Đấu thầu trong nước Dự án cao tốc Bắc Nam: Vì quyền lợi dân tộc?

RFA
2019.09.24
CaotocBacNam_HoBatKhuat.jpg Nhà báo Hồ Bất Khuất chia sẻ ý kiến của ông sau khi Bộ GTVT, vào ngày 24/09/19 thông báo chỉ đấu thầu trong nước 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình Facebook Ho Bat Khuat

Sau khi Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) công khai số nhà đầu tư tham gia sơ tuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, trong đó nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 16, Hàn Quốc 5, Pháp 2… người dân và các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về việc nhà thầu Trung Quốc “phủ sóng” cao tốc Bắc Nam.

Sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau về dự án này, ngày 24/9, Bộ GTVT chính thức tuyên bố chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Dư luận nói gì trước thông tin vừa nêu?

Chính phủ lắng nghe dân

Trong số rất nhiều ý kiến chia sẻ qua mạng xã hội niềm hân hoan trước thông tin của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vào ngày 24 tháng 9, xác nhận với truyền thông rằng chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhà báo Hồ Buất Khuất bày tỏ trên trang Facebook cá nhân rằng Chính phủ đã biết nghe dân khi hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Vào tối cùng ngày, nhà báo Hồ Bất Khuất còn lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:

“Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Đương nhiên là Chính phủ thì người ta nói chung như vậy, nhưng có một số người nghe rồi dần dần người ta thuyết phục. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây.”

Đài RFA ghi nhận quả đúng là “một tin vui” cho người dân Việt Nam, nhất là những người dân gồm nhiều thành phần trong xã hội đã từng thiết tha lên tiếng cũng như ký tên vào kiến nghị thư để kêu gọi Chính phủ Việt Nam không cho đấu thầu quốc tế vì lo sợ các nhà thầu Trung Quốc sẽ “chiếm” Dự án cao tốc Bắc-Nam - một trong những dự án trọng điểm của đất nước, khi hệ lụy trước mắt từ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do vay vốn và nhà thầu Trung Quốc đảm trách là một minh chứng rõ ràng nhất.

Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến còn cho rằng động thái mới của Bộ GTVT được xem như thêm một phản ứng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, sau khi vào cuối tháng 8 có thông tin cho biết Việt Nam dự định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng kỹ thuật của Tập đoàn Trung Quốc Huawei, trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng” đang xảy ra căng thẳng leo thang ở bãi Tư Chính ngoài Biển Đông.

Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Đương nhiên là Chính phủ thì người ta nói chung như vậy, nhưng có một số người nghe rồi dần dần người ta thuyết phục. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây
-Nhà báo Hồ Bất Khuất

Nỗi lo vẫn còn đó

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km. Dự án Cao tốc Bắc-Nam bao gồm 11 dự án, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án còn lại sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư của Dự án cao tốc Bắc-Nam là 118.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước Việt Nam góp vốn 55.000 tỷ đồng cho ba dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để bảo đảm tính khả thi của dự án. Dự án được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Kể từ khi thông tin về Dự án cao tốc Bắc-Nam được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông, từ tháng 3 năm 2019 cho đến nay, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm vì những ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia cho đến những người dân với Chính phủ Việt Nam rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về “yếu tố Trung Quốc” trong dự án này.

Mặc dù vậy, hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết đối với 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công-tư sau khi áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia bao gồm 24 nhà đầu tư Việt Nam, 16 nhà thầu Trung Quốc, 5 Hàn Quốc,1 của Pháp, 1 Singapore và 1 từ Philippines.

Diễn tiến tiếp theo vào ngày 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với báo giới rằng kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam “không thể công bố do đây là tài liệu mật”.

