Vì sao hai ông Bộ trưởng Công thương và Giáo dục “thoát” chất vấn?

Hòa Ái, RFA
2019.06.03
Vì sao hai ông Bộ trưởng Công thương và Giáo dục “thoát” chất vấn? Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Hình minh hoạ
RFA

Quốc hội Việt Nam dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 vị bộ trưởng và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từ sáng ngày 4 đến sáng ngày 6 tháng 6. Tuy nhiên, hai ông Bộ trưởng Công thương và Giáo dục được các cử tri và dư luận trông chờ nhất thì không được xếp trong lịch trình trả lời chất vấn.

Các câu hỏi cho Bộ Công thương không đủ nóng?

Cử tri và dư luận tại Việt Nam gần như bày tỏ sự thất vọng trước thông tin được truyền thông quốc nội loan đi rằng theo lịch trình 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn trong tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV không có hai ông Bộ trưởng Công thương và Giáo dục đăng đàn.

Qua các trang fanpage của báo chí chính thống, nhiều độc giả đưa ra thắc mắc tại sao những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân thường không được Quốc hội quan tâm đúng mức. Một số người chia sẻ là Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phải trả lời chất vấn công khai về điều hành giá điện, giá xăng tăng lũy kế như hiện nay. Nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải, vào tối ngày 3 tháng 6 lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông:

“Trong kỳ họp Quốc hội lần này của Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Công thương không được xếp lịch để trả lời chất vấn. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề rất bức xúc đối với những người quan tâm đến thời cuộc Việt Nam.”

Báo mạng VnExpress vào ngày 3 tháng 6 dẫn nguồn từ Tổng thư ký Quốc hội cho biết nhận được văn bản của 48 đoàn Đại biểu Quốc hội với 190 vấn đề, tính đến ngày 23 tháng 5; trong đó Bộ Công Thương nhận được đề nghị chất vấn nhiều nhất, với 29 vấn đề xoay quanh việc điều hành giá điện, xăng dầu, tiến độ xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỷ, thoái vốn các tập đoàn-tổng công ty Nhà nước…

Mặc dù vậy, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được báo chí dẫn lời cho biết Văn phòng Quốc hội tổng hợp 9 nhóm vấn đề xin ý kiến để chất vấn, bao gồm cả lĩnh vực Công thương; thế nhưng 5 lĩnh vực được lựa chọn để xin ý kiến của Đại biểu Quốc hội bao gồm An ninh trật tự, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thanh tra, Xây dựng và Giao thông Vận tải.

Không hiểu tại sao lại ra một đề thi như thế? Do sức ép gì? Có một bàn tay của Trung Quốc hay chuyện gì mà cài cắm vào giáo dục như vậy? Có lẽ Quốc hội chưa biết. Hôm nay mới thấy dư luận phản ứng. Mà chắc cũng là vấn đề nhạy cảm. Mang ra Quốc hội chắc không dám hỏi chuyện đấy, hoặc có hỏi thì họ cũng giữ kín chứ không dám trả lời công khai
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết trong phiếu xin ý kiến Đại biểu Quốc hội về lãnh vực Công thương thì chỉ có 3/471 Đại biểu đề nghị chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, do đó không đủ để lựa chọn.

Tờ Tuổi Trẻ Online trước đó vào ngày 27 tháng 5, trích lời của ông Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời báo chí về nguyên nhân vì sao nhóm vấn đề bị chất vấn không có nhóm liên quan lĩnh vực Công thương, đã nhấn mạnh rằng kỳ họp Quốc hội lần này chọn các nhóm vấn đề để chất vấn từ cao đến thấp và các vị Đại biểu Quốc hội đã chọn các vấn đề nóng hơn.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải khẳng định với RFA rằng dư luận cho đó là một sự né tránh:

“Mới đây một số báo chí ở Việt Nam cũng nói rằng Bộ Công thương nhận được rất nhiều chất nhiều chất vấn, nhưng Quốc hội không xếp lịch trả lời cho Bộ Công thương thì rõ ràng Quốc hội dành cho Bộ Công thương và Bộ Giáo dục một sự né tránh những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay ở Việt Nam là vấn đề về giáo dục và kinh tế.”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia 2018 với nhiều gian lận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia 2018 với nhiều gian lận.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình video VTV
Giáo dục có chất vấn cũng không giải quyết được gì

Liên quan đến Bộ Giáo dục-Đào tạo nhận được đề nghị 18 vấn đề cần chất vấn nhưng cũng không có trong lịch trình, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định về lý do Quốc hội không muốn đưa ra chất vấn:

“Có lẽ chuyện của giáo dục thì xã hội đã bàn quá nhiều rồi, cũng nhàm chán rồi, người ta cũng không muốn bàn thêm ở Quốc hội bởi vì mấy vụ thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, hà Giang, Lạng Sơn…Những vụ ấy cũng tanh bành hết. Hôm trước thì Quốc hội cũng đã chất vấn và ông Bộ trưởng cũng đã báo cáo, điều trần về thi cử rồi. Thế còn chuyện tiêu cực của ngành giáo dục quá nhiều như bạo lực học đường, giáo viên đối xử với học sinh không ra sao, chạy chọt thi cử…Người ta nói mãi rồi và Quốc hội cũng thấy chuyện này cũng không có gì để bàn vì bàn đi bàn lại mãi cũng chẳng có gì thay đổi và chắc cũng không có giải pháp gì để khắc phục được.”

Bộ Công An phát hiện hàng chục học sinh ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia niên học 2018 bị bất thường. Có trường hợp nâng điểm thi được chi trả với giá 1 tỷ đồng, như ở Sơn La. Một số giáo viên và cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố hình sự.

Truyền thông trong nước cho biết vào sáng ngày 31/5, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ công khai nhận trách nhiệm trong vụ gian lận điểm thi vừa nêu khi giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng bị dư luận chỉ trích nặng nề liên quan vấn nạn bạo lực học đường gia tăng nghiêm trọng, điển hình là vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 nữ bạn học đánh hội đồng, phải nhập viện.

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết mới đây nhất, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề thi 40 câu hỏi trắc nghiệm môn Địa lý lớp 11 đều tập trung hỏi về Trung Quốc và hướng dẫn học sinh trả lời theo hướng ca ngợi Trung Quốc. Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng nếu như ông Bộ trưởng Giáo dục đăng đàn chất vấn thì có thể ông phải trả lời về vấn đề nóng bỏng vừa nêu:

Rõ ràng từ nhiều năm nay thì Quốc hội Việt Nam đã né tránh rất nhiều những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước. Nhiệm vụ của Quốc hội là lập pháp, chất vấn và giám sát mà khi không bảo đảm được 3 yêu cầu này và khi càng né tránh những vấn đề nóng bỏng của đất nước thì cử tri sẽ rất buồn và họ sẽ không theo dõi các phiên họp chất vẫn nữa và nói như ngôn ngữ của người Việt Nam hiện nay là “rồi Quốc hội sẽ đi về đâu
-Nhà báo Chu Vĩnh Hải

“Không hiểu tại sao lại ra một đề thi như thế? Do sức ép gì? Có một bàn tay của Trung Quốc hay chuyện gì mà cài cắm vào giáo dục như vậy? Có lẽ Quốc hội chưa biết. Hôm nay mới thấy dư luận phản ứng. Mà chắc cũng là vấn đề nhạy cảm. Mang ra Quốc hội chắc không dám hỏi chuyện đấy, hoặc có hỏi thì họ cũng giữ kín chứ không dám trả lời công khai.”

Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng các vấn đề mà cử tri mong muốn được nghe các vị bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Quốc hội lại không thực hiện thì hậu quả sẽ thế nào, Nhà báo Chu Vĩnh Hải nói rằng cử tri không còn quan tâm đến các phiên họp của Quốc hội nữa:

“Rõ ràng từ nhiều năm nay thì Quốc hội Việt Nam đã né tránh rất nhiều những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước. Nhiệm vụ của Quốc hội là lập pháp, chất vấn và giám sát mà khi không bảo đảm được 3 yêu cầu này và khi càng né tránh những vấn đề nóng bỏng của đất nước thì cử tri sẽ rất buồn và họ sẽ không theo dõi các phiên họp chất vẫn nữa và nói như ngôn ngữ của người Việt Nam hiện nay là “rồi Quốc hội sẽ đi về đâu?”

Quốc hội Việt Nam, về nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát chính trị, trên thực tế cơ chế này chỉ là công cụ của Đảng và mang tính hình thức vàCơ quan đại diện cao nhất của nhân dân chỉ đóng vai trò trang trí cho chế độ mà thôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.