Quan hệ Mỹ - Cuba, chưa thấy dấu hiệu tích cực

Khi nói đến Cuba, giới quan sát không quên quyết định cấm vận mà chính phủ Hoa Kỳ đã cho áp dụng trong thời gian gần 50 năm qua.

Quan hệ giữa Havana và Washington có thay đổi từ khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nhậm chức hay không?

Chờ tín hiệu của Havana?

Hai năm trước đây khi đang vận động tranh cử Tổng Thống, ứng viên Barack Obama của đảng Dân Chủ Mỹ hứa hẹn nếu được cử tri tín nhiệm, ông sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao mới. Chính sách này có thể được tóm tắt như sau: thay vì cứng rắn như hầu hết các vị tổng thống tiền nhiệm, ông sẽ thực hiện đường lối mà ông gọi là “ngoại giao khôn khéo”, mở rộng đối thoại, sẵn sàng bắt tay làm việc có lợi ích chung, kể cả chuyện trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo các nước đang nằm trong danh sách thù nghịch của Hoa Kỳ.

Giới lãnh đạo Cuba rất sợ sẽ có thay đổi chính trị, và họ nghĩ rằng nói chuyện với Mỹ chẳng khác nào đi trên con đường dốc trơn trượt, có thể dẫn đến việc mất hết quyền hành.

Ô. Carlos Saladrigas

Chính sách đó được ông Obama cho áp dụng với cả Cuba. Ngay sau ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống, ông cho biết muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với nước láng giềng nhỏ bé vẫn theo chủ nghĩa cộng sản, và lần đầu tiên sau nhiều thập niên, ông quyết định giảm bớt mức độ cấm vận, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người Cuba đang sinh sống ở Hoa Kỳ được về thăm thân nhân hay gửi tiền giúp cho thân nhân còn kẹt ở bên nhà.

Hơn thế nữa, Tổng Thống Obama cũng bày tỏ ý sẽ cứu xét để Cuba có thể tham gia vào Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ, mở đường cho việc sẽ trao đổi ngoại giao giữa 2 nước. Nói cách khác, Tổng Thống Obama muốn nhắn gửi với chính quyền Havana là ông đã sẵn sàng để xây dựng một quan hệ mới, và Havana chỉ cần cho Washington thấy tín hiệu cũng đã sẵn sàng.

Không chỉ hành pháp, ý kiến của Tổng Thống Obama được sự ủng hộ của lập pháp. Quốc Hội Mỹ soạn thảo một dự luật bãi bỏ luật cấm công dân Hoa Kỳ du lịch sang Cuba. Một số vị dân cử hàng đầu của các hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ đã lên tiếng ủng hộ, và dự luật này sẽ sớm được đưa ra thảo luận trước Thượng và Hạ Viện. Bước tiến quan trọng này khiến một số nhà bình luận ở Washington tin rằng chắc chắn sẽ được chính phủ Caba đón nhận một cách niềm nở, vì Havana hiện đang yếu kém về kinh tế lại thiếu ngoại tệ, nên khi có một lượng du khách được dự đoán là không nhỏ từ Mỹ sang thì nền kinh tế sẽ tốt hơn, số lượng ngoại tệ nhà nước thu nhập được cũng sẽ nhiều hơn.

Những đã một năm rưỡi kể từ ngày chính quyền Obama loan báo ý muốn thấy mối quan hệ mới với Cuba, chính phủ Raul Castro vẫn chưa bày tỏ một dấu hiệu nào để Washington thấy là Havan cũng sẵn sàng. Thành ra, quan hệ giữa 2 nước vẫn ở trạng thái như những năm trước đây, không có một thay đổi nhỏ nào cả.

Người dân Cuba đi xe buýt công cộng ở Havana. AFP PHOTO / Adalberto Roque.
Người dân Cuba đi xe buýt công cộng ở Havana. AFP PHOTO / Adalberto Roque.