Tuyên bố này của ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Và tuyên bố mới nhất vào ngày 24/9 cũng của thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã phần nào làm “yên lòng” dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ban lãnh đạo thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 16/09/19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ban lãnh đạo thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 16/09/19.
Courtesy of Bộ Giao thông-Vận tải
Thế nhưng, Đài RFA ghi nhận vẫn còn đó những ý kiến lo ngại một số các nhà thầu tại Việt Nam không thể làm tốt cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc-Nam. Chẳng hạn như Tổng Công ty Thành An là một công ty trúng thầu tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc-Nam vừa được khởi công hôm 16 tháng 9. Tổng Công ty Thành An từng nằm trong danh sách mà Thanh tra Chính phủ trong năm 2018 thanh tra liên quan Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại các nhà thầu Việt Nam không đủ nguồn vốn và có thể sẽ vay vốn Trung Quốc với những ràng buộc phải mua nguyên vật liệu của các công ty Trung Quốc hay phải để cho công ty của Trung Quốc tham gia vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Từ Sài Gòn, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang, người từng khẳng định với RFA rằng những công ty tại Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, vào tối ngày 24 tháng 9 nói rằng vẫn tiềm ẩn “Yếu tố Trung Quốc” trong các công ty Việt Nam trúng thầu Dự án cao tốc Bắc-Nam nếu như nguồn vốn, cổ phần (cổ phiếu)...không minh bạch, cũng như không được giám sát tốt. Kỹ sư Trần Bang nhấn mạnh:

“Các công ty đấu thầu phải công khai minh bạch; tức là quá khứ đã từng làm qua những công trình gì và tiến độ, chất lượng, thậm chí nguồn vốn và năng lực của công ty cũng phải công khai…thì đó mới là đấu thầu công khai. Chứ không thì chỉ giảm một phần nào đó (phản đối của người dân), thậm chí là che đậy.”

Trong khi đó, từ Paris, Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới cho rằng quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đấu thầu trong nước là quyết định theo chiều hướng đúng với điều kiện:

Các công ty đấu thầu phải công khai minh bạch; tức là quá khứ đã từng làm qua những công trình gì và tiến độ, chất lượng, thậm chí nguồn vốn và năng lực của công ty cũng phải công khai…thì đó mới là đấu thầu công khai. Chứ không thì chỉ giảm một phần nào đó (phản đối của người dân), thậm chí là che đậy
-Kỹ sư Trần Bang

“Điều mà chúng ta cần phải làm là nên chia ra hàng vài chục khúc hay cả trăm khúc và mỗi khúc trao cho một công ty khác nhau. Có thể có những công ty có điều kiện thuận lợi vì có khả năng nên có thể được trúng thầu nhiều khúc. Điều đó là không nên đấu thầu cả dự án đường cao tốc Bắc-Nam cho một công ty. Không có vấn đề đó mà phải chia ra làm nhiều khúc và mỗi khúc phải đấu thầu riêng.”

Liên quan những ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm cá nhân rằng:

“Thế còn những dư luận lo ngại, ví dụ như nói công ty của việt Nam không đủ sức đấu thầu thì điều đó có nghĩa là từ trước đến giờ họ không phải là những công ty xây dựng đúng nghĩa và nếu vì thiếu vốn mà họ phải mua hay mua chịu của Trung Quốc một số vật liệu thì đó là nợ giữa Trung Quốc đối với một công ty tư nhân của Việt Nam. Dân tộc và đất nước Việt Nam không có trách nhiệm cho việc đó.”

Đối với nhà báo Hồ Bất Khuất thì ông khá là lạc quan, vì:

“Thông tin như thế là có, nhưng tôi nghĩ riêng với cao tốc Bắc-Nam thì sẽ khác và không như thế được vì dư luận xã hội, người ta tập trung và chú ý cũng như sự giám sát của người dân sẽ tăng lên.”

Một số những người quan tâm đến Dự án cao tốc Bắc-Nam mà Đài RFA tiếp xúc đều đồng quan điểm rằng trước dấu chỉ Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý nguyện của người dân thì họ hy vọng Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ được xây dựng trên tinh thần minh bạch, công khai vì dự án này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị, ngoại giao, đó là sự đồng lòng và đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.