Nữ thuyền nhân Việt tại Úc trước khả năng bị trả về VN

RFA
2018.10.02
AP_2290737589 Ảnh chụp vào ngày 14 tháng 4 năm 2013 cho thấy một chiếc thuyền đánh cá chở những người tị nạn Việt Nam gần Christmas Island của Úc.
AP

Truyền thông quốc tế ngày 1/10/2018 đồng loạt đưa tin một phụ nữ Việt ở Úc đang phải ra tòa đối mặt với lệnh trục xuất của chính phủ nước này nhằm buộc cô phải trở về Việt Nam. Người phụ nữ 29 tuổi có tên Huyen Tran vượt biên bằng thuyền đến Úc năm 2011 với lý do như cô nói là khi còn ở Việt Nam bản thân bị truy bức, thậm chí đánh đập vì theo đạo Thiên Chúa .

Vì sao vượt biên?

Sự việc được phơi bày trên các trang báo quốc tế dấy lên mối quan tâm về lý do tại sao người Việt sang đến thế kỷ 21 vẫn tìm cách vượt biên đến Úc. Bà Trần Thị Thanh Loan, một phụ nữ ở Bình Thuận đã hai lần vượt biên đến Úc, cho biết nguyên nhân chuyến vượt biên lần đầu vào tháng 7/2015.

Tôi có một lô đất của mẹ cho. Nó tới cưỡng chế lấy hết đá, gạch, cưỡng chế không còn một cái gì hết. Với lại làm ăn ra biển thì bị tàu Trung Quốc cướp bóc mà về thì mình lại không có tiếng nói. Tôi thấy vậy nên lấy ghe của nhà đưa cả gia đình bỏ trốn. Đi tới địa phận Úc thì bị Úc trả về.

Chính phủ Úc trước đây từng cảm ơn chính phủ Việt Nam vì đã nhận lại những ‘thuyền nhân’ này với cam kết của phía Hà Nội rằng sẽ không bắt bớ tù đày, không ngược đãi mà tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng trong tổng sống hằng trăm người vượt biên bị Úc trao trả về cho phía Việt Nam, nhiều trường hợp đã bị truy tố và phải đi tù. Bà Trần Thị Thanh Loan, một trong số những người bị chính quyền Việt Nam kết án tù theo điều 275 với tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép,” đã phải liều mình vượt biên thêm một lần nữa.

Nó tới cưỡng chế lấy hết đá, gạch, cưỡng chế không còn một cái gì hết. Với lại làm ăn ra biển thì bị tàu Trung Quốc cướp bóc mà về thì mình lại không có tiếng nói.
-Bà Trần Thị Thanh Loan

Tôi vừa xuống máy bay thì họ đã bắt tôi và kêu án tôi 3 năm tù giam, chồng tôi 2 năm. Cộng sản họ rất tàn ác. Giống như chồng em bị bắt vô dã man, phân biệt so với những tù nhân khác, họ đối xử tồi tệ lắm. Mình sống trên quê hương mình bị phân biệt. Con em mình tới trường bị rêu rao, rất khó học, làm áp lực cho trẻ con nữa.

Chuyến vượt biển lần hai của gia đình chị Loan và hai hộ khác với đích đến là Úc nhưng phải dừng lại khi ghe của họ bị chết máy tại hải phận Indonesia vào tháng 2/2017. Hiện 18 người trong nhóm đã được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn và đang được tạm cư ở trại tị nạn Semanreng, Indonesia.

Đối mặt với lệnh trục xuất

Trở lại trường hợp của cô Huyen Tran, cô viết trên mạng xã hội vào tháng 11/2017 đã kết hôn với Paul Lee, một người Hoa tại Úc có visa làm việc, nhưng cô bị bắt vào trại giam Broadmeadows chỉ 3 tháng sau khi đang mang thai.

Trong ngày diễn ra phiên xử cô Huyen Tran, nhiều cá nhân và chính trị gia Úc đã tập trung biểu tình ở bên ngoài tòa án ủng hộ gia đình cô Huyen Tran và anh Paul Lee, cũng như chống lại lệnh trục xuất của chính phủ Úc.

