Học sinh tại Việt Nam nên học bộ sách nào?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018.09.12
SachGK_PhuHuynh.jpg Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn.
RFA

Hiện nhiều phụ huynh có con nhỏ tại Việt Nam tỏ ra hoang mang khi bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đang gây bão dư luận. Lý do vì người trong cuộc phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để con họ học cách đánh vần chữ Việt bị cho là “lạ”.

Hoang mang, tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt “lạ”

Những ngày trước thời điểm niên học 2018-2019 chính thức bắt đầu, truyền thông trong nước đăng tải thông tin về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”, do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, được áp dụng giảng dạy ở gần 50 tỉnh, thành và có hơn 800 ngàn học sinh, khoảng 50% học sinh lớp 1 trên cả nước học theo chương trình đánh vần mới trong bộ sách này.

Đài RFA ghi nhận một làn sóng phản đối mạnh mẽ không chỉ từ các phụ huynh mà gồm nhiều thành phần trong xã hội lên tiếng yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo cần trả lời cho thắc mắc vì sao người dân bị buộc chi hàng trăm tỷ đồng để mua bộ sách này, mà học sinh phải học cách “đánh vần lạ” cũng như các từ ngữ không phổ thông và nội dung nhiều bài đọc không chấp nhận được. Một phụ huynh ở Cần Thơ nói với RFA:

“Đóng tiền học, tiền đồng phục, tiền mua sách vở mỗi năm đều cải cách thì số tiền cũng hơi cao đối với những người công nhân chúng tôi. Và vấn đề sách sao khoa cải cách như vậy thì tôi nghĩ con cái mình giống như ‘chuột bạch’ để thí nghiệm của nền giáo dục.”

Nếu cứ tiếp tục như thế thì từ từ phụ huynh dạy cho học sinh ở nhà để con em mình thành nhân. Bây giờ trong xã hội Việt Nam, học hành cao cũng đâu làm được gì, ra trường cũng thất nghiệp. Thà con tôi có đạo đức sống, thì vẫn tốt hơn học nhiều mà chẳng được gì. Học nhiều mà sách loạn xạ, chữ viết lung tung lang tang…đến mức không thể hiểu thì làm sao mà nói đến ‘tiên học lễ, hậu học văn’
-Phụ huynh

Vào ngày 11 tháng 9, Báo mạng Zing.vn dẫn lời của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết bộ tài liệu “Công nghệ giáo dục” được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá mang lại những kết quả nhất định. Ông Nguyễn Đức Hữu cho rằng cách tiếp cận và truyền dạy của sách “Công nghệ giáo dục” tuy khác so với sách giáo khoa chính thống, nhưng cùng mục đích giúp học sinh “đọc thông, viết thạo” và vì được đánh giá tốt nên tài liệu sách này được triển khai rộng rãi khắp nước, chứ không chỉ tại trường Thực nghiệm.

Trong số hàng trăm ý kiến phản bác bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” trên nhiều fanpage, truyền thông quốc nội cũng đăng tải ý kiến của những “người trong cuộc” là các học sinh đã từng học qua chương trình của bộ sách này. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc Hội, một trong số học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, Hà Nội nêu lên vấn đề vì sao Công nghệ giáo dục áp dụng 40 năm qua, được đánh giá tốt mà không phải là sách giáo khoa và phải chăng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội chỉ trích với lời lẽ phản cảm chương trình Công nghệ giáo dục thời gian qua?

Sách giáo khoa: Thị phần béo bở?

Truyền thông trong nước loan tải số liệu kể từ năm 2000 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo độc quyền xuất bản sách giáo khoa, in 100 triệu bản mới mỗi năm và phụ huynh phải chi tới 1000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới cho con em mình hàng năm.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết theo Nghị quyết 88 của quốc Hội, việc độc quyền sách giáo khoa sẽ bị xóa bỏ và sẽ áp dụng một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa, bắt đầu từ năm 2019 hoặc năm 2020. Một cán bộ làm việc trong Phòng giáo dục ở Cần Thơ xác nhận với RFA về thông tin này:

“Chương trình sẽ khoán về cho các trường, tự mỗi trường lựa chọn và thống nhất với phụ huynh. Cả nước Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ lớp 1.”

