Người Việt hải ngoại đón Tết Nhâm Thìn

Từ nhiều nơi trên thế giới, các phóng viên của Đài Á Châu Tự Do tường trình không khí đón mừng Năm Mới Âm Lịch của người Việt hải ngoại.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.01.22
Biểu diễn tại Hội chợ Xuân hàng năm tại Cali. Biểu diễn tại Hội chợ Xuân hàng năm tại Cali.
Photo courtesy nuocviet.info

California

Cổng vào chợ Tết Việt Nam
Cổng vào chợ Tết Việt Nam. Photo, Ha Giang RFA
Photo, Ha Giang RFA
Trước tiên xin dành phần cho người Việt tại tiểu bang California nơi có con số người Việt ở nước ngoài sinh sống đông nhất, thông tín viên Hà Giang cho biết:

“Tình hình Tết của Nam California, hay nói đúng hơn là khu Little Saigon, thì năm nay cũng không khác mọi năm bao nhiêu, có nghĩa là rất xôm tụ và sầm uất: cũng có diễn hành Tết, chợ hoa, hội chợ Tết do sinh viên tổ chức, rồi có múa lân, thả thơ, hát chèo, v.v.

Nói chung, mọi người dự đoán là cũng có đến vài trăm ngàn người khắp nơi kéo về. Và đặc biệt năm nay những người đi sắm Tết ở mấy cái chợ thì tôi thấy một số đồng hương ở các tiểu bang khác kéo về, hỏi thì họ nói là năm nay không hiểu vì lý do làm sao mà họ ngại về Việt Nam nên họ tới Bolsa vì Bolsa giống như một Việt Nam thứ hai – một nơi để ăn Tết ở nước ngoài. Đó là một điều đặc biệt!

Với lại có nhiều người nói là năm nay họ ăn Tết sang hơn những năm trước bởi vì có những dấu hiệu kinh tế sắp phục hồi và năm con Rồng rất hên và nếu mình không đón nó đúng mức thì sẽ không được hên. Đó là những điều mà Hà Giang nghe được.”

Úc Châu

don-tet-250.jpg
Các cháu tại hải ngoại đón Tết. RFA photo.
Từ Úc châu, cộng đồng người Việt hàng năm tổ chức Tết rất lớn và năm nay cũng không ngoại lệ. Từ Australia, nhà báo Lưu Tường Quang cho biết:

“Cộng đồng người Việt tại Úc là một trong những cộng đồng lớn thuộc nguồn gốc Á Châu. Thật sự cộng đồng người Việt Nam đứng hàng thứ 6 trong tất cả các cộng đồng thuộc nguồn gốc không nói tiếng Anh và là từ Châu Á, cho nên Tết Âm Lịch, đặc biệt là Tết năm nay – Tết Nhâm Thìn là một cơ hội, là một cái dịp để phô trương cái văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, và để cho thế hệ trẻ sinh đẻ tại Australia có thể nhìn thấy và hy vọng là duy trì được cái truyền thống văn hóa của dân tộc.

Bởi lý do đó mà ở nơi nào có đông người Việt Nam tị nạn định cư, chẳng hạn ở Sydney là thành phố Bankstown, thành phố Cabramatta, Fairfield, hay ở Melbourne là thành phố Footscray hay là thành phố Dandenong, đều có những lễ hội, hội chợ Tết không những cho đồng bào người Việt có thể vui chơi trong ba ngày Xuân, mà còn có thể gặp gỡ nhau ngoài phạm vi gia đình là phạm vi cộng đồng và xã hội.

Tất cả những hoạt động như vậy đều mang lại những hồi tưởng quan trọng đối với đất nước cội nguồn Việt Nam và đồng thời cũng nhìn thấy sự hội nhập của cộng đồng về phương diện văn hóa, đồng thời phát triển được sự hiểu biết trong cộng đồng nói chung. Cho nên về phương diện này thì cộng đồng người Việt tại Australia là một trong những cộng đồng dẫn đầu trong vấn đề phát triển và duy trì nét văn hóa Việt Nam nói riêng và nét văn hoá Á Đông nói chung.”

