Ba ngày lịch sử đáng để được tưởng niệm
2014.03.18
Trong ký ức, ngày 14-3 của 26 năm về trước, tại bãi đá ngầm Gạc-Ma, Cô-Lin và Len-Đao thuộc quần đảo Trường Sa, đã xảy một trận chiến lịch sử đau thương. Một bên là hải quân Trung Quốc với tàu chiến và hỏa lực mạnh, và một bên là lính hải quân Việt Nam trong tay không có vũ khí nào ngoài ngọn cờ thể hiện chủ quyền. Kết quả cuộc chiến không cân sức đó diễn ra trong chớp nhoáng, và làn mưa đạn kẻ thù xâm lược đã cướp đi 64 sinh mạng của chiến sĩ hải quân Việt Nam. Trước sức mạnh không thể đối chọi của quân thù, những chiến sĩ Việt Nam vẫn nắm chắc ngọn cờ, giành giữ chủ quyền, chấp nhận hy sinh cho tổ quốc, nhất định không khuất phục. Máu của các anh đã đổ xuống biển Đông, và các anh vĩnh viễn nằm lại trong lòng mẹ đất Việt ở vùng đảo đó.
Sự hy sinh của 64 chiến sĩ này dù là sự kiện lịch sử đau thương trong quá khứ. Vì vậy, hôm nay, ngày này chúng ta không thể nào quên và phải có những hành động Tri Ân thiết thực. Sự tri ân đó không những chỉ là sự bù đắp về tiền bạc, vật chất cho người thân của họ, vì sự bù đắp đó không thể nào tương xứng. Những người lính hy sinh cho tổ quốc, dù ở thời đại, chế độ nào cũng không bao giờ nghĩ đến sự đền đáp. Sự tri ân phải có một giá trị vĩnh cửu là được chính thức đưa vào kỷ niệm hằng năm theo cấp độ nhà nước, có tính qui mô rộng rãi trong phạm vi toàn quốc như kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, sự kiện này phải đưa vào chương trình giáo khoa môn lịch sử giảng dạy trong học đường để các thế hệ đi sau biết đến mà ghi nhớ và trân trọng.
Sự kiện Hải chiến Trường Sa (14-3-1988), chiến tranh biên giới Việt–Trung (17-2-1979) và sự Hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974) đều hoàn toàn giống nhau về bản chất, đều thể hiện truyền thống chống xâm lăng của dân tộc Việt -- dù có khác nhau về thời gian và không gian. Cả ba cuộc chiến này đều nhằm bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam. Những chiến sĩ hy sinh đều là những người con dân dòng giống Lạc Hồng, và đã anh dũng chiến đấu chỉ vì “một Việt Nam“ thân yêu, chứ không vì một đảng phái hay chế độ chính trị nào.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn“ và trên tinh thần hòa hợp dân tộc, đúng ra nhà nước Việt Nam phải có thái độ đúng đắn, khách quan và công bằng: Không vì "lý do đối ngoại" với Trung Quốc hay định kiến chính trị mà đối xử phân biệt đối với những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm và hy sinh cho chủ quyền của đất nước.
Tiếc là nhà nước VN đã hành xử ngược lại:
- Ngày 18-01-2014, thành phần lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN buộc chính quyền thành phố Đà Nẳng phải hủy “chương trình ca nhạc, hát về biển đảo quê hương và thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa “mà thành phố đã hoạch định chương trình từ trước.
- Ngày 19-01-2014, nhà nước VN cho công an trá hình công nhân giả làm công trình cưa đá gây bụi và dùng loa phóng thanh ngăn trở buổi lễ tưởng niệm 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã xả thân anh dũng hy sinh vì tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân cưỡng chiếm Hoàng Sa.
- Ngày Chủ nhật 16-2-2014, nhà nước VN lại tổ chức cho người vào công viên Lý Thái Tổ - Hà Nội múa hát, nhảy nhót quay cuồng nhố nhăng, để ngăn phá lễ tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung của các nhân sĩ trí thức yêu nước.
- Ngày 14-3-2014, nhà nước VN cũng không phát động lễ tưởng niệm một cách qui mô toàn quốc, mà chỉ để người phát ngôn nhà lãnh đạo Việt Nam lên tiếng đại diện tri ân lấy lệ. Lễ tưởng niệm chỉ được thực hiện âm thầm bởi các nhóm người yêu nước.
Trong khi đó, suốt trong ba tháng đầu năm 2014, những vụ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam luôn bị tàu hải quân Trung Quốc liên tục tấn công trong khu vực biển Hoàng Sa – Trường Sa như là hải tặc (mà báo chí VN cư gọi là "tàu lạ ") lại không được đem ra bàn thảo trước Quốc Hội, hay được nhà phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN lên tiếng can thiệp. Hải quân VN cũng không đi tuần tra bảo vệ lãnh hải, khiến ngư dân ta phải luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi ra khơi.
Tất cả những hành xử trên cho thấy rằng Đảng CS, nhà nước VN, vì muốn duy trì sự bảo hộ quyền lực lãnh đạo từ phương Bắc, đã khiếp nhược gần như tê liệt ý chí phản kháng. Lịch sử ta ghi nhận truyền thống đối đầu khôn ngoan, hiếu hòa của Ông Cha trong hơn ngàn năm Bắc thuộc song chưa có triều đại nào lại chấp nhận lệ thuộc một cách bị động, yếu hèn như hiện nay.
Ngày 19-1-1974, ngày 17-2-1979 và ngày 14-3-1988 là ba ngày lịch sử cần được chính phủ Việt Nam công khai tuyên dương và tưởng niệm để khẳng định chủ quyền nước nhà và ý chí chống xâm lăng bất khuất theo truyền thống của dân tộc ta. Đi ngược lại tinh thần đó là mâu thuẫn với mục đích cuộc chiến "chống Pháp" và "chống Mỹ" mà đảng CSVN luôn hô hào và đã hy sinh hằng triệu sinh mệnh người yêu nước ở cả hai miền.
Viết tại Gia Lai (VN) ngày 14-3-2014
*Nội dung bài viết không nhất thiết phản ảnh quan điểm của RFA.