt để thì mọi biện pháp chế tài đưa ra cũng không thể đạt được kết quả tốt như mong muốn.

Facebooker Phạm Minh Vũ còn lên tiếng với RFA rằng không những bất khả thi mà người dân ta thán về sự quản lý vô trách nhiệm của giới quan chức lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Anh Phạm Minh Vũ dẫn chứng rằng người dân bị đùn đẩy trách nhiệm không nhận thức về bảo vệ môi trường trong khi anh tận mắt nhìn thấy một số cán bộ trong ngành môi trường xả rác nơi công cộng, hay thậm chí là công khai bảo vệ cho những tác nhân làm ô nhiễm môi trường.

Tôi nghĩ rằng chính Bộ Tài nguyên-Môi trường đã tiếp tay cho việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Nói một cách đơn giản là vấn đề ô nhiễm Formosa là một vấn đề rất lớn tại Việt Nam thì mười mươi người dân biết Formosa đang có những hành vi xả thải rất nguy hại, nhất là chất xỉ thải mà vừa rồi đã có tổ chức những hội thảo, bảo rằng xỉ thải rất nguy hiểm, không được san lấp. Thế mà, Bộ tài nguyên-Môi trường trả lời rằng chất xỉ thải của nhiệt điện hay từ nhà máy Formosa sẽ không gây nguy hại môi trường. Rõ ràng là họ rất trắng trợn.”

Tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rằng bộ máy đông nhưng không ai chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm môi trường. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định cần sửa luật để có người bị kỷ luật, bị xử lý hành chính cao hơn về trách nhiệm trong vấn đề này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.