Lao động Việt ở Congo - đi ba tháng cõng 200 triệu tiền nợ!
Anh Lê Quang Vinh, quê ở Hải Dương, sang tận Congo làm việc với hy vọng kiếm tiền gởi về chăm lo cuộc sống gia đình ở quê nhà. Thế nhưng, sau ba tháng kể từ ngày đặt chân tới Châu Phi, anh Quang Vinh không những không kiếm được đồng nào, mà còn cõng thêm số nợ lên đến gần 200 triệu đồng.
Lao động không ký hợp đồng
Anh Vinh chia sẻ, vì quê nghèo không có việc làm, anh chọn sang Congo làm việc bởi chi phí rẻ, thủ tục nhanh chóng mà chủ tuyển dụng ở nước ngoài cũng không đòi hỏi quá nhiều điều kiện gắt gao.
Hồi tháng 7 năm nay, một môi giới người Việt từng đi làm ở Congo giới thiệu cho anh Vinh về công việc lái xe xúc trong các mỏ khai thác đồng ở đất nước châu Phi này. Chi phí để sang Congo làm việc mất tất cả 2.800 đô-la Mỹ, nhưng ban đầu chỉ cần đóng trước 1.000 đô-la ở Việt Nam. Số còn lại chủ lao động sẽ trừ dần vào tiền lương mỗi tháng khi làm việc.
Theo lời quảng cáo, tiền lương được hứa hẹn là 1300 đô-la Mỹ/tháng cho năm đầu, những năm sau có thể lên đến hơn 1.500 đô-la:
“Ở Việt Nam tôi không có ký hợp đồng với công ty nào cả. Sang bên này cũng không ký với công ty nào hết. Môi giới người Trung Quốc đón ở sân bay xong chở bọn tôi vào mỏ. Ở bên này gần như không công ty nào ký hợp đồng cả.”
Ngày 19/7/2022, anh Vinh đặt chân xuống sân bay ở Kinshasa, thủ đô Congo. Đón anh Vinh cùng những người Việt Nam đi cùng chuyến bay là một môi giới khác người Trung Quốc. Ông này thu passport của mọi người rồi chở đến một mỏ khai thác quặng đồng.
Doanh nghiệp khai thác trả cho môi giới người Trung Quốc 4.800 đô-la Mỹ cho mỗi người lao động được nhận vào làm việc.
Tuy nhiên, sau khi được nhận, ở trong mỏ suốt hơn hai tháng mà anh Vinh không có việc để làm, cũng không được nhận lương.
“Khi vừa sang thì có một người Trung Quốc ở bên đây, người ta đưa mình vào mỏ lái xe. Nhưng mà người ta đủ tài rồi, họ giam chúng tôi gần ba tháng không chuyển cho đi công ty khác, mà cứ cho ở đó ăn không, không có lương.”
Đến tháng đầu tháng 10, môi giới người Trung Quốc bị bắt và trục xuất vì tội buôn người. Lúc này, doanh nghiệp không nhận những người lao động do môi giới Trung Quốc giới thiệu nữa. Tất cả được chở đến một nhà nghỉ ở Kinshasa và bị chủ nhà nghỉ giam lỏng ở đó.
Anh Đinh Văn Sỹ, một người sang Congo từ ngày 7/7, cũng bị mắc kẹt do không có công việc làm, cho biết từ bên Việt Nam cho đến khi bị giam lỏng ở nhà nghỉ, ông không ký bất kỳ hợp đồng lao động nào. Tất cả mọi người sang Congo làm việc đều đi theo diện visa du lịch, sau đó gia hạn mỗi tháng:
“Bạn bè giới thiệu là qua đây không cần giấy tờ gì hết. Mình thì nghĩ đơn giản nhưng hóa ra là cái đất nước này nó không phát triển. Mình đóng 1000 đô rồi ra Hà Nội test COVID, tiêm chủng rồi lên máy bay thôi chứ không nghĩ gì. Qua đây chuyện vỡ ra rồi mới biết hậu quả.”