Trả lời câu hỏi về các điều luật về tìm kiếm tị nạn tại Úc, ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch Nội vụ Cộng đồng người Việt tự do tại Victoria – Úc Châu cho biết những ‘thuyền nhân’ đã đến Úc trước năm 2013 thì đã được chính phủ đưa về trong nước Úc và được cấp tạm trú sau khi bị tạm giam ở những trại ngoài đảo. Ông cho biết tuy có nhiều người bị từ chối diện tị nạn, nhưng họ vẫn chưa bị trục xuất trở lại Việt Nam. Tuy vậy, ông Phong nhấn mạnh những người trong diện tạm trú nếu vi phạm bất cứ tội hình sự nào thì sẽ bị trục xuất.

Các quan chức Hải quan Úc lục soát những người xin tị nạn Việt Nam và đồ đạc của họ ngay khi họ đến đảo Christmas, Úc vào ngày 14 tháng 4 năm 2013.
Các quan chức Hải quan Úc lục soát những người xin tị nạn Việt Nam và đồ đạc của họ ngay khi họ đến đảo Christmas, Úc vào ngày 14 tháng 4 năm 2013.
AP

Với lý do đó, ông Phong bày tỏ những thắc mắc về trường hợp của cô Huyen Tran.

Trong số những người vượt biên khoảng năm 2011 thì có rất nhiều người giống như cô này, hiện giờ đang được cộng đồng lo về vấn đề giấy tờ nộp đơn tị nạn, ra tòa, kháng cáo… thì họ vẫn được ở trong cộng đồng, vẫn đi làm… nhưng có một số người vi phạm tội hình sự nên bị bắt giam và bị trục xuất. Theo luật chúng tôi được biết thì chỉ có phạm tội hình sự ví dụ như trồng cỏ (thuốc phiện) hoặc những tội lớn như vậy thì mới bị trục xuất mà thôi.

Dù bị từ chối vẫn vượt biên

Mới hôm 27/8 vừa qua, một chiếc tàu đánh cá chở 15 người Việt Nam xin ti nạn vừa trôi dạt đến vùng Queensland, Đông Bắc Úc đã bị chính phủ nước này chặn và đưa đến tại tạm giam Christmas Island để chờ xử theo luật.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) nhận định về chính sách trao trả ‘thuyền nhân’ của Úc hiện nay.

Chúng tôi khá quan ngại về việc chính phủ Úc đang thất bại trong nhiệm vụ quyết định các tiêu chuẩn cho người tị nạn. Đã có nhiều trường hợp ví dụ như có những người bị chặn lại trên tàu của hải quan Úc, và chính quyền Úc quyết định ngay là họ không có đủ tiêu chuẩn tìm kiếm tị nạn và gửi họ lập tức về Việt Nam. Không có sự minh bạch nào ở các thủ tục hay các câu hỏi được đặt ra. Chúng tôi nhận ra rõ ràng là chính phủ Úc có thành kiến với những người tị nạn bằng thuyền.

Một điều chúng tôi không chấp nhận là nước Úc này không cho họ có cơ hội để chứng minh họ là người tị nạn.
-Ông Nguyễn Thế Phong

Ông Nguyễn Thế Phong cũng bày tỏ sự bất bình trước chính sách của đất nước nơi ông định cư.

Một điều chúng tôi không chấp nhận là nước Úc này không cho họ có cơ hội để chứng minh họ là người tị nạn. Hiện nay chính phủ Úc có chính sách đuổi thẳng và đồng ý với nhà nước cộng sản Việt Nam bằng chính sách thỏa thuận, có nghĩa là bên này đưa về thì bên kia nhận ngay.

Thực tế cho thấy đến nay vẫn còn có những người trong nước phải trốn chạy trước biện pháp trấn áp mạnh tay của cơ quan chức năng Việt Nam. Mà tình hình từ sau đại hội đảng lần thứ 12 đến nay mỗi lúc một khốc liêt hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.