Có rất nhiều điểm thật đáng chú ý ở chồng tài liệu dày 400,000 trang mới được Wikileaks tung ra trên mạng cách đây vài ngày. Trước hết là chuyện quân đội Hoa Kỳ làm ngơ trước những báo cáo về chuyện tàn bạo của binh sĩ Iraq, đặc biệt là lối cư xử có thể nói là dã man giữa những người thuộc hai giáo phái Sunni và Shiite, khi nhóm này giết tù binh là người của nhóm khác, chưa kể đến chuyện cả hai nhóm này đều lợi dụng cuộc chiến để thanh toán lẫn nhau.
Chồng tài liệu ghi theo thứ tự thời gian từ đầu năm 2004 đến ngày mùng 1 tháng Giêng năm nay cũng cho thấy con số thường dân Iraq bị thiệt mạng vì cuộc chiến lên đến 122,000 người, thay vì chỉ có hơn 107,000 như những báo cáo từng được chính phủ Baghdad đưa ra trước đây. Điều này có thể giải thích được, vì đến giờ vẫn có cả ngàn người dân Iraq thắc mắc không biết thân nhân của họ mất tích ở đâu, còn sống hay đã chết. Hy vọng những gì được ghi trong tài liệu và câu trả lời mà có thể chính phủ Iraq sẽ đưa ra sẽ giúp giải tỏa thắc mắc của tập thể này.
Tài liệu này có thật hay không?
Những người điều hành trang Wikileakskhông tiết lộ nguồn, phía chính phủ Hoa Kỳ cũng không xác nhận chồng tài liệu là thật, và cũng chẳng hề đưa ra chứng cớ cho thấy chồng tài liệu này là giả.
Trước khi vài chục ngàn trang hồ sơ mật liên quan đến cuộc chiến Iraq cũng do trang mạng này tung ra, tức khắc các viên chức Mỹ đã lên tiếng trong những buổi điều trần trước Quốc Hội, nói rằng việc làm này sẽ gây ảnh hưởng đến sinh mạng của binh sĩ Mỹ và binh sĩ đồng minh.
Một viên chức hành pháp Mỹ có nói với báo chí là những tài liệu mà Wikileaks cho phổ biến lần trước chỉ là những bản phúc trình của các nhân viên cấp thấp, nhưng cũng có một vài vị dân cử Hoa Kỳ còn đề nghị đưa những người điều hành Wikileaks ra tòa xét xử về tội tiết lộ tài liệu bí mật quốc gia. Chính những điều đó khiến số đông nghĩ rằng tài liệu này là tài liệu thật.
400,000 trang mới được phổ biến sẽ ảnh hưởng đến chính phủ Hoa Kỳ và đến cá nhân người đang lãnh đạo chính phủ Iraq hiện giờ là Thủ tướng Nouri Al-Maliki.
Trước hết hãy nói về anh hưởng với chính phủ Mỹ. Khi đưa quân vào Iraq lật đổ chế độc độc tài Saddam Hussein, các viên chức của Washington trình bày cho mọi người thấy hình ảnh một chính phủ Bangdad tàn bạo, kêu gọi lương tâm và sự ủng hộ của thế giới cho cuộc chiến mà Hoa Kỳ khởi xướng.

Tài liệu được tung trên mạng cho thấy lật đổ Saddam Hussein xong, chính phủ mà Hoa Kỳ ủng hộ cũng chẳng kém gì chính phủ tàn bạo ngày xưa, và hơn thế nữa, Hoa Kỳ biết những chuyện giết lẫn nhau xảy ra, nhưng không có biện pháp hay không tìm cách can thiệp, mà còn làm ngơ. Tôi phải nói rõ là ít nhất, tài liệu được phổ biến cho thấy điều đó.
Còn với chính phủ của Thủ Tướng Al-Maliki thì đừng quên ông là người được Washington chọn và hết lòng ủng hộ, tin tưởng ông là người sẽ hàn gắn được dân chúng, các thành phần giáo phái, chính trị…
Qua tài liệu do Wikileaks tung ra, người đọc không thấy được những điều đó mà ngược lại, thấy chính quyền Iraq cũng làm ngơ hay lợi dụng xáo trộn để lực lượng an ninh tiêu diệt những phần tử đối lập.
Ông Al-Maliki đang vận động chính trị để tiếp tục nắm ghế thủ tướng chính phủ. Chính vì thế nên có thể nói là ngay tức khắc, phát ngôn viên của ông đã lên tiếng nói với đại ý rằng các tài liệu này được đưa ra nhằm vào mục đích bôi nhọ người đang lãnh đạo chính quyền Iraq, cố ý gây xáo trộn chính trường Iraq.
Sau khi 400,000 trang tài liệu này được tung ra, nhiều quốc gia vùng Vịnh đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vấn đề và đưa những kẻ phạm pháp ra tòa. Đồng minh của Hoa Kỳ ở cuộc chiến Iraq là Anh Quốc đã nói sẽ điều tra, và sớm muộn gì Washington cũng sẽ làm như vậy.
Đối với chính phủ của Thủ Tướng Al-maliki, mọi chuyện còn nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến thế lực chính trị mà ông Al-Maliki đang có, cũng như đến chiếc ghế thủ tướng mà ông đang ngồi.
Một điều khác nữa là cho tới khi vấn đề này được làm sáng tỏ, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ rất khó thuyết phục Quốc Hội cấp viện trợ cho Iraq.