Ba tháng đi làm, cõng nợ hàng trăm triệu
Những ai muốn về thì phải đóng lại tiền mà doanh nghiệp đã trả cho môi giới người Trung Quốc, chi phí ăn ở gần một tháng ở nhà nghỉ, phí phạt quá hạn visa và tiền vé máy bay về nước,… Tổng cộng khoảng gần 200 triệu đồng.
Những ai không có tiền thì sẽ bị chuyển đến một nơi khác làm việc để trừ nợ dần, khi đó, số tiền “chuộc thân” sẽ cao hơn nhiều. Anh Vinh và ông Sỹ đã phải vay nợ, gởi tiền từ Việt Nam sang để trả cho chủ nhà nghỉ để được nhận lại giấy tờ rồi làm thủ tục về nước.
Như vậy, sau ba tháng lặn lội sang tận Châu Phi để làm việc, cả hai ông phải cõng thêm số nợ đến 200 triệu đồng, tính cả chi phí làm thủ tục ở Việt Nam. Ông Vinh nói:
“Do hoàn cảnh khó khăn cho nên anh em mới xác định đi sang bên này làm, chứ có điều kiện thì anh em sang tới bên này làm gì. Bây giờ xác định là mình còn sức khỏe thì ráng về làm trả nợ dần, chứ biết làm thế nào được.”
Ông Sỹ cho biết:
“Bây giờ con cái nó cũng vào đại học rồi, tưởng là đi sang bên này kiếm tiền để nuôi con ăn học, nhưng không ngờ lại cõng thêm khoản nợ, biết khi mô mới trả được!”
Sứ quán không giúp được gì
Chiều ngày 20/10, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, kiêm nhiệm Congo, đã tiếp nhận lời kêu cứu của nhiều lao động Việt Nam ở Công hoà Dân chủ Congo vì một số vấn đề như mâu thuẫn với chủ lao động, bố trí việc làm, sinh hoạt và trả lương.
Bà Hằng nói Đại sứ quán đã làm việc với cơ quan chức năng Congo đề nghị cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương bảo đảm đời sống cho người lao động Việt. Đại sứ quán cũng liên hệ với cộng đồng người Việt ở Congo để đề nghị họ tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho những người đang chờ làm thủ tục…
Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng cung cấp số điện thoại hotline bảo hộ công dân +244 922 668 01, để liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Bình, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, kiêm nhiệm Congo.
Trái với những gì mà Bộ Ngoại giao công bố, anh Vinh cho biết, trong những ngày bị mắc kẹt, khi liên lạc với ông Bình thì được khuyên là tự nộp tiền theo yêu cầu rồi về, Sứ quán không can thiệp được:
“Anh ấy (ông Bình - PV) bảo rằng bây giờ chủ người ta đã mua mình như thế rồi, người ta đòi tiền mà người ta đã làm giấy tờ cho mình đi thì bọn em phải tự bỏ tiền ra để trả tiền họ; Với lại tiền ăn tiền ở người ta đòi bao nhiêu thì bọn em phải tự trả, Đại sứ quán không can thiệp được.
Mình tự nộp tiền vào rồi thì người ta trả lại hộ chiếu, mình tự làm thủ tục mà về thôi.”
Ông Sỹ cũng cho hay Sứ quán Việt Nam không giúp được gì:
“Cũng nhờ anh Bình bên Đại sứ quán giúp đỡ để có biện pháp nào để làm visa cho chúng tôi về, thì anh Bình nói ở bên đó (Angola - PV) không có phôi để làm, phải chờ phôi của Việt Nam sang, trong khi bọn tôi ra đây gần một tháng bị giam lỏng”
Phóng viên RFA gọi điện đến số đường dây nóng bảo hộ công dân mà Bộ Ngoại giao cung cấp, cũng như số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, nhưng không có ai nghe máy, dù trong giờ hành chính.
Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trả lời Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề người lao động Việt Nam bị mắc kẹt tại Congo. Ông Tuấn cho biết Cục Lao động Ngoài nước chưa thẩm định cho phép bất kỳ một doanh nghiệp nào đưa người lao động sang làm việc tại thị trường Congo, và trên thực tế thì cũng chưa có doanh nghiệp dịch vụ lao động nào đăng ký để đưa người sang thị trường lao động này.