Vì sao phải xử kín Vũ "nhôm" ?
2018.07.27
Theo thông báo phiên xử ông Phan Văn Anh Vũ, thường được biết đến với biệt danh ‘Vũ Nhôm’ với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ dự kiến diễn ra vào hai ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2018 tại Hà Nội. Tuy nhiên theo tin cho biết tòa sẽ xử kín.
Dư luận và các nhà quan sát đặt vấn đề vì sao phải xử kín vụ án này.
Có tính toán
Trước khi Vũ nhôm bị bắt, hàng loạt các sự kiện dồn dập thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và truyền thông trong và ngoài nước liên quan đến Vũ “nhôm” một doanh nhân bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng.
Vào cuối năm 2017, ông đã bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khám xét nhà và quyết định khởi tố về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ luật hình sự 1999.
Đến đầu tháng giêng năm 2018, Singapore xác nhận tạm giữ Vũ “nhôm” vì ông này vi phạm luật di trú của nước này. Ông được phía cơ quan chức năng Việt Nam dẫn độ về nước.
Dư luận lại càng quan tâm khi Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, trong cuộc nói chuyện với các cựu chiến binh, cán bộ quân đội nghỉ hưu của thành phố nhân dịp kỷ niệm ngày Quân đội Nhân dân 22/12 tiết lộ rằng ông Phan Văn Anh Vũ là sỹ quan tình báo cao cấp của Bộ Công an hàm thượng tá. Và cũng theo lời ông Trương Quang Nghĩa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo vụ này…
Điều này đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới truyền thông trong nước và quốc tế và một số đại biểu quốc hội yêu cầu công khai về vụ án này.
Tuy nhiên, vừa qua Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội công bố sẽ xét xử vụ án liên quan Vũ “nhôm” cùng với hai đồng phạm về tội “làm lộ bí mật nhà nước” vào cuối tháng 7 năm 2018 nhưng phiên tòa sẽ được xử kín.
Chúng tôi có liên lạc với các nhà quan sát chính trị, các luật sư và đại biểu quốc hội nhưng tất cả đều nói rằng “chúng tôi không có nhận định gì về vụ án này”.
Phiên tòa đó Vũ nhôm sẽ khai ra những nhân vật, hoạt động ngầm của bộ công an cho nên bộ công an không muốn những thông tin đó bị công khai ra dư luận.
- Phạm Chí Dũng
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng liệu có phải xử kín vụ Vũ “nhôm” để làm khỏi mất mặt của ngành công an hay không, bởi vì trong thời gian qua ngành Công an đã có quá nhiều chuyện lùm xùm và tham nhũng.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết thêm: “Tôi nghi rằng bộ công an sợ mất mặt và uy tín chứ không phải lý do nào khác và cho nên việc đưa ra xử kín để che chắn trong cái phiên tòa đó Vũ nhôm sẽ khai ra những nhân vật, hoạt động ngầm của bộ công an cho nên bộ công an không muốn những thông tin đó bị công khai ra dư luận.”
Trong một buổi tiếp xúc cử tri vào hôm 24/7, bí thư thành Ủy Đà Nẵng ông Trương Quang Nghĩa cho biết Vũ “nhôm” liên quan đến 3 vụ án: Làm lộ bí mật Nhà nước, Trốn thuế và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Nghĩa giải thích rằng “phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 7 này liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước nên phải xử kín và sẽ công khai phần tuyên án cho báo chí và truyền thông”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết lệnh khởi tố đầu tiên của Vũ nhôm vào tháng 12 năm 2017 là làm lộ tài liệu bí mật của nhà nước chứ không phải tội danh về kinh tế. Sau này mới truy tố thêm các tội danh khác và như thế có một kế hoạch trước đối với vụ này:
“Vũ nhôm không chỉ đưa ra xử một lần mà có thể đưa ra vài ba lần nhưng mà nó cho thấy là ngay từ lúc khởi tố vũ nhôm nhường như cơ quan an ninh bộ công an đã có sự sắp xếp, tính toán sẵn là sau này sẽ đưa ra xử kín.”
“Sợ dư luận”
Theo điều 25 bộ luật hình sự 2015, khi tòa xét xử công khai mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Một vị luật sư xin được giấu tên tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi qua email rằng quyết định xét xử kín vụ án Vũ “nhôm” là hoàn toàn phù hợp với điều 25 bộ luật hình sự 2015.
Dù xử kín nhưng luật cũng đã quy định tuyên án phải công khai, nên sau phần nghị án, HĐXX vào tuyên án thì mọi người có thể tham dự, ghi nhận và bản án cũng sẽ phát hành công khai - Luật sư giấu tên
Vị luật sư nhấn mạnh “Dù xử kín nhưng luật cũng đã quy định tuyên án phải công khai, nên sau phần nghị án, HĐXX vào tuyên án thì mọi người có thể tham dự, ghi nhận và bản án cũng sẽ phát hành công khai nên sẽ không ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của người dân hay các cơ quan truyền thông, báo chí.”
Luật sư Nguyễn Khả Thành thì cho rằng Việt Nam sợ ảnh hưởng đến dư luận nhiều nên bắt buộc phải xử kín, ông cho biết “Cái này tôi nghĩ họ đánh giá, đôi lúc họ xử công khai sẽ gây tiếng vang trong dư luận không tốt nên họ sẽ xử kín thôi. Nhưng Việt Nam thì thường thường quy định vậy chứ họ nghĩ vụ án ảnh hưởng đến dư luận nhiều thì họ sẽ bắt buộc xử kín hoặc là xử công khai nhưng mà rồi hạn chế báo đài, người tham dự cho nên nó gần như là công khai nhưng thật ra là xử kín”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu trong lịch sử tố tụng Việt Nam đã từng có vụ án nào được quyết định mang ra xử kín như vụ án của Vũ “Nhôm hay không, thì các luật sự cũng như những nhà quan sát chính trị mà chúng tôi tiếp xúc đều từ chối đưa ra câu trả lời.