Khi thạc sĩ grab không phải là nhân tài…
2019.10.25
Tại buổi thảo luận Quốc hội về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung làm rõ chính sách đối với những người có tài năng trong hoạt động công vụ. Dự thảo luật cho rằng, những người có tài năng hoạt động trong công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt cao, có đóng góp lớn cho cơ quan công quyền, tổ chức mà ít ai đạt được. Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài này trong hoạt động nhà nước.
Bằng cấp hay nhân tài?
Tranh luận điều này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn giám đốc bệnh viện tim Hà Nội thuộc đoàn Hà Nội cho rằng, nhiều tỉnh thành có chính sách trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc, thậm chí cử “nhân tài” đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhưng điều băn khoăn nhất là sẽ có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp phát triển tỉnh thành đó.
“Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp, có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sĩ. Xin hỏi những người đó, đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa không!” (trích từ Dân trí đăng 24/10/2019)
Ngoài ra, ông Tuấn còn nhấn mạnh rằng, nhân tài muốn phát triển cần có môi trường đào tạo tốt nhưng vẫn băn khoăn người có tài nhưng tâm không có, nhiều người đầy đủ yếu tố nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước mà chỉ lo vun vén cá nhân hay lợi ích nhóm. Thì những người như vậy chúng ta thật sự không cần!
Một vị đại biểu khác là Nguyễn Thanh Hồng thuộc đoàn Bình Dương nêu quan điểm tại Quốc hội được báo Dân trí trích rằng, không phải cứ thạc sĩ mới là người có tài “Thạc sĩ Grab chắc là thạc sĩ Đông Đô chứ không phải là thạc sĩ đúng nghĩa, động chạm đến nhiều người ở đây”
Việc tranh luận về dự thảo luật này của các đại biểu được luật sư Luân Lê từ Hà Nội cho rằng, các đại biểu đã bàn luận sai vấn đề và sai một cách trầm trọng về nội dung.
Vị luật sư chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng “Những người được nhắc tới như “thạc sỹ xe ôm, thạc sỹ grab” chỉ là những người có bằng cấp, chứ không phải đối tượng được xem là nhân tài hay không. Bất kể họ có bằng cấp hay có được đào tạo hay không, tài năng của họ phải được thể hiện thông qua lao động và thành quả. Ở đây người ta đang nhầm lẫn người có tài với người có bằng cấp. Vì thế họ mới nhắc tới “thạc sỹ xe ôm” như một sự mỉa mai và thất vọng. Chính vì lầm lẫn giữa tài năng và bằng cấp mà hệ thống giáo dục này đang sa lầy vào việc đào tạo bất kể kẻ đó có trình độ ra sao.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nhận định về việc này cho rằng, những phát biểu như thế cũng chỉ mang tính hài hước và nó thể hiện tình trạng chất lượng bằng cấp tại Việt Nam.
“Từ trước đến nay cũng nhiều đại biểu cũng từng phát biểu can thiệp như vậy, báo chí cũng nói quá nhiều về trọng dụng nhân tài, khuyến khích người dân đấu tranh với mặt trái, chống tham nhũng… thì lý thuyết vẫn thế nhưng thực hành thì không được như vậy. Chính quyền đã thành một nhóm đã phá bảo vệ quyền lợi lẫn nhau, nên nhân tài vào mà không biết hòa vào lối sống đó của họ thì họ bị đào thải ngay. Dự luật này nghe ý kiến thì hay nhưng khi áp dụng trong bộ máy chính quyền thì điều này rất là khó. Tuy nhiên tại các cơ quan tư nhân thì có lẽ việc đó lại là phù hợp, các công ty họ vẫn trọng dụng nhân tài cho nên những người có tài họ đi ra ngoài khỏi lĩnh vực nhà nước mà làm việc, biết là dự luật là vậy chứ đừng hy vọng điều gì.”