Ba Lan

Tet-Paris-250.jpg
Tổ chức múa lân ngày Tết Việt Nam tại Paris. Ảnh có tính minh họa. Screen Capture.
Trên phần đất Đông Âu nơi số người Việt tại Ba Lan năm nay đón xuân với một niềm hy vọng mới khi chính phủ nước này vừa ban hành lệnh ân xá hợp thức hóa cho hàng trăm ngàn di dân trong đó có không ít những người Việt đang sinh sống tại đây. Thông tín viên Tôn Vân Anh cho biết:

“Năm Mới đối với người Việt Nam ở Ba Lan lần này là một dịp lễ đặc biệt bởi vì không lâu trước đây chính quyền Ba Lan đã đưa ra luật mới cho phép đông đảo người Việt Nam được hợp pháp hóa cư trú ở Ba Lan. Những người mà từ trước tới nay sống thấp thỏm một cách bất hợp pháp. Chắc chắn đó là một dấu ấn rất quan trọng trong dịp Tết năm nay bởi Tết cũng rơi đúng vào khoảng thời gian mà một số không nhỏ trong cộng đồng người Việt – các cá nhân đã nộp đơn để sẵn sàng được hưởng ân xá về vấn đề tị nạn tại Ba Lan.

Ngoài ra, nói về cái Tết ở Ba Lan thì chắc cũng không có khác với Tết của cộng đồng ở các nước, nhưng ở Ba Lan thì phần lớn người Việt cư ngụ tại đây đều xuất thân từ Miền Bắc, nói chung là từ những vùng nhất định từ Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam như là Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, một số thành phố thuộc Bắc Ninh, thì các cộng đồng đồng hương đó họ thường đón Tết với một sắc thái tương đương như nhau vậy nên cũng dễ hòa nhập, dễ hòa hợp. Và họ cũng hay mời nhau tới nhà để dùng cơm tất niên đón Tết trong Năm Mới.

Ngày Tết năm nay rơi vào Chủ Nhật nên chắc chắn là thuận lợi cho phần lớn dân cộng đồng người Việt tại đây có được một ngày nghỉ thoải mái, mặc dù đa số những người đi làm trong đồng vẫn đi làm việc vào ngày Chủ Nhật ở những khu chợ bán lẻ cho người dân bản xứ. Nơi có đông người Việt sinh sống thì chính dân bản xứ cũng cảm nhận được cái không khí của ngày lễ ngày Tết bởi người ta thấy sức mua của người Việt cũng lớn hơn, hoa quả được tiêu thụ nhiều hơn, và sự mua sắm trong dịp này chắc chắn là làm cho người Việt cá biệt đối với dân bản xứ”.

Nhật Bản

hoa-dao-nhat-tan-wikipedia-200
Hoa đào Nhật tân. Photo courtesy of wikipedia
Photo courtesy of wikipedia
Quay trở lại Châu Á, đặc biệt tại Nhật Bản nơi tiếng pháo từ Việt Nam có thể dễ dàng được bà con người Việt liên tưởng như chính trên phần đất quê nhà lại không có không khí đón xuân như nhiều nước khác có đông đảo bà con Việt kiều sinh sống. Thông tín viên Đỗ Thông Minh cho chúng tôi biết:

“Người Việt định cư ở Nhật thì hiện tại chỉ khoảng hơn 10 ngàn người thôi, tuy nhiên số người lao động cũng như du học sinh và các thành phần khác thì tổng cộng trên 40 ngàn và ở rải rác trên nước Nhật rộng gần bằng California, cho nên nói chung người Việt ở tập trung ít lắm, và bên Nhật họ đã đổi thay vì ngày Ta thì họ ăn theo ngày Tây từ thời Minh Trị Thiên Hoàng cho nên người Việt ở đây cũng ăn theo, tức là ở Nhật ăn Tết Tây là chính bởi vì có nghỉ, còn đôi khi Tết Ta thì nó lọt vào ngày thường cho nên không nghỉ, thành ra cũng có nơi tổ chức tết ta nhưng mà làm nhỏ thôi.