Tại sao Havana không bắt lấy cơ hội để cùng Washington dựng trang sử quan hệ mới? Theo ông Carlos Saladrigas, Chủ Tịch Nhóm Nghiên Cứu Cuba do Quốc Hội Liên Bang thành lập, thì chẳng mấy ai ngạc nhiên trước thái độ chính trị của chính phủ Castro. Ông Carlos Saladrigas nói:

"Theo tôi thì câu trả lời thật đơn giản. Có 2 lý do cơ bản dẫn đến thái độ của chính phủ Cuba. Lý do thứ nhất là giới lãnh đạo Cuba rất sợ sẽ có thay đổi chính trị, và họ nghĩ rằng nói chuyện với Mỹ chẳng khác nào đi trên con đường dốc trơn trượt, có thể dẫn đến việc mất hết quyền hành. Mất quyền hành là điều mà các nhà lãnh đạo từng tham gia cách mạng ở Cuba không muốn thấy."

Sự thật đôi khi không dễ

Bà Julia Sweig, Giám Đốc Nghiên Cứu Châu Mỹ La Tinh của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Mỹ nhắc lại tháng Hai năm 2008, khi Tướng Raul được chọn lên thay ông anh là lãnh tụ Fidel Castro, có những dấu hiệu mà các nhà phân tích chính trị gọi là dấu hiệu của sự cởi mở, chẳng hạn như bài diễn văn đầu tiên chỉ dài có 34 phút thay vì kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, sau đó là cả một kế hoạch đổi mới ngắn hạn và dài hạn, đi kèm với hứa hẹn sẽ cải tổ nông nghiệp, sửa đổi hệ thống công quyền để không còn luộm thuộm. Bà Sweig ví von rằng nghe Tướng Raul nói chuyện, người ta liên tưởng ngay tới những bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Tây Phương, không có màu sắc chủ nghĩa Mác Lê mà đảng và nhà nước Cuba vẫn tôn thờ.

Người dân Cuban vẫn đặt câu hỏi tại sao trên đất nước của họ mọi chuyện đều không công bằng, tại sao nhà nước bảo là quốc gia giàu mạnh mà họ vẫn đói nghèo.

Bà Julia Sweig

Nhưng theo bà Sweig, sự thật đôi khi không dễ như vậy, nhất là khi nói tới chuyện đổi mới:

“Trong tất cả những thay đổi, thay đổi tư duy của lãnh đạo luôn luôn là điều quan trọng nhất. Đến giờ người dân Cuban vẫn thắc mắc về những điều nhà nước thường nói, họ đặt câu hỏi tại sao trên đất nước của họ mọi chuyện đều không công bằng, tại sao nhà nước bảo là quốc gia giàu mạnh mà họ vẫn đói nghèo.”

Ông Saladigras tỏ vẻ không đồng ý, nói rằng:

"Nếu nói rằng Cuba không thay đổi thì hoàn toàn không đúng. Sau ngày Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Cuba mất hết những khoản viện trợ kinh tế khổng lồ, chúng ta đã nhìn thấy những thay đổi thật rõ nét nhưng sau đó lại thụt lùi vì quyết định của Fidel Castro chỉ vì ông ta không muốn thấy những điều khác với suy nghĩ của ông ta xảy ra. Thành ra phải nói là Cuba có thay đổi, nhưng mỗi lần có thay đổi đáng kể thì lại xảy ra những thụt lùi còn đáng kể hơn, trong đó có cả chuyện nhà nước đuổi tất cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay cả chuyện thay đổi trong quan hệ Hoa Kỳ-Cuba trong 50 năm qua cũng thế. Mỗi khi có những dấu hiệu tình hình bớt căng thẳng thì thế nào Cuba cũng làm sao cho căng thẳng trở lại. Tôi nghĩ rằng chuyện đó sẽ tái diễn trong tương lai.”

Trong những cuộc thảo luận bàn về chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba, một số nhà phân tích chính trị cho rằng các đề nghị mà Tổng Thống Barack Obama đưa ra cũng vẫn chưa đủ, đặt câu hỏi tại sao giới hoạch định chính sách tại Washington không đề nghị Tổng Thống rút tên Cuba khỏi danh sách những nước hoạt động khủng bố, trong khi chính các bản phúc trình tình báo đều nói Cuba không còn là hiểm họa về an ninh cho nước Mỹ nữa.

Giới thạo tin tại Washington cho biết dường như chính phủ Obama đã nghĩ đến điều này, nhưng đang chờ dấu hiệu tích cực đến từ Havana trước khi Nhà Trắng đi bước kế tiếp.

Theo dòng thời sự: