Việt Nam lo ngại về nhà hàng lẩu của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm
Một tờ báo của Hồng Kông cho hay Trung Quốc vừa mở một nhà hàng lẩu lớn trên đảo Phú Lâm - một đảo chính mà nước này kiểm soát ở Biển Đông. Động thái củng cố yêu sách chủ quyền mới nhất của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển mà nước này cưỡng chiếm của Việt Nam cách đây gần 50 năm đã khiến Hà Nội lo ngại.
Thờ South China Morning Post cho biết nhà hàng lẩu mà Trung Quốc vừa khai trương có tên Kuanzhai Xiangzi (tạm dịch là Ngõ lớn, ngõ nhỏ) trên đảo Phú Lâm, thực thể đất tự nhiên lớn nhất mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Nguyên liệu của món lẩu nổi tiếng này thường là thịt, hải sản và rau. Những nguyên liệu này thường được nhóm thực khách nhúng vào nồi nước dùng đang đun sôi trước khi ăn.
Việc mở cửa nhà hàng có sức chứa 120 người “đánh dấu cú đẩy mềm (soft push)” mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của họ trên vùng biển nhộn nhịp và có tầm quan trọng chiến lược [Biển Đông] - nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích dựa theo cái mà họ gọi là ‘đường chín đoạn’ lịch sử”- tờ nhật báo tiếng Anh viết. Tờ này cũng nói thêm rằng việc quân sự hóa các đảo là “cú đẩy mạnh (hard push)” của Trung Quốc.
Đảo Phú Lâm, một trong số các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa, có vai trò như trụ sở chính của thành phố Tam Sa vốn được Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý tất cả các đảo mà nước này có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông và các vùng biển xung quanh các đảo này.
Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, hay còn gọi là Tây Sa trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chiếm đóng hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974 sau khi lực lượng hải quân nước này chiến thắng Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng cướp đi sinh mạng của hơn 50 thủy thủ Việt Nam Cộng hòa.
Trung Quốc cũng chiếm đóng một số đảo ở Quần đảo Trường Sa (hay còn gọi là Nam Sa trong tiếng trung Quốc) – nơi một số quốc gia láng giềng khác như Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền.
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” – Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của bộ này ngày 17/5/2023.
“Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình” – bà Hằng cho biết.
Tờ South China Morning Post đã dẫn lời Wang Panpan, một quản lý doanh nghiệp ở thành phố Tam Sa trong một trả lời phỏng vấn Truyền hình Hải Nam (truyền hình địa phương), cho rằng nhà hàng này sẽ “làm phong phú thêm đời sống văn hóa và vật chất của quân nhân, cảnh sát và người dân trên đảo”.
Tờ nhật báo cũng cho hay số thường dân trên đảo Phú Lâm đã tăng từ 1.000 người vào năm 2012 khi thành phố Tam Sa thành lập, lên tới 2.300 người vào năm 2020.
Trung Quốc cũng đã và đang có các hoạt động nâng cấp lớn trên đảo như: đưa vào hoạt động sân bay quân-dân sự trong năm 2014, mở trường tiểu học và mẫu giáo năm 2015 và đã xây dựng tòa án, rạp chiếu phim, ngân hàng, bệnh viện, bưu điện và sân vận động kể từ đó – tờ báo cho biết.
Tháng 1 năm nay, Đài Á Châu Tự do đã đưa tin các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có một cơ sở phòng không trên đảo Phú Lâm với các silo chứa tên lửa đất đối không thường trực.