Nơi cộng đồng người Việt đông nhất là ở vùng Yokohama và phụ cận có khoảng sáu bảy ngàn người thì năm nào cũng có tổ chức ngoài công viên trong dịp hội Tết, nhưng mà hầu hết là tổ chức vào Tết Tây. Ở dưới Kobe thì họ lại chọn làm Tết Ta trong một hội trường của nhà thờ. Mỗi nơi như vậy trung bình có khoảng 300 người mà thôi chứ không có đông.

Ngày xưa, mười mấy hai mươi năm trước đây, đồng bào tị nạn mới qua thì còn buồn kéo đến với nhau thì có khi con số lên tới gần một ngàn, nhưng bây giờ thường xuyên thì con số chỉ có như vậy và nó chia ra mỗi địa phương tổ chức nho nhỏ thôi.”

Thái Lan

nham-thin-250.jpg
Đón mừng Năm Nhâm Thìn. AFP photo.
Thái Lan là nơi có bà con Việt kiều định cư gần hai trăm năm trước và những gì đồng bào đón Tết sẽ khiến cho tất cả chúng ta không khỏi bùi ngùi khâm phục cho ý chí gìn giữ truyền thống Việt Nam nơi đất khách.

Thông tín viên Nhân Khánh ghi nhận như sau:

“Người Việt sinh sống tại Thái Lan là một cộng đồng lớn, hơn một trăm  ngàn người. Người Việt tản cư qua Thái Lan sinh sống lập nghiệp gần 200 năm trước, từ thời vua Minh Mạng của mình. Để có thể giúp đỡ lẫn nhau, bà con người Việt thường sống tập trung thành từng cộng đồng dân cư giống như là làng chợ. Vào những ngày giáp Tết hôm nay nếu mà mình quá bận rộn công việc thì mình đến chợ phiên ngày Chủ Nhật tại hẻm 11 đường Thản Sẻm, Bangkok, thì mình có thể mua được những món không thể thiếu trong ngày Tết như bánh chưng bánh tét, đến cả những món dân dã thường ngày như cà pháo mắm tôm.

Nếu mình có điều kiện đi xa hơn đến những chợ như Kẹp-xăm-phản-nửng, hay là chợ Thép-xăm-bân-bản -xảm, hay chỗ này còn gọi là chợ Tà-bạch-cai ở thị xã Mường Tỉnh, U-bôn Cực-xạ-pha-ni thì khu vực này cách Bangkok khoảng 600 cây số, thì khi mình đến những chợ này thì mình có thể giao thiệp trực tiếp bằng tiếng Việt với bà con cô bác buôn bán ở đây, bởi vì ở đây hơn 40% dân số là người Thái-Việt. Tại những chợ này thì bà con có bán chả lụa, nem nướng, bánh chưng bánh gai do người Việt làm. Mặc dù những món ăn này mang hương vị Thái nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của món ăn truyền thống Việt Nam.

Rồi nếu mình có điều kiện ghé vào nhà kiều bào Việt Nam ở đây thì mình có thể được đãi những món như xôi gấc, canh măng, dưa hành, các loại mứt cổ truyền. Riêng Tết Nhâm Thìn năm nay thì bà con ower U-bon Cực-xạ-pha-ni có nấu được một cái bánh chưng nặng tới 500 ký lận.

Theo thông lệ truyền thống, những hôm trước Tết bà con kiều bào cũng đi tảo mộ, thì những ngôi mộ của người Việt ở Thái Lan có một điểm rất là đặc biệt, chẳng hạn như ở tỉnh Mục-đa-hản thì đều quay đầu về hướng Đông, đó là cái hướng quê nhà Việt Nam của mình.