Báo mạng Zing.vn, vào ngày 11 tháng 9, trích đăng nhận định của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, khẳng định rằng sách giáo khoa là “miếng bánh béo bở” lâu nay, và theo qui định mới của Bộ Giáo Dục- Đào Tạo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh thị phần sách giáo khoa khi từ năm học 2019-2020 có nhiều nhà xuất bản khác được in sách giáo khoa.

Nên học bộ sách nào?

Một trang trong sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa.
Một trang trong sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa.
Courtesy: Netizens

Trong lúc có nhiều tranh cãi liên quan bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” và chương trình áp dụng nhiều sách giáo mới, rất nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng về việc học hành của con em họ. Một phụ huynh, ở Sài Gòn trong lúc đi mua sách giáo khoa cho con, chia sẻ với RFA:

“Nếu cứ tiếp tục như thế thì từ từ phụ huynh dạy cho học sinh ở nhà để con em mình thành nhân. Bây giờ trong xã hội Việt Nam, học hành cao cũng đâu làm được gì, ra trường cũng thất nghiệp. Thà con tôi có đạo đức sống, thì vẫn tốt hơn học nhiều mà chẳng được gì. Học nhiều mà sách loạn xạ, chữ viết lung tung lang tang…đến mức không thể hiểu thì làm sao mà nói đến ‘tiên học lễ, hậu học văn’?”

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trước sự hoang mang của phụ huynh, trên mạng xã hội những ngày vừa qua xuất hiện không ít ý kiến đề nghị các bậc cha mẹ nên sử dụng công cụ của công nghệ để tìm kiếm bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa, để phụ dạy cho con em mình ở nhà. Ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ ở Úc lên tiếng giải thích vì sao ông cũng là người đưa ra ý kiến này:

“Tôi thấy những cuốn sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa được soạn thảo với mục đích rất rõ ràng và khoa học. Tại vì, sách giáo khoa cũng như chương trình giáo dục thời VNCH nhắm đến một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, cho nên đó là một hệ thống mở mà người Việt nên học từ những loại sách đó.

Tôi thấy những cuốn sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa được soạn thảo với mục đích rất rõ ràng và khoa học. Tại vì, sách giáo khoa cũng như chương trình giáo dục thời VNCH nhắm đến một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, cho nên đó là một hệ thống mở mà người Việt nên học từ những loại sách đó
-Ông Hoàng Ngọc Diêu

Nền giáo dục của Việt Nam mấy chục năm qua không đào tạo cái gì cho rõ ràng. Chất xám, giá trị cũng như chất lượng đào tạo không đi đến đâu hết mà bị giáo điều, cũ kỹ và mang tính hình thức chứ không có chất lượng thật.

Tôi thấy có vẻ rất vô vọng, cho nên cần nghĩ đến một chọn lựa nào khác; ít ra cũng bắt đầu từ một điểm nào đó thay vì cứ cắm cúi, đâm đầu vào một hệ thống giáo dục mà nó không mang lại một giá trị nào hết.”

Facebooker Manh Kim, một người đồng thuận trong việc ủng hộ phụ huynh dùng bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa để dạy cho học sinh, đăng tải bài viết khẳng định chỉ có con đường duy nhất cho phát triển giáo dục là sự tự do. Facebooker Manh Kim nhấn mạnh rằng “Chỉ bằng tự do cạnh tranh mới có thể mang lại sự đào thải những mô hình giáo dục kém hòan thiện. Chỉ bằng tự do cạnh tranh, phương pháp đánh vần nào tốt hơn sẽ được xã hội đón nhận, không cần tốn thời gian tranh cãi. Chỉ bằng cạnh tranh trên tinh thần tự do thì mới dẹp được nạn tham nhũng thối nát, từ chạy bằng cấp đến tình trạng độc quyền sách giáo khoa.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.