Sửa cơ chế & tư duy
Còn theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng giáo sư danh dự tại trường đại học ở Bỉ và hiện là cố vấn cấp cao Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng nhận xét cho rằng, đây là một chuyện đáng bàn cãi tại Việt Nam:
“…có một sự lẫn lộn giữa nhân tài và bằng cấp, đề cao bằng cấp một cách quá đáng và không xác định được nhân tài theo đúng nghĩa thực chất. Tại VN nhiều giáo sư tiến sĩ trên thực tế họ có bằng dỏm, nhiều khi không đi học vẫn có bằng, bỏ tiền ra mua cũng có bằng. Chưa bao giờ trên đất nước này cái thành phần dỏm lại cao đến như thế nên không phân biệt được nhân tài và bằng cấp thì đó là một thảm cảnh khổ cho dân tộc Việt Nam và việc bàn thảo ở Quốc hội không thấy có hướng giải quyết nào khoa học và đúng vấn đề cả.”
Ngoài ra, giáo sư Hưng còn khẳng định rằng, những người có bằng cấp mà không có thực tại, bằng dỏm hay mua bằng thì lại đang nắm những vị trí cao cấp lãnh đạo tại Việt Nam và phần đông là thành viên Quốc hội và lãnh đạo Quốc hôi, thì như vậy những người có bằng thật, tài thật làm gì có chỗ đứng và đem tài sức phục vụ cho dân cho đất nước. Cho nên điều quan trọng nhất cần cho lúc này là hành động, xem xét lại toàn bộ tổng thể từ cấp cao đến cấp thấp, nếu điều này không làm được thì việc tranh luận cũng chỉ là nói vu vơ cho vui và mị dân thôi.
Quay lại buổi thảo luận của Quốc hội, vị đại biểu thuộc đoàn Ninh Thuận là ông Nguyễn Bắc Việt nhận xét rằng dự thảo chưa rõ ràng đối với người có tài, nhiều người có lợi cho tổ chức, cơ quan nhưng lại không lợi cho nhân dân. Do đó, ông Việt đề nghị cần sửa lại nội dung dự luật theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội, được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận và có đóng góp lớn hiệu quả cho đất nước và nhân dân. Như vậy mới xử lý được câu chuyện về đức và tài.
Tuy nhiên, thầy Khoa khẳng định bằng cấp với nhân tài thật tại Việt Nam nó hoàn toàn không trùng khớp và tại Việt Nam thì chỉ cần vào Đảng là được sắp xếp coi như xong. Thầy đưa một ví dụ
“…một bộ trưởng không có chuyên môn ngành của mình thì cũng được làm bộ trưởng như ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đó, bằng tiến sĩ đâu phải nghiên cứu về giáo dục, cũng không phải nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở Việt Nam mà lài nghiên cứu kinh tế thị trường tận bên Malaysia nên để đánh giá một tài năng thật sự tại Việt Nam thì rối ren lắm, chưa bao giờ hỗn độn như hiện nay.”
Theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì việc sửa luật theo ý kiến của đại biểu Việt cũng chỉ là “gãi ngứa” mà thôi, vấn đề quan trọng nhất không phải những việc như thế. Giáo sư lý giải:
“…vấn đề quan trọng là sửa tư duy bản chất của cách sử dụng người tài. Sắp xếp người tài vào những vị trí then chốt, quan trọng và có sức ảnh hưởng đến xã hội. Mà phương thức cơ cấu đặt để, bố trí dân sự mà theo kiểu một chiều, độc tài như thế thì không bao giờ sử dụng được người tài. Chỉ có cơ chế bầu người lên bằng lá phiếu người dân, cơ chế thi cử tuyển chọn người tài cho công việc mà được ban thẩm định độc lập nếu cần thì mời chuyên gia quốc tế tham gia nên nếu không làm được những vấn đề đó thì tất cả mọi việc làm khác đều vô nghĩa. Nên sửa đổi luật là điều không quan trọng mà thay đổi cơ chế, tư duy, thói quen về việc cơ cấu người lãnh đạo hiện hữu và tương lai.”
Với lý luận của giáo sư Hưng, luật sư Luân Lê cũng có cách nhìn nhận khá tương đồng và thú vị khi ông viết trên trang mạng xã hội cá nhân của mình rằng: vấn đề không chỉ là câu chuyện đào tạo mà vấn đề không thể tạo ra công việc cho những người có thực chất. Người tài với người có bằng cấp là hoàn toàn khác nhau, nó chỉ có phần chung khi hệ thống giáo dục đó là thực chất trong việc đào tạo và cấp bằng nhưng điều đó cũng không bao hàm những người có tài mà không học hành gì cả. Vì đây là hai vòng tròn giao nhau chứ không thể trùng khít với nhau.