Trong những sinh hoạt vào ngày Tết thì múa lân là một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu được đối với người Việt, kể cả ở nước ngoài. Nếu như trong nước người ta múa lân thì con lân được phân biệt theo màu râu, chẳng hạn như lân râu đen, râu bạc, còn lân của bà con Việt kiều ở Thái Lan thì thường là một cặp đỏ và trắng: lân đỏ tượng trưng cho sự may mắn, lân trắng là sự an lành. Dạ thưa anh Mặc Lâm, tình hình ở Thái Lan là như vậy ạ.”

Campuchia

hoa-mai-campuchia-250.jpg
Chợ cây kiểng với những cành mai trị giá cả ngàn đôla trông chờ khách mua. Photo Quốc Việt/RFA.
Từ Campuchia thông tín viên Quốc Việt ghi nhận đồng bào ăn Tết như sau:

“Vâng, Thưa anh Mặc Lâm! Trong không khí Tết đến Xuân về, cộng đồng người Việt sinh sống ở Campuchia nhìn chung cũng chuẩn bị đón Tết như người Việt đang sinh sống ở Việt Nam. Không khí Tết người Việt tại đây năm nay cho thấy rõ có hai thành phần người Việt.

Đối với những gia đình khá giả, ngoài việc nô nức đi mua hàng hóa Tết, chậu hoa mai giá cao hơn 20 triệu đồng, mua sắm quần áo, giày dép, họ còn có khả năng về quê hương để đoàn tụ gia đình. Tại Campuchia, họ ăn Tết với bánh chưng gói và bán sẵn cũng như các món ăn được đưa từ Việt Nam sang như nước mắm Phan Thiết, cho đến củ tỏi, củ hành... Nhiều gia đình khá giả cũng lập bàn thờ có dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, trái cây, bánh chưng, mứt Tết, hương trầm, rượu, và bàn ghế trong nhà được sắp xếp lại ngăn nắp.

Do tình hình khó khăn chung về kinh tế, đại bộ phận đáng kể người Việt sống trên nhà nổi, nhà mướn thì họ chỉ có thể cử đại diện gia đình về thăm nhà, thậm chí cả gia đình còn không được về Việt Nam để cúng tổ tiên. Lý do đơn giản, vì họ không có tiền nên họ đang bộn bề với chuyện cơm, áo, gạo, tiền tại xứ người.

Tuy có đến 70% người Việt sống tạm thời ở đây không có điều kiện về Việt Nam trong dịp Tết nhưng họ cũng có tổ chức những hoạt động trong dịp Tết Âm Lịch mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Ít nhất cũng có một cành mai hay cành đào để trước bàn thờ rồi cúng tổ tiên nhưng họ vẫn buôn bán, đi làm bình thường trong 3 ngày Tết.

Nhiều nơi, cộng đồng và các hội đoàn người Việt, các giáo xứ Công giáo cũng có tổ chức các hoạt động vui Tết đón xuân cho những người Việt có cuộc sống chật vật ở đây. Dịp năm mới, họ cũng đến thăm chúc tết và lì xì cho nhau.”

Trong vài giờ nữa một năm mới chính thức bắt đầu. Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do xin hòa mình với đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới cùng hướng về đất mẹ nghiêm cẩn cầu xin một nền hòa bình, dân chủ và công lý chân chính để bảo bọc toàn dân đúng theo ý nghĩa của một mùa xuân mới. Khi chiếc lá trong đêm giao thừa nảy mầm cũng là lúc niềm hy vọng về một sự phồn vinh cho tất cả con dân đất Việt bất kể đang sinh sống nơi đâu sẽ trở thành sự thật....

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
22/01/2012 08:37

chuc toan the mot nam moi tran day hanh phuc