Người Hoa đầu tư cho giáo dục ra sao?

Du Sinh gửi RFA
2013.11.19
035_pau908591_20-305.jpg Một tư vấn viên giáo dục từ Hoa Kỳ đang tiếp một sinh viên Trung Quốc tại Hội Chợ Giáo Dục Expo Thượng Hải hôm 09/11/2013
AFP photo

Một lần ngồi học bài ở quán cà phê Starbucks, tôi tình cờ nghe được chuyện phụ huynh gốc Hoa bàn về chuyện học hành của con cái họ. Số là hôm đó quán quá đông khách, mà tôi lại lỡ chiếm một cái bàn đôi có bốn ghế nên tôi làm nhiều người ngại ngùng khó xử, trừ ba người trung niên gốc Á Châu tự nhiên kéo ghế rồi sau một cái gật đầu chào.

Để ý thì nghe họ nói tiếng Phổ Thông của Trung Quốc. Lâu nay vốn biết người Hoa và Việt hay nói lớn tiếng nơi công cộng nên tôi cũng chuẩn bị tinh thần, ráng tập trung vào bài vở của mình. Thấy tôi im lặng lại đọc bài viết bài tiếng Anh nên họ cũng bớt ngần ngại, từ đó tha hồ bàn chuyện đại sự là chuẩn bị cho con cái họ vào đại học Mỹ.Số là trong ba người có một người nói tiếng Anh rất giỏi, âm giọng chuẩn Mỹ nên tôi đoán tiếng Tàu của chị yếu vì sanh trưởng ở Mỹ.

Cuộc đàm đạo cũng vì vậy mà chuyển từ tiếng Trung sang tiếng Anh. Lúc này lại có một ông trong nhóm nói tiếng Anh yếu, chắc là từ Châu Á qua. Họ say sưa nói về những cái tên trường mà tui không khỏi giật mình vì độ nổi tiếng quốc tế của nó, nào là Harvard, Yale, Princeton, Purdue và đại học Chicago, nơi Giáo Sư Ngô Bảo Châu đang giảng dạy và nghiên cứu. Họ nói về những khóa luyện thi SAT (kỳ thi chuẩn đầu vào cho sinh viên), về dịch vụ trọn gói của những công ty tư vấn giáo dục cốt chỉ để con cái được nhận vào những trường danh giá này. Đến đây thì tôi hiểu thêm một chút, đoán hai người đàn ông là bạn cũ hay bà con họ hàng, người yếu tiếng Anh hơn là từ Đài Loan.

Tôi cũng nhớ là nhiều tổng thống Đài Loan tốt nghiệp từ Mỹ, đặc biệt là trường Princeton. Trường này có khôi nguyên Nobel là nhà Kinh Tế Học John Nash với Nash Equilibrium hay Game Theory, nhờ bộ phim nổi tiếng 'The Beautiful Mind' do tài tử Russell Crowe đóng nên tôi còn nhớ. Còn người đàn bà kia có lẽ là bà con của một trong hai ông sanh ra ở Mỹ.

Họ say sưa nói về làm thế nào để con cái học lọt vào đại học danh tiếng của Mỹ mà không hề nghe nhắc đến chữ học phí hay tốn kém. Nghe một hồi bỗng thấy tủi thân vì người Hoa ở thế hệ 40-50 này đã có khả năng đầu tư vào giáo dục cho con cái của họ ở mức cao như vậy. Tiền đồ của những sinh viên gốc Hoa này đầy sáng lạng, vì họ đã nghiễm nhiên đi vào chiếu trên của nhân loại với những tấm bằng danh giá, mà theo sau đó là triển vọng có mức lương cao ngất ngưỡng và gia nhập nhóm ưu tú của thế giới, vì những trường này vốn là nơi xuất thân của các tỉ phú và triệu phú. Ngay cả khi họ chưa học xong như Bill Gates.Bỗng tôi nghĩ tới một đứa đồng nghiệp gốc Quảng Đông mới có đứa con trai đầu lòng được vài tháng. Khi đầy tháng đứa bé, nó mua một đồng tiền vàng nặng 1 lượng để đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của gia đình.

Nó nói với tôi là mỗi tháng vợ chồng nó sẽ mua một đồng tiền vàng để làm quỹ đại học cho con trai. Hai vợ chồng nó có thu nhập một tháng trên 10 ngàn USD, nên bỏ ra hai ngàn thì cũng khả thi. Tôi tính nhẩm, nếu mỗi tháng nó mua được một lạng, mỗi năm 12 lạng, 18 năm sau thằng bé có 216 lạng để học đại học, mà đã có hơn 200 lạng vàng chắc học ở Harvard hay Yale quá, chứ trường hạng ở Mỹ đâu có tốn kém nhiều như vậy. Tìm hiểu thêm thông tin về du học sinh Việt ở Mỹ, tôi thấy đài VOA nói rằng: "Một phúc trình công bố hồi đầu tuần này cho biết số sinh viên Việt Nam hiện theo học ở Mỹ là 16.098 người trong niên khóa 2012-2013."

Như vậy là vẫn có hi vọng cho quê hương, vì phát triển Việt Nam sau này không chỉ cần một vài tên tuổi lớn như Ngô Bảo Châu, mà chỉ cần một đội ngũ đồng đều với trình độ trên mức trung bình của thế giới. Nhưng lại nghĩ thêm, mà du học sinh có lối vào dòng chính ở Việt Nam sau này hay không, hay là phải qua cái cổng đảng viên mới cống hiến được. Dân thường không có cửa cống hiến, dù đó là vị giáo sư nổi tiếng như Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.